5. Lễ Gia Tiên Trên Ðường Khai Phóng

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

b. Vòng chân trời khai phóng hiện đại

Pháp:

Trước hết là Tây âu với đại diện quen thuộc là nước Pháp. Triết ở đây là cảnh thập nhị sứ quán (xin xem lại một vài bài như Khủng hoảng, bài tự triết lý tới Ðạo học trong tập triết lý giáo dục, hoặc bài Ðịa khởi trong tập Nhân Bản). Tóm tắt bấy nhiêu bài chứng minh cảnh lục đục cá đối bằng đầu, không một tay nào đáng gọi là triết gia, mà toàn là triết học gia với rất nhiều khám phá nho nhỏ cùng một hai cái tài ngoại: viết văn hay, sản xuất tuồng kịch, tiểu thuyết có hạng... nghĩa là những phương tiện truyền bá nhưng nội dung để truyền bá là cái gì, vấn đề đó thiết yếu nhất thì lại bê bối hơn nên chẳng môn học nào chịu nghe theo triết lý cả. Mà không có triết lý để theo thì cuối cùng khoa nào cũng lạc lõng. Chỉ xin kể một thí dụ về khoa xã hội học, được coi như một khám phá lớn của thời đại thì theo ông Gurvitch, cuối cùng là "giúp tay cho tư bản hoặc các tổ chức quản trị bóc lột tiểu công chức, lao động, người dân tiêu thụ bằng những thể chế ngụy trang nhưng tàn ác biết mấy" (Vocation actuelle de la Sociologie PUF, t. II. p. 467). Ngoài công tác đó ra, thì khoa xã hội học vẫn bị khủng hoảng triền miên từ một trăm năm nay, nghĩa là từ ngày có xã hội học.

Ðó là trưng ra một khoa học được lưu ý nhiều để thấy hậu quả là chưa đưa tới kính ái con người mà còn nối tay cho giặc để bóc lột đại chúng. Chưa đủ Trung làm Thứ?

Mỹ:

Mỹ với Âu châu không khác nhau lắm, cùng nằm trong thế giới tự do. Khác chút đỉnh ở óc sùng thượng sự hữu hiệu như triết thuyết Pragmatisme chẳng hạn. Lấy một thí dụ đặc trưng là khoa tâm lý Ðiệu Bộ của Watson (Behaviorisme): Khoa này phát hiện do một phản động chống đối khoa tâm lý nội tâm bên Âu Châu mà Watson cho là chưa dứt khoát với triết học, nên còn nhận có lương tâm có linh hồn. Vì thế Watson đưa ra một nền tâm lý không cần có linh hồn hay lương tâm chi hết (Psychologie sans âme, sans conscience), chỉ cần y cứ trọn vẹn thái độ, trên cử động và điệu bộ (comportement) trên những phản đáp của giác quan, của yếu tố có thể đo lường, có thể kiểm chứng bằng trắc nghiệm, bằng thống kê...

Nhờ trắc nghiệm người ta có thể khám phá ra tài năng của mỗi người để hướng dẫn vào bộ môn chuyên biệt đúng chỗ. Ðấy là một sự thành công đáng kể. Và vì thế người ta thấy xuất hiện rất nhiều loại trắc nghiệm nó giúp cho việc tuyển thợ chuyên môn, phân chia các hạng binh lính. Tuy việc đó một người tinh mắt cũng nhìn ra được nhưng khi đặt thành những loại trắc nghiệm thì nó trở thành phương pháp cho rất nhiều người, tuy con mắt không tinh đời cũng nhận ra mà có phần khách quan hơn là khác. Và đó là cái lợi của trắc nghiệm cũng như của các loại tâm lý đặt nền trên điệu bộ.

Chúng ta cần ghi công cũng như cần mong chờ thấy thực hiện ở nước ta. Tuy nhiên những phương pháp đó không vượt lên cao lắm như khi phải tuyển lựa những cán bộ cao cấp, các triết học gia thí dụ, hoặc những môn đòi một loại khả năng tế vi mà không một thứ trắc nghiệm nào có thể dò la ra được. Trắc nghiệm thường không vượt quá được tầm mức gần mạch và cảm súc (activités sensorielles et motrices) như tài mau lẹ, chắc chắn, tài mắt tình, nhậy cảm, sức mạnh gân thịt, sức chịu đựng (lâu mệt) và sự bén nhạy của phản đáp tính (réflexe). Nhưng nếu vượt lên xa hơn để đo lường cả đến cái tế vi linh thiêng của con người thì không những dễ thất bại mà còn lâm vào những bệnh sinh trắc nghiệm (testomaine et quantophrénie) như ông Sorokin tố cáo, và sẽ đưa đến những thái độ bất tương dung trong giới tâm lý học như nhận xét của nhà tâm lý Charles Baudouin "incroyable intolérance chez" "les psychologues" (de l'Instinct à l'esprit 280). Ðó là trưng thử ra một hai khía cạnh nổi nhất bên Mỹ về tâm lý, để thấy rằng chưa "chí trung thì cũng thiếu chí hòa". Cho nên Hiệp chủng quốc có đủ phương tiện tối tân để lãnh đạo thế giới tự do về kinh tế và chính trị, nhưng chưa thành công kiến thiết được một nền đạo thuật để hướng dẫn văn hóa cho thế giới tự do.

