3. Qua Trào Thực Dân
by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
b. Ðôn Hồ Nhân
Câu này có một ý nghĩa đặc trưng trong xã hội Việt Nam, nơi tình người được đặt trên lý sự khác hẳn xã hội Tây Âu y cứ trên lý sự. Vài mẩu chuyện điển hình sau đây rút ra từ những sách triết lý sẽ nói lên rõ rệt hai bầu khí khác nhau đến đâu.
Người ta hỏi Kant: giả sử có bạn thân vì lỗi luật phải chạy đến ẩn nhà ông. Nếu như công an đến hỏi thì theo ông phải khai ra hay giấu đi, và Kant đã chủ trương phải khai ra.
Lập trường này gây xúc động lương tri một số người Âu Châu lúc đó. Vì thế triết học gia Benjamin Constant đã viết để xin Kant xác định lại bằng cách đặt ra câu hỏi gay cấn hơn rằng: giả như có đứa sát nhân đang đuổi bắt người bạn thân tình của ông thế mà bạn ông chạy kịp đến ẩn nhà ông, khi chúng tới hỏi thì ông xử sự thế nao? Kant trả lời là phải thưa có. Lý do? Vì nói dối vẫn là một tội ác, nên trong chuyện này không có quyền lựa chọn: nói thật là bổn phận tuyệt đối: "Il n'est pas libre en cela de choisir puisque la véracité est un devoir absolu". Doctrine V.251.
Xử sự như thế Ðông Phương cho là đặt lý sự trên tình người, chấp kinh mà thiếu quyền, không biết chữ "tùy thời mà biến báo": không nhất thiết phải thế này hay thế nọ. không có luật nào tuyệt đối cả, nhưng uyển chuyển như tình người. Nho giáo nói: chấp kinh cũng phải biết tòng quyền là thế.
Diệp Công nói với Khổng Tử: "Ở ấp tôi có một người giữ pháp luật rất ngay thẳng đến nỗi cha trộm dê thì con đứng chứng tố cáo!" Khổng Tử đáp lại: "Ở xóm tôi thì khác, người chính trực che lỗi cho con, con che lỗi cho cha, chính trực ở tại đó". L.N.XIII.18.
Như vậy là đặt tình người trên pháp luật. Nhưng nếu thế thì luật pháp bị coi thường mà nước loạn mất chăng?
Ðào Ứng đã lo thế nên đặt vấn đề với Mạnh Tử (VII.35) như sau:
- Nếu như lúc ông Thuấn làm Thiên Tử mà cha ông là Cổ Tẩu phạm tội giết người thì tổng trưởng bộ tư pháp là ông Cao Dao phải xử ra sao?
Mạnh Tử đáp:
- Phải cứ pháp luật cho bắt ông Cổ Tẩu.
- Ủa! Thế ông Thuấn không làm chi cản ngăn ông Ca Dao sao!
- Cản ngăn sao được, phép truyền từ đời nọ đến đời kia là phép công mà.
Ðào Ứng hỏi thêm:
- Như thế ông Thuấn phải xử như thế nào!
Ðáp rằng:
- Vua Thuấn sẽ coi thiên hạ như đôi giép rách vậy và lén đi cõng cha chạy trốn ra ngoài biển mà ở, trọn đời hân hoan an lạc quên hẳn việc chính trị."
Xử sự như thế ngày nay (hoặc người khuynh hướng pháp gia) có thể cho là trái phép. Nhưng người xưa có hỏi trái phép nào? Ai đặt ra phép ấy? Ðặt ra để bắt tất cả làm nô lệ, kể cả những mối tình cao quí nhất như tình cha con chăng?
Ðó là một lối xử đời khi tình lý tương phản thì cố vượt lên trên bình diện ích lợi, để đi sang bình diện đạo lý, mà đạo lý đó xây trên tình người. Nhờ vậy dẫu trọng tình mà nước cứ vững, tình lý tương tham, tình nội lý ngoại. Lệnh vua thua lệ làng, lệnh vua là lý ngoại, phép làng là tình trong. Phép làng là lý đổ lên đầu người gia trưởng để cho toàn gia đình sống trong tình ruột thịt, hễ "gia đạo chính thì thiên hạ định" (quẻ gia nhân) đã có trên 20 thế kỷ chứng minh điều đó. Nếu hồn nước của Tây Phương là bánh xe lịch sử (Hegel) hay là sự thật từ trên truyền xuống (vérité absolue impérative. Kant) cần phải dẵm lên tình bạn để bảo toàn sự thật, thì với Ðông Phương sự thật phải phụng sự con người.
