6. Từ Văn Tổ Tới Văn Miếu

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

b. Dân tộc tính là gì?

Hình như cho tới nay chưa ai đưa ra phương thức nào để xác định dân tộc tính, nên tuy có đề cập mà vẫn lộn xộn.

Phương thức có nhiều loại thuộc tâm lý, văn học... ở đây vì đang nhằm áp dụng nguyên tắc chữ Thời, nên chúng tôi dùng phương thức không thời gian. Trước hết chúng ta bàn về không gian hay là bối cảnh văn hóa để xác định xem thế nào là dân tộc tính?

Khổng Tử nói: "Tính tương cận, tập tương viễn". Con người ta xét về tính thì như nhau, khác nhau là do tập tục. Vậy dân tộc tính không nằm trong tính bản nhiên con người. Về điểm đó, Tây, Tàu, Ấn Ðộ đâu cũng là người, cho nên không nên tìm dân tộc tính phía đó. Vì khi nói đến dân tộc tính là nói đến những nét dị biệt đặc trưng, nói đến những cái gì đặc thù gây nên do những điều kiện hạn hẹp của cả không gian lẫn thời gian, nghĩa là do khí hậu, thủy thổ từng khu vực cũng như do những kinh nghiệm khác nhau được tích lũy qua dòng thời gian của lịch sử. Nói cụ thể đó là những phong tục, tập quán, đường lối giáo dục, nội dung sách vở... là những cái nuôi dưỡng tính tình cũng là những yếu tố gây nên các dấu hiệu đặc trưng.

Khi chúng ta giả tưởng như đứng trên đỉnh núi cao nhìn xuống toàn khối nhân loại thì đâu đâu cũng là người. Ðó là tính tương cận. Bước hai: tập tương viễn: là nương theo các tập tục dị biệt để phân ra từng nhóm lớn thì ta thấy có nhóm Tây âu, Ấn độ, Viễn đông, nhóm Hồi Hồi, nhóm Sémite Cận đông... Ðó là những khối lớn, hay là những đại gia đình văn hóa như những cành lớn phát xuất từ một gốc cây là nhân loại. Sau đó mỗi cành lại chia ra nhiều nhánh như Âu châu chia những nhánh La tinh, nhánh Slave, nhánh Anglo-saxon, Ý, Pháp, Iphanho, Bồ đào nha... cành Viễn đông cũng thế chia ra nhiều nhánh nhỏ như Tàu, Nhật, Hàn, Mãn, Mông, Việt...

Ta thử phác họa ra một bản đồ như sau để tạm dùng làm cách xác định dân tộc tính:

Cây dân tộc tính này được rút gọn vào ba nền văn minh: Ấn độ nét dọc chỉ thiên trọng tâm linh, Âu châu nét ngang chỉ thiên trong khoa học thực nghiệm. Viễn đông ở giữa có ngang dọc nhằm tổng hợp có Ấn lẫn Âu.

Trên đây là bản đồ rút gọn để vẽ lấy một ngành của Viễn đông cũng như sau này trong lúc đối chiếu ta cũng chỉ kể tới có Âu tây và Ấn độ. Thứ đến là chỉ lấy có ba chặng chính là A chỉ nhân loại. Cành B là đại gia đình văn hóa hay gọi tắt là khối, rồi đến nhánh C là quốc gia. Vì đây đang ở đợt đại cương chỉ nhằm phác họa mấy nét lớn làm lược đồ, nhường lại cho nhà chuyên môn việc đi vào chi tiết (1).

Bây giờ ta hỏi dân tộc tính khởi từ đâu: A, B hay C?

Sẽ tùy khởi điểm mà có nhiều loại ý kiến. Ðại để thì có ba loại ý kiến. Hai ý kiến cực đoan đối chọi là quốc tế Cộng sản và quốc gia thị tộc. Người Cộng sản chủ trương đại đồng quốc tế nên đốt các giai đoạn gia đình, quốc gia để chú trọng vào có đoạn A tức bản tính đồng nhiên con người. Ý kiến Cộng sản không thể chấp nhận được vì hai chữ nhân loại chỉ là phạm trù trừu tượng, tuy cần thiết trong ngôn ngữ, nhưng trong thực tại không có nội dung tức là không có tính đồng nhiên con người tuyệt đối: hễ đã có người là có trong không gian và thời gian với các điều kiện hạn chế do đó. Cho nên trong thực tế chỉ có người Nga, người Pháp, người Việt chứ không có người... Do đó khi muốn đạt tới người thì bó buộc phải lấy dân tộc làm xuất phát điểm. Ði ngược lại là làm mất nội dung và chỉ còn là truyện duy tâm theo nghĩa tưởng tượng mông lung.

