6. Từ Văn Tổ Tới Văn Miếu
by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
e. Vạn thế sư biểu
Bây giờ chúng ta bàn tới yếu tố thứ ba trong Văn Miếu là Khổng Tử.
Mấy năm trước đây khi cháu 77 đời của Khổng Tử đến thăm nước Việt Nam thì được vị khoa trưởng Ðại Học Văn Khoa Saigon lúc đó đón nhận bằng câu: "Ở đây chúng tôi không thờ Khổng Tử đâu nhé". Cái đó dễ biết cần chi phải tuyên bố một cách sống sượng như thế. Này nhá:
Hội Khổng Học được một căn nhà lúp xúp ở góc nghĩa địa tây; có nghĩa là hết thời rồi nên chôn đi.
Tên của Khổng Tử được đem đặt cho một cái phố "nằm co" dưới Chợ Lớn, có nghĩa là ông đồ ông cống cũng nằm co và nghĩa sau là người của các Chú thì trả lại cho các Chú đem tuột xuống Chợ Lớn để đợi tàu về Ðài Loan. Tuy minh nhiên không nghĩ thế: nhưng tiềm thức thì là thế. Chỉ cần xem qua các sách viết ra từ ba bốn chục năm nay liền thấy hầu không mấy quyển là không chửi Khổng Tử, thóa mạ Nho giáo... Bấy nhiêu nói quá đủ là ở đây không thờ Khổng Tử. Nhưng không thờ sao lại mừng lễ khánh đản của ông và chấp nhận danh xưng là "vạn thế sư biểu". Câu thưa nằm trong bức hí họa của Phạm Tăng đăng trong một số báo Tự Do đời ông Diệm. Nhân ngày lễ Khổng Tử: về một người trèo thang treo bức ảnh Khổng Tử lộn ngược, ở dưới một cữ đồ nho hỏi: "ê này chú! không thấy là bức ảnh treo ngược sao?" Chú nào đấy? Thưa phải kể từ chính phủ trở xuống, tất cả là đóng kịch nghĩa là làm ngược hẳn lại với tinh thần Nho giáo là Thành Tín. Nhưng có học có hiểu đâu mà thành với tín, và chính vì thế mà không biết mình treo ngược. Thành thử có lễ đó thì cũng phải vác mặt đến, chả nhẽ bỏ đi. Thôi thì cứ giữ lại đã sao? Thưa rằng có lắm. Vì đó là một việc có tính cách lễ nghi, nếu không thấy được lý do đáng làm thì bỏ tuột đi là hơn, tránh được cái lưu tệ làm cho qua lần. Còn nếu không bỏ đi được thì nên làm một cách có nội dung: chẳng hạn cho dịch Ngũ kinh và một số sách danh nho như Tuân Tử, Chu Hi, Vương Dương Minh... ra tiếng Việt, thì còn quan trọng hơn là mừng ngày Khánh đản của Khổng Tử nhiều. Vì lẽ chỉ là nghi thức, kinh điển mới là nội dung. Bỏ nội dung mà duy trì nghi thức thì gọi là đóng kịch.
Tôi thiết nghĩ không cần phải đóng kịch, mà vẫn duy trì được sự tôn kính Khổng Tử. Bởi vì không kể lý do đã được tiên tổ nhận lâu đời mà đến ngày nay cũng vẫn đáng cho ta tôn làm thầy. Bởi vì ông là một hiền triết dạy một nền nhân bản tinh tuyền nhất, cũng như dạy phương thức sống cuộc đời xứng đáng nhân chủ nhất, bao gồm khắp hết mọi người, nên về mặt văn hóa ông cũng như một số người họa hiếm trong nhân loại đã trở thành người siêu quốc gia, có những lời thiết cận đến thân tâm của con người bất kỳ thuộc khu vực nào, thời đại nào. Dẫu ngày nay tại Âu châu thế giá ông suy giảm đối với thế kỷ 18 và thường bị hạ bệ, thế mà vẫn có những học giả thành khẩn sùng mộ: một Granet, một Creel, một Rygaloff. Và quyển Confucius của Etiemble ra đời phải tái bản ba lần tới 22 ngàn số! Rồi sau đó đã dịch ra tiếng Ý và mới cho vào collection idées, thì như thế là vượt rất xa với sự dự trù của tác giả, cũng như là rất nhiều đối với sách triết khi so sánh với Sartre cũng có chừng 20 ngàn độc giả. Cho nên ông Etiemble kết luận: Khổng Tử chưa phải là đã chết. (Etiemble, 90. Connaisuez vous la Chine?)
