2. Những Âm Vang

của Bài Vị Văn Tổ

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

 

b. Vấn Ðề Trước Hết là Vượt Ðợt Ý Hệ

Ít mấy người ngờ tới vì hầu hết đều căn cứ vào lối thờ cúng thông thường bình dân, thế mà bình dân thì tiếp nối việc thờ cúng tự ban đầu kiểu tôn giáo bái vật tức là tin linh hồn tiên tổ cần ăn ở tiêu xài như người sống con cháu cần phải cấp dưỡng để ông bà bang trợ cho làm ăn phát đạt... Ðó là giai đoạn kéo dài đời sống thường nghiệm dưới hình thái khác; đây chưa phải là trạng thái bất tử (immortalité) cao hơn sẽ đến sau, nhưng mới là sự tin người còn sống kiểu trường tồn, tiếng tây gọi là survie: chỉ phần sống sót sau khi xác thân chết. Ðó chưa là linh hồn cho bằng gọi là phách hay vía, là những hồn hạ cấp, tiếp tục sống đời sống sinh lý, tuy giác quan không xem thấy, nhưng vẫn đi lại lờn vờn trong nhà để bang trợ hoặc sửa phạt tùy thái độ con cháu. Vì thế vẫn cần các vật dụng như người thường: cơm nước, nhà cửa... Do đó mà có lệ đơm cúng cỗ bàn với niềm tin là ông bà về hưởng. Ðại để đó có thể là niềm tin của thời bái vật là giai đoạn đầu tiên trên diễn trình biến hóa tâm thức con người.

Nhưng đến một lúc nào đó, một số người cho rằng tin như thế là hão huyền. Con người chết là hết: linh hồn còn sống chỉ là một ảo mộng, đơm cúng là một việc dị đoan, cần phải bỏ, và từ đấy khởi lên vấn đề ý hệ giữa Hữu và Vô nghĩa là tranh luận xem có hay không có linh hồn tồn tại sau khi xác chết. Ðấy là phản ứng đầu tiên của những người mới giác ngộ, trạng thức này sau sẽ bị vượt qua ở một số người bởi niềm tin linh hồn bất tử (immortalité de l'âme) của các tôn giáo cao đẳng đề ra, và như vậy không cần phải tiếp tế lương thực vật dụng chi nữa... Tuy nhiên đó chỉ là một giải đáp theo lối tôn giáo, và chỉ có giá trị đối với tôn giáo, còn trên bình diện ý hệ chưa tìm ra lối thoát khỏi hai gọng kìm Hữu Vô, Hữu Thần với vô thần. Bên hữu thần tin có linh hồn hằng sống, bên vô thần bảo là không. Sự xung đột ý hệ (coflin d'ordre idéologique) này vẫn kéo dài với rất nhiều cuộc đổ máu. Mãi cho tới nay thế giới chia hai thì căn do sâu xa cũng chính là do chưa tìm ra lối thoát đó vậy.

Triết lý gia-tiên, tuy không đưa ra một giải đáp cho chính vấn đề có với không trên, nhưng đã đưa ra một lối thoát bằng một sách lược tâm lý: tức là đặt vào dấu ngoặc đơn vấn đề có với không, để đặt trọng tâm vào tác động trên bình diện tâm lý và nghệ thuật. Theo đó thì việc cúng dâng không cần hiểu như một sự tiếp tế cho người đã qua đời, nhưng là một tác động nhằm trọn vẹn hóa chính người tế dâng, cũng như việc tế dâng không thiết yếu đòi phải tin có linh hồn, nhưng được coi như mối liên hệ giữa người sống với muôn thế hệ đã qua. Bởi vậy mới nói "tế như tại" và Tế Thần như Thần tại."

Tế thần như thần có hiện diện đó. Chữ "như" ở đây phải hiểu cách rất co giãn có thể bao hàm niềm tin có hay không có linh hồn đều được cả.