Vì thế cần phải có quốc gia. Phía quốc gia đối kháng cực đoan chống lại với Ðại đồng Cộng sản là quốc gia thị tộc. Người quốc gia thị tộc thì chuyển trọng vào đoạn C tức là nhánh ngang với tâm trạng có mầu bộ lạc dễ đi đến quốc gia bài ngoại. Về mặt văn hóa thì có thâu nhận của quốc tế, nhưng bước bỗng bỏ qua đoạn B là đại gia đình văn hóa. Hậu quả thâm sâu là đánh mất đoạn B là cái cần thiết để móc nối vào A là nhân loại, nên nhân loại của người quốc gia thị tộc tuy có nội dung nhưng đã bị nghèo nàn hóa vì để lọt rất nhiều yếu tố văn hóa và lịch sử tích lũy lắng xuống miền vô thức cộng thông, cho nên dân tộc cũng như Thổ Thần là những kho tàng của miền vô thức quốc gia mà khi bỏ qua sẽ dễ bị rơi vào bệnh quay cuồng, hời hợt. Hiện nay trí thức nước ta đang loay hoay ở 2 đoạn A và C: vì một đàng chuyên thâu thái của Tây phương được coi như quốc tế, một đàng bỏ qua giai đoạn B là đại gia đình văn hóa, nên chẳng đưa ra được cái gì đủ vững chãi làm chủ đạo, vì thế mà lòng đầy tự ti đối với Tây âu, cũng như bị mặc cảm chính trị đối với Tàu, chưa vươn hẳn lên đợt văn hóa siêu quốc gia khiến cho mọi ngành văn hóa đều bế tắc mà cơ sở tinh thần trở nên suy yếu nhất trong các nước thuộc khối văn hóa Viễn đông.

Ðể tìm lối thoát chúng ta cần đưa ra giải đáp loại ba đặt trọng tâm ở B. Làm như thế là theo đúng nguyên tắc không gian tức là lấy điểm phát khởi của sự dị biện khởi từ khối B, nên chú tâm đến điểm B coi đó như nét dọc để một đầu móc nối với C là quốc hồn quốc túy đầu kia nối vào A nhân loại. Như thế là đứng ở thân cây để không mất gốc cũng không lìa ngọn. Ðó cũng là luật thiên nhiên: trước khi tổ hợp thành toàn thể nhân loại, con người phải tổ hợp vào các đoàn thể trung gian bé nhất gia đình rồi xuyên qua ấp xã, quận, tỉnh, nước, khối, đoạn mới tới nhân loại, nên chủ trương B là chủ trương chấp nhận toàn diện: không bỏ qua đoạn nào; vì đó là điều kiện thiết yếu cho có nội dung chân thực và phong phú.

Người Nga cấm dùng trắc nghiệm là chặn đường phát triển những khả năng tư riêng, những cá tính đặc thù để chiếm trọn vẹn tâm trí mỗi cá nhân cho đảng: nên con người tư riêng bị vong thân.

Người Mỹ tôn thờ trắc nghiệm, khuyến khích sự phát riển tài năng đặc thù, cái đó hay cho cá nhân, nhưng cho nước thì thiếu sự cố kết nội khởi, ít ra ở đợt triết lý.

Chúng ta đóng đô tại ngành B dọc là cốt thâu lợi cả hai. Cả những cái gì tư riêng của nước, của dân tộc, bỏ đoạn nào là đánh mất nội dung đoạn đó, mà mất một đoạn là gây thương tổn cho toàn thể, nên chúng ta cần dùng hết để làm bậc tiến lên Tính đồng nhiên con người ở đợt A. Khối văn hóa Viễn đông giầu chất nhân bản sẽ giúp vào việc này rất nhiều. Theo nguyên tắc chỉ thải bỏ cái gì hết hợp thời, cái gì ngăn trở con đường tiến bộ của chúng ta mà thôi.

Trở lên là đại để ít yếu tố cần thiết để hoạch định "bối cảnh tinh thần" "hoạch định cái địa dư linh thiêng của dân tộc". Bây giờ chúng ta thử tìm cách xác định dung tích của dân tộc tính. Cái dung tích này rất phong phú rộng lớn như văn hóa vậy, nghĩa là nó bao gồm cả kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tập quán, phong tục về yêu thương, về sinh sống, giao ngộ v.v... nghĩa là tất cả nhưng gì con người có hơn con vật. Cái đó xác định tính người. Con vật không biết nói, không biết ngâm thơ, không tôn giáo, không làm bộ tịch, không có lễ cheo cưới, mà loài người lại có bấy nhiêu, thì cái đó định tính con người khác với tính vật. Ðem người sánh với vật để phân bờ cõi tính người khác tính vật. Ðó là đợt A. Dân tộc tính khởi từ giai đoạn B của các khối dân tộc thì thường không còn là có với không, là cái gì dễ thấy, nhưng đi vào đợt tế vi hơn là có cách nào. Người Tây có nói, có viết, nhưng đến thể cách thì khởi khác nhau: tiếng Tây đa âm, tiếng Ðông độc âm... Tây viết từ trái qua phải, Ðông viết từ phải qua trái v.v... Từ những cái dễ nhận đó đi đến những cái khó thấy hơn như xã hội Tây âu bất bình sản, ít tự do hơn xã hội Ðông phương (xét từ lối thế kỷ 18 về trước).