Xét riêng về nước ta từ ngày lơ là với Nho giáo để đi cầu học với các ông thầy khác thì chúng ta chỉ học thêm được những cái tài khéo thuộc từng bộ phận: tài ăn nói, tài lý luận, tài viết văn, tài ngoại giao, tài chính trị... Nhưng về tài sống, tài tổ chức cuộc sống cho có ngoại nội cân đối thì vẫn còn thiếu. Mà vì thiếu sự cân đối đó, nên ta thiếu nhất quán, thiếu tổng hợp, và cuối cùng phải kể là nhiều thầy thối ma: nghĩa là thối nát trong hành chánh, nát bét như tương trong chính trị, phân hóa tinh thần đoàn kết quốc gia, nhân cách tầm thường, tiết tháo hầu như biến sạch, giáo dục xuống dốc văn nghệ quay cuồng. Tóm lại là cuộc sống chúng ta bày ra một lỗ trống mà không ông thầy mới nào lấp đầy cho được. Ðiều đó có lẽ không ai chối cãi và do đó không dám dứt khoát với ông thầy cũ: cứ kỷ niệm lễ Khổng Tử và cũng cứ miệt thị Khổng Nho. Cuối cùng đó lại cũng là một biểu lộ của chứng tâm trí tán loạn tuy chưa đến nỗi điên, nhưng cũng đã đủ rút hết mức độ nghị lực và sáng suốt cần để quyết định lấy một đường hướng. Sở dĩ ít người chịu nhận tình trạng này vì bị thôi miên bởi mấy danh từ khai phóng và tự do, hầu hết bị hiểu theo nghĩa tiêu cực. Và cứ thế mà kéo dài nếp sống của những con người không phẩm tính, không bến bờ, không một nơi nào để hướng tới.
Nếu hiểu tự do và khai phóng theo nghĩa tích cực thì chúng ta sẽ thấy Khổng Tử là một trong những người rất họa hiếm hội được đủ điều kiện của một ông thầy lý tưởng như nền tâm lý hiện đại đề ra: Theo đó thì chỉ là lý tưởng những ông thầy nào dạy cho môn sinh biết trông vào sức mạnh "to rely only on his own strengh" (Eric From, 124). Cái lý tưởng của phân tâm đó thực ra chỉ là quảng diễn cái bổn gốc của Nho giáo là "chí trung" mà trung là không cậy dựa = "trung lập nhi bất ỷ: cường tai kiểu". Ðó là cốt yếu những bài học dạy học của ông. Ðừng đem những câu của Hán học như "trung thần bất nhị sự quân", hay "quân sử thần tử, thần bất tử bất trung" (1) mà gán vào miệng ông. Làm thế là thiếu óc khoa học. Cha ông ta tuy về phê bình chưa đạt cao lắm nhưng không để cho những câu tầm gửi kiểu trên làm thui chột chí bất khuất. Tinh thần bất khuất của nước ta phần lớn được học với Tây âu cùng khắp mà vẫn khó lòng bì kị. Vì ngoài một số tiến bộ về cơ khí ra, thì trong các điểm khác đã chắc gì là chúng ta vượt qua các cụ xưa. Ngày về văn chương ta đã chửi người xưa chán mồm mà hỏi đã qua mặt nổi một Nguyễn Du, một Hồ Xuân Hương chưa? Phương chi về chí khí, về tiết tháo, về trung trực, liêm sĩ, đạo làm người!
Trở lên là nói đến lý tưởng chung và thuộc đời xưa Bây giờ chúng ta xét xem Nho giáo có còn giúp cho nước ta được điểm nào trong giai đoạn khó khăn hiện đại chăng? Tôi nghĩ là có: đó là sự thống nhất tâm trí mà chúng ta xét tới trong các triệt sau.
Chú Thích:
(1) Câu này chính của Thái Tử Phù Tô nói khi nhận lệnh cha là Tần Thủy Hoàng bắt phải chết do Lý Tư ngụy tạo. Tướng Mông Diêm đề nghị đem quân về kinh để xem có thực sắc do Tần Hoàng nhưng Thái Tử cản lại bằng câu nói: "quân sử thần tử thần bất tử bất trung, Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu". Câu này đã được Hán nho đưa ra làm nguyên tắc cho ngu trung ngụy hiếu.
Saigòn ngày 25/03/1967
Rev. Lương Kim Ðịnh