4. Khi Người Cộng Sản Giải Phóng

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

b. Ðoàn Thể Mà Thiếu Nền Tảng Linh Thiêng Thì Gọi Là Ðoàn Lũ

Chữ Nhân kép bởi chữ Nhị và Nhơn thì nghĩa đầu tiên là nói lên xã hội tính của con người. Con người không là một thực thể lẻ loi cô tịch nhưng là người sống thành đoàn thể. Ðoàn thể mà thiếu nền tảng linh thiêng thì gọi là đoàn lũ (masse) ràng buộc bằng pháp hình luật lệ. Luật lệ cần nhưng chưa đủ, mới được có phần ngoài, nói theo quan niệm Ðông phương mới có tầng cá nhân, thuộc về địa, còn thiếu hai tầng thiên và nhân mới đủ tam tài, nên cần cái gì linh thiêng và nội khởi nữa. Thiếu yếu tố tâm linh đó sẽ có ngày tiêu diệt nhau, hay ít ra bốc lột tàn nhẫn hoặc ở bên nhau nếu không đến nỗi như đống gạch đá, thì cũng như chùm cây hay đoàn vật: con nào biết con nấy. Nói ngay loài vật nhiều giống đã vượt xa đợt đó rồi. Vì thế cần phải tìm ra một yếu tố mới. Chúng ta thấy rằng sự thờ cúng tổ tiên của La Hi xưa vì đã không tìm ra yếu tố mới như kiểu Văn Tổ, nên sự đoàn tụ vẫn y nguyên là một sự cộng lại của nhiều cá nhân. Chúng ta lại biết rằng Viễn đông vì đã vươn lên tới đợt Tâm linh được biểu thị trong bài vị Văn Tổ nên đã thành công biến đoàn lũ trở thành đoàn thể hay nói theo tiếng mới là công thể (communauté). Ðoàn lũ là một sự tổng cộng, lấy bên ngoài làm chính, nên phải gia tăng kiểm soát, giăng bủa nhiều tầng lưới công an, cảnh sát, mật vụ.

Công thể thì nhấn mạnh phần nội khởi: sự kiểm điểm bên ngoài tuy không bỏ nhưng đặt bên dưới hay là ngang với yếu tố nội khởi tình tự là phần không kiểm soát, không kiểm soát vì nó tế vi không có hình tích nên ta quen gọi là tâm linh u ẩn. Tuy con mắt thường nhân không thấy, nhưng hiền nhân quân tử nhận ra sự quan trọng tất mực của nó. Nó rất cần thiết để cho đoàn lũ trở thành đoàn thể, tức là sự hội họp đoàn tụ mang ẩn tích của con người, nghĩa là gắn bó bằng tình yêu thương nhiều hơn bằng luật pháp. Do đó người xưa đặt bộ Thị vào chữ Xã, nên chữ Xã có nghĩa là thần của đất, không phải là đất chung nhưng là đất của làng. Chữ Xã còn chỉ là bàn thờ để thờ Thần hoàng tức Thánh tổ của xã thôn cũng như các tiền nhân trong ấp xóm, chữ nào cũng mang nặng chĩu linh thiêng. Chính chữ Xã đó là chìa khóa mở vào kho di sản thiêng liêng của nước Việt Nam: nó gợi lên một bầu không khí tâm linh, một cảnh giới công thể. Chính chữ Xã đó làm cho cái làng cái xã Việt Nam trở nên một thực thể thiêng liêng đầy uy lực.