Ðại để đó là một lối rút ra khỏi đối vật để đặt quan trọng vào chính động tác: Kiểu như Kierkegaard nói: "không phải đối tượng được tôn thờ quan trọng nhưng chính là tác động tôn thờ" "ce n'est pas l'objet de l'adoration qui compte, mais l'acte d'adoration". Do đó việc tế không còn là vật chất nữa. Nói theo nay không là Avoir mais Être: không cần tin có linh hồn, nhưng là dâng hiến với ý chí rất trịnh trọng, chứ không có ý cầu lợi lộc, đòi giầu có, mà chỉ là tâm tình của người hiếu thảo đối với tổ tiên như Kinh Lễ nói chỉ cốt dâng hiến chứ không cầu ông bà làm chi cho mình. Ðó gọi là cái tâm tình hiếu tử vậy "Minh tiến chi nhi dĩ hĩ, bất cầu kỳ vi, thử hiếu tử chi tâm dã" (Lễ Ký XXII 2.1 X.1) Trong bình diện này nếu có còn dùng ít danh từ cũ, thì nội dung cũng đã đổi, chẳng hạn chữ Phúc, tuy cầu phúc nhưng không theo nghĩa thế tục nữa, nhưng hiểu phúc là sự trọn hảo của người tế. "Hiền giả chi tế dã, tất thụ kỳ phúc, phi thế sở vị phúc dã, phúc dã bị dã. Bị giả bách thuận chi danh dã: nội tận ư kỷ, ngoại thuận ư đạo dã" (Lễ Ký XXII. 2.X.2). Hiền nhân khi tế tất có được phúc, nhưng không phải phúc như thế thường hiểu, nhưng hiểu là tận hảo (bị), tận hảo là bách thuận: Trong là tận kỷ, (tức thuận theo những nhu yếu căn bổn của mình) ngoài là thuận với đạo (Ðạo Hiếu).

Nhờ cuộc "Cách mạng văn hóa" mà bài vị Văn Tổ là tang chứng củ thể thì từ đó lễ gia tiên đã bỏ bình diện có hay không đối vật cũng như lợi lộc với cầu vái, để trở thành "an hành" tức là tác động mà không cầu vái chi, nhưng chỉ còn nhằm thiện mỹ hóa chính người tế. Nói theo Tuân Tử, lễ gia tiên trở thành nghi lễ văn súc cái tình người, nghĩa là vừa tiết chế vừa hàm súc tâm tình cho thâm hậu. Như vậy là đi từ ngoài vào trong, từ sự vật tới chủ tể. Ở chỗ này Phùng Hữu Lan nhìn thấy khá sâu sắc như sau: "Tâm chúng ta có hai mặt là tình cảm và lý trí. Giả như người thân chúng ta chết, theo quan điểm lý trí của chúng ta mà xét thời người chết không thể sống lại, mà thuyết linh hồn kế tục tồn tại không thể chứng minh, khó lòng tin được, nhưng tình cảm của chúng ta lại rất mong cho người chết sống lại, linh hồn của người chết kế tục tồn tại. Nếu chúng ta chỉ chuyên theo lý trí thì đối với người đã chết chúng ta có thể theo thuyết nói trong thiên Dương Châu ở sách Liệt Tử: "Ðốt cũng được, ngâm nước cũng được, chôn cũng được, để bộc lộ cũng được, bó lại mà đôi xuống khe vực cũng được". Nếu theo thuần lý trí thì những lễ tiết trong việc đưa người chết đều là vô nghĩa cả. Các tôn giáo ở đời đều cho những tưởng tượng hợp với tình cảm người ta là chân thật và phủ nhận sự phán đoán của lý trí."

"Chúng ta nếu đối với người chết mà thuần theo lý trí tình cảm sẽ thấy không yên, nếu chuyên theo tình cảm thì sẽ đắm chìm trong mê tín có hại cho sự tiến bộ. Ðiều mà Tuân Tử và Lễ Ký dạy chúng ta đối với người chết là chiết trung lấy cả lý trí lẫn tình cảm. Cứ lý luận của Tuân Tử và Lễ Ký thời tang lễ, tế lễ là thơ và nghệ thuật chứ không phải tôn giáo".

