5. Lễ Gia Tiên Trên Ðường Khai Phóng

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

c. Những hình thái của khai phóng

Hiện nay có ba xu yếu trong thế giới là Cá nhân hóa (individuation) Ðoàn lũ hóa (massification) và Nhân cách hóa (Personifiaction).

Trong ba xu hướng đó ta thấy Tây âu chú trọng mạnh đến cá nhân hóa: đề cao nhân phẩm nhân cách và tự do con người. Trắc nghiệm cũng như sự hướng nghiệp được đẩy mạnh là cố giúp cho mỗi cá nhân phát huy những khả năng riêng biệt... Ðó là điều rất quí nhưng về phía công thể vì thiếu một chủ hướng mạnh nên tự do dễ đốc ra vô kỷ luật, như chúng ta đã được nếm mùi năm xưa thời chánh phủ Nguyễn Khánh. Những cường quốc đã được tổ chức lâu đời thì ít cảm thấy tai hại, chứ những tiểu nhược quốc như ta cũng đòi dân chủ kiểu đó, cũng đòi cá nhân dật lạc như các nước sang giầu thì đấy là con đường tốt nhất dẫn đến gông cùm của chuyên chế.

Vì lý do đó nên các nước Cộng sản đi hẳn sang lối đoàn lũ hóa. Nước Nga lúc trước có thử một năm trắc nghiệm nhưng sau cấm hẳn, vì bị coi là chỉ giúp cho sự nảy nở óc cá nhân, không lợi cho việc đoàn lũ hóa. Khi đã đoàn lũ hóa thì cá nhân sống như đàn cừu, kiểu thượng đồng của Mặc Ðịch, chỉ cần một người chăn là dẫn đi tăm tắp. Thế là đường lối khai phóng bị bưng bít cản ngăn, không cho vươn tới đợt nhân cách hóa. Vì nhân cách hóa đòi hai điều kiện: một là được tự do độc lập (liberté et autonomie), hai là tinh thần trách nhiệm được vun trồng vì nó giúp đẩy mạnh đến đợt trưởng thành (maturité de la personalité). Cộng sản vì đề cao cộng đồng nên lấp mất lối đi của hai đặc tính đó.

Thế giới tự do thì cho tự do phát triển không chỉ ra được hướng nào, nên tự do cá nhân sẽ dễ biến thành cá nhân chủ nghĩa, không đặt nổi nền tảng cho mối liên đới của nhân loại, những tương giao của con người.

Ðấy là chỗ bế tắc của cả hai đường hướng cá nhân hóa cũng như đoàn lũ hóa. Xin trưng lại đây ít lời của bác sĩ Jung trong quyển sách cuối cùng của ông nhan đề là "Hện tại và tương lai" (Présent et Avenir) gọi được là di chúc tinh thần của nhà tâm lý đại danh. Ðại để ông xin cả hai khối đừng theo lối đà điểu vùi đầu vào cát để tránh xem thực tế, nhưng hãy nhìn vào thực tế, vì cả hai đều đi lối đàn áp con người bằng khoa học thực nghiệm như thế giới tự do hoặc bằng những sự tin tưởng của đại chúng kiểu Cộng sản, nhưng cả hai đều không nhìn ra cái tế vi của con người. (tr. 80).

"Nếu bên này có cho tự do và bảo đảm vừa sức, nhưng tự do đó lại bị đe dọa vì một sự lạc hướng cách hỗn mang; còn phía bên kia thì tự do bị tiêu diệt và không còn nói tới nữa": la liberté spirituelle et morale est dans une partie du monde, garantie au tant que faire se peut; mais paralèllement elle y est menacée d'une désorientation chaotique, tandis que dans l'autre partie du monde, elle est détruite et il n'en est même plus question. (p.70). "Cả hai bên hoặc có tính cách vật chất hoặc có tính cách đoàn lũ nên đều thiếu cái biểu lộ con người viên mãn, mà cái đó mới nâng con người lên, đào tạo và làm cho nó rung động, cảm hứng, tóm lại là thiếu cái đặt con người cá thể ở trung tâm tất cả vạn vật như một sự đánh giá, một chân thực, một sự biện minh". (Présent et Avenir, p. 69). Les deux camps qui se partagent le monde ont en commun une finalité matérialiste et collectiviste et à tous deux il manque ce qui exprime l'homme en totalité ce qui le promeut, le construit, le fait vibrer, le rend sensible en bref ce qui met l'être individuel au centre de toute chose comme mesure, réalité et justification.

Tôi biên lại cả bản văn để độc giả suy gẫm cho rất chính về mẫu người Tây âu là mẫu người "hình học mặt phẳng" thiếu chiều sâu là tiềm thức mà mãi cho tới đầu thế kỷ này mới khám phá ra. Nhưng tiềm thức đó mới được khai triển nhiều về phía bệnh lý, vì sự khám phá là do công của phân tâm học là khoa bệnh lý. Triết học chỉ nói đến lơ mơ trong tác phẩm của Hartman, Carus, Schopenhauer. Tuy nay với Jung đã mở vào đến đợt tiềm thức cộng thông (inconscient collectif) nhưng vẫn chưa có được phương thức bình hành (normal) cho mọi người lành mạnh để đạt tầm kích sâu xa của con người toàn diện đặt ở trung tâm vạn vật l'homme en totalité... au centre de toute chose) mà ta quen gọi là tâm linh. Tôi sẽ trở lại vấn đề này ở một quyển khác.

Như thế là chúng ta đã đánh một vòng chân trời tuy mau lẹ nhưng còn gõ vào những nơi dẫn đầu cả, trừ có triết đã nói nơi khác và sẽ còn nói nhiều nữa, nên ở đây ít bàn, còn thì xã hội, tâm lý, nhân tâm, đường lối tổ hợp v.v.. đều đã được nhìn cai quát và chúng ta nhận ra rằng xét về chi tiết thì chúng ta học được nhiều sàng khôn lắm lắm. Với vòng chân trời đó chúng ta đã gặt hái được biết bao điều ơn ích phong phú, thiết yếu, nhưng về toàn diện vẫn thiếu một mối nhất quán để xâu lại đặng làm nên một chủ đạo. Do lẽ đó chúng ta lại phải trở về với Văn Tổ, với lễ gia tiên để cứu xét nghiêm túc. Câu hỏi đầu tiên là đến giai đoạn mới này triết lý gia tiên có trở thành sự cản bước khai phóng chăng. Bởi lẽ gia tiên là tinh hoa của chữ Hiếu, mà Hiếu là một cái đà chắn bước tiến mà khoa tâm lý hiện đại kêu là paternalisme. Với chữ này chúng ta đụng chạm đến một vấn đề nhiêu khê nhất. Ngoài nghĩa thông thường là kiểu cách cha chú, coi rẻ người đời thì chữ đó có hai nghĩa nữa: một là quyền lực thái quá của mẹ cha như một sự cản ngăn cho việc triển nở con cái cả về mọi phương diện, ta gọi ngắn là phụ chuyên. Thứ đến phụ chuyên chỉ là biểu lộ nhỏ của một vấn đề to lớn hơn nhiều, đó là tìm cho quyền bính một nền móng mới. Chúng ta sẽ bàn về hai vấn đề này trong 2 triệt sau.

 

Saigòn ngày 25/03/1967

Rev. Lương Kim Ðịnh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page