6. Từ Văn Tổ Tới Văn Miếu

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

f. Một chút kinh nghiệm nước ngoài

Nước ngoài đây là nước Mỹ, nơi có 256 thứ tôn giáo khác nhau, gây nên rất nhiều khó khăn mà chúng ta cần phải biết tới.

Trong bài tựa quyển đạo đức của nhà triết lý chính trị hữu danh của nước Mỹ là ông Walter Lippman có viết vào năm 1929 như sau:

"Hậu quả của thuyết lý mới về tự do tôn giáo là đặt các giáo phái vào một tình trạng ngoại lệ (anomalous postion). Ở trong công hội với nhau thì họ vẫn khẳng định duy họ mới nắm được chân lý trọn vẹn; nhưng khi đối ngọai với các giáo phái khác hay với chính quyền thì họ giảng và thi hành khoan dung. Thế mà sự phân lìa giáo hội với chính quyền không phải chỉ gặp có một sự khó khăn về lý luận như thế thôi đâu, nó bao hàm một sự khó khăn về tâm lý còn sâu xa hơn cho phần tử các giáo phái. Bởi vì đứng về phương diện tìm hiểu thì họ không chút chi ngần ngại tin rằng tôn giáo họ theo là con đường cứu rỗi chân thực, vì không thế thì hóa ra những biệt phái kia cũng có lý mất rồi. Nhưng xét là công dân thì họ lại phải giữ trung lập đối với lời tuyên bố của mọi giáo phái, và chống cự lại mọi sự lấn chấn của giáo phái này lên giáo phái nọ. Và đó là giải pháp tốt nhất mà sự khôn ngoan loài người đã tìm ra được, nhưng hậu quả không thể tránh được là người ta chỉ bênh vực lòng khoan dung cách hời hợt, để rồi bỏ qua coi thường vì thực là một sự khó khăn khi trong thực tế hằng ngày phải xử với mọi giáo phái khác như nhau, mà còn có thể tin tưởng bền vững vào một giáo phái nào".

"Tâm hồn con người không thể chia nhiều ngăn, để rồi ngăn này thì tín ngưỡng sâu xa, còn ngăn kia thì giữ trung lập. Sự có nhiều giáo phái, và không có phái nào nắm được độc quyền, cũng như thói quen ở trung lập sẽ dẫn tới chỗ giảm bớt lòng tin... Vì thế bất kỳ tôn giáo nào lúc được thịnh đạt cũng cho mình là có tính cách tuyệt đối phổ biến, và trở nên bất tương dung. Và sự phạt vạ rút phép thông công là cả một bản án nặng nề, nhưng khi một nước có nhiều tôn giáo, và vì hoàn cảnh bó buộc phải chịu đựng nhau thì lúc đó rút phép thông công trở thành vô hiệu".

"Nhưng nếu các giáo phái không bó buộc phải chịu nhịn nhau, thì họ sẽ từ chối chấp nhận nền giáo dục công cộng vì các trường nhà nước không được đề cập đến vấn đề tôn giáo trong lịch sử hay những khoa học có liên hệ đến tôn giáo. Dĩ nhiên, các giáo hội phải chấp nhận điều đó vì không thể làm khác. Người Tin Lành không chịu cho nhà trường dạy tín điều nào của Công Giáo. Ngườ theo nền tảng (Fundamentalistes) không chịu được những tín điều của Tân Phái (Modernistes). Vì thế mà bất đắc dĩ phải cho trung lập là giải pháp đừng chẳng được, chứ trong thâm tâm chẳng ai muốn rằng vấn đề tôn giáo không có trong việc giáo huấn con em. Vì thế giáo phái nào mạnh đủ thì kiểm soát trường công, hoặc lập tư thục như Công Giáo và Lutherans đã làm, hoặc bắt trường công phải theo ý mình như Nền-tảng-phái ở những nơi họ thắng phiếu như tại Tennessee. Lúc đó các giáo phái khác khiếu nại là họ phải đóng tiền vào những trường mà lương tâm họ không cho phép gửi con vào đấy".

