The Presentation of Dr. Luong Kim Dinh during the International Symposium on Confucianism and the Modern World, Taipei, Taiwan, R.O.C.
November 11~17,1987

ÐẠO TRƯỜNG
Chung Cho Ðông Á

Diễn văn phát biểu của Triết Gia Kim Ðịnh
vào năm 1987 tại Hội nghị Quốc tế về Khổng Học với Thế giới ngày nay
(International Symposium on Confucianism and the Modern World)
tổ chức tại Ðài Bắc, Ðài Loan, quy tụ 400 học giả khắp thế giới

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

I. DẪN NHẬP

1. Sở dĩ đề nghị lập Ðạo Trường là cốt để Ðông Á có thể đáp ứng sự mong đợi của triết học Tây Âu đang ngóng chờ sự đóng góp của triết lý Á Ðông giúp lập lại thế quân bình giữa tâm và vật. Vì hiện nay con người qúa thiên về vật chất mà nhãng bỏ tâm linh, cần phải đưa thêm tâm linh vào cho cân đối. Ðiều đó một mình triết tây không làm được vì đã quá thiên về lý trí nên chỉ có lý thuyết suông, trừu tượng, xa đời và hóc búa không thể dẫn đưa nhân loại đến quân bình mà còn bị kinh tế chỉ huy. Lẽ ra triết lý phải chỉ huy hạ tầng kinh tế, thế mà nay phải để cho hạ tầng kinh tế chỉ huy thì đủ biết văn hóa thiếu hồn, quá yếu. Các triết gia Tây Âu đã ý thức điều đó nên mới chờ mong cái gì khác hơn ở triết lý Á Ðông.

2. Nhưng oái oăm thay triết lý Á Ðông lại đang học mót theo kiểu triết tây cũng chỉ có nghiên cứu rồi đưa ra những bài thuyết lý suông thì sự đóng góp chỉ ở mức thông báo (information) chứ không thể cải hóa (formation) được gì. Muốn cải hóa thì phải đi hết cả 5 bước Học nói đến trong sách Trung Dung (câu 20) là: (1) Bác học, (2) Quảng vấn, (3) Thận tư, (4) Minh biện, (5) Ðốc hành. Nếu chỉ nghiên cứu và lý thuyết suông thì mới đi có 2 bước đầu là bác học và quảng vấn (quảng vấn là hội nghị). Thiếu ba bước sau là thận tư, minh biện, đốc hành. Muốn đi được cả ba bước nọ thì nay phải là kiến tạo một nền triết lý mới. Vì các giá trị cũ đều hết thời, triết lý Ðông Phương cũng thế, không thể đưa Chu Hi ra được nữa. Nó thuộc phần sử triết. Còn chính triết lý sống thì cần phải kiến tạo mới. Việc đòi thận tư và minh biện. Cuối cùng phải có đốc hành. Ngày nay muốn có đốc hành cho được việc thì phải có tổ chức bởi trong thế giới hiện tại việc gì cũng phải to lớn vững vàng mới đứng nổi. Mà muốn vững vàng thì phải có tổ chức chứ mấy cá nhân lẻ tẻ có giỏi tới đâu cũng không làm nên việc. Ðó là lý do cần một Ðạo Trường. Ðạo trường là tổ chức lo giúp cho nền triết lý mới của Á Ðông được hình thành và đi hết cả 5 bước học theo Trung Dung: tức gieo rắc yêu thương tình người.