Có bí quyết chi chăng? Thưa tất cả nằm trong chữ Thị chỉ cái gì linh thiêng che chở, thâm thiết khiến cho người Việt Nam nào (trước khi bị Pháp phá) cũng cảm thấy yêu thích chìm mình vào đó. Người duy lý thành thị được đào tạo theo văn hóa Tây phương cho như thế là mất nhân vị, mất cá tính... nhưng người trong cuộc lại cảm thấy dễ chịu, như có cái chi đáo ứng nguyện vọng sâu thẳm cõi lòng, mà sau này người Pháp phá vỡ thì họ cảm thấy một sự trống trải cô đơn lạ. Ông Paul Mus nhận xét rất đúng rằng "sự bị đánh bật ra khỏi xã thôn (không có ruộng) đã trở thành một nhân tố phá vỡ mất sự quân bình tâm lý của người Việt Nam kể như họ bị chặt đầu vậy. Việc nhổ người dân ra khỏi công thể (gia đình, làng xóm) được Cộng sản tiếp tục bằng chủ nghĩa tam vô, cốt cho con người trở thành hoàn toàn cá nhân, nghĩa là bị cắt đứt mọi ràng buộc tình ái với gia đình, tổ quốc (mà ở tầm thước thôn dân là ấp thôn) để cho dễ được sát nhập vào đảng. Vì có đoạn tuyệt với gia đình với làng xóm mới dễ hi hiến trọn vẹn thâm tâm cho đảng. Nhưng tinh thần công thể đã ăn sâu trong tâm hồn người Việt, hơn thế nữa đó là chiều kích tạo dựng nên con người Viễn đông nên những chủ thuyết nào đi ngược lại mà được biết rõ như thế sẽ bị từ khước. Ðó là điểm đến phút chót người Cộng sản đã nhận ra kịp thời, và thế là họ đã bãi "Ðông dương Cộng sản đảng" để nhấn mạnh đến yếu tố "xã hội hóa". Tại sao lại hy sinh như thế? Phải nói là hy sinh khi họ vừa tiếp nhận được chủ quyền từ tay người Nhật trao sang thì lẽ ra đây là lúc rất thuận lợi để đề cao công trạng của đảng, để minh chứng rằng "thiên mệnh" đã định cho Cộng đảng lên nắm guồng máy của nhà nước. Ðó là điểm lạ nhưng ít người đặt thành vấn đề. Thường thì người ta cho là một sách lược của Cộng sản: có thể vì lúc Cộng sản còn yếu so với các đảng phái quốc gia mạnh hơn nhiều. Ðó là một lẽ, nhưng còn có cái chi sâu xa hơn chăng? Ðây là chỗ ông Paul Mus đã đưa ra những nhận xét tế vi như sau (Mus 252-264):

Trước hết vì chữ "Ðông dương" là chữ vô sắc thái: nó chỉ những miền nằm ở phía đông biển cả và được người Pháp gọi là cái "Ban công nhìn ra Thái bình dương" mà Paul Reyneaud đã muốn xây thêm vào cho "cái nhà Pháp quốc" (pays de la Grande Mer Orientale le Balcon sur le pacifique de Paul Reyneaud. Nous le voyons accolé à notre maison (Mus 264).

Vì thế cái tên "Ðông dương Cộng sản đảng" làm người Việt liên tưởng ngay đến cái gì ngoại lai nhập cảng, hơn thế nữa có liên hệ nào đó với thực dân Pháp. Ðến như ba chữ "Cộng sản đảng" cũng nói lên cái gì xa lạ. Chữ Cộng là cộng lại kiểu toán học tự ngoài chứ không gây được âm vang như tinh thần xã thôn có cái gì linh thiêng thân mật. Chữ Sản là sản phẩm, sản xuất, cái gì thuộc kinh tế, của cải, ích dụng mà không gợi lên cái gì là sản nghiệp có tính cách linh thiêng nối kết dòng tộc từ đời này qua đời khác, nhưng chỉ còn là một tác động trứ hình nhằm để chung lại của cải cũng như thân xác ý chí một cách vật chất, lấy của riêng làm ra của đảng chứ không còn là sự hội lại để tế thần. Ðối với Âu châu thì sự để chung lại có lẽ hay cho nhiều người. Ta nhớ lại Âu châu phần lớn xưa kia là nô lệ, tiếp tới nông nô thời trung cổ, rồi khi bước vào đời kỹ nghệ là thợ ăn lương nghĩa là trải qua các giai đoạn lịch sử số đông đều kéo lê một cuộc đời vô sản, thì cộng sản có ý nghĩa. Chứ như bên Việt Nam không có thể chế nô lệ nông nô hay vô sản mà thực ra chỉ là vấn đề nhân khẩu học (problèmes démographiques) mà thôi. Vấn đề đó nếu không bị người Pháp chặn đứng bằng chia nước ta ra ba kỳ, đi lại phải có "tít" rất khó khăn phiền hà thì đã được giải quyết liên tục dưới hình thức Nam tiến rất mạnh mẽ không gì cản nổi. Vậy người Việt Nam nghèo thì có, chứ không có vô sản. Người Pháp đã gây ra một số, nhưng chưa đủ nhiều để trở thành vấn đề có tầm quan trọng quốc gia.

Cuối cùng là chữ "Ðảng", nó cũng gợi lên cái gì là phe nhóm tư riêng, không có tính chất phổ biến, Người Việt Nam lúc đó thấm nhuần Nho giáo ghét cái gì thuộc phe nhóm: "quân tử hòa nhi bất đảng". Cái gì cũng mong muốn có tính cách thái công, không chịu những lối phân chia...

Tóm lại cả năm chữ "Ðông dương Cộng sản đảng" đều nói lên một cái gì dựa trên các giá trị ngoại lai có phần chống lại với tinh thần tổ quốc có cơ cấu linh thiêng và bị cộng sản coi như thượng tầng văn hóa duy tâm có tính cách tầm gửi đã lỗi thời. Con người bị rứt ra khỏi công thể là nhà và nước (hiểu là xã thôn) để trở thành một cá nhân to vo mình biết lấy mình, như một con số để dễ thành đảng viên, hay là những thành phần trọn vẹn tuân theo đảng. Vì thế mà cả năm chữ đều tẩy xóa, gột rửa não trạng con người để đưa vào một hệ thống trái hẳn cổ truyền...

