5. Lễ Gia Tiên Trên Ðường Khai Phóng

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

a. Những đợt khai phóng

Qua mấy chương trên chúng ta đã nhận ra rằng lễ gia tiên bên Viễn đông mang theo ấn tích một cuộc biến cải nhân văn vĩ đại: đem nền móng văn hóa đặt vào nhân tính con người, vì đó mà lễ gia tiên không còn là một nghi lễ thuộc thời kỳ bái vật nữa, nhưng đã trở thành trung tâm cho một nền triết lý nhân sinh linh động, làm xi măng xây đắp các xã hội Viễn đông. Chúng ta cũng đã thấy các xã hội Tây âu vì thiếu một cuộc cãi biến đó mà đã đưa ra những ý hệ thiếu tình người như trong các chủ nghĩa cá nhân bên thế giới tự do hoặc chuyên chế kiểu Cộng sản. Nền giáo dục duy lý đó đã là căn nguyên gây nên những đau thương cho dân nước chúng ta như đã bàn ở chương ba và bốn. Ðiều đó giới trí thức Âu tây (thứ đại, nghĩa là mươi lăm người ý thức hơn hết) đã nhận ra, và đang gắng công tìm cách thải bỏ triết học cũ, để đi tìm một nền triết học mới có tính chất nhân đạo hơn. Vì thế mà chúng ta đánh một vòng chân trời văn hóa xuyên qua các nước có liên hệ với ta, để tìm hiểu xem họ đang đi tới đâu, và liệu triết lý gia tiên chúng ta có còn hợp với giai đoạn khai phóng mới này không?

Ðể có một ý niệm rõ rệt về những lãnh vực khai phóng, chúng ta nên chia ra ba đợt là:

1. Kinh tài,

2. Thể chế về chính trị và các tổ chức khác,

3. Văn hóa thuộc tinh thần.

Trước hết ở hạ tầng kinh tế và tài chính, kỹ nghệ hóa, thì có lẽ mọi người đều đồng ý ở đợt này: không ai là không mong muốn một cuộc kỹ nghệ hóa mau lẹ để nâng cao mức sống, chúng ta không cần thắc mắc, chỉ việc mua máy về trang bị các cơ xưởng, đồng thời sai người đi học, thuê kỹ sư ngoại quốc trong lúc chưa đào luyện chuyên viên kịp.

Khai phóng ở đợt này rất quan trọng, nhưng tương đối dễ dàng khi xét về phương diện hướng tiến. Cái khó thuộc về nhân sự và kinh tài chứ không về chiều hướng.

Lên đến trung tầng thuộc định chế, chính trị ngoại gaio, các qui chế v.v... thì phần lớn nên theo Tây, vì thực ra Tây ở đây còn là Tây trung cổ nhưng đã trở thành thể của quốc tế hợp cho đời sống cơ khí hóa hiện nay rồi. Ngoại trừ một vài thể chế đặc trưng như xã thôn thì cần khảo cứu nhiều nơi hơn. Ngày nay không còn thể giữ y nguyên xã thôn như trước, nhưng cần đặt mạnh mối giao liên với thị thành để đi theo nhịp quốc tế là nhịp đi lên mạnh của thị dân: Nước Pháp 63,9% là thị dân, nước Anh 75%, nước Ðức 80%. Rồi nước ta cũng phải vượt qua giai đoạn quãng 15% hiện tại... Ðó là đà bắt buộc do sự phát triển kỹ nghệ. May chăng chúng ta giữ được ít nhiều tinh thần xưa. Trong một số báo Mai (tháng 10-12-1966) có nói đến xã thôn Nhật Bản còn giữ được nhiều tinh thần cũ song song với đà đi lên của kỹ nghệ hóa là nhờ chính sách giải tỏa kỹ nghệ ra khắp nước, nên thợ thuyền không bị bứng ra khỏi gia đình ra khỏi xã thôn. Ðó cũng là một kinh nghiệm đáng lưu tâm. Tuy nhiên, nói chung thì ngày nay phần nhiều đồng ý về việc thâu nhận văn minh khi hiểu văn minh là cơ khí và thể chế.

Còn đợt thứ ba là Văn hóa thuần túy thì hầu chắc phải đi tới tổng hợp Ðông Tây. Ý kiến bảo cổ không còn thế lực nữa, khỏi cần bàn tới. Ðến như ý kiến cấp tiến duy tân cho rằng muốn tiến bộ cần phải thâu nhận văn hóa Tây âu như một toàn khối bất khả phân ly: nhận cả hay bỏ cả chứ không thể nói truyện hồn Ðông xác Tây được. Ý kiến này cũng không còn đứng vững vì một đàng chúng ta thấy sự phát triển kinh tế xuất hiện trong nhiều chế độ khác nhau: quân chủ Nhật bản, quân chủ lập hiến Anh, Cộng sản Nga... nghĩa là kỹ nghệ hóa không thiết yếu gắn liền với một chính thể duy nhất nên cũng không bó buộc theo một nền văn hóa duy nhất. Ðàng khác những người chủ trương duy tân đã chứng tỏ sự bất lực kiến tạo ra một nền chủ đạo Già mồm hô hoán theo Tây nhưng đâu là đạo lý của Tây âu để mà tuân theo? Bởi vì khi nói đến văn hóa thì Tây âu có rất nhiều giá trị tản mát với một ý hướng chung nhau: ai cũng nói phải thiết lập một tình huynh đệ phổ biến tinh thần kính ái, tôn trọng lẫn nhau, Ðông Tây bổ túc, tổng hợp khoa học với đạo đức... Nhưng đó mới chỉ là hướng rất ít giá trị trong triết lý vì đó chỉ là nguyện vọng ai cũng suýt soát mong mỏi và nói lên được. Nhưng làm cách nào để tới mục đích kia mới là vấn đề quan trọng và triết lý chân thực nằm trong làm cách nào, chứ rất ít trong ý hướng, nên không thể chỉ đặt quan trọng trong các giải pháp, trong các ý hệ được đưa ra. Và mọi người đều nhận định rằng các ý hệ đã thất bại hết. Và sự thất bại đó hiện đang xảy ra trên nước Việt nam vẫn được gọi là "ngã ba gặp gỡ của nền văn hóa". Ngày nay sự gặp gỡ đó hiện hình lên như một thực thể có xương máu: máu thật của hàng trăm chiến sĩ ngã gục mỗi ngày, không phải để giành đất mà thôi, nhưng trước hết và trên hết là vì sự đụng độ của các ý hệ, các nền văn hóa. Cũng là một dịp cứ gọi là may đi để chúng ta chứng kiến một sự thật hiển nhiên rằng văn hóa không phải là truyện mây gó, nhưng là truyện có thực, và khi nó trở mình, nó đụng chạm thì máu chảy thịt rơi. Vậy tại sao giới trí thức trong nước không tìm lấy một đường lối thống nhất để tránh khỏi can qua? Thưa rằng cho tới nay chưa thể có đủ thời giờ và an tĩnh mà làm vì đó là truyện dài hơi, đòi trên cả hàng chục năm suy nghĩ lao lung. Nhưng nếu không kiến tạo được một chủ đạo thì khó thoát ra khỏi cảnh đau thương. Vì thế mà chúng ta phải cố gắng làm lấy, nhưng nhờ các dữ kiện của Tây âu. Trong ý hướng đó bây giờ chúng ta đi thăm các nước liên hệ với ta hơn hết để thâu thập nguyên liệu.

 

Saigòn ngày 25/03/1967

Rev. Lương Kim Ðịnh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page