6. Từ Văn Tổ Tới Văn Miếu

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

a. Những ngộ nhận

Văn Miếu là gì? Thưa là Chùa Quạ (Pagode des Corbeaux). Ðó là tên người Pháp thường gọi Văn Miếu với một giọng ít hoặc nhiều khinh miệt, và tất nhiên sự khinh miệt đó lây sang giới trí thức của ta. Giới này tuy chưa khinh thị quá như Tây nhưng hầu hết cũng tỏ ra một sự rẻ rúng hững hờ như một dĩ vãng đã lỗi thời, vì Văn Miếu là đất thánh của Nho giáo, là nơi thờ Khổng Tử với một số nhà nho khoa bảng, thế mà Khổng Tử là người Tàu, chữ Nho của Trung Hoa, toàn những cái gì ngoại lai, hơn thế nữa đã lỗi thời...

Suýt soát đó là những cảm nghĩ lơ mơ của phần đông trí thức nước ta đối với Văn Miếu, nó nói lên sự đoạn tuyệt với dĩ vãng để đi vào con đường hoàn toàn duy tân, nghĩa là hoàn toàn theo Tây. Việc theo Tây hay Nga Mỹ thì ngày nay thật không còn quan trọng. Cho nên chẳng mấy ai lưu tâm lắm đến vấn đề ngoại lai, có chăng là một số trí thức tự ti luôn luôn nhắc nhở kẻo người Việt cứ đi vay mượn của Tàu, làm mất sự tinh tuyền của dân tộc tính. Nhưng dân tộc tính là cái chi thì chưa thấy ai đưa ra tiêu chuẩn để xác định. Cho nên những câu nói chống vay mượn của Tàu hình như chỉ là để át đi việc vay mượn của Tây. Nhưng đã nói vay của Tàu hay của Tây đối với chúng tôi hết quan trọng. Ðiều đáng lưu tâm là các yếu tố vay mượn kia có giúp vào việc giải phóng những con người đang sống trên mảnh đất chữ S này chăng? Sở dĩ phải nhắc tới vì tại sao được vay của Tây mà lại không được vay của Tàu? Tại sao lại có sự bất công có lẽ là vô tình đó? Sự vô tình bất công này bao hàm một bối cảnh rất phiền tạp, mà ở đây chúng ta hãy nói trước hết đến khía cạnh chính trị.

Sự đề phòng nghi kị văn hóa Tàu phát xuất một phần lớn do lòng yêu quê nước, do bản năng tự vệ. Vì dọc dài qua mấy mươi thế kỷ người Tàu luôn luôn có dã tâm thôn tính nước ta, cho đến những thuyết mới nhất như Tam Dân của Tôn Văn cũng để lộ óc xâm lược, cũng như dư luận chung của người Tàu vẫn coi Việt Nam là đất của họ, cần được khôi phục lại. Rồi họ dùng đủ các phương thức từ giáo dục đề cao dân tộc Hán "Hán tộc ưu việt" bằng chính trị, địa lý: bằng cách khôi phục chữ Nho... Do cái dã tâm xâm lược đó, những nhà chính trị của chúng ta phát động phong trào mạt sát chữ nho, khinh miệt nho sĩ và Khổng Tử, đề cao cảnh giác đồng bào... Ai còn muốn tin vào Khổng Mạnh thì hãy dở lại pho sử muôn năm của nước ta với tất cả thảm thương sỉ nhục bị đè nén, bị xâm lược hiếp bóc, lại xin tham khảo cả các dân tộc Man Di bốn phía Tàu.

Ðó là đại để vài ba lý do được truyền tụng để cản trở Nho giáo phục hưng. Ðọc lên ta rất cảm phục lòng ái quốc của các vị chủ trương và tuy không chấp nhận lý lẽ của các ngài nhưng chúng ta cũng hiểu cho các ngài vì sao nói như thế. Ðó là vì nước ta bị mất chủ quyền quá nhiều lần, nên bất cứ ai có lòng thương nước thương nòi cũng xốn xang lòng ruột, rồi như chim bị thương sợ hết mọi cành cong. Chưa kể đến truyện các vị còn phải bôn ba cùng khắp các nước để vận động, còn đâu thì giờ dành cho việc nghiên cứu để phân biệt ra đâu là Hán Nho, đâu là Việt Nho. Vì những lý do đó ta vẫn cảm phục các vị.

Còn chúng ta ở trong lớp triết chuyên biệt, tâm trí được rảnh rang, thì giờ dành trọn cho triết, nên cần chúng ta đưa những câu nói kia ra để phân tích.

