3. Qua Trào Thực Dân

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

 

c. Cố Năng Ái

Thế là người trong nước bị phân ra hai thế giới trong hai hệ thống, hai tâm trạng khác nhau như từ hành tinh này đến hành tinh kia: les deux systèmes, les deux mentalités s'écartaient sur place d'une distance interplanétaire (Mus 129). Người thôn dân cố chống Pháp để được quyền là mình. Trí thức ngược lại tranh đấu để được quyền bắt chước ta cách vụ vào lượng số. L'opposition sourde de la paysannerie a consisté dans sa lutte pour conserver le droit de différer de nous. L'élite tout au contraire a bataillé pour acquérir celui de nous imiter, statistiquement, même contre notre gré. (Mus 152). Cái thảm trạng của nước ta chính là ở chỗ đó. Từ đấy trí thức trở thành đầu không có thân, được thấy rõ trong đảng phái chính trị mà lớp "lãnh đạo" nhiều hơn người chịu lãnh đạo. Ngược lại thôn dân là thân không có đầu. Thôn dân thị dân mỗi ngày mỗi không hiểu nhau, vì không những nói hai thứ thổ âm khác nhau là tiếng Pháp, tiếng Việt, nhưng còn khác luôn cả ngôn ngữ. Kẻ sĩ xưa có viết bằng chữ Nho đi nữa cũng chỉ khác có thổ âm, còn ngôn ngữ vẫn là một nghĩa là cùng một triết lý công thể của Văn Tổ. Còn nay chỉ biết có lý sự, ý kiến cá nhân, ngược hẳn với cái học cổ truyền thì làm sao hiểu nhau được. Nhất là khi thấy xã hội Tây Âu tiến bộ văn minh cường thịnh, thì các giới trí thức trưởng giả trăm người như một đều cho triết học lý niệm là căn do của sự tiến bộ kia. Cho nên dần dần trí thức trưởng giả đô thị ngộ nhận mọi giá trị cổ truyền: cho thôn dân là không biết chi đến tự do, đến quyền lợi. Và từ đấy trí thức khởi đầu miệt thị Nho Giáo bởi đây là một đạo hành vi làm bằng tình thâm và động tác, nay tri thức lại xét theo ý niệm phân tích thì chẳng thấy được gì nên làm sao tránh khỏi miệt thị. Ông P. Mus nhận xét "trong khi Âu hóa người trí thức Việt Nam, trong khi nhận họ đứng vào hàng với ta, ta đã phá vỡ mất cơ cấu tinh thần của họ, quan niệm cổ truyền của họ và đặt lối xử thế cũng như chính bản thân họ ra khỏi môi trường xã hội đã un đúc nên họ. Thế mà xã hội đó không sống bằng ý niệm trừu tượng, trái lại cả những quan niệm rất triết lý của họ không bao giờ xa lìa cơ cấu kinh tế, chính trị, gia đình, xã thôn; nhưng tất cả bấy nhiêu điều thích nghi vào một cơ cấu mẫu, một vũ trụ quan phát xuất tự đáy lòng mà Nho Giáo là một sự biểu lộ cao nhất và chính thức nhất. Một khi đã cất mất lòng thâm tín vào những ý tưởng đó của Nho Giáo, thì toàn hệ thống không thể đứng nổi... (Mus 140). Thế là Nho Giáo tàn dần không còn nữa để mà tiêm sinh lực thiêng liêng cho các thể chế, nên những thể chế này dễ đốc ra tệ đoan, trở thành dụng cụ khai thác thôn dân để phụng sự cho sự lớn mạnh của nền văn hóa đô thị. Ngọn lửa nhân ái hết được đôn hậu, ngàn dần đi để trở thành đống tro tàn sau các lũy tre xanh. Nếu mất phần ruộng công điền kể như mất phần "đất chở" thì giết chết Nho Học kể như phá mất "trời che": người trên đã không còn học Ðạo Thuật, không còn đôn hậu tình người bằng lễ, bằng nhạc, bằng giảng học thì lễ gia tiên còn lại có phần thiển cận thuộc giai đoạn bái vật và bao nhiêu cái đẹp xưa trở thành hủ tục, sinh ra những tệ lạm đủ đề tài cho Tự Lực Văn Ðoàn khai thác, cho trí thức chê bai giề bỉu: văn hóa thôn dân sắp bị gọi bằng danh từ miệt thị là nhà quê. Nhà quê không phải là người (hiểu là cá nhân) mà chỉ là những thực thể bị nuốt trôi vào đoàn thể. Ông P. Mus viết: trí thức không còn nhận định nổi được rằng thôn dân thích bị nuốt trôi vào công thể, vì nó không là đoàn lũ nhưng là công thể đầy áp tình người, nên đi đâu mặc không sao quên được nơi quê tổ, nơi có bàn thờ tiên nhân. Những "cu-li" làm trong các đồn điền được dư đồng nào hầu hết gửi về nhà. Và sau khi hết hạn khế ước thì liền ra đi trở về quê cũ, bỏ lại nơi đồn điền cái nhà đẹp hơn nơi quê, bỏ lại người vợ tạm mà thói tục cho phép lấy trong lúc "đất khách quê người" (Mus 112) trước sự ngạc nhiên của người Tây Phương, của trí thức trưởng giả đô thị...