"Gần đây có ông George Santayana chủ trương tôn giáo nên bỏ bớt những điều mê tín, độc đoán để có thể sánh với thơ. Tuân Tử là Lễ Ký ủng hộ tang lễ và giải thích tang lễ, đã biết đem tôn giáo xưa mà tu chỉnh thành thơ. Tang lễ của thời xưa là nghi thức tôn giáo, trong đó bao hàm rất nhiều độc đoán và mê tín. Tuân Tử và Lễ Ký "lấy sự thuật lại việc xưa làm sáng tác", gạn lọc và thêm ý nghĩa mới, khiến cho tôn giáo mà biến thành thơ".

"Thời xưa người ta tin linh hồn còn kế tục tồn tại có thể dùng đồ ăn thức dụng... nên sắm những thứ đó cho người chết và gọi là Minh Khí. Ðến đời Khổng Tử theo lối "dĩ  thuật nhi tác" (Chính câu nói là "ngô thuật nhi bất tác". Tôi chỉ thuật lại đạo xưa, chứ không sáng tác cái gì mới cả. Nhưng các học giả nay đều cho rằng kiểu thuật lại của Khổng đã là một sự sáng tạo. Vì thế Phùng Hữu Lan nói là "dĩ thuật nhi tác") tuy cũng truyền lại các thứ Minh Khí đó, nhưng đã mặc cho chúng một ý nghĩa mới. Lễ Ký chép lời Khổng Tử rằng: Nói chết là chết hẳn, bất nhân mà không thể làm vậy. Nói chết mà sống lại (để vẫn dùng đồ đạc và cả con ăn đầy tớ, nên giết người sống để chôn theo người chết), bất trí mà không thể làm vậy".

Về việc sau khi chôn, để tang ba năm, Lễ Ký nói: "Phàm sinh giữa khoảng trời đất, loài có huyết khí tất có biết. Loài có biết, chẳng loài nào mà không yêu đồng loại. Nay lớn như chim thú, mất lứa lạc bầy, trải qua ngày tháng, khi qua chỗ cũ bay lượn kêu gào, nhảy nhót trù trừ rồi sau mới bỏ đi. Trong loài có huyết khí chẳng gì hiểu biết hơn người, cho nên người đối với người thân, đến chết không cùng. Như kẻ tà tâm người thân sớm chết, tối đã quên rồi. Nếu theo thế thì còn thua cầm thú nữa, làm sao có thể ở chung mà không loạn? Nếu thế ta lại theo lối quân tử để tang 25 tháng rồi tới 3 năm còn chưa cho là đủ, còn cho như bóng ngựa qua khe cửa. Nếu muốn cho toại nguyện thời vô cùng, nên cũng không được. Vì thế tiên vương tiết chế một cách vừa phải, khiến cho đủ thành văn lý thời thôi".

"Những điều dẫn trên này đều theo phương diện tình cảm chủ quan mà lập luận, bởi vì chủ ý của tang lễ chỉ là để an ủi tình cảm mà thôi".

"Tuân Tử tổng luận về tang lễ rằng: Lễ dạy về việc đối xử với sống với chết. Sinh là bắt đầu của con người, chết là rốt cuộc của con người. Bắt đầu cũng như rốt cuộc đều thiện thì đạo người xong xuôi. Cho nên quân tử kính lúc bắt đầu và cẩn thận lúc rốt cuộc. Làm cho bắt đầu và rốt cuộc như nhau đó là đạo của người quân tử, là văn vẻ của lễ nghĩa; hậu hỉ với người sống bạc bẽo với người chết. Thế là kính người lúc biết, mà khinh người lúc không biết vậy... Cái đạo chết là thế này: một khi đã đi thì không thể lại được. Bề tôi sở dĩ trung với vua, con sở dĩ hiếu với cha mẹ đến đấy là hết... Tang lễ là để cho người sống trang điểm cho người chết. Tiễn đưa người chết như khi còn sống, người khuất bóng như khi còn hiện diện. Bắt đầu và rốt cuộc như một vậy. Cho nên tang lễ không có ý gì khác hơn là để tỏ cái nghĩa sống chết".