Nga:

Nói đến Nga người ta nghĩ ngay đến nhà sinh lý học Pavlov được giải thưởng Nobel 1904 nhân một công trình nghiên cứu về tiêu hóa. Năm 1921 mới thật là danh vang khắp thế giới với thuyết lý về những "phản đáp có điều kiện", réflexes conditionnés trên các con vật.

Nếu ta đặt trước con chó một miếng thịt thì chó sẽ nhỏ dãi, đó là phản đáp vô điều kiện.

Bây giờ ta lại thêm một dấu kích động mới đi kèm miếng thịt thí dụ rung chuông (hoặc đốt đèn), thì lúc đó tiếng chuông sẽ gọi là dấu hiệu (signal). Ta cứ thử đi thử lại nhiều lần hễ có thịt thì lại có chuông rung cho tới một số lần nào đó 30, 40, 50, tùy con, thì khỏi cần thịt, chỉ rung chuông chó cũng chảy dãi: sự chảy dãi này gọi là phản đáp có điều kiện.

Ðó là khám phá của Pavlov. Thật ra không có chi mới lắm vì người ra đã dùng lâu rồi trong việc áp tập (dressage) các giống vật. Nhưng cái công của Pavlov là hệ thống hóa. Nhờ sự hệ thống hóa đó mà người ta có thể đẩy thí nghiệm xa hơn. Thí dụ khi nhận ra phản đáp điều kiện không những có thể gây ra được thú vị, biểu lộ bằng chảy nước dãi, mà cũng có công hiệu là kìm giữ lại, nén xuống sự đau đớn. Thí dụ cho luồng điện chạy qua chó thì đáng lẽ ra nó đau, kêu rống lên, nhưng liền sau cú đánh thì đặt ngay trước mắt nó một miếng thịt rất ngon với tiếng chuông. Khi nào phản đáp điều kiện đã sở đắc, thì lúc đó đánh chó, mà chó vẫn sung sướng vì có thịt có chuông. Ðến một lúc nào khi sự luyện tập đã thuần thục thì khỏi cần thịt mà chỉ cần chuông. Ðánh xong là rung chuông và chó sẽ sung sướng ngay: nước dãi lại chảy ra, mặc dầu vừa bị đánh rất đau. ta gọi đó là "phần đáp kìm" (reflexe d'inhibition): phản đáp kìm khó luyện lắm vừa lâu vừa ít thành công, vì có con khi vừa thấy nhà thí nghiệm đến, đã nôn mửa, có con lại còn sủa, hoặc dữ hơn nữa sáp lại cắn. Tuy nhiên với những con hiền thì cũng có thành công tuy số bị bệnh kinh giật khá nhiều.

Ðó là lược thuật lại rất đơn giản thuyết "phản đáp theo điều kiện" mà người ta đang áp dụng vào những việc đẻ không đau, cai thuốc phiện hay rượu v.v... Và nhất là người ta áp dụng vào chính trị: đem những danh từ rất đẹp vẫn đi kèm theo một thú vị nào đó thí dụ chữ "được" thường đi với được một cái gì như thi được, được lên chức, được thưởng v.v... Như thế chữ "được" trở thành dấu hiệu của cái gì thú vị. Nay nếu bắt làm một việc gì khó chịu như đóng thuế, đi dân công... thì đó là những cú đau nên người ta dùng phản đáp kìm đau bằng gọi là được: được đi dân công, được đóng thuế v.v... Người ta cũng có thể tạo cho chữ được một nội dung thiết thực, thí dụ trước khi tố khổ một phu nông thì tuyên bố là hắn không "được" đóng thuế, nên bị khai trừ...

Hoặc khi hành quyết một người nào xong thì "sắc lệnh" ân xá mới tới. Khi tuyên đọc bản ân xá, nhà chính trị nhằm gây phản đáp kìm đau đối với những người thân còn sống của nạn nhân.

Sau khi bắt làm những công việc cực nhọc, hy sinh quá cỡ, thi đua sản xuất cùng cực, thì chính quyền gây "phản đáp kìm đau" bằng nói về tương lai huy hoàng, trong đó mọi người sẽ được sống hạnh phúc đầy đủ...

Tuy nhiên nói chung ra thì công hiệu cũng rất hãn hữu, không phải vì khám phá của Pavlov vô giá trị, nhưng chỉ vì người không phải là chó, thế thôi...

Do đó bên các nươc Cộng sãn số người bị bệnh não thần kinh (névrosé) gia tăng rất nhiều, kể cả các cấp trên, vì bầu khí đầy mánh lới, lo sợ bị khai trừ, bị hất cẳng, nghi kỵ. Thành ra phản đáp không kìm nổi và mầm mống tan rã mỗi ngày chồng chất thêm lên nên công an phải giăng bủa vòng trong vòng ngoài, chìm nổi đủ cỡ. Và như thế ta vẫn thấy là thuyết "phản đáp điều kiện" không giúp vào sự giải phóng con người khi áp dụng vào chính trị. Sự chuyên chú quá đáng vào sự đào luyện phản đáp đã hy sinh những chức năng vi tế hơn của con người. Còn kém cả phản ứng (réaction) vì phản ứng bao hàm nhiều yếu tố tâm lý vượt xa phản đáp.

 

Saigòn ngày 25/03/1967

Rev. Lương Kim Ðịnh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page