4. Khi Người Cộng Sản Giải Phóng

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

c. Không an thổ để đôn hồ nhân thì bất khả năng ái

Không an thổ để đôn hồ nhân thì bất khả năng ái. Câu sách đó người Cộng sản đã chứng minh cách đồ sộ bằng cái chết thê thảm của biết bao người trong các trại tập trung, hoặc tiếp tục ngã gục trên các chiến trường, trong những vụ bắt cóc, khủng bố khắp nơi trên đất Việt kể từ ngày chân voi Cộng sản được rước vào nước ta.

Ðó cũng chỉ là sự lập lại kinh nghiệm nước ngoài. Xin đưa ra một nhân chứng nhiều người đã nghe nói tới, đó là Milovan Djilas. Trước kia ông là lý thuyết gia đã được un đúc trong lò tư tưởng Cộng sản, rồi làm tới phó chủ tịch Nam Tư, nhưng năm 1962 vì đã cho xuất bản cuốn "Các cuộc đàm thoại với Staline" nên bị kết án hơn 8 năm tù. Lý do? Chỉ vì đã dám nói lên tiếng lương tâm mà sau đây là một vài câu trích dịch: "Hầu như không một điều nào trong chủ nghĩa Mác-xít nguyên thủy được tồn tại tới nay". Về nông dân, ông viết: "Giai cấp mới đã thành công trong việc biến các nông dân trở nên tôi mọi và giành lấy phần lớn nhất trong lợi tức của họ".

Cho nên về tốc độ kỳ lạ trong những tiến bộ kỹ nghệ của Liên Sô thì Djilas có thể nói xưa kia những thuyền buồm của Tây Ban Nha dùng sức những người nô lệ bị xiềng vào mạn thuyền để chèo, cũng có một tốc độ rất nhanh.

Chúng ta có thể kết luận bằng mấy câu của Djilas như sau: "Xưa kia các đồng chí Cộng sản là những con người, mỗi người mỗi vẻ, mỗi tính, những chiến sĩ nhiệt thành hăng hái, tinh thần quyến luyến nhau không phải vì chí hướng như nhau, đau khổ như nhau, nhưng cũng vì một tình yêu không vụ lợi, một tình đồng chí, đoàn kết... Nhưng rồi khi họ đã nắm được chính quyền thì họ đã trở thành những con người hèn nhát, vụ lợi, ích kỷ, hết ý tưởng và hết đồng chí, sẵn lòng từ bỏ hết cả danh dự, tên tuổi, chân lý, đạo lý, cốt sao giữ mãi được địa vị của họ trong giai cấp thống trị và thượng lưu. Thế giới chẳng mấy khi được thấy những anh hùng sẵn sàng hy sinh và chịu cực nhọc như những người Cộng sản trước và sau những ngày đầu của cuộc cách mạng. Và cũng chẳng mấy khi thế giới đã được thấy những con người mất tinh thần dễ dàng như vậy, ương ngạnh bảo vệ một cách ngu xuẩn những công thức khô khan sau khi họ đã nắm được chính quyền...

"Chủ nghĩa Cộng sản độc tài đưa tới một sự bất mãn toàn diện trong đó mọi ý kiến dị đồng đều bị xóa nhòa, ngoại trừ lòng tuyệt vọng và thù oán" (tất cả đoạn này trưng theo Lâm ngữ Ðường, bản dịch của Từ Chung "Bí danh" trang 156-174). Ðiểm này quá rõ, không mấy ai nghĩ đến truyện phủ nhận cả. Trái lại chính những thực tại phũ phàng đã làm vỡ mộng nhiều nhà trí thức trên thế giới trước kia đầy thiện cảm với Cộng sản và coi đó như một cứu tinh để giải phóng con người trong giai đoạn mới này. Chính sự vỡ mộng kia đã làm cho Cộng sản mất đi bao uy tín, và chỉ còn sót lại được số nhỏ. Tuy nhiên số nhỏ đó vẫn bám chặt với chủ trương rằng: "sở dĩ Cộng sản không đạt thành quả là tại các nước Cộng sản không chịu đi đúng đường lối do Karl Marx vạch ra, nên có những chuyện đáng tiếc như vậy. Vì thế mà ngày nay đang có trào lưu "Xét lại" với hy vọng tạo được kết quả tốt đẹp hơn! Liệu có được chăng?