"Phụng sự người sống là tô điểm cho cái bắt đầu, phụng sự người chết là tô điểm cho cái rốt cuộc. Bắt đầu rốt cuộc đủ, đạo người con hiếu xong xuôi, đạo của thánh nhân đầy đủ. Ðẽo người chết để phục vụ cho người sống là kiểu Mặc Ðịch. Ðẽo người sống mà thêm cho người chết là dị đoan. Giết người sống mà gửi xuống cho người chết là tặc... Khiến cho sống chết, bắt đầu, rốt cuộc, chẳng gì là chẳng vừa phải, tốt đẹp, ấy là pháp thức của lễ nghĩa Nho Gia là như thế đấy" (thiên Lễ luận).

"Ngoài thời tận vật, trong thời tận chí, đó là cái lòng khi tế vậy". "Thế tức là chuyện trọng tế tự mà không trọng đối tượng của tế tự".

(Trung Quốc triết học sử của Phùng Hữu Lan, bản dịch của Nguyễn Hữu Ái trg. 247-250, có sửa đổi những chỗ dịch tối).

Sở dĩ tôi trưng một đoạn dài của Phùng Hữu Lan vì ông là người vô thần như ý kiến của ông về tôn giáo nói lên điều đó; thế mà ông cũng chấp nhận việc thờ cúng tổ tiên thì điều đó chứng tỏ việc thờ cúng tổ tiên đã thoát ra khỏi phạm vi ý hệ, nên trở thành một nhân tố giàn hòa giữa các niềm tin tưởng.

Ðiểm này càng nổi bật khi ta nghĩ đến việc Tòa Thánh Vatican đã cho phép tín hữu tân tòng bên Tàu (vào lối 1939) và mới đây ở cả nước ta được phép duy trì việc thờ cúng tổ tiên vì coi đó chỉ là một lối tỏ lòng hiếu thảo. Việc cho phép đó là kết quả của một cuộc tranh luận kéo dài trên hai thế kỷ giữa hai phe thừa sai, một bên chủ trương cho phép duy trì, một bên cho là không nên vì có sự mê tín dị đoan. Ðại để các thừa sai y cứ vào kinh điển như Dòng Tên thì chủ trương nên vì không có chi nghịch với tín điều; ngược với nhóm thừa sai quan sát sự thờ cúng nơi đại chúng thì cho là không nên. Thực ra cả hai bên cùng có lý do vì lễ gia tiên có cả hai yếu tố: yếu tố bái vật dị đoan nơi dân chúng cũng như yếu tố tâm lý nghệ thuật nơi nho gia, nhưng phân biệt ra được là điều rất khó khăn, vì trong thực tế hai yếu tố vẫn để lẫn lộn, bởi sự phân biệt để tùy trình độ tiến triển tâm thức từng cá nhân mà thôi không có khoản luật nào bắt buộc phải tin thế này hay thế kia. Ngày nay Tòa Thánh Vatican cho phép là chấp nhận lối hiểu tâm lý nghệ thuật. Và như thế chúng ta thấy quả thực lễ gia tiên đã tránh được vấn đề cam go giữa hữu với vô, đến nỗi ngày nay vẫn có thể dùng làm miếng đất mà hai phe vô thần với hữu thần tạm đứng chung được. Cho nên quả nhiên lễ gia tiên cải tổ chỉ còn là một tác động thuần tuý tinh dòng không cần đối tượng: muốn hướng vào đối tượng này nọ kia khác hay không cũng đều được, đó là quyền tư riêng của mỗi người, mỗi tôn giáo hay vô tôn giáo.

Ðấy là thực chất quan trọng được đưa vào lễ gia tiên do cuộc cải tiến ghi trong 2 chữ Văn Tổ mà chúng ta cần khai thác triệt để hầu làm nền móng cho nền tổng hợp mới vì khả năng giàn hòa rất thâm hậu của động tác tinh tuyền coi đối tượng là tùy phụ nên không câu chấp.

Do đó mà có thể bảo tồn hình thức cũ, nhưng cho chở theo một ý nghĩa mới, khai thông cho sự tiến triển của tâm thức con người, thành ra tư tưởng vẫn tiến bộ, mà người trong nước không bị phân ra hai chiến tuyến chống đối nhau. Trái lại lễ gia tiên đã trở thành một thứ xi măng tinh thần mới, có khả năng gắn bó người trong nước lại một khối nhất trí không còn kẽ hở. Ðó là một hậu quả xã hội mà chúng ta cần lưu ý.

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page