1. Có Hồn Nước không

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

 

a. Câu chuyện lạc hồn

Từ mấy chục năm nay chúng ta hay được nghe nói tới dân tộc tính, hoặc hồn nước. Rồi nghe nhóm này hô hào phải phục sinh văn hóa dân tộc, phải duy trì dân tộc tính, phải làm sống lại hồn nước; nhóm khác cười nhạo và nếu không nói toạc ra là nõ có hồn nõ có dân tộc tính, thì cử chỉ hành vi họ còn nói lên điều đó rõ hơn. Vì thế chúng ta cần phải mở đầu bằng tìm hiểu xem có dân tộc tính chăng. Người thưa có phải hay người thưa không mới đúng?

Tôi thiết nghĩ cả hai đều trúng hết và tôi không nói mỉa mai, nhưng nói thật và xin mượn câu chuyện "lạc hồn" để biểu lộ sự thực đó. Ðây là câu chuyện film nhan đề "Étudiant de Prague".

Ở thành Prague có một sinh viên nghèo lại lâm vào bước quẫn bách quá không biết tìm đâu ra tiền. Quỉ liền hiện đến đề nghị cho anh một món tiền kếch xù với điều kiện là nhường lại tất cả những gì anh ta đang có trong phòng. Tưởng điều kiện gì chứ cái đó thì khỏi suy nghĩ: vì tất cả cơ đồ của anh chỉ là một cái ghế bố đã thủng với một cái gương mẻ, vài đồ chơi rẻ tiền. Ðược, quỉ cứ việc mang đi và để tiền lại đó cho anh. Nhưng trước khi đưa đi quỉ bảo anh soi vào gương một cái, đang khi anh soi thì quỉ làm dấu, bóng anh biến đi và quỉ đem các đồ rong tuốt, để lại tiền cho sinh viên nọ sống cuộc đời đế vương, không thèm chú ý tới chuyện xảy ra nữa. Anh chỉ thấy hơi phiền một chút là lúc soi gương cạo mặt, không thấy mặt trong gương nữa. Tuy thế, đó là sự bất tiện nhỏ nhoi không đáng quan ngại, nhất là khi người ta có dư tiền để thuê người cạo mặt.

Nhưng một ngày kia vì có chuyện bất bình với em rể mà không sao giàn hòa được nên hẹn đánh nhau để phân phải trái (tiếng tây là duel: đánh nhau ai được thì kể là có lý). Bố vợ can ngăn hết lời vô ích nên chỉ xin anh đừng có giết em. Ðiều đó thì anh chịu liền, vì thực bụng chính anh cũng không muốn giết em rể, mà chỉ có ý làm sầy da một chút gọi là đắc thắng, bởi đắc thắng có nghĩa là đắc lý mà. Vì thế, anh lấy danh dự hứa với bố vợ sẽ không giết em.

Khi ngày quyết đấu tới anh lên xe để đến chỗ hẹn ở bên ngoài thành. Dọc đường xe gẫy bánh, anh phải xuống đi bộ một quãng xa, nên không tới đấu trường kịp giờ. Khi gần tới nơi, anh thấy một người cầm gươm đi lại để đón anh, mặt mày có vẻ giống anh như hệt và đang chùi sạch gươm còn nhỏ máu. Thấy thế, anh liền giật mình nhận ra đó chính là cái hồn của anh mà anh đã vô tình bán cho quỉ, và nay có thể là quỉ sai về giết hại em mình. Nghĩ thế anh liền chạy vội đến đấu trường thì quả đúng rồi, xác em rể đã nằm chết xõng xoài trên vũng máu tuôn ra lai láng. Anh buồn muốn ngất xỉu: không những vì thương em, nhưng vì còn thẹn thùng với bố vợ là thất hứa... Thật là mọi sự đã xảy ra ngoài ý muốn của anh, chỉ vì một cử chỉ coi như vô thưởng vô phạt: nhường tấm gương soi mặc cho quỉ, mà khiến nên nông nỗi đau thương. Ðành rằng đời sống vật chất của anh có lên cao, nhưng nếu nghĩ đến cái xác vô tội của người em nằm trong vũng máu, nghĩ tới cặp mắt cha vợ đầy oán trách kinh hoàng cho anh là đứa hèn nhát nuốt lời thề... thì khó bình tâm ngồi hưởng thụ giàu sang kiếm được bằng giá máu của em...

Ðó là đại lược câu chuyện tôi cho là phản chiếu khá trung thực trạng huống nước ta trong mấy chục năm qua. Cũng có đủ cả việc cướp nước, cướp hồn nước, bán nước và bán hồn nước. Và vì đó một số người vào hùa với ngoại bang làm giầu trên xương máu đồng bào trước muôn vàn đau thương của dân tộc... và cũng từ đấy xảy ra việc nhiều người xem vào những gương tiên tổ thì chẳng còn thấy bóng dáng mình đâu nữa. Thấy sao được vì đã bị ngoại bang dẫn đi rồi. Vả hồn có phải là vật cụ thể hiện ra thù lù trước mắt đâu, nhưng là cái gì u linh như ẩn như hiện có mà không, không mà có. Nếu tấm lòng yêu nước thương nòi đã phai nhạt thì xem vào gương mẻ là cái nước chậm tiến lạc hậu này, thấy sao được hồn nữa, nên nói nước Việt không hồn, dân tộc Lạc Việt không có tính chất đặc trưng, thì chỉ là nói lên một nhận định chân xác khách quan thôi.

