5. Lễ Gia Tiên Trên Ðường Khai Phóng
by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
d. Lễ gia tiên với vấn đề phụ chuyên
Một trong những đặc trưng của con người hiện đại là chối bỏ mọi quyền bính và tất cả những gì có dáng dấp tới quyền bính như óc cha chú. Người ta hay nói đến sư bỡ ngỡ của giới chủ nhân bị thợ thuyền ác cảm, chính vì những việc họ làm ơn cho giới thợ thuyền như liệu biện chỗ cư trú với các tiện nghi... Lẽ ra giới thợ thuyền phải nhận với sự biết ơn, thế mà tại sao lại ác cảm? Các nhà tâm lý xã hội học nhận ra sự săn sóc của chủ nhân không những bị coi như một phương thế cai trị bắt thợ thuyền phải lệ thuộc vào chủ nhân. Ngoài ra còn một lý do sâu xa hơn đó là sự săn sóc bao hàm ý coi thợ như không đủ óc trách nhiệm về đời sống của mình, để phải có người khác đứng ra chịu trách nhiệm thay cho... Ðó là lý do sâu xa gây ra lòng ác cảm kia. Sự săn sóc đó có lẽ trong quá khứ thì được hoan nghênh vì lúc đó có tâm thức con người chưa đạt giai đoạn khát mong độc lập. Nhưng nay nhân loại đang đi vào một khúc quanh lịch sử, để tiến tới giai đoạn trưởng thành, mở rộng ra nhiều người hơn, vì thế ác cảm với những lối đối xử coi người khác như vị thành nhân. Ở giai đoạn hiện đại mỗi người đều muốn được xử đối ngang hàng: vì thế mà có sự khủng hoảng về quyền bính xảy ra khắp nơi, kể cả trong các tôn giáo, trong các tu hội là nơi quyền bính tương đối được đặt vững nhất. Nó chứng tỏ một sự biến thiên rất quan trọng mà người ta có thể gọi là giai đoạn trưởng thành của nhân loại, giai đoạn mà cá nhân đã đều trải qua nay đến lượt toàn thể nhân loại đang sửa soạn trải qua.
Mỗi con người thoạt sinh ra như con đỏ cần sự săn sóc của mẹ cha. Mẹ cha lo liệu cho hết: con khỏi phải lo chi, vì cũng không thể lo được nên không phải chịu trách nhiệm gì hết. Nhưng đến một tuổi nào thì con cái dần dần phải nhận lấy trách nhiệm và từ đấy mới được xử như thành nhân. Cho nên một nền giáo dục gia đình mà trúng cách thì không những tránh cản ngăn, mà còn phải tài bồi cho óc tự lập của con cái được nảy nở dần dần, để đến tuổi thành nhân khi đứa trẻ đi ra đời không đến nỗi bị ngỡ ngàng lắm.
Ngược lại nếu có sự cản trở thì bấy giờ thường xảy ra óc ghét bỏ gia đình, coi gia đình như tù ngục nên muốn thoát ly như đứa con phung phá bỏ nhà cha để phiêu lưu vào cuộc đời gió bụi để đáp ứng cho lòng ham độc lập kia. Phong trào du đãng đang bùng nổ khăp nơi có thể giải nghĩa một phần do đó. Con người nếu được cha mẹ nuông chiều, không phải mang mảy may trách nhiệm, tha hồ kéo dài tâm trạng hài nhi (mentalité pouponnière) thì có thể hư, hoặc cùng lắm chỉ nên được những đứa con ngoan ngoãn, như mì, yếu ớt, mụ mẫm... dễ thất bại trong trường đời. Không bằng những người ngay từ nhỏ phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn mà sau nên những tay kinh doanh, thao lược là vì phải tự lực cánh sinh nên sớm có dịp bắt buộc phải thao luyện óc trách nhiệm, như Freud chẳng hạn vì nhà nghèo mà nhân đó óc trách nhiệm được vun tưới rất mạnh.
