4. Khi Người Cộng Sản Giải Phóng

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

a. Phong Trào Giải Phóng

Ta thấy Cộng sản xuất hiện như một cám dỗ, một hứa hẹn tràn ngập tương lai huy hoàng.

Trước hết vì không phải hứa suông sẽ san phẳng bất công mọi xã hội, nhưng hơn các chủ trương khác, nói rồi là làm. Ruộng phú nông không những được truất hữu mà đến ngay thân mạng phú nông cũng bị đấu tố. Thế là trừ hậu họa tận căn: bần cố nông khỏi lo sau này còn có ai đòi phần điền nữa.

Ðã vậy Cộng sản còn có phương pháp giải quyết nạn nghèo truyền kiếp của các nước Viễn đông tức là đà kỷ nghệ hóa hết sức mau lẹ như được thực hiện bên các nước Cộng sản Nga Hoa... Một ngày gần đây khi người Việt đuổi kịp đà tiến của Âu Mỹ rồi, thì cũng sẽ phồn thịnh như họ. Ðó thật là một điều không ai không mong mỏi.

Tất cả bấy nhiêu đều có bằng chứng cả. Tuy nhiên với hai điểm trên, ta đưa ra hai nhận xét cũng không kém phần khách quan. Trước hết trong việc kỹ nghệ hóa xứ sở Cộng sản rất hữu hiệu, nhưng không nắm độc quyền, vì có những chế độ không theo Cộng sản cũng tiến mạnh như thế, chẳng hạn Nhật Bản, Ðài Loan, Ấn Ðộ... và rõ hơn hết là hai miền Ðông Ðức và Tây Ðức. Tây Ðức quốc gia đã không thua lại còn vượt xa hẳn Ðông Ðức Cộng sản.

Ðiều nhận xét thứ hai là mực sống của lao động bên các nước Cộng sản không đi lên theo đà phát triển của kỹ nghệ như bên Nhật, Ðài loan, phương chi bên các nước Anh, Mỹ, Pháp, Ðức; trái lại chỉ nhúc nhích chút ít, có thể nói hơn trước 1, 2, 3 chi đó, đang lúc bên Anh, Pháp, Mỹ thí dụ mực sống thợ thuyền ít gì cũng lên 20 lần cao hơn xưa.

Ông André Philippe người Pháp, giáo sư kinh tế học tại học đường Lyon rất giàu tình cảm với chủ nghĩa xã hội, sau chuyến thăm Nga sô trở về buộc lòng phải viết: "Ở trung tâm thành phố là những đại lộ rộng lớn với những khách sạn sang trọng, nhưng chung quanh trung tâm này thì toàn là đường không trải nhựa với những nhà lợp tôn, mỗi đầu phố chỉ có một máy nước và các bà nội trợ phải ra tận đấy lấy nước về nhà. Ngày nay nhiều kinh tế gia tóm tắt tình trạng kinh tế Nga sô vào hai tiếng "đói khổ và vệ tinh".

Ðiều nhận xét thứ ba về xã hội vô giai cấp được ghi trong dự án thì người ta lại nhận thấy bên Nga một tân đảng cấp còn xa cách giới thợ thuyền hơn bên các nước tư bản nhiều lần, vài thí dụ nhỏ. Năm 1937:

1) Ðầy tớ gái lương tháng là 50-60 rúp

Thợ lương tháng 110-400 rúp

Công chức cấp dưới 110-300 rúp

Công chức hạng trung và kỹ thuật gia 300-1,000 rúp

Nhân viên có nhiều trách nhiệm 1,500-10,000 rúp, có khi từ 20,000-30,000 rúp.

(Theo tài liệu của M. Yvon trong cuốn "L'URSS telle qu'elle est. Trg 215-218")

2) Lương của "Hồng quân" đối chiếu với lương quân đội Mỹ:

  Hồng quân Quân đội Mỹ

Binh nhì

10 rúp

50 Mỹ kim

Thiếu úy

100 rúp (gấp 1,000 lần)

150 Mỹ kim (gấp 3 lần)

Ðại tá

2,400 rúp (gấp 210 lần)

330 Mỹ kim (gấp 6 lần)

3) Sức bành trướng của giai cấp thơ lại (tài liệu sách "The real Soviet Russia". David J. Dallin 1.944)

1917-1918 : 1,000,000 người

1927 : 4,000,000 người

1932 : 8,000,000 người

4) Cũng nên biết rằng những người giầu được hưởng gia tài, quyền này được bảo đảm trong hiến pháp năm 1936.

5) Thuế lợi tức bên Nga : 13%

Trong khi đó bên Mỹ tới : 90%

Tóm lại đây chỉ nêu ra vài mục tiêu để gợi đề tài câu chuyện chứ không phải là chỗ nói hết được. Chỉ biết rằng có rất ít nhiều căn cớ để làm cho tân giai cấp càng ngày càng đông thêm và càng ngày xa cách giới lao động thường dân. Và như thế tương lai của xã hội vô giai cấp càng ngày càng bị đẩy xa.

Bên Tàu xưa Ðại khanh là số rất ít (tương đương bộ trưởng nay) được lĩnh gấp thường dân 32 lần, Ðại phu 8 lần, Thượng sĩ 4 lần, Trung sĩ 2 lần (Mạnh tử V.b.2). Tuy đấy là còn số lý tưởng, không phải mỗi thời đúng thực tại, nhưng vì các xã hội Nho giáo theo chế độ "bình quân địa quyền" thì đó cũng không phải là chuyện thiếu nền tảng. Và nói chung ra sự chênh lệch ở các xã hội ta xưa không đến nỗi quá xa cách như bên Tây Âu. Nhưng xét cả hội ta xưa cũng như xã hội Tây Âu nay thì ngay về phương diện kinh tế thay vì san bằng thì Cộng sản lại còn đầy sự chênh lệch đi xa hơn rất nhiều.

 

Saigòn ngày 25/03/1967

Rev. Lương Kim Ðịnh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page