Ðó là những điều đại chúng cảm thấy lờ mờ một cách hết sức mặc nhiên không đủ, hiện ra ý tưởng khúc chiết như ta phân tích đây. Tuy vậy cũng đủ để quyết định một thái độ nếu không chống đối thì ít ra là dè dặt đề phòng, và như thế đã là cản trở cho việc bành trướng của đảng rồi. Vì vậy người Cộng sản đã khôn khéo bãi bỏ "Ðông dương Cộng sản đảng" biến ra nhóm nghiên cứu học thuyết Mác-xít, còn trong việc tuyên truyền thì nhấn mạnh đến việc "xã hội hóa". Chữ "Hóa" chỉ một sự biến cách linh thiêng (transformation surnaturelle) cũng một âm vang với hóa công, tạo hóa. Biến hóa vô cùng, Chữ nào cũng bao hàm yếu tố linh thiêng khác hẳn duy vật sử quan coi mọi việc biến đổi tùy thuộc hoàn toàn vào kinh tế, vào sản xuất lối ích dụng ròng, nghĩa là đã rút khỏi vật chất, do đó rút khỏi xã hội những ý nghĩa siêu linh do sự giao hội của Ðất Trời, thủy tổ của vạn vật. "La sociologie vietnamienne voit dans ce travail l'opération conjointe du Ciel et la Terre, Parents des êtres, tandis que l'interprétation marxiste normative par l'utile et non par le sacré, parge la matière et par cela même la société de ces surimpressions spirituelles". (Mus 256). Ðến như chữ Hội thì nó nói lên những cuộc lễ lạy đình đám để tế thần làng cũng như để gia tăng cái sinh thú ở đời là điều vốn được Nho giáo không những công nhận mà còn tìm cách thế để điều lý làm phương tiện cải hóa con người cả tâm cũng như thân, lý cũng như tinh (Mus 260). Còn chữ Xã gợi lên sự tổ chức xã thôn đầy tính chất tương trợ liên đới: trước hết là phần đất làng đúng vào việc cứu trợ các người cô, quả, quan, độc... cũng như cấp thêm cho những học sinh tỏ ra có tài năng. Rồi đối với mỗi gia đình nói lên phần công điền công thổ. Ông Coulet nhắc lại lời một nhà cách mạng già rằng theo kinh điển của thánh hiền thì mỗi nhân xuất phải có được 5 mẫu đất (Mus 260).

Cả ba chữ "Xã Hội Hóa" nói lên một sự kiện coi như nghịch lý mà khi khảo sát khách quan lại đúng sự thực là chương trình xã hội hóa (phân chia lại tài sản) chính là thực hiện trở lại một dĩ vãng đã bị thực dân làm hỏng đi một phần. Thành ra cái mới mẻ nhất lại xuất hiện như một lý tưởng mà nhiều lần tiền nhân đã thi hành như ông Gourou minh chứng (Mus 273).

Vì những điều đó người Cộng sản đã hy sinh "bãi" đảng trong chính lúc có cơ lên mạnh.

Ðại khái đó là những nhận xét của ông Paul Mus mà tôi cho là rất trúng. Tuy chưa chắc người Cộng sản đã ý thức được minh nhiên như thế, nhưng vì vốn Hồ Chí Minh là tay có cái mũi tâm lý rất nhậy cảm đã trực thị thấy. Vì thế trong việc bãi đảng Cộng sản không phải chỉ có lý do chánh trị, sách lược, nhưng còn về lẽ tâm lý và ý hệ nữa.

Nhờ việc bãi đảng Cộng sản và đề cao "xã hội hóa" guồng máy cai trị nước Việt Nam đó mà Cộng sản đã lôi kéo được biết bao cán bộ. Những người này hầu hết ban đầu không có ý theo Cộng, nhưng chỉ là những tâm hồn quảng đại hào hùng thương nước thương nòi muốn hy sinh xương máu để cứu quê hương, kiến thiết lại xứ sở. Hầu hết họ là những con người cao thượng mà ta phải cảm mến như những linh hồn của nước. Nhưng rồi lòng yêu thương ấy có hiện thực chăng? hay sẽ trở nên mũi gươm đâm vào em rể như trong câu chuyện "Lạc hồn" mặc dầu khi dấn thân lòng đầy thiện chí yêu thương bác ái?

 

Saigòn ngày 25/03/1967

Rev. Lương Kim Ðịnh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page