5. Lễ Gia Tiên Trên Ðường Khai Phóng
by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
e. Lễ gia tiên trên đường tìm nền tảng mới
Nền tảng cũ là quyền bính đang sụp đổ, và không còn hợp thời đại ít ra ở những đợt tiến mạnh. Nhưng mọi tập thể, nhỏ như gia đình cho tới lớn như xã hội nhất định phải tìm ra nền tảng mới thay vào, vì thiếu nền móng không có gì đứng vững. Ðó là bài toán đố đang đặt ra cho các triết học gia hiện đại, và chúng ta phải nói ngay rằng triết học gia hiện đại, và chúng ta nói ngay rằng triết học chưa thành công trong việc tìm ra nền móng mới này như đã nói trên kia. Do đó chúng ta trở lại với Văn Tổ xem có còn rút tỉa được cho vấn đề căn bổn này chăng.
Ở chương II đã nói rằng với trình độ Tâm Thức được biểu lộ trong bài vị Văn Tổ triết lý Ðông phương đã né tránh được vấn đề ý hệ gắn liền với hai chủ trương Hữu với Vô. Nói như thế mới là bước đầu có tính cách tiêu cực. Thực ra nó còn bao hàm cái gì sâu hơn sự né tránh: nó đi đến một đợt có thể làm nền móng mới cho các tập thể thay vào quyền bính cũ. Và điểm tích cực đó chúng ta bàn đến ở đây vì đó là bình diện tâm lý mới được bàn qua ở chương II.
Sách Trung Dung nói (33o): "Tận tâm cúng vái mà không nói năng nên không có tranh luận", "tấu cách vô ngôn thì mỵ hữu tranh". Không tranh để làm chi? Thưa để cho tâm thức thấu nhập (Cách) với vật, như kiểu "huyền đồng", như không còn phân biệt nữa, thì lúc đó vượt ra khỏi vấn đề xem có hay không có đối vật, nói như W. James bàn về kinh nghiệm thuần túy, kinh nghiệm "xem tận mắt" (face-value) chỉ biết là như thế, biết "that" chưa cần hỏi hoặc khỏi cần hỏi nó là cái gì "what", vì đó là tự tâm mà phát xuất. Cho nên Kinh lễ trong chương "Lễ thống" là chương căn bổn của sách có nói: "Trong lúc tế thì không phải do vật ngoài mà đến, nhưng là do bên trong, do tâm tính phát xuất với lòng chí hiếu với lễ nghi mà dâng cúng. Nên nói chỉ có bậc Hiền nhân mới hiểu hết ý nghĩa lễ gia tiên". Phù tế giả, phi vật tự ngoại chí giả, tự trung xuất, sinh ư tâm dã. Tâm truật nhi phụng chi dĩ lệ. Thị cố duy hiền giả năng tận tế chi nghĩa. (LiKí XXII) 7.
Là vì đối với Ðông phương triết lý cao hay thấp là tùy ở mức độ chuyên nhất, qui hướng vào một, càng chuyên nhất, càng qui hướng vào đến tận cùng cực, thì tầm bao quát càng tỏa ra rộng. Vào tới cái nhất vô nhị thì sức bao quát vô cùng và triết lý trở thành trung thực tối đại tối cao. Muốn đạt được độ nhất vô nhị như thế cần phải tinh lọc khỏi các ý nghĩ bác tạp: có "duy tinh" mới có chuyên nhất. Có chuyên nhất mới hiểu được ý nghĩa căn cơ của lễ gia tiên, mới có thể tế đúng, xứng đáng cho quỉ thần về hưởng. Mà hưởng chính là sự chuyên nhất cao độ. Nếu tế mà không được quỉ thần hưởng thì có tế cũng vô ích. Bởi quỉ thần hưởng không có nghĩa chi khác hơn là tâm hồn qui hướng vào một mối. Ðó lại là trở lại việc chú trọng vào động tác của người tế mà không chú tâm đối vật. Kinh Lễ nói: "chỉ có bậc thánh nhân mới biết tế xứng cho Thượng Ðế hưởng, con hiếu thảo mới tế được cho cha mẹ hưởng. Vì hưởng chẳng qua là qui hướng vào nội tâm, mà có qui hướng mới có hưởng, tức mới có hiệu nghiệm của việc tế, Duy thánh nhân vi năng hưởng Ðế. Hiếu tử vi năng hưởng thân Hưởng giả hướng giả. Hướng chi nhiên hậu năng hưởng yên" LiKi XXI, 6. 8.