Ðiều cần phân biệt trước nhất là các vị lấy chính trị mà xét triết thì không trúng được. Triết cao hơn bình diện chính trị. Khổng Mạnh bàn về triết lý, chúng ta lấy tự thân chủ trương đó mà xét, nếu đúng thì theo không đúng thì bỏ. Và chúng ta thấy các ông toàn bàn về đạo làm người cách phổ biến, không có thiên tư nước nào. Ai cũng còn nhớ câu chuyện vua nước Sở mất cung: nói rằng người nước Sở mất cung thì người nước Sở lại được cung, mất đi đâu mà phải tìm. Khổng Tử nghe được chuyện tỏ ý tiếc cho vua nước Sở tuy đã công mà chưa thái công vì còn thêm chử Sở vào. Giá nói người mất cung thì người được cung có hơn không. Câu truyện giả thiết đó đặt nổi tính chất phổ biến của Nho giáo. Còn truyện Hán tộc hay các triều đại sau lợi dụng Nho giáo làm công cụ xâm lăng thì là truyện chính trị. Và đó là truyện thường tình. Trong hoàn cầu này chưa thấy có một chủ thuyết nào, một tôn giáo nào mạnh mà không bị lợi dụng: từ Kitô giáo cho đến Phật giáo Thống nhất, v.v... Cho nên sự lợi dụng chưa phải là lý do bác bỏ một đạo lý. Ðiều cần xét là sự lợi dụng đó có nguy ngập cho nước ta chăng? Nói khác có phải hễ ai học Nho là trở thành Việt gian bán nước cho Tàu chăng? Tôi chưa có giờ khảo cứu lại kỹ lịch sử nước nhà về phương diện này, nhưng nhớ chung chung thì không thấy có điều đó, mà chỉ thấy Nho sĩ tham gia tích cực đánh đuổi quân Tàu: như Trần hưng Ðạo, Lê Lai, Lý thường Kiệt là phần trội: Mà có trội như thế thì nước Việt mới tồn tại ngày nay. Cho nên nếu quả thực người Tàu tính phục hưng chữ Nho để mong dùng làm một trong những lợi khí xâm lăng thì họ đã tính lầm rồi. Vì càng học chữ Nho lại càng yêu nước. Và nếu không có chữ Nho thì có lẽ mảnh đất chữ S này đã bị người Tàu thôn tính từ lâu rồi. Yêu nước thì ai cũng yêu, nhưng còn phải cần một tinh thần nhất trí mới bảo vệ được nước, cái đó tiền nhân ta đã nhờ Ðạo Nho mà có ở một cường độ cao hơn ta. Chúng ta ngày nay bỏ Nho, rồi mỗi người tâm trí một ngả. Cộng sản đánh đến cửa ngõ mà cũng chỉ biết trông vào quân đội. Còn văn hóa thì ngoài mấy câu hô hào cổ võ văn nghệ, thật là trống rổng khi so với những ý chí "quyết chiến luôn cứu nước nhà" của các bô lão Diên Hồng. Bô lão xưa còn hăng say gấp mấy trai tráng hiện đại. Có cái chí khác nhau vậy nếu không phải Nho giáo bơm hăng say cho các cụ, thì ít ra ta cũng không thể đổ cho các cụ vì học Nho mà rước quân Tàu vào nước.

Ngược lại chúng ta nên đề phòng cái di độc của thực dân tìm hết cách bôi nhọ Nho giáo, để tẩy rửa trong lòng ta cho trống rỗng đặng gieo hạt giống văn hóa của họ vào. Mà văn hóa của họ mới dễ gây nên mất gốc. Tôi có cảm tưởng là trí thức theo Tây đông hơn nho sĩ theo Tàu rất nhiều. Vậy thì cản ngăn việc phục hồi tinh.