3. Ðiều này thì Ðông Á hơn triết tây ở chỗ có nhiều khả năng hơn vì nguyên lý của các nền đạo lý Ðông Á vẫn còn giá trị y nguyên, như 3 nguyên Tiến hóa, Nhân chủTâm linh vẫn còn giá trị và tỏ ra cần hơn bao giờ hết. Nếu được trình bày lại trong một tổng hợp mới, một triết lý mới thì sẽ gây ảnh hưởng tốt lành cho nhân loại. Ðiểm hai là cuộc truy tầm về nguồn gốc văn minh Ðông Á lại cho biết ba nguyên lý trên xa xưa chính là cội gốc chung của các dân tộc Ðông Á. Nay lập ra Ðạo trường y cứ trên những nguyên lý đó thì chính là làm cho người trong toàn khối ý thức về nguồn gốc chung kia và làm cho các nước trong vùng cảm thấy mình như sống lại trong đại gia đình văn hóa. Ðiều đó sẽ dẫn đến sự bơm tinh thần vào các xã hội Ðông Á để biến thành các xã hội tình: lấy tương thân tương trợ làm tôn chỉ thay cho các xã hội hiện nay quá nặng óc đấu tranh, tiếm đoạt và bạo hành. Nếu làm được như thế là triết Ðông sẽ đáp ứng được mong cầu của thế giới là góp công đắc lực vào việc xây dựng nền thống nhất hòa hợp (orchestrated unit) cho nhân loại cả Ðông lẫn Tây như đã được nói lên ở hội nghị triết tại Honolulu năm 1949. Ðó mới là sứ mạng của Ðông Á, chứ còn chỉ biết theo đuổi về mặt kinh tế và khoa học kỹ thuật thì cũng chỉ là học lại mà không đóng góp được gì vào nền thống nhất nhân loại hết, còn gây cho Âu Mỹ sợ người da vàng là khác. Cho nên cố đạt kỹ thuật cao phải là thứ yếu, chỉ nên cho chiếm 2/3 chú ý, còn 3/2 phải dành cho tinh thần theo tỉ lệ "tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số" trong Kinh Dịch.

4. Ðông Á là ai? Thưa là các nước Tàu, Ðài Loan, Nhật, Hàn, Tân Gia Ba, Việt, Phi, Ấn Nê, Mã , Thái, Miến, Mên, Lào, v.v... Hỏi nước nào dẫn đầu? Hiện nay chưa thể nói đến Trung Quốc, vì thế dẫn đầu vẫn là Ðài Loan, rồi đến Nhật Bản hai nước được coi như người anh cả trong đại gia đình văn hóa Ðông Á. Cần hai anh đứng lên trước để giứng tác rồi giúp cho các nước khác kể như đàn em cùng theo để làm thành liên đoàn huynh đệ các nước có tinh thần nho (viết tắt: cojup). Làm như thế mới là nho đã xuất hiện để nhận chức lãnh đạo thế giới như hội nghị Honolulu mời gọi. Từ đấy triết lý Ðông Á không còn chỉ nghiên cứu và thuyết lý suông kiểu hàn lâm trừu tượng với những bài văn bị kết án rơi vào rừng vắng, mà thay vào là những cojup đông người rải rác khắp nơi vừa sống động, vừa liên tục vì có các việc xã hội cụ thể đi kèm, nên sau dần dần sẽ lan tỏa ra như một mặt trận văn hóa nhân chủ quốc tế tâm linh để cân bằng với những thứ quốc tế hiện hữu hoàn toàn duy vật, chỉ có thể gieo rắc đau thương chuyên chế. Nếu làm được như thế thì đó sẽ là biến cố lớn lao nhất trong nhân loại đời nay. Và nếu Ðài Loan (ROC) chỉ làm được có việc này thì cũng đã bõ công chiến đấu để tồn tại bên ngoài quĩ đạo Cộng Sản. Và bắt buộc lịch sử thế giới phải ghi công và khen ngợi.