Chữ hưởng có nghĩa như chịu lễ là ăn theo sau lễ tế manger au festin communiel qui suivit le sacrifice (Danses 128). Sau khi rót rượu xuống đất mời thần đất, xông hương lên mời thần trời thì cho người đại diện thần, chữ nho gọi là Thi hưởng trước, rồi đến các người tế mới hưởng sau nên gọi là thừa hưởng. Nghi lễ đó nói lên một cách cụ thể ý nghĩa chữ "hội thông trong kinh Dịch" không những thông công bằng tai, mắt, mà cả bằng khứu giác, vị giác nữa. Như thế tế không vì người chết cho bằng vì người sống và tế vì người sống khởi đầu ngay từ chỗ đó hay là cho đến chỗ đó: chỗ chính người sống ăn.
Vì sự qui hướng tâm hồn là cốt tuý tất cả cuộc tế, nên ta thấy sự sửa soạn cẩn thận đến như thế nào.
Trước hết là một tác động rất tâm lý căn cứ trên sức con người có hạn, làm nhiều thì sẽ trở thành quen nhàm (solita vilescunt) nên cái gì trọng thể phải mỗi năm một hai lần (solennel: solus annus: mỗi năm một lần). Vì thế một năm chỉ tế hai lần: tế Ðế mùa xuân, tế Thương mùa thu. Nhờ sự cách quãng như vậy nên việc sửa soạn dọn dẹp được hết sức chu đáo, có thể chia ba giai đoạn: giai đoạn sửa soạn xa bằng sự cấy lúa nuôi tầm dệt áo. Ðó là những việc thiêng liêng, nên ruộng hương hỏa của nhà vua thì chính vua phải săn sóc để có thóc gạo riêng cất rượu nấu cơm cúng. Cung phi hoàng hậu phải trông coi việc cấy dâu nuôi tằm để có vải may mặc ngày tế... Như thế là cả năm có để tâm hồn qui hướng tới.
Hai giai đoạn sau là trai giới. Trong thuật ngữ trai giới thì giới có nghĩa là tẩy rửa cho tâm hồn không vương cái gì bác tạp, còn trai là cốt để tập trung tâm trí lại như Kinh lễ viết: "Trai là có ý nói về sự qui nhất. Qui tụ những cái không qui tụ là cốt để đi đến cực kỳ chuyên nhất: "Trai chi vi ngôn trai dã. Trai bất trai dĩ chí trai giả dã" Kinh lễ XXII, 6. 9, cho nên trai không là chi khác hơn là một phương thức tập trung tư tưởng nghị lực, tình cảm đặng "cách cảm" thẩm thấu với thần minh, với tâm linh. Ðể cho việc trai giới đạt mục tiêu như trên, thì chia trai ra hai giai đoạn là tân trai và chí trai. Mười ngày trước khi tế thì bắt đầu tán trai gồm bảy ngày. Trong thời tán trai còn được đi lại bên ngoài (tán trai ư ngoại) sau 7 ngày tán trai thì tiếp đến 3 ngày chí trai: ở cấm cung trong phòng (chí trai ư nội) Lễ Kí XXI, 2. 10. Có khi thay cả các món ăn để thêm phần hiệu nghiệm. Trai tất biến thực L.N. X, 7. 11. Ðến ngày thứ 3 sẽ hiểu chí trai là gì: sách nói "như tương kiến chi" Lễ Kí XXI, 1. 12, như sắp thấy được người đã qua. Ðó cũng là để ghi chép thế thôi, vì chữ "như" chỉ là cái kinh nghiệm thuần túy tư riêng. Cũng là như cả mà có thể đi đôi với hữu thần hay vô thần. Nhưng nên nhớ đây đang ở trong phạm vi tâm lý thì hữu hay vô không thiết yếu liên quan đến đối vật ngoại tại, nhưng hiểu là sự linh cảm là mức độ sâu nông của sự thể nghiệm: cảm sâu là hữu thần, cảm nông hay không cảm là vô thần. Cảm là cái gì âm u có đấy mà không hiện lên hình, tuy vẫn đầu hiệu năng thúc đầy giứng tác. Hữu hay vô như vậy không liên hệ tới vấn đề siêu hình có với không, nhưng là vấn đề có lòng thành hay không. Tiên nho quen nói: "hữu thành tắc hữu kỳ thần, vô thành tắc vô kỳ thần". Chữ "kỳ" nói lên cái tư riêng gắn liền với kinh nghiệm. Vì không có kinh nghiệm trừu tượng: chỉ có kinh nghiệm của ai, cụ thể trong một người nào. Như thế lễ gia tiên tiếng là phụng sự người chết mà hóa ra phụng sự người sống, giúp cho người sống "lập thân hành đạo" lưu truyền đạo trời mãi mãi bằng cách trở lại cội nguồn như ông Paul Mus bình luận: tourner vers le passé non comme tradition inerte, mais comme vers la source toujours actuelle et sans date des règles et des pensées mêmes... aux sources de tout bien comme de toue la réalité. Mus 132. Quay về dĩ vãng không như một tập truyền bất động như như là nguồn suối luôn luôn hiện đại của mọi luật tắc và cả đến mọi tư tưởng nữa... nguồn của mọi sự thiện cũng như của mọi thực tại.