Nguyên tắc quan trọng phải giữ để tránh lộn xộn trong vấn đề rất mung lung này là cần giữ "môn đăng hộ đối" trong lúc so đo, nghĩa là phải đem cành so với cành. Thí dụ lễ gia tiên là của chung cành Ðông phương, rồi tưởng nhầm là của riêng Việt Nam, đến lúc khám phá ra bên Tàu cũng có, hơn thế nữa xưa kia đâu đâu cũng có, thì liền lung lay tinh thần dân tộc, cho là không có dân tộc tính, hoặc không xác định. Nếu không có định tắc hoặc áp dụng định tắc không trúng, thì làm sao xác định nổi dân tộc tính. Dân tộc tính có phải là cái chi cụ thể thù lù nằm phơi ra đó đâu, cho nên mới cần những quan sát tế vi.

Bước thứ hai sau cành thì đến nhánh cũng phải giữ như vậy: đem Việt nam so với Tàu là so sánh nhánh với nhánh.

Cần thiết phải so nhánh với nhánh. Về điểm này khỏi nói thì ai cũng thấy sự uyển chuyển cần thiết phải có trong lúc áp dụng. Chẳng hạn như ngay việc đem nước Việt Nam so với nước Tàu đã không chỉnh lắm, vì nước Tàu thực ra là một liên hiệp quốc gồm Mông, Mãn, Hồi, Kim, Di, Ðịch... Tuy nhiên lấy đại để mà bàn thì luật so cành với cành, so nhánh với nhánh là một điều tương đối khách quan, cho nên dù có khó áp dụng cũng cần phải chấp nhận nguyên lý để có chỗ y cứ: khi áp dụng có sai thì cũng còn có tiêu chuẩn để lần ra chỗ sai, tại sao sai.

Hai chữ tính danh quen dùng đi đôi: tính chi nét chung cho cả gia tộc, vì chung nên có phần trừu tượng, còn danh từ chỉ những dấu đặc biệt của mỗi cá nhân, nên cụ thể hơn. Vậy khi ta so Viễn đông với Tây âu là so sánh tính (khó nhận ra hơn) còn so Tàu Nhật với ta là so danh cụ thể hơn phần nào, một thí dụ thông thường cũng là nông nghiệp mà người Tây gieo hạt còn Viễn đông thì cấy mạ. Bên Tàu thì đàn ông cấy, bên Việt Nam hay Nhật Bản thì đàn bà cấy. Tây âu cưới hỏi hầu không cần trung gian. Ngược lại bên Viễn đông thì cần mai mối. Bên Tàu thường là bà Mai, bên ta nói chung là Ông Mai (theo Gourou).

Tây âu không có xã thôn (chỉ có thị xã kiểu Hi lạp) Viễn đông thì có xã thôn. Nay ta đem xã thôn của ta ra so với Tàu, ta sẽ thấy xã thôn Việt Nam giầu tính chất dân chủ hơn ở chỗ bất cứ ai đều có thể làm hương chức trong khi bên Tàu thường là một họ như Trần, Nguyễn, Ðinh.., giữ độc quyền. Ngược lại xét về đàng mở thông thông với thành thị, thì xã thôn Tàu lại hơn ta, vì Tàu chuyên môn thương mại nhiều nên thành phố lớn hơn ta. Tuy nhiên đó là nói về trước khi chưa có ảnh hưởng mới, vì sau đó thì điểm này không còn đúng lắm tuy nhiên vẫn phải chú ý vì khi đi tìm dân tộc tính nên y cứ trên từng quãng 2, 3 ngàn năm chứ không phải trên mấy chục năm.

Ðến đây chúng ta chạm tới yếu tố thời gian rồi. Thời gian gắn liền với không gian nên cần giữ cẩn thận tức là so cổ với cổ, so kim với kim. Vì Viễn đông cũng như toàn thể nhân loại chậm tiến chưa đạt tới thời tân tiến cơ khí nên các nhà so sánh đều nhầm lẫn ở điểm này. Do đó hầu hết những điều gọi là dân tộc tính của Tây âu thực ra chỉ là những đặc tính của tân thời hóa mới có từ một hai thế kỷ (xem lại bài Ðiều chỉnh một số quan niệm lệch lạc về Ðông Tây). Thí dụ câu nói Tây ưa bình đẳng, Ðông ưa giai cấp. Ðó là một điều lầm tưởng trong biết bao điều lầm tưởng khác.