Ngược lại người thôn dân hết hiểu nổi tri thức, và cả những quyền lợi mà họ đang tranh thủ: tự do hội họp, tự do báo chí và đáng sợ nhất là quyền đầu phiếu mà các ông trí thức tranh đấu cho họ, làm họ mất thời giờ, không đi thì mấy ông hỏi giấy tờ khổ sở, mà đi thì biết bầu cho ai? Sau khi đắc cử họ làm cái gì? Mãi ở đâu? làm sao mà kiểm soát?... Làm sao được như hương chức xưa sống trong thôn xã với họ, nếu làm bậy ít nhất họ còn có quyền chửi đổng, vận động, bôi xấu...

Trong xã hội cũ quyền lợi của họ ít lắm, rất tương đối nhưng nó thể hiện ngay trong phần điền, nó nuôi họ hàng năm. Vì thế nay họ không mong quyền đi bầu mà mong phần ruộng.

Trong khi người Pháp đưa giải pháp Bảo Ðại ra làm chiêu bài vào lối 1946-1947 thì đã tính thỏa mãn điều đó phần nào, nhưng bị phản đối do nhóm "Nam kỳ tự trị" được chiêu mộ phần lớn trong những đại điền chủ. Nhóm này sợ đất ruộng của họ bị sứt mẻ vì lối "quân phân tài sản" cổ truyền của Việt Nam.

Vài thí dụ trên chứng minh là đất nước đã bị bổ đôi làm hai mảnh văn minh không hiểu nổi nhau nữa thì làm sao mà yêu nhau, làm sao "cố năng ái". Văn minh thị dân duy lý, cái học thiếu phần "đôn hồ nhân" thiếu phần hàm dưỡng tâm hồn triết gia, để tiết chế cái lòng tham dục, nên thẳng tay khai thác những thôn dân chất phác đã bị chặt chân (mất ruộng), bị chặt đầu (không còn kẻ sĩ ở bên cạnh để cất tiếng bênh che) để trao cho thị dân mặc tình khai thác. Do đó sự khai thác trở thành tàn tệ.

Chúng tôi không nói về cá nhân. Xét về cá nhân thì nhiều người Tây Âu nhân ái hơn nhiều người Ðông Phương, nhiều trí thức tốt hơn nhiều kẻ sĩ v.v... Ðây chỉ có ý bàn về cái cơ cấu của một nền văn minh, thì đó quả là một hệ thống duy vật, vì đã bị tục hóa, đã bị ly dị với tôn giáo. Kitô giáo là một giá trị tinh thần đã đứng ra thay thế cho đế quốc La Mã trong lúc sa đọa để đem đến cho người Âu Châu một nhãn giới cao rộng vượt những giới mốc của huyết thống, gia tộc cũng như bộ lạc, và do đó giảng rao tình huynh đệ phổ biến không phân biệt chủ với nô, công dân Roma hay là ngoại quốc. Chính nhờ thế mà Âu Châu còn tồn tại đến ngày nay.

