2. Những Âm Vang
của Bài Vị Văn Tổ
by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
c. Xã Hội Và Chính Trị
Yếu tố thứ hai gắn liền với việc thờ tiên tổ xưa đặt ra một khó khăn thuộc xã hội chính trị như sau: đó là sự phái quyền quí giữ riêng cho mình đặc ân thờ tổ tiên, vì theo họ chỉ có tổ tiên họ mới đáng thờ, bởi thuộc dòng máu thần linh, còn thứ dân và nô lệ là dòng máu hèn, thì không đáng thờ cúng. Vì đó mà xưa kia bên La Hi cũng như bên Trung Hoa cổ đại chỉ hàng quí tộc mới có quyền thờ cúng tổ tiên. Ðiều này rất quan trọng vì có quyền cúng tế tổ tiên tức cũng là có quyền làm công dân với các quyền lợi theo sau như có phần điền có quyền đứng tên trong văn tự mua bán, đi học, làm quan... vì thế nên phái quyền quí không chịu mở rộng việc tế gia tiên... Nên số người được cúng chỉ suýt soát là 10 phần trăm chăng. Tuy số của họ rất ít nhưng nhờ vào sự ăn học, sự khôn khéo của họ cũng như trình độ vô thức của đại chúng mà họ nắm được quyền điều khiển trong nước. Nhưng đến một lúc nào đó khi tâm thức con người đã được khai mở đủ thì dân chúng dần dần nhận chân ra sức mạnh của mình cũng như những đặc ân của phái quyền quí chỉ là dựa trên những lý lẽ huyền hoặc. Ðã thế, giới cai trị lại bị yếu dần do sự phân tán vì ý hệ giằng co giữa Hữu và Vô, nên sự nhất trí yếu đi và dần dần ảnh hưởng lan sang phạm vi xã hội, để rồi cuối cùng gây nên sự sụp đổ của xã hội như Egypte, Babylon, Assyrie, Mésopotamie, Sumérie, Khmer... tất cả đều có sự thờ tổ tiên, nhưng luôn kèm theo sự phân chia ra giai cấp thống trị và đại chúng nô lệ...
Và tất cả cũng đã sụp đổ theo sự diễn tiến mà sử gia Toynbee đã phác họa như sau. Khi đến một khúc quanh của lịch sử thì các nền văn minh đều gặp một tình tiết mới xuất hiện như một thách đố (Toynbee gọi là challenge). Nếu lúc đó có một tâm hồn sáng suốt tìm ra một giải đáp giúp cho nền văn minh lướt qua được mâu thuẫn đi kèm thách đố nói trên thì sẽ biến hóa gọi là: tiến hóa: évolution, nhờ đó văn minh sẽ sống mãi; còn nếu không tìm ra thì có cuộc cách mạng révolution làm cho nền văn minh cũ sụp đổ (break down), và lúc đó một nền văn minh khác sẽ sinh ra. Xuyên qua 6 ngàn năm lịch sử kiểm chứng được, thì tất cả hơn 20 nền văn minh đều đã sụp đổ (Ấn độ chỉ có một phần đứng vững, chúng tôi sẽ bàn ở dịp khác). Còn lại có nền văn minh Viễn Ðông là duy nhất tồn tại, như giáo sư Creel nhận xét trong cuốn La Naissance de la Chine trg. 315 (Evolution et non Révolution)...
Vì không có cách mạng đạp đổ bài vị thờ cúng (révolution) nên lễ gia tiên vẫn còn, nhưng đã biến hóa (évolution), nghĩa là đổi nền tảng: thay vì đặt ở sự tin có linh hồn tồn tại, vẫn gắn liền với huyết thống, thì đặt sang nền mới là Văn Tổ, tiếng Tây dịch là Ancêtre parfait, tức là bản tính đồng nhiên con người. Như vậy hễ ai là người thì đương nhiên có đủ quyền đứng ra tế gia tiên. Mà vì quan niệm nhân bản rất rộng nên ai cũng như ai, đều có quyền làm người, nên gia đình nào bất cứ cũng có quyền lập bàn thờ tổ tiên. Lễ gia tiên từ đấy hết còn là đặc ân dành riêng cho quí phái như xưa, nhưng mở rộng cho khắp mọi tầng lớp với các quyền lợi đi kèm theo nó: như quyền được đặt tên tự, và do đó quyền được hưởng công điền, quyền được đi học, đi thi làm quan...
Chúng ta nhận ra tầm mức quan trọng của một chữ Văn Tổ. Chính cái ý tưởng nền móng đó đã chở theo nguyên lý để giải quyết vấn đề rất nhiêu khê là phân chia giai cấp thành quí tộc và nô lệ (vì tất cả mọi người đều cùng một bản tính đồng nhiên thì căn cứ vào cái chi để thiết lập thể chế nô lệ). Như thế vấn đề đã được giải quyết trên bình diện triết lý và thể chế. Nếu trong thực tế người ta vẫn còn gặp những vụ phân chia giữa chủ và nô lệ, thì đó chỉ là những trường hợp lẻ tẻ, cá nhân, thường do căn do kinh tế hoặc chính trị, chứ không phải vì lý do triết lý, khi do triết lý thì phải có thể chế tức là những qui chế được luật pháp công nhận và bảo đảm).