II. CẦN LẬP MỘT ÐẠO TRƯỜNG
CHUNG CHO ÐÔNG Á

1. Nói đến Ðạo Trường nhiều người hỏi sao không lập thị trường như Tây Âu mà lại đi lập Ðạo trường. Cần phải chú ý đến kinh tế, khoa học kỹ thuất mới trông đuổi kịp người chứ sao lại Ðạo Trường với văn hóa chả lỗi thời lắm sao. Hầu hết người Ðông Á đang có những ý nghĩ như thế mà không ngờ rằng chính vì văn hóa mà biết bao người phải cửa nát nhà tan mất luôn cả nước. Heidegger đã cảnh cáo rằng văn hóa Tây Âu truyền tới đâu thì gieo máu và nước mắt tới đó. Nửa thế kỷ vừa qua Á Châu đã chứng nghiệm câu đó với cả hàng triệu người chết tất tưởi, còn kinh tế thì có nước lùi hẳn lại đến thời hồng hoang. Thiết nghĩ bài học quá đắt đỏ nọ phải làm cho chúng ta giựt mình để nhận ra sự thực của câu nói tiền nhân khi cho Ðức là gốc, Tài là ngọn. Nói khác, giàu nghèo của một nước phần lớn ở tại triết lý chính trị, chứ đất đai kinh tế chỉ là ngành ngọn. Con người nay đang đói khổ hoặc đang đấu tranh, dành dựt: mất hết an bình là tại thiếu chủ đạo chứ không phải thiếu kỹ thuật, thiếu kinh tế. Trái lại chính vì quá chuyên về kinh tế mà bỏ bê chủ đạo nên xảy ra hỗn loạn. Nếu ta lấy con số "tham thiên lưỡng địa" làm cứ thì có thể nói quan trọng của đạo lý phải chiếm ba, kinh tế chỉ nên chiếm hai. Có giữ được tỉ lệ nọ mới là lo cho nước cách hiệu quả. Hãy so sánh các nước tự do với các nước cộng sản thì thấy liền. Cộng sản lấy kinh tế làm nền móng cho rằng "hạ tầng kinh tế phải chỉ huy thượng tầng văn hóa". Vì thế họ đã lo cho kinh tế đến 4 phần, lo cho văn hóa chỉ còn được 1, một đó cũng chẳng còn ra văn hóa mà chỉ là tuyên truyền. Vậy mà ta thấy kinh tế các nước cộng sản không sao khá được, một vài nước có thịnh đạt thì chẳng qua là đã xét lại giáo điều của chủ thuyết để tước bỏ đi phần nào.

2. Rồi ta lại quan sát trong các nước tự do thí dụ Mỹ và Mễ gần kề nhau: hai bên cũng đất đai rộng lớn như nhau, cũng người da trắng di cư đến tương tự. Vậy mà một bên thì cường thịnh, một bên thì nghèo túng. Rõ ràng sự khác nhau đó không do đất đai mà do chủ đạo. Nếu ta đưa mắt về Ðông Á để quan sát thì có thể chia ba loại giàu nghèo khác nhau theo ba thứ chủ đạo.

3. Tại sao mới trước đây dăm thập niên mấy nước này còn lạc hậu mà nay đã đuổi gần kịp Âu Mỹ. Có nhiều lý do nhưng căn để hơn là chủ đạo và chủ đạo đó chính là Tam Giáo: Phật, Lão, Nho; nhất là Nho vì khác Phật Lão chỉ lo có tu thân, Nho còn lo đến cả tề gia, trị quốc, bình thiên hạ đã tự 25 thế kỷ mà cho tới nay chưa gặp được chủ đạo nào hơn. Nếu vậy thì chủ đạo ta đã có rồi đó còn cần chi phải lập ra đạo trường nữa. Thưa vẫn cần vì hai lý do: một vì chúng ta đã mất ý thức nhiều không còn thấy được cái hay của đạo cũ nữa nên nhiều nước đã đi rước thuyết lý ngoại lai về thay thế đạo xưa. Hai là đạo đã xuất hiện lâu đời quá nên nhiều yếu tố nay đã lỗi thời cần suy tư lại và trình bày theo lối mới cho hợp cảm quan thời đại hơn. Ðấy là công việc cực kỳ phiền toái nhiêu khê nên tuy đã có rất nhiều thử thách mà vẫn chưa xong: công việc phải làm vẫn còn bề bộn, cần thêm nhiều người hơn nữa để tâm vào, vì không phải cái học hàn lâm khảo cổ mà xuôi được, cần phải có một nền triết lý mới. Như một nhánh mới mọc lên tự gốc cổ thụ xưa mới làm nên công truyện. Và cái đó còn tùy vận nước, khi nên trời sẽ giúp công cho. Nhưng dầu sao thì con người phải làm hết sức. Cho tới nay hầu hết mới là việc làm của tư nhân tự nguyện. Thiết tưởng đã đến lúc các chính quyền cũng phải hợp lực, nếu không tự làm lấy được thì cũng nên nâng đỡ rất mạnh vì như đã nói trên Chủ Ðạo hệ trọng cho sự thịnh đạt của nước đáng được kể vào hàng quốc sách. Ðó là lý do tại sao cần một Ðạo Trường.