Ðó là bàn trong tỉ xích cá nhân gia đình cho dễ nhìn bao quát, còn chính vấn đề nó rộng hơn, mở ra tận khắp xã hội, đặt lại vấn đề quyền bính nói chung, chứ không riêng gì quyền bính cha mẹ mà thôi.
Sở dĩ trước đây vì sự tổ chức đời sống công cộng đòi mỗi cá nhân phải hy sinh một số quyền lợi thì quyền bính mới có đủ khả năng thiết lập đời sống tập thể vững mạnh là điều thiết yếu để bảo đảm yên vui hạnh phúc cho các thành phần. Ðó là điều tất nhiên, nên người xưa sẵn sàng hy sinh quyền lợi cho chính quyền. Sự hy sinh đó còn dễ dàng hơn khi tâm thức con người chưa tiến triển đủ để cân nhắc.
Ngày nay con người đã đạt khả năng đủ sức nhận ra sự phản bội của hầu hết quyền bính xưa: thay vì phục vụ thành phần xã hội thì lại dựa trên quyền bính để bóc lột, nhiều khi tước đoạt cả đến những quyền lợi bất khả nhượng của người dân mà không có gì bù đắp lại. Thế là dân chúng dần dần nghi kỵ rồi phản đối, rồi chán chường mất hết tin tưởng, cho nên những kiến tạo đặt nền trên quyền bính thay phiên nhau rạn nứt rồi sụp đổ. Giúp tay vào việc xô đổ quyền bính là khoa phân tâm. Khoa này khi đi sâu vào tâm khảm con người thì khám phá ra "quyền bính thái qúa" làm tổn thương đến "nhân cách toàn vẹn" của con người. Chính nó đã là một trong những duyên cớ gây nên bệnh thần kinh hệ (névrose) (Psychologie de l'Inconscient de Jung P. 79, 116,117...).
Ðó là đại lược vài ba lý do giải thích tại sao đang có các cuộc phá mọi quyền bính từ trong gia đình lan ra tới xã hội, khắp đó đây chúng ta đều thấy vấn đề khủng hoảng quyền bính cũng như sự tuyên dương óc tự do cho đến nền móng căn để (liberté radicale kiểu Sartre là một thí dụ). Họ đả phá gia đình, lệ tục, tôn giáo nhưng cho tới nay họ chưa tìm ra được giải pháp tích cực. Vì không phải bỏ gia đình đi là khai phóng, trái lại các nhà tâm lý nhận thấy rằng: đứa mồ côi không cha không mẹ cũng bị những bệnh thiếu sót sinh lý y như đứa trẻ bị một quyền bính quá đáng của người cha "l'Orphelin tel que le comprend la psychologie moderne souffre de carences vitales aussi graves que celui qui a eu un père excessif". Pourquoi des Professeurs, Gisdorf. Payot 1963, p. 164.
Vì thế tuy cần phải "giết cha" nói theo Freud (le meurtre du père), nhưng phải "giết" thế nào để rồi có thể trở nên "bạn" của cha, tức là làm thế nào để vun trồng óc trách nhiệm mà nền móng gia đình vẫn còn, làm thế nào để có thể tiếp tục yêu kính cha mẹ, mà con cái khi đến tuổi vẫn được tự lập, tự mình mang lấy trách nhiệm của mình, của vận mạng mình, nghĩa là để đến lượt mình có thể làm mẹ, làm cha, tức là dám lãnh trách nhiệm. Và đó là vấn đề. Ðấy là thử phác họa ra một hai khía cạnh của một vấn đề sôi bỏng đang đặt ra cho nhân loại, cho những người nắm quyền bính ở mọi cấp từ chính phủ đến gia đình, trong tôn giáo cũng như xã hội: thời đại lấy quyền bính làm nền tảng đang rung chuyển. tâm thức con người khởi đầu đòi phải để cá nhân chịu lấy trách nhiệm, phải giải phóng. Ðó là một điểm hợp thời. Vấn đề chỉ còn là việc làm sớm muộn mà thôi. Tuy nhiên cái khó khăn then