This is a summary of the paper written by Kim Dinh for the XVIII World Congress of Philosophy held at Brighton, England from August 21-27, 1988. In Section: Metaphysics and Culture; Co-ordinated by Prof. Tran Van Doan, National Taiwan University

The Vietnamese Cultural Heritage
towards Contemporary Life

Di Sản Văn Hóa Việt Nam

Ðối Với Ðời Sống Hiện Ðại

Bài diễn văn phát biểu của Triết Gia Kim Ðịnh

tại Hội Nghị Toàn Cầu về Triết Học lần thứ XVIII

được tổ chức tại Brighton (Anh Quốc) từ ngày 21-27/08/1988

by Rev. Kim Ðịnh, Vietnamese Philosopher

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

I. Di Sản Văn Hóa Việt Nam

1. Di sản văn hóa Việt Nam nằm gọn trong chữ Việt với ý nghĩa siêu việt, là nhảy từ hai thái cực vào một: từ Trời cao Ðất thấp nhảy vào Người. Các nhà nghiên cứu về Ðông Nam Á thấy nét đặc trưng của miền này là lưỡng hợp tính (dual-unit) thì chính là nó: nét đó là kết quả của cái nhìn riêng biệt không xem hai đối cực như hai thực thể chống đối nhau, tiêu diệt nhau mà như là hai chiều bổ túc hỗ tương của một thực thể. Và đó cũng chính là Minh Triết, vì Minh Triết là gì nếu không là khả năng hội nhập hai thái cực.

Nói theo thực hành thì Minh Triết là nghệ thuật tối cao xếp đặt việc nhà việc nước thế nào để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Vậy văn hóa Việt Nam đã làm được như thế xuyên qua gần năm ngàn năm lịch sử. Trong quãng dài lâu vô địch đó nó đã không hề mắc một mâu thuẫn nào: không đẳng cấp, không giai cấp; không có chủ nô, vì toàn dân đều được tham dự vào tài sản quốc gia, cũng như mọi người được tự do tư tưởng, tự do tôn giáo. Cả đến hơn 50 sắc dân thiểu số với những tin tưởng rất khác nhau mà không hề xảy ra xích mích về đàng tôn giáo. Ðó là di sản văn hóa Việt Nam, có thể gọi di sản đó là nền triết lý Thái Hòa.

2. Di sản nọ đã được thăng hoa vào trang huyền sử diễm lệ của Âu Cơ tổ mẫu. Mẹ Âu Cơ lấy Bố Lạc Long đẻ ra cái bọc trăm trứng, nở ra trăm con. Ðến lúc chia tay thì 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển. Bọc trứng trăm con chia ra 2 đoàn con đã được thăng hoa thành hình tròn O chia đôi bằng nét cong chữ S như ở sau. Ðây là cái vòng tuyệt diệu trên đời không thể vẽ đẹp hơn, sâu xa hơn, bao trùm hơn được nữa. Chữ S cong lượn hai đầu để chỉ trong âm có chút dương, trong dương có chút âm: tránh mọi tuyệt đối: tuyệt âm hay tuyệt dương.

Người ta quen nói có hai loại văn hóa: một nghiêng về khoa học của Tây Âu, một nghiêng về huyền niệm của Ấn Ðộ, vậy là quên mất loại thứ ba nghiêng về thẩm mỹ của Ðông Á thuộc Việt tộc mà Việt Nam có thể gọi là miêu duệ thừa tự. Nếu ta biểu thị óc khoa học bằng hình vuông màu trắng chỉ sự phân chia rõ rệt phân minh: có hay không dứt khoát. Còn óc huyền niệm bằng vòng tròn màu đen chỉ cái không, cái vô thể âm u, thì người ta sẽ biểu thị óc thẩm mỹ bằng vòng tròn gồm cả đen lẫn trắng, cả có lẫn không, yes and no... vì tính chất của thẩm mỹ là Hòa hợp là mềm giẻo. Bởi vậy cái lằn chia đôi vòng tròn ra bên đen bên trắng không chạy thẳng chữ I mà cong lượn theo hình chữ S. Chữ S này đã xuất hiện lu bù trong trống Ðông Sơn như sau: ~= ~ được các các học giả gọi là dấu Ðông Sơn, nó chỉ trỏ tính cách hòa hợp mềm dịu của thẩm mỹ và cũng là đức tính nổi vượt của văn hóa Việt tộc.

3. Nếu Ấn Ðộ nghiêng về Thiên Viên, Âu Tây thiên về địa phương thì Việt theo cả hai: thiên 3 địa 2 (tam thiên lưỡng địa nhi ỷ số) và cả hai vuông tròn hợp lại làm nên nét cong. Vì nét cong là dấu định tính văn hóa nên tiền nhân đã hiện thực vào các vật dụng nhất là nhà ở và thuyền, cả hai đều mang nét cong lớn để nhắc nhở con cháu phải lấy sự hòa dịu làm lối sống ở đời. Ðời sống không được điều động bằng pháp luật cứng đơ như sự vật mà phải bằng lễ bằng nhạc mềm giẻo nho nhã. Nhờ sự mềm dịu nho nhã đó mà nó hòa được cả hai bên đen trắng, bên tròn bên vuông. Về sau nho giáo gọi vòng tròn chia đôi nọ là vòng tròn thái cực viên đồ. Ðó chính là vòng tròn chu tri hay vòng tròn Thái Hòa. Chữ Hòa đây phải gọi là Thái Hòa vì nó là nguồn gốc mọi cái hòa lẻ tẻ khác:

- Trong con người là hòa tình với lý, hòa tâm với vật...