4. Danh xưng Ðạo Trường Chung được đưa ra để đối chiếu với "Thị Trường Chung Âu Châu". Ðây chỉ là kỹ thuật văn từ để lôi chú ý đến một thực thể rất lớn lao tuy còn tiềm ẩn. Nếu được chăm lo phát triền thì nó có thể trở nên yếu tố hòa giải không những cho hai khối chính trị đối ngược, nhưng là hòa giải cách nền tảng trên tầng cao hơn trong triết học, mà tôi gọi là Ðạo Trường. Ðó chỉ là một thực thể có tham dự cả triết lý lẫn tôn giáo. Triết lý vì nó hoàn toàn dựa trên những dữ kiện thực tế không có chút chi thần bí, nhưng vẫn có ảnh hưởng trên tâm linh như tôn giáo, nên nó mang một tên riêng gọi là Ðạo. Khi được đưa ra học hỏi để cố hiện thực thì ta gọi là Ðạo Học.

5. Ðó là một thực thể có nhiều hy vọng cho tâm trạng con người hiện nay đang xao xuyến muốn đi tìm một đạo sống mới. Thế mà một đàng trong thế giới có nhiều tôn giáo nên không thể đặc chọn một tôn giáo nào đặt lên địa vị ưu việt. Ðàng khác nếu chỉ có triết suông thì không đạt được cái gì linh thiêng cao cả, ngay đến nền thống nhất văn hóa cũng chẳng cung ứng nổi. Vì thế phải nại đến Ðạo Nho như đã làm trong hội nghị triết học ở Honolulu 1949. Nhưng Ðạo Nho đã bị tàn lụi quá nhiều, giờ đây chỉ còn lại như một ngành học vấn khô khan. Ðó chỉ là khoa học chuyên môn dành riêng cho Hàn lâm trường ốc, như bất cứ khoa học nào kiểu cổ sử hay khảo cổ, chứ không đủ sức đôn đốc tâm hồn. Và nếu chỉ trông có thế thì không cần vận động cho nho chi cả: nó đã có địa vị quốc tế rồi đó, từ hai trăm năm nay lận. Nhưng đó chỉ là Ðạo học, là études để nghiên cứu không phải là Ðạo trường để hiện thực. Không là Taofield có tác động mạnh vào đời sống.

6. Muốn thành Ðạo trường cần Ðạo học tiến đến triết lý nhân sinh tức không chỉ là một nền triết lý duy lý thuộc hàn lâm vận hành trong bốn bức tường, nhưng phải là triết lý gắn liền với đời sống với minh triết (wisdom). Vì Minh Triết được định nghĩa là "nghệ thuật tối cao xếp đặt đời sống con người sao cho có thể tạo được hạnh phúc cho mọi người". Nói vậy có nghĩa là những nền triết học không mang lại hạnh phúc cho loài người đều không là triết lý mà chỉ là triết gia đáng bậc thầy như Nghiêu, Thuấn, Khổng Tử, thì ta có Minh Triết sống. Nhưng trải qua mấy ngàn năm với hàng cả nhiều tỉ người, không có thêm được một Thuấn, một Khổng Tử thì đành là triết lý, tức là triết học về Minh Triết cách chính truyền. Nếu đạt được điều đó thì ta đã tạm có được một điều kiện cho Ðạo Trường thành tựu.

7. Ðiều kiện thứ hai là một khối người sống cái Ðạo đó. Có được điều này mới ra Ðạo Trường, vì nói đến trường là nói đến cái năng động tức nền triết lý có được sống, được áp dụng vào cuộc đời không những gồm hàng ngang mà luôn cả hàng dọc. Hàng dọc thì như con người không những có lý trí cảm tình mà còn phải có tâm linh thông đạt được với cái toàn thể là vũ trụ. Còn hàng ngang là phải bao quát hết mọi nấc sống tự tư riêng như tu thân, tề gia, cho tới công cộng như trị quốc, bình thiên hạ: không ngõ ngách nào lọt ra khỏi ảnh hưởng của Minh Triết hay Ðạo học. Có như vậy mới gọi được là Ðạo Trường.