Bởi vậy chúng ta nên phân biệt rành mạch chính trị và văn hóa. Về chính trị thì người Tàu không bao giờ bỏ óc xâm lăng ta. Mà chẳng cứ gì người Tàu, xưa nay trong cõi đất xuyên qua 5 ngàn năm lịch sử có nước nào là không xâm lăng hoặc bị xâm lăng tùy lúc mạnh lúc yếu. Nước ta cũng không ra ngoài công lệ đó: bị Tàu bị Nam Chiếu xâm lăng, rồi khi ta mạnh lên thì xâm lăng trở lại nuốt trôi Chiêm Thành, Chân Lạp! Ðó là luật sinh tồn: mạnh được yếu thua. Ðấy là tình trạng đáng buồn của con người mà văn hóa, cách riêng triết lý phải gắng công để làm tiêu trừ đi. Nhiều người hoài nghi khả năng văn hóa. Cái đó còn tùy quan niệm về văn hóa của người đó có thật chất nhân bản cùng không. Về điểm này chúng ta thấy Nho giáo còn hiệu lực hơn nhiều thuyết khác. Chẳng hạn cũng là xâm lăng, cũng là đô hộ, và nền đô hộ của Tàu hay Tây cũng là tàn bạo. Nhưng xem gần vào sẽ thấy tàn bạo khác nhau: người Tàu bắt dân bị trị lên rừng tìm châu báu, xuống bể để mò trai... nhưng không có sự đi săn người để lấy sọ dừa bán tại Nữu Ước làm vật hộ mạng. Năm 1876 người dân Tasmanie cuối cùng đã chết, họ bị săn như giống thú, Có khi thực dân gửi đến thổ dân rượu pha thuốc độc, hoặc bánh ngọt có thạch tín, hoặc sai kẻ mắc bệnh đậu mùa, bệnh hoa liễu đi hiếp đáp để truyền nhiễm ra thổ dân v.v... và bằng đủ mọi lối tàn tệ hơn nhiều để tiêu diệt từng dân từng nước. Nếu có bao giờ ta để tâm nghiên cứu so đo hai lối xâm lăng của các xứ chịu ảnh hưởng Nho giáo với các lối xâm lăng khác chúng ta hẳn biết được nhiều cái lạ. Vậy thì ta nên phân biệt hai loại văn hóa Ðông Tây có khác nhau. Riêng về Viễn Ðông lại nên phân ra hai bình diện văn hóa và chính trị thì người Việt đánh đuổi người Tàu như quân xâm lăng, nhưng về mặt văn hóa thì ta với Tàu chung một gốc. Nên đánh đuổi quân Tàu mà cứ học nho, cứ trùng tu Văn Miếu. Lối cư xử đó cao thượng như của những đại văn hào, mà Goethe là một. Mặc dầu về phương diện chính trị thì ông ghét nước Pháp là nước được ông coi như một trong những dân có văn hóa cao nhất, và ông nhận là mình mắc nợ với văn hóa Pháp nhiều trong việc un đúc tâm hồn. Ông viết: nói chung ra thì việc nước này thù ghét nước kia chỉ là truyện riêng tư bé nhỏ, nên chỉ gặp thấy nó mãnh liệt và hung hăng ở những người có cấp bậc văn hóa thấp nhất, nhưng khi lên tới một độ nào đó thì nó biến đi hẳn, lúc ấy người ta như ở bên trên các quốc gia và người ta cảm thấy những mối tình sung sướng hoặc bất hạnh của lân quốc như là xảy đến cho chính dân tộc mình vậy. D'une facon générale, la haine nationale est une chose bien particulière. C'est aux degrés les plus bas de la culture que vous la trouverez toujours la plus forte et la plus violente, mais à un certain degré, elle disparait totalement. On se trouve pour ainsi dire au dessus des nations et l'on ressent un bonheur ou un malheur du peuple voisin comme s'il était arrivé à son propre peuple". Goethe par lui même. p. 14. Ðó chính là tình yêu chân thực: nếu ở cá nhân thì cá nhân này phải yêu cá nhân kia như mình, lên đến quốc gia cũng thế. Nếu ở bình diện chính trị không thể để nước khác xâm chiếm nước mình là vì không gian có hạn định, họ chiếm thì mình mất, chí như trên bình diện văn hóa là cái gì linh thiêng thì việc nhiều người chung hưởng một nguồn đã không giảm mà còn như ngọn lửa nhỏ nhiều nến chụm lại thì bốc lên cao, nên càng nhiều ánh sáng càng cao thêm, to thêm và càng soi tỏ. Bởi lẽ đó ta thấy rằng chỉ có những tư tưởng biết vượt lên trên nhũng yếu tố tiểu dị, những biến cố nhất thời mới sâu xa cao cả, chỉ có những nền văn hóa đâm rễ sâu vào nền móng đại gia đình của mình mới có nhiều cơ hội may mắn bắt gặp con người muôn thuở để trở nên phổ biến cũng như mới hiểu tại sao cha ông coi Văn Miếu như cái gì linh thiêng cao quí của đất nước. Vì những lý do trên chúng ta cần lưu tâm nghiên cứu.

Ðể sự khảo cứu được thấu đáo chúng ta thử đề ra một phương thức để "qui định dân tộc tính".

 

Saigòn ngày 25/03/1967

Rev. Lương Kim Ðịnh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page