- Trong gia đình là hòa vợ với chồng hoặc cha với mẹ, hoặc chị anh với các em...

- Trong xã hội là hòa nhân dân với chính quyền, nên không có hai nền văn hóa: một cho chính quyền một cho dân như ở các nơi.

- Trong nhân loại là hòa giữa các nước để làm nên cuộc Thái Bình đưa đến mối tình huynh đệ phổ biến.

- Trên cấp siêu hình là hòa có với không, Vô với Hữu, chứ không duy hữu kiểu Hữu thể học ontology của Tây Âu, hay duy vô kiểu Vô Nhị advaita của Ấn Ðộ. Những biểu hiệu đợt uyên nguyên này đã kết tinh vào quyển Kinh Dịch thành bởi hai nét âm dương, khôn càn, Mẹ cha.

4. Những biểu hiệu trên luôn luôn hòa hợp với nhau để sinh ra rất nhiều biểu hiệu kép để chỉ việc làm theo sau lời nói, hay là Hành đối với đợt trước là Học để hai chữ Học Hành đi đôi. Hai biểu hiệu âm dương cũng được diễn bằng số chẵn số lẻ. Chẵn chỉ âm, lẻ chỉ dương, rồi các số lại được đặt vào khung chữ tỉnh # để làm ra cơ cấu Ngũ Hành, và các đồ án kép khác như Hồng Phạm, Cửu Trù, Hà Ðồ, Lạc Thư sẽ được quảng diễn trong tập sách nhỏ kèm theo. Mới coi tưởng rất phiền toái nhưng tựu trung cũng chỉ là diễn tả sự hội nhập hai mảnh đen trắng lại một cách rất tài tình, nên đó chẳng qua là những phát triển từ cái bọc Âu Cơ tổ mẫu. Tất cả đều chứng minh rằng văn hóa Việt đã đạt Ðạo, hay đạt Minh Triết tức là nó đã thực sự hội nhập được hai đầu thái cực để tạo ra nếp sống hạnh phúc cho dân Việt như được ghi lại trong sử ký suốt nhiều ngàn năm qua: cả của Tàu hay Việt Nam hoặc các chi khác của Việt tộc từ Hàn, Nhật, Ðài Loan xuống đến Phi, Mã, Ấn Nê, Miến, Lào, v.v...

II. Ðời Sống Hiện Tại

5. Ðời sống hiện tại là cuộc sống vô hướng vô hồn, ví được như con tàu giữa biển khơi mà thiếu bàn la kinh để hướng dẫn, thiếu bến bờ để tới lui. Nói khác là thiếu Minh Triết. Sự thiếu đó được biểu lộ bằng sự thiếu vắng các đồ án chỉ tỏ nền thống nhất cách bao trùm như nét lưỡng hợp mà chỉ có những triết lý duy lý bất lực nên cuộc sống phải nhờ đến sự hướng dẫn của tôn giáo, của pháp hình và luân lý. Trên cấp siêu hình thì vẫn không sao hàn gắn được nhát chẻ đôi luôn luôn dỉ máu (bleeding dichotomy). Trong thực tế không sao xóa bỏ nổi giai cấp đấu tranh. Như vậy thì đời sống nay cần một số điểm như sau:

6. a. Trước hết một nền triết lý Thái Hòa để làm nền tảng cho cuộc thống nhất hòa âm giữa đông tây, giữa kim cổ, thống nhất cả về đạo lý lẫn chính trị và kinh tế...

b. Cần một nền chu tri toàn diện gồm cả Hữu cả Vô thay cho cái học nay một chiều hoặc duy Hữu hoặc duy Vô không đủ rộng để hội nhập được cả hai bên thành một. Thành thử giáo dục toàn sản ra những con người tản mát fragmentary, split personality. Nước chỉ có đến Hiến Pháp trên không có Ðạo nào hết.

c. Một nền triết lý thiết thực cụ thể, dẫn tới tác hành thay cho những triết lý trừu tượng: nói nhiều làm ít.

Một hướng sống hay một Chủ Ðạo để đem lại ý nghĩa cho đời đặng có được một cuộc sống tươi vui thay cho triết học khắc nghị buồn thảm từ trước tới nay.

e. Một tình huynh đệ phổ biến để con người xử với nhau như anh em cùng một nhà: yêu thương tương trợ thay vì tranh đấu căm hờn.

Tất cả mấy điều vừa kể trên đây đều tìm được sự đóng góp trong di sản văn hóa Việt Nam. Tây phương quá khoa học nên mất nội tâm. Ðông phương duy huyền niệm nên quá nghèo. Ðã đến lúc phải cộng vuông khoa học với tròn huyền niệm lại một. Và con đường hội nhập phải chăng là nét cong thẩm mỹ trong nghệ thuật sống?

 


Back To Vietnamese Missionaries in Asia Home Page