Người Trung Hoa có tục "nam nữ thụ thụ bất thân" ai làm trái cho là vô lễ. Thuần vu Khôn viện tục đó ra hỏi Mạnh Tử: "Nếu thấy chị dâu sắp chết đuối thì có được lấy tay mà vớt lên không?" Ðáp: "Chị dâu sắp chết đuối mà không vớt lên thì giống sài lang. Nam nữ thụ thụ bất thân là lễ, còn chị dâu sắp chết đuối lấy tay mà vớt lên là quyền biến".
Lúc nào tình người cũng cao hơn lý sự, khác với Tây Phương ở chỗ đó. Tây Phương không phải thiếu tình người, chúng ta có thể đọc tràn đầy trong các thi ca, tiểu thuyết nhất là loại lãng mạn thì thiếu chi tình. Rồi nữa ngay trong giới triết học như Benjamin Constant phản đối Kant vừa nói trên kia... Tuy nhiên đó chỉ là tình tự ở cỡ lương tri thường nghiệm chứ không phải trên đợt triết lý hay Ðạo thuật như bên Ðông Phương, nên thiếu phương thức đôn hậu hàm dưỡng tình người. Cái khác nhau giữa Ðông Tây ở chỗ căn bản đó.
Vì thế khi lên sổ các mối nhân luân đã hiện thực dọc dài qua bao ngàn năm lịch sử, Hegel cũng chỉ thấy được có một mối liên hệ duy nhất là chủ nô (maitre esclave) thay vì ngũ luân bên ta. Ðừng ai vội phản đối Hegel bởi ông thấu hiểu lịch sử Tây Âu, và là người đầu tiên lập ra khoa triết lý lịch sử. Sở dĩ ông nói thế vì chỉ có thế, và ngày nay thay vì nói chủ nô thì người Mácxít nói là kẻ trị với người bị trị, cũng là một, và đều đúng cả. Bởi vì đó không phải là xã hội Ðông Phương để có những ngũ luân: vua tôi, cha con, vợ chồng, huynh đệ, bằng hữu, và nét định tính cho năm mối liên hệ đó là Nhân cho vua, Từ cho cha, Nghĩa cho chồng, Hiếu cho tử, Tin cho bằng hữu. Cả năm mối liên hệ đó đều đặt trên đức trên tình, trên Văn Tổ, chứ không có đặt trên quyền lợi kiểu "tranh đấu để sinh tồn" (Darwin), hay "homo homini lupus": người là lang sói cho người, và đến nổi vì quyền lợi mà con người nhẫn tâm dẵm lên xác cha. Thế là người hết còn linh thiêng cho người nữa: l'homme n'est plus une sacrée chose pour l'homme, như phái Stoicien đại diện Ðông Phương trong đế quốc La Mã đã tuyên bố xưa. Nhưng rồi tiếng nói đó đã rơi vào sa mạc ích dụng của đế quốc.
La Mã xưa kia cũng có đạo thờ tổ tiên nhưng xét kỹ mới thấy có sự khác biệt ở chỗ thiếu bài vị Văn Tổ, nên việc thờ cúng chỉ hạn hẹp trong thị tộc với bầu không khí ích dụng (pratique, utile). Thần tiên tổ LARES thì để phù trợ gia đình, thần PENATES coi nhà, thần TERME để coi bờ cõi, thần PRIAPE để cầu được mùa màng, thần SILVAIN để coi đồng nội... Bấy nhiêu chưa đáng kể vì giới bình dân đâu đâu không có mấy thần ích dụng đó: thần đầu rau, ông táo... bên ta thiếu gì, và con cái thờ tiên tổ để được may mắn là truyện rất thường. Nhưng lớp kẻ sĩ thì có chỗ vươn lên là Văn Tổ, còn Tây Phương không có.
Trong bầu không khí "ích dụng đó" thần Minh Triết MINERVE (phỏng theo thần ATHENA của Hi Lạp) chỉ giữ một vai trò lép vế bên cạnh thần chiến tranh MARS giữ vai trò chủ tịch.
