6. Từ Văn Tổ Tới Văn Miếu

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

d. Vấn đề Linh ngữ Linh tự

Bây giờ chúng ta bàn đến khía cạnh khác của Nho giáo là tính chất linh ngữ linh tự: langue sacrée, écriture sacrée.

Nền văn minh nào hễ đã trường tồn thì cũng phải có một ngôn ngữ riêng để nói lên yếu tố trường hằng của nó. Ðời sống của nền văn hóa đó kéo dài lâu hay mau là tùy thuộc những công lao vun tưới yếu tố thường hằng này. Ðược vun tưới thì Ðất Tổ dẫu bị xâm lăng, dân con dẫu bị tống khứ ra khỏi đất nước như dân Do Thái chẳng hạn, họ vẫn liên kết thành một dân tộc vì họ có linh tự linh ngữ, họ có Thánh Kinh. Thánh Kinh là quê hương bỏ túi của họ. La Bible est leur partie de poche. Còn khi không duy trì nổi linh tự, như dân Egypte, thì dầu sống trên đất tổ nhưng đã trở thành xa lạ với tất cả di sản thiêng liêng của cha ông trối lại qua lịch sử, khoa học, tôn giáo nên trở thành những người cô đơn, bị cảnh lưu đày ngay trên đất Mẹ: bởi đã đánh mất linh ngữ nên cũng mất lợi khi thông giao với hồn tiên tổ. "Etrangers à tout ce qui fut leur histoire, leur science, leur religion, ce sont des exilés, des étrangers sur leur terre", như Etiemble nói về người Coptes, tức dân Ai cập quên linh tự. Mất linh tự là đánh mất khí cụ tối hảo để thống nhất thế hệ ngày nay với các thế hệ xa xưa. Ðây là sự thống nhất đưa lại cho tinh thần yêu nước một nét vững mạnh thiết tha. Do lẽ đó mà linh ngữ cũng gọi là yếu tố hàng dọc hay là Kinh, đi song song với sinh ngữ ví như đường Vỹ là cái gì năng biến động vì là tiếng nói thông dụng thay đổi mỗi thời một ít, nên các thế hệ sau không hiểu thế hệ trước, như người Việt Nam tản cư sang Thái Lan còn nói một thứ tiếng việt cách đây trăm năm, nay có gặp người đồng hương thì không hiểu nữa. Tiếng nói của Ðinh Bộ Lĩnh chắc là chúng ta không thể hiểu nổi vì cứ trải qua một số thế hệ thì tiếng nói cũng đổi hầu hết. Do đó các thế hệ phải thông giao nhau bằng linh ngữ linh tự bất biến, và chỉ có sự giải thích kinh điển là biến đổi theo cảm quan mỗi giai đoạn, còn linh ngữ vẫn trường tồn. Linh ngữ là Kinh còn tiếng nói thông thường là Vỹ. Một nền văn hóa càng vững mạnh thì yếu tố kinh càng cao sâu, cũng như yếu tố vỹ càng lan rộng. Vun tưới yếu tố kinh bằng linh ngữ. Vun tưới yếu tố vỹ bằng sinh ngữ. Linh ngữ cũng giống tử ngữ vì có kinh điển tức là sách có nội dung minh triết là cái bất hủ. Tử ngữ chỉ có sách cổ điển như trường hợp La Mã và Hy lạp. Sách cổ điển tương đương với truyện (Kinh sử tử truyện) tiếng tây kêu là litérature, không phải văn chương nhưng là những sách bàn rộng về kinh điển. La Hi mất kinh điển, chỉ còn sót lại vài trăm câu rải rác mà người ta đang cố thâu thập lại, nó thuộc giai đoạn tiền Socrate. Từ Socrate kể là đứt liên lạc với truyền thống (xem lại bài Truyền Thống) nên mất kinh chỉ còn có truyện và do đó chỉ là từ ngữ mà không có linh ngữ. Linh ngữ chỉ còn trong Kitô giáo, cũng như trong một số tôn giáo khác (xem Les livres sacrés de l'humanité của Braden Payot). Trên bình diện triết chỉ có Ấn độ với Viễn đông là còn linh ngữ thống nhất: Ấn độ là Sanskrit, Viễn đông là chữ Nho. Gọi là linh ngữ vì nó có tính cách huy động tâm hồn như sinh ngữ, nhưng linh ngữ tác động trên bình diện cao hơn nhiều. Tử ngữ chỉ là tiếng nói của hàn lâm và viện khảo cổ. Sinh ngữ là tiếng nói thực hành của sinh hoạt hằng ngày của chính trị, thương mại, ngoại giao, khoa học... Và chúng ta phải dùng sinh ngữ để bàn về từ ngữ hay linh ngữ nhưng có sự khác nhau là tử ngử thâu vào những kiến thức, những sự kiện đã lỗi thời, nhưng cần ghi lại làm dấu tích, làm tài liệu cho sử sách. Còn sinh ngữ cần cho đời sống thông thường cho cái sống ăn làm hay các khoa học, kiến thức đương thời, nó là tiếng nói chung cho cả toàn dân. Còn linh ngữ chỉ cần cho những nhà chuyên môn về văn hóa, họ có bổn phận thấm nhuần tinh thần bất hủ của linh ngữ để bơm chất sinh động vào cuộc sống hằng ngày cho nó khỏi chết lịm dưới cáu bụi phàm tục.

