6. Từ Văn Tổ Tới Văn Miếu

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

g. Nho giáo với lễ gia tiên

Nho giáo chính là một trong những tác giả tiêu biểu nhất trong việc biến đổi ý nghĩa lễ gia tiên từ tâm trạng bái vật đưa vào bình diện tâm linh. Do đó Nho giáo có được một đặc điểm này là đã không bao giờ biến thành một tôn giáo, ít ra như Lão giáo hay Thích giáo. Tuy trong 25 thế kỷ tồn tại có một hai lần người ta đã thử thần thánh hóa Khổng Tử, nhưng đó chỉ là việc của mấy Nho gia hàng thứ, và của một hai triều đại nhằm đầu cơ... Còn lấy đại để mà nói thì Nho giáo chỉ là một nền đạo lý theo nghĩa triết lý và văn học. Ðiều này có thể là một thành công hay thất bại tùy sự đánh giá của mỗi người. Nhưng trong hiện trạng nước nhà nó có thể là giải pháp bên ngoài các tôn giáo để làm chỗ gặp gỡ cho mọi tôn giáo trong nước, khi họ đứng về phương diện làm người cũng như làm công dân.

Ðấy là một lợi điểm mà Tây Âu không có, nên không giải quyết nổi vấn đề đạo lý như vừa nói ở trên. Còn chúng ta thì có, mọi tôn giáo có thể chấp nhận vì Nho giáo không chống đối một tôn giáo nào tuy có một số dị biệt, nhưng không phải dị biệt kiểu nhị nguyên đối kháng nhằm tiêu diệt các tôn giáo khác.

Lý do chính là vì Nho giáo là một nền nhân bản đặc biệt khác hơn các nền nhân bản Tây phương, vì đây là nhân bản tâm linh tức một thứ nhân bản đã vượt đợt chống đối kiểu vô thần, hay là suy phục kiểu hữu thần, nhưng là một nhân bản thái hòa: độc lập mà không cô lập... (xem Nhân Bản, chưong IV).

Tất nhiên điều đó không làm thỏa mãn khắp hết các tôn giáo, nhưng xem vào thực trạng thì có ít gì ba bốn tôn giáo, rồi đàng sau còn cả một khối vô thần... thì đấy là con đường tích cực thứ ba mở ra để giàn hòa: đưa ra một số nguyên lý tối thiểu để có thể làm chỗ y cứ cho mặt trận của mọi con dân trong nước thuộc bất cứ tôn giáo nào hay cả không tôn giáo.

Với các tôn giáo thì điểm đầu tiên trong triết lý Nho là mọi tôn giáo được quyền tồn tại, lẽ tất nhiên bao lâu không ngăn trở an ninh công cộng hay xâm phạm đến quyền tự do người khác. Ðó là điểm tiêu cực.

Ngoài ra xét về tích cực, thì các tôn giáo sẽ dễ đồng ý chấp nhận câu "dục tu tiên đạo, tiên tu nhân đạo; Nhân đạo bất thành, tiên đạo tắc hĩ". Tha hồ muốn làm Thánh, Thần, Tiên, Phật chi cũng đặng hết, nhưng bước đầu tiên phải làm người đã. Ðiều này ai cũng có thể công nhận, kể cả người Cộng sản. Vì Karl Marx cũng chỉ nhắm có bấy nhiêu nên nói "làm người mới khó chứ làm thánh dễ ợt". Hợp với nhau điểm này đã là then chốt.

Bước thứ hai "là tâm linh" thì có lẽ người Cộng sản không chịu đi thêm nữa, ít ra bao lâu họ chưa chấp nhận phân tâm học. Vì tâm linh đông phương với phân tâm cũng một chiều hướng, chỉ khác có phương thế mà thôi. Nhưng về phía các tôn giáo thì nói chung chắc đều chịu cả: vì chủ trương then chốt của nó chỉ có thế này: là mỗi người ngoài cái đời sống sinh lý của cuộc mưu sinh, còn có một đời sống tâm linh thuộc thành nhơn, mà sứ mạng là trở nên con người toàn diện cho hết cái cỡ nảy nở của tính bản nhiên con người. Nho giáo chủ trương có thế. Các tôn giáo cũng không chủ trương khác, nhưng chỉ khác nhau về những phương thế và niềm tin... thì cái đó nhân danh cuộc sống chung của mọi công dân trong nước xin mỗi tôn giáo giữ lại trong phạm vi tôn giáo, đừng một tôn giáo nào đưa yêu sách này nọ kia khác có lợi cho tôn giáo của mình, để chính quyền được thư thái tâm trí mà lo cho ích chung. Mà chung có nghĩa là ai cũng được hưởng. Nói nghe lẩn thẩn - chung thì ai không thế - nhưng trong thực tế hễ nói đến chung thì có nghĩa là chẳng nhóm nào chú ý đến hết, y như hễ là chung thì là mất rồi, vào tay tụi nó rồi...

Ðiểm thứ ba là một hệ luận của hai chữ Tâm Linh, đó là Thái hòa có nghĩa là hòa trời, hòa đất, hòa người. Nói tới trời đất thoạt nghe tưởng là chuyện viễn vông, kỳ thực nếu không hòa nổi Trời Ðất thì con người cũng hết cách hòa với nhau được. Ðó thật là một điều kỳ lạ: con người với thân dài lắm thì hai mét là hết cỡ, vậy mà 25 thế kỷ triết lý chứng minh rằng không biết được Trời với Ðất thì cũng không biết được người, và sự không biết đó cuối cùng đổ nợ lên đầu cổ con người. Thế mới thật là oái oăm (xem quyển Nhân Bản).

Ðó là đại cương nền móng triết lý Nho giáo nguyên thủy, gồm trong 4 chữ "Nhân Bản Tâm Linh" do đó có tính chất thái hòa được trình bày trong Kinh Dịch, hoặc tóm vào hai sách Ðại Học và Trung Dung. Tuy đó là những sách tí hon nhưng đủ để khởi hứng cho chúng ta kiến tạo một nền triết lý mới gồm đủ những đức tính dân tộc, nhân bản và khoa học, một nền triết lý có nét quán thông xâu được mọi tiến bộ của nhân loại trong 20 thế kỷ vừa qua, một nền triết lý dành chỗ đứng cho hết mọi ý kiến, mọi sự việc, mọi biến cố trong trần gian, một triết lý đầy yêu thương, ái kính, tràn ngập tư tưởng như đủ sức chở cả núi non, tát cạn khơi bể, một triết lý dám sống dám chết, dám khóc, dám cười, một nền triết lý tràn ngập hăng say yêu đời... một nền triết lý có khả năng móc nối phái tân học lại với cựu học, cho văn hóa của thị dân, và như thế tìm ra được cả một mảnh đất đứng chung cho trí thức và không trí thức, cho giới lao động cũng như lao tâm, tuy vì sự chuyên biệt có xa gần khác nhau, nhưng nền móng vẫn là một.

Thiết tưởng bấy nhiêu đủ để chúng ta chấp nhận Nho giáo làm lá cờ hướng dẫn văn hóa của nước ta.

 

Saigòn ngày 25/03/1967

Rev. Lương Kim Ðịnh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page