chốt nằm trong chỗ phải giải phóng cách nào cho xã hội không tan rã, gia đình khỏi đổ vỡ. Thuyết Cộng sản khởi hứng tự nhận định tình trạng vong thân của con người, nên nhằm hướng giải phóng con người khỏi hết mọi ràng buộc, để được tự do như con cá tung tăng trong biển cả không bị hạn cục vào một giới mốc của gia đình của tục lệ, của xã hội, quốc gia, nên hứa hẹn một xã hội vô chính quyền, vô tổ quốc, vô tôn giáo... để sự giải phóng được trọn vẹn, để cho tự do được hoàn toàn. Tuy nhiên đó chỉ là dự phóng suông, trong thực tế chỉ là thay đổi quyền bính tệ hơn nữa thay vào những quyền bính nhân đạo bằng tình thương, quyền bính của chính quyền nhân đạo bằng quyền bính độc tôn. Quyền bính của mẹ cha lót bằng tình thương, quyền bính của chính quyền xưa còn chú trọng đến nhân phẩm tự do của con người. Chí như quyền bính của chế độ Cộng sản là quyền bính tuyệt đối, cá nhân còn đáng kể chi với nó nữa, cho nên kể là giật lùi, khi so với các loại quyền bính lay chuyển.
Ngược lại bên thế giới tự do thì cũng chỉ mới có phần phá đổ là đáng kể, còn như phần tích cực vẫn chưa đưa ra được một chủ đạo đủ giá trị để hướng dẫn thay thế vào quyền bính xưa. Vì thế chúng ta lại phải trở về với lễ gia tiên, và vấn đề đầu tiên là hỏi rằng lễ gia tiên có phải là một cái gì khóa đường tiến bộ của chúng ta chăng?
Về vấn đề này, nên phân biệt hai khía cạnh song song với hai đợt lễ gia tiên. Nếu lễ gia tiên có đợt bái vật và đợt Văn Tổ thì xã hội cũng xây trên phụ quyền đi với bái vật, và cũng có giải phóng khỏi phụ quyền đi với đợt Văn Tổ. Trong thực tế hai đợt lễ gia tiên ít phân biệt, thì trong nền móng xã hội cũng không phân ranh rõ ràng giữa phụ quyền hay vương quyền và sự tự chủ của mỗi con người. Nói chung ra thì yếu tố quyền bính đã lấn át trong xã hội cổ truyền khác phương cũng như trong các xã hội cổ truyền khác vậy... Tuy nhiên có một phần tuy rất nhỏ nhưng đáng kể vì đã được thiết lập thành nguyên lý trong triết học hay Ðạo học, lại được kiện chứng bằng thể chế như lễ gia quan để nhìn nhận nền độc lập của mỗi con người, thì đó là điểm đặc trưng của đợt Văn Tổ. Nếu như lúc trước ít được áp dụng là vì bấy giờ nhân loại nói chung còn đang trong giai đoạn lệ thuộc quyền bính. Ðến nay giai đoạn quyền bính đang chấm dứt, thì chính là lúc thuận lợi để chúng ta phát triển đợt Văn Tổ: nghĩa là tuyên dương sự tự chủ độc lập của con người. Cho nên xét ra trong nguyên lý không có chi ngăn trở, còn nếu trong xã hội chưa áp dụng hết thì đó thuộc phạm vi chính trị và xã hội mà thôi, chí như trong triết lý đã thiết lập xong, lại có thể chế để cụ thể hóa hướng dẫn như chúng ta nhận ra trong lễ gia quan là lễ tuyên dương óc độc lập và tự chủ của con người, không những trong xã hội mà cả trên tỉ xích vũ trụ: nghĩa là giúp cho con người đạt độ tự chủ tự lập cao nhất: không chịu cho một thế lực nào đàn áp: "uy vũ bất năng khuất", không để lòng bị sai sử bởi ngoại vật: "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di... thử chi vị đại trượng phu". (Xem bài gia quan trong Cửa Khổng).