Sự lầm lẫn này là tất nhiên: một là tại mặc cảm tự ti đè nặng trên tâm thức các dân ngoài Âu châu, hai là vì sự khảo cứu hãy còn rất hời hợt, hầu hết đọng lại ở đợt đại khái, mà đã đại khái thì là vu vơ nói mò.

Ðến triệt sau chúng tôi sẽ trở lại yếu tố thời gian dưới khía cạnh Huyền Sử để xác định thêm. Ở đây chỉ nói đại cương mấy nét để minh họa cái tiêu chuẩn không-thời dùng để quy định dân tộc tính, tuy có phần ước định nhưng cũng còn dựa trên luật không-thời nên có được một số tiêu điểm khách quan để xác định những cái hết sức khó xác định.

Căn cứ trên nguyên tắc đó trong khi chúng ta đối chiếu triết học Viễn đông với triết học Tây âu thì đã làm việc về dân tộc tính rồi, đó là so về tính (trừu tượng), khỏi cần chờ nói về truyện Trầu Cau, Tấm Cám mới khám phá dân tộc tính. Ngược lại nếu không đào sâu đến đợt triết thì đó chỉ là truyện cổ tích, cổ tục học.

Về vấn đề nên phát huy dân tộc tính như thế nào thì phải tùy từng trường hợp. Nhưng nếu cần một định hướng thì có thể nói hễ đặc tính nào hợp nhân bản, giúp vào việc khai phóng con người Việt Nam thì nên duy trì và canh tân. Nếu cần phải mượn yếu tố ngoài thì cứ mượn bất cứ từ đâu, bất cứ thuộc thời đại nào. Còn những đặc tính có thể cản bước tiến thì dù đã có lâu đời cũng không nên ngần ngại thải bỏ.

Ðó là đại để mấy nét lớn trình bày sơ lược một tiêu chuẩn để xác định biên cương cũng như phạm vi của dân tộc tính và phương thế định tính cái nội dung của nó. Cần nói ngay rằng có cũng là Văn hóa nhưng khó hơn hai độ: một là phải đối chiếu với văn hóa của một đại gia đình khác, hai là phải có những nhận xét tế vi để nhìn ra những cái phân biệt. Thí dụ nếu học về chế độ phân sản thí dụ thì phải biết các lối phân sản bên Viễn đông, và các lối phân sản bên Tây phương, và khi nhận ra lối phân sản của Tây phương cứng đọng với quan niệm tư sản tuyệt đối thì nguyên nhân tại đâu, lúc ấy cần nhờ tới sự cộng tác của khoa học xã hội (thí dụ xem Vocation actuelle de la Sociologie de Gurvitch), cũng như khoa nhân chủng tộc nó sẽ cung cấp cho ta những lược đồ cơ bản để xếp loại và lúc ấy mới dễ nhận ra sự thật trái ngược rất nhiều với những tin tưởng thông thường hiện nay. Nói qua như thế đủ biết rằng đề cập đến dân tộc tính là nói đến một sự nghiên cứu rất nghiêm túc khó khăn rất nhiều cái học thông thường không có đối chiếu. Và như thế phạm vi dân tộc học lan xa tới hết mọi khoa: bất cứ khoa nào cũng có thể học tự tại, rồi sau học trong đối chiếu.

Trong tập này chỉ hạn vào có lễ gia tiên là 1 trong 4 lễ (quan, hôn, tăng, tế) giầu chất đặc trưng nhất. Và cũng là một thí dụ chưa dám cho là múc cạn vấn đề, những triển khai đến một độ tạm đủ để nói lên những khả năng của khoa dân tộc tính, nếu ai đủ can đảm bước vào sẽ thấy mở ra những miền xa lạ, những khả năng tiềm ẩn còn baola man mác vậy.

Ðó là những việc về sau. Bây giờ chúng ta đi vào yếu tố htời gian theo khía cạnh huyền sử.

 

Chú Thích:

(1) Quyển La terre et l'homme en Extrême Orient của Gou-rou cho khá nhiều chi tiết về địa dư, địa lý, lối cư ngụ... rất tiện cho những ai muốn đi vào dân tộc tính, sau đó đến đợt văn chương và thói tục dân gian (folklore) gặp nhiều trong các sách của ta. Sau cùng phải đi lên nữa bằng tâm lý các miền sâu, tìm hiểu những hình thái về linh tượng và thần thoại hoặc dùng thêm trắc nghiệm gia phả (test généalogique) xuýt xoát loại của Szondi để đi vào cơ cấu tâm linh dân tộc. Chúng tôi hi vọng sẽ có ngày tìm ra giờ đi được vào công trình đó.

 

Saigòn ngày 25/03/1967

Rev. Lương Kim Ðịnh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page