Ðiều làm cho giới trí thức say mê hơn hết trong triết thuyết Karl Marx là "dự phóng căn bản" nhằm giải phóng con người ra khỏi thảm trạng vong thân ngày nay.

Vong thân là gì? Nói cụ thể là làm con người quên mất bản gốc người của mình. Con người bị bán đoạn mãi cho những tha vật như tôn giáo, tư bản, chính trị... Bản tính con người biến mất để trở thành những sự vật cụ thể như tiền bạc, hàng hóa, nghĩa là những giá trị phổ thông, vô hồn, người ta trao đổi cho nhau những đồ vật. Ðó là vong thân, là thảm kịch làm hạ phẩm giá con người xuống hàng sự vật. Chúng ta cần nói ngay rằng những nhận xét của Karl Marx rất đúng với xã hội Âu Châu thế kỷ 19, và còn đúng với tình trạng xã hội nhiều nơi khác ngày nay.

Các nhận xét trên đã được nhiều triết gia và văn hào nói tới nên không có chi lạ lắm, nhưng dưới ngòi bút của Marx tuyên bố từ khước mọi triết lý suông và thiết lập ra một "hành pháp", một mặt trận giải phóng và trao sứ mạng đó cho những người đang là vật hy sinh cho các chế độ tư bản bóc lột họ, khiến họ mất quyền làm người, thì tiếng gọi của ông trở nên thiết tha và lôi kéo không những thợ thuyền mà luôn cả một số khá đông trí thức. Chỉ xin kể vài tên tuổi quen: Merleau Ponty khi viết "Humanisme et Terreur" thì ca ngợi chính quyền Sô viết cho rằng chỉ có giới vô sản mới là liên chủ thể chân thực, nghĩa là chỉ có thợ thuyền mới biết yêu thương nhau thực tình. Nhưng 8 năm sau khi viết "Les Aventures de la Dialecque" thì đã đổi giọng và cho cuộc cách mạng bên Nga cũng chỉ là một trong các cuộc cách mạng nào bất cứ.

J.P. Sartre cũng từ sự ủng hộ hết mình với hết sức ngòi bút để rồi đi tới câu quả quyết "xã hội chủ nghĩa là một con quái vật tự cắn xé chính mình..." Bertrand Russel trước đây 10 năm có lần đòi Mỹ triệt hạ Nga sô bằng bom khinh khí, đến nay thì quay ra lên án Tổng thống Johnson là tội nhân chiến tranh vì cho phép ném bom Bắc Việt!...

Chỉ kể sơ thế đủ biết tại sao giới triết học gia Âu tây bị mất tín nhiệm cũng có lý do lắm. Cái học hoàn toàn vật bản giúp mấy cho việc hướng dẫn cuộc sống ở đời! Ðến nay trào lưu "nhập cuộc, lăn lưng" nổi dậy, thì các ông cũng theo thời trang mà hô lăn lưng (engagement). Nhưng nghe các ông thì ta thấy liền, đó là các ông đứng trên tháp ngà mà hô, chứ cái triết học của các ông có giúp các ông nhìn sáng suốt hơn ai đâu!

Các ông cho rằng Cộng sản đã làm sai lạc "dự phóng căn bản" của K. Marx thì thật là lơ mơ. Bảo rằng triết thuyết Marx là một nhân bản thì chỉ là nói kiểu thường nghiệm.