Trong Xuân Thu tả truyển có kể tích người con kia đã không vâng mệnh lệnh cha di chúc phải chôn theo nữ tì yêu quí nhất. Thế mà đã không bị phạt lại được hồn thiêng của cha người nữ tì linh ứng bang trợ... Ðó là đề cao óc độc lập của con, cũng như đặt nổi giá trị nhân bản: một lối kín đáo của văn Xuân Thu. Chúng ta phải công nhận rằng lễ gia quan còn hạn hẹp trong giới thượng lưu, nhưng đó chỉ là tâm thức con người của các xã hội xưa, cũng như do những điều kiện kinh tế cổ thời bất kỳ ở đâu cũng rất eo hẹp. Ngày nay cơ khí tiến bộ, toàn dân có thể hưởng nhờ những điều thuận lợi tiện nghi cũng như học thức mở mang thì chính là cơ hội thuận tiện để mở rộng phạm vi lễ gia quan. Vì trong nguyên lý tuyệt không có điều chi cản trở: lễ gia tiên tuyên dương lòng tin ân hiếu thảo mẹ cha, lễ gia quan đề cao óc tự lập tự chủ của con cái để vun tưới cho đức "cung kỷ": tự trọng mình, làm cho mình trở thành độc lập, tự chủ, xứng đáng là đại trượng phu. Mà đại hơn hết là không dựa vào đâu, nhưng tìm thấy nơi mình đủ lý do tồn tại. Lễ gia tiên chủ kính sự tế tự chính là để tỏ lòng tôn kính: "Tế tự kinh" L.N. XIX. 1. Kính là đức đầu tiên đối với tha nhân tỏ lòng tôn trọng nhân phẩm nơi tha nhân, tức là nền móng gây an bình trong xã hội. Vì ai ai bất cứ thấy được tôn kính cũng thấy thỏa mãn được nguyện vọng sâu thẳm nơi lòng. Nên kính là đầu mối hóa lạc an vui. Luận ngữ nói: "Tu kỷ dĩ kính. Tu kỷ dĩ an nhơn. Tu kỷ dĩ an bá tánh" Tu thân mình bằng lòng kính tôn người. Có như thế thì tu thân cũng là con đường an hòa với tha nhân với bá tánh. Do đó người quân tử phải "hành đốc kính": hết lòng mở mang đức kính trong mình. L.N. XV. 5, và trong Kinh Lễ hay nói "kính chi chí hĩ" Tức là khen lễ gia tiên là một trường dạy đức kính tôn đến thế là cùng cực. Xét về phương diện này thì lễ gia tiên quả không có chi phản tinh thần thời đại. Vì ngày nay khi con người ý thức được nhân phẩm của mình, muốn được xử như người trưởng thành tức là được kính tôn thì lễ gia tiên đã dạy kính tôn rồi, nên đã không là cái đà ngăn cản tiến bước của nhân cách mà còn như đón trước nhu cầu của thời đại: nhu cầu được kính tôn. Chính nhờ đức kính tôn đó mà nền nhân bản Viễn đông vẫn sản xuất ra nhiều quân tử, tức là những người có nhân cách cao độ. Người Việt nhận lễ gia tiên ngay từ ngày khai quốc mà lý tưởng con dân trong mọi giai đoạn vẫn là "trai hùng gái đảm", nghĩa là những người không sợ trách nhiệm, từ việc nhà đến việc nước, từ gái Trưng Triệu về sau đến Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Thái Học không lúc nào nước Việt thiếu những bậc can trường dám sống dám chết. Người Pháp đã không nhìn ra chỗ đó (như ông Paul Mus nhận xét trang 192 và rải rác) cho rằng dân Việt Nam chỉ biết tuân theo quyền bính, nên đã đưa ra một hiến pháp nặng óc cha chú, và do đó là lý do thảm bại trong việc tái chiếm Việt Nam.
Tóm lại cả trong lý thuyết cũng như trong thực hành, lễ gia tiên cũng như chữ hiếu đã không bao giờ là trở lực lớn chắn bước của con người.
Saigòn ngày 25/03/1967
Rev. Lương Kim Ðịnh