Chính vì thiếu lối xếp đặt theo ngũ hành mà đạo thờ tiên tổ không phá nổi sự phân chia giai cấp trong xã hội... và đó là căn nguyên chính đào mồ chôn đế quốc La Mã, chứ những "quân man-ri" chỉ là căn do gần và ngoại tại.
Ðế quốc La Mã bị chôn vùi nhưng óc ích dụng vẫn lưu lại làm nền móng cho cái học luân lý, giam giữ con người dưới gông cùm của "cưỡng hành và lợi hành, Kant tỏ mình là một thiên tài khi nhận ra điều trên" nên ông mới phản động bằng cách lập ra một nền đạo đức mới lấy con người làm cùng đích tự tại (fin en soi). Ý hướng thì tốt nhưng tìm ra giải đáp cho vấn đề ý hệ nên lại quay trở về với lối sùng mộ có tính cách tôn giáo. Thế là một đàng đi ngược với dự phóng ban đầu: thiết lập nền đạo đức công dân, hiểu là độc lập đối với tôn giáo, thế mà nay lại trở về với tôn giáo, thì về phương diện ý hệ là thất bại. Luân lý của Kant sụp đổ là vì đó. Ðổ vì không tìm ra nền móng, nói theo Ðông Phương không tìm đến đợt Văn Tổ, nghĩa là đưa luân lý ra khỏi bình diện ích dụng, để thiết lập nền luân lý sứ mạng: làm vì nghĩa. Và do đó con người vẫn còn ở lại đợt cá nhân như trước, không tìm ra được yếu tố tâm linh để kết hợp cá nhân thành công thể (communauté) nên vẫn là cá nhân với bầu khí của nó là ích kỷ, không giúp cho sự triển nở của tình nhân hậu, cho óc liên đới xã hội. Trái ngược hẳn với xã hội Việt Nam mà ông Gourou nhận xét: "bên ngoài cái vẻ tầm thường chứa một đời sống xã hội cường độ (une vie sociale intense) vì trong đó người thôn dân có ngàn dịp để nói, để bàn, để chạy việc quản lý những nguồn lợi của xã thôn, để sống một cuộc đời đầy trách nhiệm (Mus 334). Trong đó đủ hội hè đình đám với các thứ tương thân tương trợ, làm nên cái mà ông Paul Mus gọi là "một cung thánh bất khả xâm phạm" (sanctuaire inviolable. Mus 20), một "bản anh hùng ca của dòng tộc" (épopée ethnique. Mus 17) "vì mặt bắc chống với kẻ thù xâm lăng mạnh gấp nhiều chục lần, còn mặt nam cứ tiến bước qua rừng, qua núi, qua các nước Nam Chiếu, Lâm Ấp, Chiêm Thành, Chân Lạp. Người Pháp không thể nào hiểu được sự cố kết mạnh mẽ xiết bao, nên đã thất bại trong lần tái chiếm Việt Nam. Bao nhiêu thôn ấp trở nên bấy nhiêu đoạn của con rồng bị chặt ra từng khúc nhưng mỗi khúc cứ sống cái đời sống tự túc từ xa xưa truyền lại khiến cho xe tăng tàu bò không sao phá vỡ nổi" (Mus 15,19,186). Tuy nhiên trong quãng 80 năm đô hộ người Pháp nắm hết quyền hành trong tay nên thành công chặt được cái đầu con rồng Việt Nam lìa ra khỏi thân mình bằng cách kiểm soát ngặt thôn xóm. Việc bầu hương chức từ đấy phải lệ thuộc phủ, huyện, tỉnh... Ðó là khởi đầu cho tệ đoan mua chuộc cấp trên. Ðồng tiền lại một lần nữa lọt ra khỏi làng. Các điền chủ, kỳ hào dần dần chán đời sống thôn dân kéo lên tỉnh hưởng đời sống văn minh, xe hơi, nhà lầu, con đi học trường Tây, tiền gửi băng, nhiều khi đầu tư sang ngoại quốc, ruộng vườn giao lại cho quản lý. Mối liên hệ giữa chủ điền và tá điền dần dần trở nên trừu tượng trút hết tình người là cái chỉ tìm ra được trong những mối giao tiếp trực chỉ.