Hễ nói về yêu thương người, nói về giải phóng con ngưòi, giải phóng thợ thuyền mà bảo là nhân bản đã được đâu. Gọi là nhân bản cỡ văn nghệ thì được, còn muốn nói là nhân bản theo bình diện triết lý thì không được dừng lại ở thiện chí với những câu tuyên bố hùng biện, nhưng phải tiến xa hơn nữa. Chúng ta hãy thử theo mấy ông triết đó mà chỉ nói đến mấy tác phẩm của Marx trẻ như quyển Sainte famille, Idéologie allemande hoặc Manuscrits d'Économis politique et philosophique (1843-44). Trong tác phẩm cuối này, Karl Marx định nghĩa con người như là thực thể xã hội: l'homme humain est l'homme social", câu này giống giống với câu Mặc Ðịch: "quần ngã nhất thể" ngã với xã hội là một thể nghĩa là xã nhân tính đã múc cạn bản tính con người rồi mà thật ra con người còn những yếu tố mênh mông khác mà Nho giáo kêu là Thiên Ðịa chi đức. Vì thế những câu định nghĩa giản lược con người vào một yếu tố duy nhất như trên đều là bán đoạn mại con người cho đoàn lũ, chẳng còn chi để lại cho con người sâu thẳm tư riêng của văn tổ, mà đó mới là phần trung thực của người, huống chi đoàn thể đó không có một yếu tố siêu việt nào bên trên, dễ trở thành một thứ Thượng Ðế nuốt trôi luôn bản thể con người mà Karl Marx đang nhằm giải phóng. Chính Marx nhận ra tính cách trừu tượng đó (home générique et abstrait) nên khi viết "Idéologie allemande" (1845) đã cố đưa con người vào hoàn cảnh tư riêng của lịch sử; nhưng đó là một thứ lịch sử được viết lại theo khía cạnh duy nhất của kinh tế, theo khía cạnh tương quan sản xuất... nên cũng không hơn gì định nghĩa trên kia, vì thế mà càng ngày sa đọa. Ðến khi viết bộ "Capital I" (1867), II (1885), III (1898) thì con người của Marx đã trở thành một thực thể kinh tế rồng: homo aeconomicus, và quan niệm của K. Marx đặt trúng vào chiều hướng vong thân như tất cả các triết lý nhị nguyên rồi. Thay vì "Nhân giả nhơn dã" thì ra "địa giả nhơn dã" hoặc là "đoàn thể giả nhơn dã" nghĩa là đã đánh mất trọn vẹn một chiều kích của con người lưỡng thê (amphibie) và cưỡng buộc phải trở nên con người một chiều "one dimensional man". Chính vì thế khi đi sâu vào học thuyết Mác-xít người ta dễ nhận ra những mâu thuẫn trầm trọng ở những điểm then chốt. Một chữ "vong thân" (aliénation) mà lệt xệt kéo qua biết mấy ý nghĩa mâu thuẫn. Một chữ "ý hệ" mà Gurvitch tính ra được 13 nghĩa khác nhau, khác nhau đến độ trái ngược hẳn (xem ocation actuelle de la sociologie p. 236). Sự cổ võ vượt triết lý bằng "phép hành" (praxis) rất lúng túng và không lấy chi là rõ rệt, phong phú, nên nhiều người chỉ coi triết thuyết đó như một nền siêu hình về giá trị cần lao và thặng dư giá trị (plus-value), mà không thèm quan tâm tới nữa. Thực ra thì K. Marx không phải là đại triết gia, Karl Marx có đại, nhưng chỉ là một đại xã hội gia, hoặc xét như nhà cổ võ hô hào đại chúng thì kể là vào hàng đầu. Ðọc những đoạn tràng giang về tiền tài, về bất công xã hội thấy rõ liền. Ðại triết gia đâu có viết về những cái tầm phào trọng thể (platitudes solennelles) kiểu nhà hùng biện như thế. Chính bởi lẽ đó nên sách của K. Marx chứa đầy những mâu thuẫn. Vì thế có một dạo Âu Châu hầu như chôn táng K. Marx vào thư viện. Nhưng tự 1930 trở đi mới có người, nhất là bên Pháp "khám phá" K. Marx trở lại qua những tác phẩm trẻ, mới xuất bản vào lối 1929. Làm thế là vì họ hy vọng tìm ra lối thoát cho xã hội học hiện đại đang bị bế tắc với lối nhìn độc khối, im lìm và quá duy linh của Durkheim.

Ðây lại là một lú lẩn nữa của triết học gia, xã hội học gia... Quí hóa chi lắm những lời "quảng đại" khi còn thành niên. Người ta nói rất trúng khi còn trẻ chỉ cần phác họa chương trình trong một buổi sáng thì già đến bốn cái đời người cũng chưa thực hiện nổi. Vì thanh niên đã hiểu nổi đâu những khó khăn nên rất dễ "quảng đại", rất dễ nói lên những lời yêu thương chân thành đối với những ai bị bóc lột, bị đàn áp. Nhưng đây chính là chỗ phải nhấn mạnh câu "nói dễ làm khó". Anh chửi tư bản thối nát bóc lột, - được lắm, không ai phản đối cả. Anh chửi, tôi chửi, chúng ta chửi, hơn thế cả chính chúng nó cũng tự chửi nữa. Nhưng đâu là chương trình và chủ trương của anh, có hữu hiệu chăng, nghĩa là có ăn khớp trên dưới chăng? Có dựa trên những thực tại không những thuộc kinh tế mà cả tâm lý và xã hội nữa? Nếu không thì hứa 1 hay 10, hay cả 100 đi nữa có đáng kể chi đâu. Những người hơi thực tế có ai dựa trên dự phóng để đánh giá một chủ trương đâu! Có sử gia nào sẽ đánh giá một đời tổng thống, một chính phủ chỉ căn cứ vào các bài diễn văn hoa mỹ, các dự án suông thiếu nền tảng thiết thực bao giờ đâu?