"Còn nếu có trung lập thì cũng chỉ là ngoài mặt. Những khoa nhân văn lịch sử thì thường được dạy theo quan điểm của Tin Lành che đậy cách khéo. Ðến những khoa học thực nghiệm thì dễ, nhưng cũng có những giáo sư lái vào thần học của mình..., cũng có giáo sư Công Giáo giảng sử theo cái nhìn của Công Giáo. Kết quả vẫn là làm yếu thêm lòng tin tưởng con em đối với nền tín ngưỡng của cha ông. Vì chúng cảm thấy lòng ái quốc đòi không được chú trọng đến niềm tin cho bằng lương tri và tình huynh đệ, tức là không nên tuyệt đối hóa... Các nhà lãnh đạo tôn giáo ý thức nguy cơ đó, nên đã làm rất nhiều kiến nghị... Chính quyền cũng đồng ý khi nói đến mối nguy cơ của những người vô tín ngưỡng nên yêu cầu các tôn giáo lại và đưa ra một Thượng Ðế không thuộc riêng giáo phái nào để thờ chung, và một số đoạn thánh kinh không bị tranh luận để làm sách giáo khoa. Nhưng mỗi khi đề cập đến bản tính một Thiên Chúa trung lập, và một ấn bản thập giới không bị tranh luận... thì lôi đình sấm sét liền nổi lên như dưới chân núi Sinai xưa, lúc tuyên dương 10 giới răn vậy..., và chẳng bao giờ các nhà lãnh đạo tôn giáo đi tới sự đồng ý" (The Essential, Lippman, 434). nên cứ tiếp tục tình trạng trung lập hoài.

Hậu quả là ngoài mặt thì trung lập, mà bên trong là một sự đấu tranh ngấm ngầm với hai hậu quả tai hại cả cho đạo lẫn đời.

Về phía đạo thì lòng tin tưởng càng ngày càng yếu dần, một học sinh làm bài triết thí dụ phải tập nói sao cho ông chấm bài là Công Giáo hay Tin Lành cũng không đến nổi đánh rớt vì vô ý ghé bên này hay bên nọ, tức là phải lo cho cái phụ nhiều hơn cái chính.

Còn phía dân nước thì thiếu một niềm tin chung, mỗi người đi mỗi ngả nên cũng giống như Âu Châu bị lâm vào bệnh mất trí nhớ công cộng (When they come apart, as they have in the Western democracies, the resuit is tantamount to a kind of collective amnesia. Ess, Lippman 183). Bó buộc phải mất trí nhớ vì khi nhớ tới dĩ vãng thì lại gặp những yếu tố gây chia rẽ nên cố tránh, nhưng tránh thì y cứ vào đâu để tìm ra nguyên lý nền tảng. Và từ ít thế hệ cuối cùng, tất cả nhửng nhà tư tưởng chính trị đều hướng mũi dùi vào việc đòi quyền lợi cho nhóm này nhóm nọ (Lipp. 8) với đầy những mâu thuẫn lộn xộn, đầy tính chất phá hoại xấu xa. (The dogm of majority rule contains within it some sort of deep and destructive confusion. Lipp. 8).

Không còn một ai vươn lên khỏi cảnh hỗn mang chi sơ để đưa ra nổi một cái nhìn cai quát hướng dẫn, và vì thế có gọi là dân tộc là quê hương thì cũng chỉ còn lại có cái xác, chứ hồn chết rồi. Nếu không có vũ trụ nhân sinh quan thì hồn làm sao sống mà chả chết, như sử gia Addams nói: "without a vision men shall die. We have begun to realize in these days how close we have come to separating the coming generation from its heritage in the American past... how dangerously close we have come to being a people who inhabit the land with their bodies without possessing it in their souls. (Lipp. 266). Không có cái nhìn bao la đủ thiết lập một đạo sống thì con người sẽ chết.

"Chúng ta đã nhận ra là càng ngày chúng ta càng ly cách các thế hệ đang lên xa khỏi khối di sản của Mỹ châu... Nguy ngập biết bao khi chúng ta đang trở nên những dân chỉ còn ở lại trong đất có cái xác, còn hồn đã bay đi đâu mất rồi!..."