Nhận xét như thế về lễ gia tiên ở Việt Nam là nhận xét ra được tinh thần đã dự trù trong kinh điển. Kinh lễ nói: Thiên hạ Chi lễ dã chi phân thủy dã. Chi phản thủy dã dĩ hậu kỳ bổn dã. Lễ kí XXIb, 20. 13.
Cái lễ của thiên hạ đi đến cùng cực là trở lại với thủy tổ cội gốc. Trở lại thủy tổ đến cùng cực là cốt làm cho đôn hậu cái bản gốc của mình (không để cho mình bị vong bổn), cũng là chính cái bổn gốc mà hiện thời nhân loại chưa thành công tìm ra để thay thế cho quyền bính đang sụp đổ. Xã hội cũng như văn hóa mai ngày sẽ xây trên nền tảng mới là chính con người Ðại ngã tâm linh. Ðó mới là lý do tại sao Khổng tử nói "ai thấu hiểu được lễ Giao (tế trời) lễ Xã (tế đất) và ý nghĩa việc tế Ðế tế Thường (xuân tế Ðế thu tế Thường) thì trị nước dễ như xem trong bàn tay": Minh hồ giao xã chi lễ. Ðế Thường chi nghĩa. Trị quốc kì như thị chư chưởng hồ. T.D. 19. 14, trị nước dễ như xem vào bàn tay là vì những lễ đó vừa đúc kết tinh hoa đạo trời, đạo đất, đạo người, vừa giúp cho con người đạt đến cái suối nguồn của trí sáng suốt, của tình nhân hậu, của chí dũng mãnh. Ðó là đạt đến chỗ căn bổn của nơi giáo hội đất trời người: "thiên địa nhân giao hỗ kỳ căn" 15, và như thế là tóm thâu đầu mối, tóm thâu nền tảng cho mọi quyền bính mọi lối cai trị vậy, vì đã đạt được Nội ngã tâm linh mãi trong nơi chí cực của tâm hồn. Có khai sâu tới đó mới làm cho nguồn sinh lực tràn lên đem giải quyết đến cho các vấn đề hiện đang bế tắc của nhân loại. Ðó cũng chính là những lời phán quyết cuối cùng mà tâm lý các miền sâu vừa tìm ra. Jung viết trong quyển Psychologie de l'Inconscient rằng: "Những vấn đề lớn lao của nhân loại chẳng bao giờ được giải quyết bằng những đạo luật ban bố ra; ngược lại chỉ được giải quyết bằng sự canh tân những lập trường nội tại của mỗi cá nhân" (trg 20). Và một trong những phương thế hiệu nghiệm để khơi nguồn canh tân thân tâm của tiềm thức đó cũng chính là nghi lễ vậy. "Le rituel est un moyen sur de traiter avec les forces imprévisibles de l'inconscient". Psychologie et Religion Jung, P. 95, 96.
Thế là lễ gia tiên bắt gặp tâm lý các miền sâu và có thể chung sức tìm ra giải pháp cho vấn đề căn bổn đang đặt ra cách khẩn thiết. Tâm lý có những nhận xét tỉ mỉ căn cứ trên các hiện tượng bệnh lý được quan sát cách khoa học. Lễ gia tiên có một phương thức tập trung tư tưởng rất tinh thuần với một số châm ngôn triết lý thâm sâu. Ðó là những cái bắt tay đầy hứa hẹn cho cuộc tổng hợp Ðông Tây vậy.
Saigòn ngày 25/03/1967
Rev. Lương Kim Ðịnh