Một buổi sáng kia vào quãng năm 1883 dự phóng ra một "mặt trận quốc tế" để xóa bỏ quốc gia thế mà 50 năm sau (1939) sử gia Pokrousky nổi tiếng đến nỗi một đại học Nga mang tên ông, và được coi như đại sư của các sử gia, vậy mà còn bị Lénine hạ bệ vì cho rằng ông chưa nhận ra yếu tố quốc gia của nước Nga! Vì thế cái mộng xóa bỏ quốc gia theo kiểu "dự phóng căn bản" để đúc các quốc gia thành một đại đồng quốc tế, chỉ còn là khẩu hiệu tuyên truyền cho đế quốc Nga sô, hầu thúc đẩy những người cán bộ hăng say nhưng thiếu kinh nghiệm lao đầu vào làm việc cho hàng tổng Nga sô viết.

Tóm lại ý hướng của K. Marx thì nghe hay lắm, nhưng xét tới căn bản triết lý đã chứa yếu tố vong thân ngay từ thời trẻ rồi, cho nên đừng có hòng khai quật tác phẩm Mác trẻ mà sửa lại được thảm trạng của Cộng sản. Vì thế mà chúng ta thấy càng ngày các xã hội Cộng sản càng đi ngược vối tuyên ngôn ban đầu. Tân đảng cấp ngày càng ran ra xa khỏi đại chúng: nói gọn vào thì khi thợ thuyền lãnh một, giới lãnh đạo cấp cao lãnh gấp trăm gấp ngàn.

Còn chuyện giải phóng thì lại càng đi ngược lại hẳn. Thay vì trước kia vong thân một, thì nay vong thân đến hai ba độ sâu hơn, và tệ hơn nữa là không cho phép ra khỏi vong thân khi có cá nhân nào chợt nhận ra được cảnh vong thân. Xét theo ánh sáng lễ gia tiên thì người Cộng sản đã bỏ qua Trung (Văn Tổ) để đi ra thứ là nhân loại, là quốc tế. Nhưng chính vì bỏ qua Văn Tổ nghĩa là bỏ trung với nội ngã của mình rồi với gia đình, sau đến quốc gia, đoạn mới tới quốc tế, mà đòi bước bổng: xéo qua những người thân yêu, xéo qua đồng bào để đi phục vụ quốc tế và nhân loại liền, thì chúng ta nhận ra cái quốc tế đó, cái nhân loại đó thiếu nội dung chân thực, mà chỉ còn là một danh từ rỗng che đậy một sự vong thân trầm trọng của chính mình, của gia tộc bị tan hoang, làm nghiêng đổ quốc gia với muôn ngàn đồng bào bị xô vào hố điêu linh tang tóc.

Thiếu trung với tâm thì không còn chi móc nối với nguồn sinh lực đầy yêu thương chân thực. Cho nên những chữ: giải phóng, nhân loại, tương lai huy hoàng trở thành mớ danh từ rỗng khổ. Cộng sản chỉ còn là một biến trạng của sự bế tắc tự hai ngàn năm nay do sự thiếu nền móng Văn Tổ mà ra, không phải là một sách lược chân thực. Cho nên dùng để giải phóng người thì người trụt sâu thêm xuống vực vong thân, dùng để giải phóng nước thì nước sẽ biến ra một chư hầu, một phù dung của đế quốc. Và như vậy là kiện chứng cho câu nói ví Ðông dương Cộng sản đảng như một trái bom nổ chậm của thực dân Pháp: có nhiệm vụ tiếp tục cùng một việc như thực dân để đẩy xa hơn ba cái tệ đoan là: bất bình sản, cá nhân cực đoan, và ý hệ độc hữu. Nói khác đi, Cộng sản Việt nam là người thừa tự của thực dân Pháp.

