2. Những Âm Vang

của Bài Vị Văn Tổ

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

 

a. Lối Ðặt Bài Vị

Hồn của lễ gia tiên là chữ hiếu nhưng nếu chúng ta chỉ căn cứ vào những dạng thức cổ truyền, với những lối tế tự nhiều khi rất kềnh cơi, những gương hiếu đễ thuộc thời phong kiến, rồi cho đó là hồn nước thì không chinh phục nổi ai, mà người trí thức thời mới có thể cho đó là truyện vu vơ; vì rằng trong các xã hội cổ đại xưa đâu đâu cũng có việc thờ cúng tổ tiên. Ðó chẳng qua là một giai đoạn trong quá trình tiến hóa của nhân loại đâu chẳng có, cứ phải gì phải bên Việt Nam hay bên Viễn Ðông. Cho nên đó không phải là hồn nước, hay dân tộc tính chi cả mà chỉ là một sự mê tín đã lỗi thời cần phải vượt qua. Chính vì Tây Phương đã trút bỏ sớm hơn ta được mấy ngàn năm nên nay họ mới tiến bộ khoa học và giầu thịnh như thế.

Ðại để đó là lối trả lời có vẻ lý sự khiến cho người giữ lễ gia tiên đâm hoang mang: bỏ đi không cúng tế nữa thì sợ bất hiếu với tổ tiên, mà không bỏ thì làm sao kịp được người. Thành thử trong tâm trạng có một sự giao tranh thuộc ý hệ. Và rồi chẳng bên nào thắng bên nào: bên tình bên lý bên nào cũng phải cả. Thế nhưng chúng ta chịu quan sát học hỏi nghiêm túc sẽ thấy một sự khác biệt quan trọng. Quan trọng đến độ khiến cho lễ gia tiên của ta được duy trì cho đến tận ngày nay cũng như nền văn minh Viễn Ðông suốt qua gần 20 thế kỷ, trong khi nền văn minh cổ đại La Hi cũng như rất nhiều nền văn hóa khác đã sụp đổ kéo lôi theo cả sự thờ tổ tiên vào nấm mồ đô thị cổ xưa (cité antique).

Sự tồn tại hay sụp đổ của nền văn minh là truyện lớn lao, nó không hệ tại sự thờ tổ tiên, nhưng ở chỗ thờ cách nào. Và cái cách ấy nếu ta nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ thấy nó hiện hình ngay ra trong lối xếp đặt các bài vị của hai bên. Nếu xem chung thì tưởng như nhau, nhưng khi nghiên cứu kỹ thì thật khác nhau rất nhiều. Ðiều khác căn bản là bên Viễn Ðông có một bài vị gọi là Văn Tổ để giữa bốn bài vị của Cao, Tầng, Tổ, Nỉ (Nỉ là Cha, khi còn sống thì gọi là Phụ, khi qua đời thì gọi là Khảo, khi rước vào Miếu thì gọi là Nỉ) xếp theo khung ngũ hành, nghĩa là đặt ở bốn phương, còn trung cung dành cho Văn Tổ như sau:

 

                    Khung ngũ hành:

Hỏa

Mộc Thổ Kim

Thủy

 

                    Lối đặt Bài Vị:

Tổ

Tằng Văn-tổ Cao

Nỉ

 

Triết lý ngũ hành hệ tại mỗi hành phải móc nối được với trung cung mới có đủ linh ứng: thủy, hỏa, mộc, kim, đều đi qua Thổ mới trở thành linh nghiệm (xem bài ngũ hành trong Tác phẩm Chữ Thời). Áp dụng vào việc thờ tổ tiên, là phải từ tiên tổ mình đi đến bản tính đồng nhiên của con người. Cho nên bên ngũ hành: không được dừng lại ở một hành nào chung quanh, nhưng phải lấy Thổ trung cung làm nền móng thì trong việc thờ tổ tiên cũng thế, không được chỉ biết có cha, ông, tằng, tổ mình, nhưng phải trườn tới Tổ trên hết các Tổ,  cục tinh ròng gọi là Văn Tổ (l'Ancêtre parfait) rất linh thiêng nên có tính cách phổ biến vì gốm không những mọi Tiên Tổ, mà còn gồm Tổ Tiên các tổ là trời đất.

Cũng theo triết lý ngũ hành thì chỉ thờ tổ đến 4 đời tính từ mình trở lên, cũng như miêu duệ tính trở xuống cũng kế 4 đời: con, cháu, chắt, chít là thôi. Trở lên cũng như trở xuống mình vẫn là trung cung.

Ðó là đại ý lối xếp bài vị theo ngũ hành khác hẳn với lối xếp thiếu triết lý. Tuy nhiên đó là một ý nghĩa tế vi, ít người nhận ra được, vì một đàng trong thực tế không cần thiết phải có bấy nhiêu bài vị, cho nên dễ mất dần ý thức, đến nỗi nhiều lần người ta lẫn với Thượng Ðế, vì Văn Tổ ở cùng một cung với Thượng Ðế, với "hoàng thiên hậu thổ". Ðàng khác đó là một chân lý rất tế vi, nên cũng dễ thất truyền. Ai đã đọc quyển "Chữ Thời" đều biết là cả một truyền thống bị chôn vùi ra sao, và sẽ không lạ gì khi thấy người ta dần dần quên đi, làm sai ý nghĩa, do đó cần chúng ta phải khảo sát lại.

Ðể thấy rõ hơn chúng ta sẽ khảo sát vấn đề về bốn khía cạnh là triết lý, xã hội, chính trị, tâm lý.

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page