Vậy khi ly dị khỏi tôn giáo thì nền văn minh Tây Âu trở nên thế tục ròng. Do đó mặc dầu Tây Âu có nhiều giá trị tinh thần, giá trị nhân bản, nhưng vì cơ cấu đã bị tục hóa nên ta phải cho là duy vật. Vậy khi đem áp dụng vào xã hội Việt Nam vốn xây trên tình người thì trở thành hai đối cực. Vì thế đã gây nên sự ngỡ ngàng cho giới trí thức Việt Nam không ít.

Chúng tôi không hề nghĩ rằng giới trí thức chỉ gồm những phần tử chúi đầu theo cái sống sinh lý, nhưng có nhiều, rất nhiều đã thắc mắc đã sống căng thẳng cái mà ông P. Mus gọi là "tấn bi kịch tổng hợp" một đàng nhận ra Tây Âu tiến bộ hơn mình rất xa, một mặt lại cảm thấy văn hóa Tây Âu có một sự trống rỗng, thiếu mất cái chi linh thiêng để làm si măng tổng hợp. Vì thế rất nhiều nhà trí thức Việt Nam cho là người Tây giấu cái phần linh thiêng đó. Ông P. Mus kể lại trường hợp của một giáo sư kia 15 năm trời miệng luôn luôn dạy học sinh rằng mặt trời xoay quanh trái đất nhưng lòng luôn luôn thắc mắc cho rằng chắc có ẩn tàng chi đây? Người Pháp chờ mong cái gì từ điều dạy đó?... Người Tây nói thế nào cũng không tin, vẫn cho là giấu bí quyết, mãi tới sau thế chiến 1914-1918 một số nhỏ mới vỡ lẽ ra rằng điều bí mật nhất không có bí mật chi hết: le plus grand secret c'est qu'il n'y a pas de secret, và tự đấy đổ nhau đi tìm thỏa mãn cho nhu cầu khát vọng thiêng liêng: người thì theo Kitô, người thì theo Tam Ðiểm, hoặc cầu cơ (spiritisme), ông Mus cho Cao Ðài đại diện nhóm này (Mus 133.143.147) và cho rằng chính sự mất liên lạc với lễ gia tiên là lý do sâu xa gây nên các giáo phái (Mus 248).

Thế là nền văn hóa đã tô tạo cho giống Lạc Việt từ ngày khai quốc y cứ trên Văn Tổ tan vỡ ra làm nhiều mảnh (Cao Ðài, Hòa Hảo, Phật Giáo, Kitô Giáo, Bè Nhiệm) đủ yếu tố có thể gây nên cuộc xung đột ý hệ. Và cuối cùng thêm một nhóm theo Mácxít nữa thế là cuộc xung đột ý hệ trở thành thực sự từ 15 năm nay; máu người Việt đổ ra chưa khi nào nhiều như thế, những bom, đạn, giáo, gậy, do ý hệ tung ra tới tấp rơi thẳng xuống đầu dân nước như họp chợ. Có còn "trời che" đâu mà chẳng rơi thẳng vào đầu. Thế mới hay có những chữ như "đất chở" "trời che" mang theo một ý nghĩa rất cụ thể các thực vậy.