Ðứng về mặt chính trị thì người Cộng sản Việt nam đuổi Pháp, hay trúng hơn là lợi dụng sự đánh đuổi Pháp của toàn dân Việt Nam, nhưng xét về ý thức hệ thì là kế nghiệp nên nhiều lần đã bắt tay với Pháp, cũng như Pháp đã bắt tay với Việt minh để tiêu diệt các đảng phái quốc gia. Việc đó ai cũng biết nhưng có một điều không được lưu ý vì nó thuộc phạm vi triết lý và nó là như thế này: Trên bình diện ý hệ thì người Pháp chủ trương Hữu, người cộng sản chủ trương Vô. thế mà Hữu với Vô tuy là đối cực như sáng với tối, nhưng lại đứng trên cùng một bình diện. Ðó là sự thật sâu xa, thường nhân ít nhận ra, nhưng lại là một công lệ trong triết lý. Một bên nói có, bên kia nói không, thì cả hai cùng thuộc bình diện nhị nguyên, nghĩa là có hoặc không mà có giải pháp thứ ba, nên gọi là triệt tam, tiers-exclu".

Do lẽ tế vi đó mà bảo Thực dân với Cộng sản có họ máu hang ngang. Hàng ngang nên đánh nhau, nhưng cùng một họ. Từ mười năm nay ta thấy De Gaule o bế Cộng sản Việt nam thì không phải là chuyện tình cờ hoặc là chính trị suông mà thôi, nó có bao hàm mối liên hệ từ trong bản chất. Ông Paul Mus đưa ra nhận xét sâu sắc sau: Trong khi khôi phục lại Việt Nam, các đảng phái quốc gia không những thoát ra khỏi nền tư tưởng của chúng ta, nhưng còn xóa bỏ đi nữa. Ngược lại, người Cộng sản không những giữ lại mà còn nối tiếp và đưa đi xa hơn. Thực dân Pháp đã tách rời cá nhân ra khỏi thôn xã, đã bóc lột họ, trừ một lớp lợi dụng. Người Cộng sản Việt nam tuy có khởi đầu bằng việc phân phối lại tài nguyên cho các cá nhân, nhưng không phải để cho cá nhân được độc lập tự do, trái lại sự phản đối đó sẽ dẫn cá nhân đến hố vong thân, vì xã hội họ thiết lập chỉ là tổng cộng các cá nhân lại từ bên ngoài, chứ không có sự tham dự của một yếu tố siêu nhiên nào tự nội. Như thế là họ đang đẻ ra một xã hội kiểu Tây âu mà trước kia thực dân chỉ mới cưu mang trong tiềm lực. (Mus 248).

Ông Paul Mus đã ghi nhận sự bỡ ngỡ của nhiều người Pháp khi mới tới Việt Nam về điểm then chốt này là họ nhận thấy mình gần với Cộng sản Việt nam, và trong chiến tuyến vũ trụ họ thấy mình đứng cùng một phe thuộc chung một ngôn ngữ, tức là ý hệ nhị nguyên: chỉ khác có ngữ âm: người Cộng sản Việt nam dùng ngữ âm Mác-xít, người Pháp dùng ngữ âm Descartes. Xem qua thì đối chọi như có với không, nhưng tựu kỳ trung lại thuộc cùng một dòng máu, có họ thâm sâu (parenté profonde) nói theo ngôn ngữ huyền sử Viễn đông thì đó là họ Công Công. Vì không tìm ra Văn Tổ ở trung cung, nên húc đầu vào núi "bất chu" nghĩa là không tròn. Tròn là Trời (thiên viên) không tròn là không có trời. Không có trời để che thì đất cũng không thể chở. Muốn "đất chở" thực sự nghĩa là mảnh đất trở thành tư hữu của người dân phụng sự thực sự cho người dân tùy theo sự sử dụng của họ thì phải có nền đạo lý tâm linh mà tôi gọi là trời che. Nhưng trời đã miêu duệ Cộng Công làm nghiêng đổ. Vậy phải làm thể nào để con dân nước Việt lại có cái che? Phải bắt chước Bà Nữ Oa nấu đá ngũ hành để vá lại trời. Ngũ hành là hành ngũ tức là Thổ trung cung, nơi thờ tự Văn Tổ, cũng gọi là Văn Miếu. người quốc gia chân chính phải khởi công một lần nghiêm túc trở lại canh tân Văn Miếu. Muốn canh tân cần nhiều nhiên liệu mới. Vậy trước khi khởi công canh tân chúng ta đánh một vòng chân trời để tìm tân nhiên liệu.

 

Saigòn ngày 25/03/1967

Rev. Lương Kim Ðịnh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page