Không những khách quan mà còn đúng tâm lý nữa: ngày nay các nhà tâm lý đã biến chân lý đó thành loại trắc nghiệm chiếu giãi (tests projectifs) dành cho khoa giáo dục để tìm hiểu tâm lý mỗi đứa trẻ, như các loại tests gọi là T.A.T. (Themafic aperception test) nổi tiếng thứ nhì sau loại trắc nghiệm của Rorschach được sáng chế ra năm 1935 do 2 người Mỹ là các ông Morgan và Murray: nó hệ tại đưa ra một màn kịch với vài ba nhân vật rồi bảo trẻ đặt mình vào hoàn cảnh của các nhân vật đó để nói lên điều ước muốn (needs) hoặc sự bó buộc (press) phải đối xử ra sao. Hoặc như trắc nghiệm của ông Szondi cũng gọi là trắc nghiệm vận mệnh: đưa ra 6 bộ hình chụp mỗi bộ gồm 8 cái hình người rồi bảo trẻ chỉ ra những hình người nào mà nó có cảm tình nhất... Nhà tâm lý theo đó mà đoán vận mệnh và tìm hiểu tâm tính của mỗi trẻ.

Theo luật khoa tâm lý đó, thì phải là người có hồn nước mới thấy được hồn nước, còn không có hồn thì không sao thấy được. Mà biết bao người Việt ngày nay còn gọi được là có hồn nước! Nếu còn có hồn sao người Việt Cộng lại đi sát hại đồng bào cách hăng say thành khẩn như giết quân thù: "Thề phân thây uống máu quân thù". Nếu còn hồn, thì ai đủ can đảm hát như thế!

Cũng như còn được mấy tí hồn trong số những công chức làm việc giải đãi, trong những người được địa vị ưu đãi lại thẳng tay bóc lột người dân một cách tàn tệ dưới đủ mọi hình thức, tự hối lộ cho đến bắt trả dịch vụ một cách rất xa mức chịu đựng của dân (400$ mỗi lần khám bệnh!)... Ðó cũng là một lối giết dần giết mòn. Nhưng giết dần dần hay giết ngay một cái, đều là việc bên ngoài ý muốn của người giết. Ðến nỗi nếu ai nói với họ như thế họ sẽ phát dóa cho là nói tầm bậy vô bằng. Quả thực sinh viên thành Prague có giết em rể mình đâu, đó là cái hồn của y giết em đấy chứ, cái hồn mà y đã nhường đi rồi thì còn quyền điều khiển nữa đâu, soi vào gương còn chưa thấy hồn huống chi điều động sao cho được. Cho nên đổ cho anh tội giết em là oan, hay có đúng thì chỉ đúng một phần nhỏ xíu, vì đó là hậu quả bất ngờ của một việc vô thưởng, vô phạt, đúng hơn thưởng nhiều phạt ít, và đối với anh còn thật mãi, vì sau khi em rể bị giết, anh vẫn còn giầu sang...

Giới trí thức của ta cũng thế, chẳng ai phải chịu hết trách nhiệm trạng huống nước nhà, bởi tất cả được đào tạo trong một nền văn hóa không phải của nước ta nữa thì làm chi còn hồn. Có chăng cũng chỉ còn là cái tình tự suông sẻ hời hợt không đủ gây nên những công việc sâu xa quyết định.

Cho nên nói chung ra là chúng ta không còn hồn, và vấn đề không phải ở tại có bán hay không? ai bán? ai có lỗi? Thành thực mà nói chẳng ai có lỗi cả, ít ra tới độ đủ để bị kết án. Tai họa chúng ta là hồn không còn ở lại với chúng ta nữa, một mớ thì vọng ngoại, cho nên những người trong giới được ưu đãi bóc lột người dân thì tại cái học duy lý là cái học hoàn toàn mưu sinh trục lợi, không có một khoa nào dạy cho một chữ gì đủ khả năng làm họ nương tay: toàn là trí thức rất dễ dùng để làm hại nhau mà thôi.

Thấy vậy đâm ra phát cáu, một mớ đem gởi hồn sang Nga, để học cách cứu đồng bào với điều kiện xem đồng bào như quân thù... Còn một mớ hồn nữa không biết bám vào đâu thì lạc lõng như những cô hồn chờn vờn trong làn hơi cháo lú. Bởi vậy muốn nói có hồn hay không có hồn cũng đều đúng cả: đúng với tâm trạng của mỗi người nói. Khi tâm thức không còn gì phảng phất hồn nước mà cũng nói về hồn nước, nói về dân tộc tính, nói về nền quốc học thì sẽ chỉ là những lời thiếu chân thực. Vì thế chúng ta không cần tố cáo ai hết. Việc khởi đầu do lỗi lầm của hai người trước đây. Nay có đào bới lên cũng là chuyện vô tích sự. Ðiều thiết yếu là cần phải xét có cần thiết nước phải có hồn chăng và nếu cần thì nên làm thế nào để hú cho hồn trở lại với nước cùng non?

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page