Nước ta thuộc Viễn Ðông có liên hệ với hai đại gia đình văn hóa khác là Ấn độ và Tây âu. Cả ba đều đang thiếu một tổng hợp mới để làm chủ đạo và cả ba đang đi tìm. Nếu ta hỏi xem trong ba đại gia đình văn hóa này, nền nào sẽ đạt tổng hợp trước, thì câu thưa sẽ lúng túng vì mỗi nền có cái hay riêng của nó. Trong khi chờ thời gian trả lời chúng ta cần biết đến các loại may mắn đó.

Cái may của Âu châu nằm trong hàng vĩ: khoa học tiến vượt bực bỏ xa lại sau cả Ấn độ cũng như Viễn đông, do đó có sự phồn thịnh là điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển văn hóa, nhưng lại yếu ở mặt linh ngữ linh tự. Bởi có tới ba gốc Hi Lạp, Roma, Do thái, ấy là chưa kể một số người cố gắng phục hưng tiếng Celte và Têuton, Slave... Do đó nếu nói Âu châu không có linh tự, thì không sai lắm.

Trái lại cái may của Á Châu nằm trong chỗ có linh ngữ, và cho tới nay linh ngữ của Ấn độ tỏ ra mạnh hơn của Viễn đông, nên đã có những tổng hợp ít ra ở đợt tiền hô, như của Aurobindo; đang khi Viễn đông hầu chưa có gì đáng gọi là tổng hợp. Ðã thế linh ngữ lại đang bị phế bỏ. Nhất là từ quãng 1920 nhóm Hồ Thích đưa tiếng Bách Thoại vào thay linh ngữ. Người ta đã ca ngợi việc đó như là một đóng góp lớn của Hồ Thích vào nền văn học Trung Quốc. Ðó là lối nói của thời đại chỉ biết chú trọng cái hiện tiền mà quên cái trường cửu. Nếu xét về mặt tinh thần thì việc của Hồ Thích là một bước lùi đi trật ra khỏi linh ngữ. Ở đây tưởng nên nhận định điều này: nhiều người bảo chữ Nho là của Tàu thì trúng mà chưa đủ; nghĩa là chữ Nho không những của Tàu mà còn là của Hán, Nhật, Mông, Mãn, Việt... Còn tiếng nói riêng củaTàu là tiếng Quan hỏa, Quảng Ðông, Quảng Tây, Thiềm Tây, Tân Cương; y như Nhật, Hán, Mông Mãn, Việt; mỗi miền có tiếng nói riêng của mình vậy. Còn linh ngữ là của chung... mỗi dân đọc mỗi lối, nhưng chữ viết y như nhau, nên có thể hiểu được nhau trong đại gia đình văn hóa khi cả hai bên dùng linh ngữ. Vì dụ nếu người Nhật dùng chữ Nho theo lối kinh truyện với người Việt thì hai bên hiểu như thường. Ðó là chỗ lợi hại nhất của linh ngữ Viễn Ðông, ở chỗ cả đến chữ tượng hình cũng có tính cách phổ biến nên có thể đáp ứng một nhu cầu của nhân loại tức là cần có một hệ thống biểu tượng ý tưởng chung cho cả thế giới, y như hệ thống toán số hiện nay: chỉ cần viết lên số 3 người Pháp đọc là trois, ta đọc là ba... Ðọc khác nhau mà vẫn hiểu khi xem mặt chữ số.