Ðấy là thực trạng bi đát chưa tìm ra giải đáp cho "thảm kịch tổng hợp" đặt ra cho lớp đàn anh mà ông Mus viết "...drame intérieur vécu par tant de mes amis d'enfance, c'est vis-à-vis d'eux mêmes, un effort de réunification. Deux tranches de leur vie, enfance et âge mũr, deux séquences de relations avec les autres, au niveau de la petite vie familiale intérieure et dans la pratique du monde extérieur, deux logiques, l'une affective l'autre rationelle se heurtent en eux." (Mus 143). Ðó là một thảm kịch giữa hai nền văn hóa khác nhau như đất với trời chưa tìm ra phương hướng thống nhất, đến nỗi ngày nay dầu đã thâu được chủ quyền về chính trị vấn đề đó cũng còn đặt ra y nguyên cho thế hệ chúng ta. Tổ tiên ta đánh đuổi quân Tàu xong liền trở về trùng tu đền thờ Ðức Khổng như thường, vì các ngài chỉ phải giải quyết có vấn đề chính trị. Còn chúng ta đánh đuổi thực dân Pháp đi rồi có thể xảy đến Ðức Descartes, Ðức Sartre, Ðức K. Marx, Ðức Platon chăng? Vấn đề phiền toái hơn nhiều vì không còn chỉ là chính trị, nhưng đã lan sang địa hạt văn hóa. Và vấn đề văn hóa cũng lại phức tạp vì một đàng Tây Âu văn minh hơn ta rất nhiều, đã giúp ta tiến được ít bước, nhưng về văn hóa thì lại quá khác ta. Hồn nước ta có ba nét đặc trưng chính: bình sản, công thể (communautaire) và nhất trí trong đạo thuật, thế mà văn hóa Tây Âu từ trong bản chất lại đưa tới bất bình sản, cá nhân chủ nghĩa và ý hệ đa tạp lung tung, cho nên nếu ta gọi bình sản, yêu thương, nhất trí và tiến bộ thì nói riêng về văn hóa, Tây Âu đã làm cho nước ta lùi lại mấy ngàn năm trước thời tìm ra bài vị Văn Tổ, thời mà người ta còn phải dùng võ lực, bạo động để giải quyết những sự tranh luận về ý hệ. Làm thế nào để tiến bộ cả trong văn minh lẫn văn hóa? Ðó là bài toán đố đặt ra cho thế hệ chúng ta.

 

Tóm lại cả bài:

Con người Việt Nam được quan niệm theo nền Nhân Bản tam tầng: Trời, Ðất, Người, mà tầng nào cũng quan trọng như nhau. Vì thế nên cần "ăn với đất vui với trời" để cho có đủ ba chiều kích đặc trưng của con người Lạc Việt. Người Pháp đã phá vỡ phần công điền để cho tài sản dồn về một số người đặc ân là đã chặt hết hai cái chân: mất phần an thổ. Ðến khi phá vỡ lễ gia tiên (cách gián tiếp bằng cái học duy lý thay vào nho giáo) là chặt hết cái đầu, phá vỡ mất trời che mất phần "đôn hồ nhân" với tình huynh đệ phổ biến. Như vậy hết còn là một con người sống trong xã hội như thành phần của một công thể thiêng liêng, mà chỉ còn là một cá nhân trơ trọi: thôn dân vác xác đi làm tôi, thị dân vác đầu đi làm tớ: cắt băng khai mạc cho nền văn hóa thiếu Văn Tổ nên đâm ra quay cuồng theo bất cứ ý hệ ngoại lai nào.

Ðó là đại khái những vấn đề đặt ra cho chúng ta sau 80 năm bị ngoại bang đô hộ, làm thế nào để trả lại cho mỗi người Việt có một mảnh đất chở cũng như có một mảnh trời che để có thể thi hành cái đạo "giúp trời đất trong việc nuôi dưỡng và tiến hóa" không những nuôi xác mà còn làm cho tiến hóa tâm linh. Chữ Nho gọi là: "khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục" giúp cho đất trời làm việc nuôi dưỡng. TD.22. Ðảng Cộng Sản Việt Nam bỏ phần Thiên đưa tuột ra giải pháp truất hữu địa chủ đặng chia ruộng cho tá điền. Ðược chăng, đó là điều cần bàn tới trong chương sau. 

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page