Ðó là mối lo ngại của các nước giầu mạnh hơn ta có cả 50 lần với một kinh nghiệm thâm hậu về chiến tranh tôn giáo... nên rất đáng cho những miền hậu tiến như nước ta phảisuy nghĩ biết mấy. Trước đây hai ba năm nếu không có quân đội Ðồng Minh thì chắc Cộng sản đã vào xử kiện hộ cuộc đấu tranh tôn giáo và đã giải quyết giùm.

Có thể hỏi rằng tại sao không đưa ra một đạo lý công dân. Thưa đó chính là sự cố gắng của mọi triết gia kể từ thời phục hưng tới nay: tất cả nhiều hay ít đều muốn kiến tạo một nền nhân bản để làm cơ sở cho một nền luân lý độc lập. Và tất cả thất bại như chúng tôi đã chứng minh trong quyển Nhân Bản (bài Ðịa khởi). Lý do là vì không ai thoát ra một nhân bản phục tùng Thượng Ðế thì lập tức bị phía vô thần tấn công. Rồi phía vô thần lại đem ra một nền nhân bản chống Thượng Ðế và bị bên kia đả lại. Và như vậy lại là đưa đấu tranh tôn giáo vào trong triết lý, và ta gọi tắt là chiến tranh ý hệ.

Tóm lại: nếu đưa tôn giáo làm kim chỉ nam thì không sao giàn hòa nổi, được lòng giáo phái này thì mất lòng giáo phái kia. Còn nếu không dạy tôn giáo thì tư nhân cũng như xã hội trở nên chiếc thuyền không lái và con người sẽ trở thành không phẩm tính, lang thang giữa lòng đất tổ như những cô hồn không nơi cư ngụ. Thấy mối nguy ngập đó chính quyền xin các tôn giáo thuận với nhau đề ra một số tín điều chung thì các tôn giáo không sao đi đến thỏa thuận để thực hiện nổi... Và cuối cùng thì phải chịu sự "dữ nhỏ hơn": le moindre mal, là trở lại với trung lập tiêu cực (tức là rửng rưng: neutralité par indifférence). Vì không ai đưa ra nổi một thuyết trung lập tích cực xây trên một nền nhân bản trung hòa.

Ðó là cái vòng lẩn quẩn của Âu Mỹ. Các nước Á Phi vì đang mãi miết tranh thủ độc lập và lo đuổi kịp đà tiến kỹ thuật, chưa nhận ra trạng huống bi thảm kia, nên nhào vô theo sát Âu Mỹ trên con đường dẫn tới những người không phẩm tính, không niềm tin, không một lý tưởng để hăng say với... Có cần chúng ta phải theo Âu Mỹ trong vấn đề này chăng? Hầu chắc trong lý thuyết không một ai bảo phải theo. Nhưng trong thực tế thì chúng ta đang chạy miết theo trào lưu Âu Mỹ. Âu Mỹ đã có nền kinh tế mạnh, tập quán chính trị vững và một kinh nghiệm lâu dài về các cuộc xung đột chiến tranh tôn giáo, nên đủ ý thức để tránh né, để khỏi rơi lại vào thảm kịch chiến tranh ý hệ. Ba điều kiện trên nước ta chưa đạt nên dễ đi vào thảm khốc như kinh nghiệm hãi hùng của 3 năm tiếp sau cuộc đảo chính 1-11-1963. Trong quãng đó ta thấy ý thức dân tộc trụt thấp xuống như thung lũng cho các núi tôn giáo vươn lên bằng gậy, bằng búa, bằng vỏ chai la ve, bốc cao lên bầu khí hận thù, chia rẽ, lọc lừa phe cánh: đánh đổ hết chính phủ này đến chính phủ khác, gây nên biết bao lo âu xáo động làm tan biến mất những ngày sống tương đối an vui.

Từ cơn ác mộng ba năm đó ước ao đồng bào ta rút ra được kinh nghiệm để thiết lập nên một tập thể quốc gia thuần túy bên ngoài mọi tôn giáo. Cho được vậy cần phải có một mặt trận văn hóa y cứ trọn vẹn trên dân tộc và nhân bản. Trong viễn tượng đó chúng ta thấy Nho giáo có thể dùng làm nền móng, và lễ gia tiên dùng làm biểu tượng kính tôn.

 

Saigòn ngày 25/03/1967

Rev. Lương Kim Ðịnh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page