Ðó là điều thế giới đại học giả đang mong cầu và một số triết học gia như Leibniz đã khởi hứng từ chữ Nho nhất là Kinh Dịch đưa ra hệ thống luân lý lối toán học dùng biểu tượng thay lời. Tuy nhiên không thấy có may mắn nào để thành công vì không kinh điển và thiếu tế vi tính, không mang theo một niềm tin, một bầu khí văn hóa đủ làm hứng khởi nảy sinh ý tưởng. Cho nên cuối cùng hầu hết các nhà nghiên cứu khi lưu tâm đến vấn đề chữ Nho đều cho rằng đó là chữ viết có tính cách quốc tế thượng đẳng: l'écriture internationale par excellence. Leibniz. Margouillies, "vì là một lối chữ đẹp nhất, được giồn đúc vào những công thức bất hủ": De toutes les formules de la réalité métaphysique trouvées jusqu'à présent, seules celles des Chinois sont peut-être immortelles. Journal II 58. Trước những đổ vỡ của các nền siêu hình cũ, tác giả hé thấy có cái chi kiên cố lạ trong Nho giáo. Nhiều người phát cáu nói sao cứ đi đặt ra chữ nọ tiếng kia (có ý chỉ Espéranto) mà thực ra chỉ cần bắt học chữ Nho là thế giới có một hệ thống tượng hình đẹp nhất (idéogramme) đã đạt hình thái trọn vẹn không thể bì kịp, unrivaled achievement, mà lại diễn tả được hết mọi tư tưởng dù tế vi, xuyên qua hằng trăm thế hệ, chiếm tới quá một phần tư nhân loại, thế mà lại có rồi, ở bên Viễn Ðông. Cho nên câu kết luận của các nhà nghiên cứu về đạo học Ðông Phương hợp lý và đáng sợ: là tất cả phần còn lại của nhân loại phải học chữ Nho! Already exists in the Far-East. The conclusion of the Oriental is logical and terrible; the rest of the world must learn to write Chinese. Story of Civilisation W. Durant, p. 773.

Tóm lại Âu châu thiếu cả linh ngữ linh tự. Ấn độ có linh ngữ linh tự. Viễn đông cũng thế, nhưng linh tự của Viễn đông còn thêm một giá trị riêng biệt là có thể quốc tế hóa, và sự quốc tế hóa đó nếu có khi nào hiện thực thì sẽ đặt nhân loại trong sự tiếp sức với những kinh điển có một nội dung nhân bản trung thực hơn hết.

Dân tộc Việt Nam nằm trong đại gia đình Nho giáo đó. Và cũng như mọi phần tử của đại gia đình vẫn chưa nhận thức được cái di sản quí báu của đại gia đình văn hóa mình. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong "Hiến chương giáo dục".

 

Saigòn ngày 25/03/1967

Rev. Lương Kim Ðịnh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page