Ngược lại các nền văn hóa khác vì thiếu một cuộc tiến hóa được biểu lộ qua chiếc bài vị Văn Tổ, nên đẳng cấp vẫn còn tồn tại với sự phân ranh chủ nô cùng với các đặc ân khác cho mãi tới thế kỷ 19, và nay tuy Âu tây đã bãi bỏ chế độ nô lệ, nhưng là do thúc bách bên ngoài thuộc kinh tế chính trị mà chưa tìm ra nổi nền móng triết lý, nên sự xóa bỏ chế độ nô lệ cũng kéo theo rất nhiều đau thương như nạn kỳ thị chủng tộc. Tuy lễ gia tiên đã bị tiêu diệt, nhưng nền văn minh mới chưa đưa ra được một nền tảng khác để giàn hòa giữa Hữu và Vô nên trong xã hội vẫn mặc nhiên tiếp tục chính trị phân chia giai cấp với các sự chênh lệch bất công. Chính vì phần lớn tại thiếu nền tảng đó mà Hi Lạp đã lâm vào nội chiến giữa Parte với Athènes nên sự tiêu diệt, cũng như đế quốc Roma sụp đổ thì lý do sâu xa chính vì thiếu sự giàn hòa giữa phe Romulus một bên và Sabin bên kia.
Bởi vì những người nô lệ chiếm đến 90 phần trăm trong nước, thế mà họ không được coi như người, không có tổ quốc. Khác xa với người Việt Nam ra trận đánh đuổi quân xâm lăng để bảo vệ xã tắc thì là bảo vệ phần ruộng đất của mình, của tổ tiên mình, thấm nhuần không những xương máu nhưng là linh hồn tiên tổ. Theo quan niệm Viễn Ðông thì dưới đất còn nhiều chất thiêng hơn cả ở trên (Mus 131). Vì thế mà với người Việt Nam vong quốc có một tầm quan trọng rất sâu xa. Nếu xét theo danh từ thì:
Vong Quốc là trốc gốc đất
Vong Thân là trốc gốc người
Vong Bản là trốc gốc trời, đất, người với một ý nghĩa linh thiêng...
Nhưng với người Việt Nam cả ba chữ đều đi một chiều, vì quan niệm người dân bình quyền theo quan niệm con người không phân giai cấp vì tất cả tham dự vào quan niệm ban tính đồng nhiên gồm đất trời người được biểu lộ trong bài văn tổ, là bài vị biểu lộ cuộc tiến hóa xóa nhòa bờ cõi phân ranh giữa chủ và nô, coi mọi người như nhau, đó là đạo nước. Bởi vậy khi người Việt mà vong quốc thì khó lòng tránh khỏi vong thân và vong bản. Bởi đấy có những câu gây âm vang lạ lùng trong tâm thức người Viễn Ðông như "An thổ, đôn hồ nhân, cố năng ái". Nói an thổ hiểu cả thổ địa vật chất lẫn tâm tình truyền dòng nối dõi lên cho tới Văn tổ, rồi từ đó tỏa ra mối tình yêu chân thành xuống tứ hải. Chữ An thổ như vậy là an tâm vào trong cung hành Thổ cũng là tổ tiên trên các tổ chức đất, trời, người, toàn là những yếu tố phổ biến chứ không có gì phân ra chủ nô như yếu tố dòng tộc. Ðó là một cái may mắn mà văn hóa Tây Âu không có được ở đợt căn bản, là vì đã "không xẩy ra một cuộc cách mạng đặt ra bài vị thứ năm là Văn Tổ" nên vẫn kéo dài cái văn hóa vong tân (Xem lại Nhân bản). Vì thế ngày nay nếu muốn tránh nạn vong thân thì nhiều người bó buộc phải "vong quốc" theo nghĩa từ bỏ cái gốc của nền văn hóa cổ điển như vô sản Âu Châu hiện đang làm việc với thuyết tam vô. Vì nền văn hóa đó kéo theo sự chênh lệch kinh tế, kéo theo sự làm khô héo tình người, khó lòng gây được sự yêu thương chân thực.
Ðó là việc tế vi khó được truy nhận, nhất là nó rất phiền tạp, nhưng sự thực là thế, nên văn hóa Tây Âu đang trải qua một cơn khủng hoảng tự nền móng, và có tính cách bi đát. Bởi một bên nền văn hóa đã có quá lâu đời (trên hai ba chục thế kỷ) đã trở thành "dân tộc tính", nhưng chẳng may nó lại là vong thân. Thế mà vong thân nặng hơn vong quốc trăm ngàn lần, vì quốc gia dầu sao có thể là thuộc địa dư, là cái gì bên ngoài luôn luôn chuyển hóa đổi thay. Chí như vong thân là cái gì thiết đến tận cốt tủy của con người, mà sứ mạng cũng như cứu cánh của mỗi người là phải tận kỳ tính: sống cho đến cùng cực tất cả chiều rộng và chiều sâu của cái tính bản nhiên con người. Cho nên một nước có nền văn hóa nhân bản tinh tuyền thì đấy là một ân huệ quí giá man vàn, khiến cho giới trí thức cũng như văn nghệ sĩ chỉ việc theo chiều hướng dân tộc cách thông minh thì chắc chắn sẽ gặp hồn con Người muôn thuở, và tác phẩm của họ sẽ có khả năng làm rung động tình tự con người dưới bất cứ chân trời nào... Ðó chính là cái máy mắn cho nước ta: nơi sự thờ cúng tổ tiên chỉ là khởi điểm dẫn đến tình huynh đệ phổ biến.