8. Ðành rằng đời mới cần tân tạo mới: cần lập ra một chủ đạo mới, nhưng trong cái mới vẫn có một cái gì cổ xưa đóng góp, vậy mà xét theo 2 điều trên thì Ðông Á hay các nhà xã hội theo nho là giầu khả năng đóng góp hơn cả, vì rất cởi mở về đàng tự do tư tưởng. Thứ đến văn hóa lại chỉ có một chung cho cả văn gia lẫn chất gia. Ðây là điều không có nơi các văn hóa khác: bao giờ cũng có một văn hóa của giới thống trị, một cho giới bị trị, còn với nho giáo chỉ có một chung cho cả chất gia lẫn văn gia. Có thể nói chất gia hay đại chúng đã thai nghén ra tư tưởng như ta có thể nhận ra được điều đó xuyên qua tục ngữ, phương ngôn, thói tục. Còn văn gia hay trí thức thì đem chất liệu kia ra công-thức-hóa tức đặt thành lời thành sách nên là dân chủ cùng cực. Có được hiện tượng dân chủ nền tảng như vậy là chỉ ở đây không có giai cấp chủ nô. Nói đúng hơn chỉ có hiện tượng nô lệ không đủ mạnh để lập riêng cho mình một nền văn hóa như nơi các xã hội khác, nơi có chủ nô căn cứ trên quyền lợi tuyệt đối của tư sản, gây ra người có của, kẻ không có gì gọi là vô sản. Ở đây không có vô sản vì đã có chế độ bình sản được thi hành rộng rãi nơi dân chúng và được văn gia công thức hóa thành chế độ công điền công thổ và gọi bóng là tỉnh điền, tức là phân chia tài sản cho toàn dân hầu không ai bị lâm cảnh vô sản để rồi phải làm nô lệ. Ðó là định chế do nền Minh Triết xưa để lại, tuy về sau người ta không giữ được đều đặn nhưng xét về lý thuyết thì đã có vững chắc như được chứng tỏ bằng các định chế đi kèm.

Riêng bên Việt Nam cho tới đầu thế kỷ 20 thì ruộng công còn được già nửa nghĩa là quá 50 phần trăm đất vẫn còn được để làm của chung làng rồi định kỳ chia cho dân. Nên Việt Nam có nghèo thật, nghèo lắm nhưng như học giả người Pháp ông Paul Mus nói là họ nghèo cả hàng tổng chứ không có cảnh chênh lệch quá đáng: một số nhỏ giầu sụ còn phần đông không có gì hết. Việt Nam không trong cảnh đó.

9. Tóm lại về hai yếu tố căn bản một là tự do, hai là bình sản thì không những có triết, mà có cả đến định chế còn được thực hiện phần nào ở nhiều nơi nhiều đời, nay chỉ có việc trùng tu lại theo những khả năng mới được cung ứng do công nghệ và kỹ thuật. Về điểm này có hai phần: (a) lý thuyết và (b) đất đai dân số. Phần lý thuyết là khả năng phục hoạt của nền Minh Triết Nho. Chúng tôi đã có bàn một lần trong đệ nhất hoàn cầu hội nghị về Triết Trung Quốc tháng 8, 1984 tại Ðài Trung, trong ấy tôi có nhắc đến việc hội nghị quốc tế triết học năm 1949 ở Honolulu chọn Khổng Tử làm nhạc trưởng cho cuộc hòa tấu Ðông Tây kim cổ... Sự lựa chọn vô tư ấy về phía quốc tế cũng như vắng bóng vận động về phía người Tàu chứng tỏ Ðạo Nho có tiềm tàng một khả năng rất quan trọng đã được thừa nhận rộng rãi, chỉ còn chờ những người chấp nhận đạo nho khởi công khám phá và phát huy.

10. Hôm nay tôi bàn về điều thứ hai là đất đai và dân số. Về phần này tôi cũng thấy có điểm rất đặc biệt đó là tinh thần gia tộc hay mối tình huynh đệ phổ biến trong khối không đâu khác có mà hôm nay tôi lấy làm đề tài chính cho bài này. Ðó là Ðông Á không chỉ là Trung Quốc mà còn gồm luôn mấy nước kế cận như phía đông là Hàn, Nhật, phía nam là Phi, Việt, Lào, Mên, Thái, Mã Lai, Nam Dương và các đảo Thái Bình Dương. Xa hơn là Miến, Mạn Nam Ấn Ðộ v.v... Cho tới nay ai cũng cho đó là bấy nhiêu nước khác nhau hoàn toàn và một số nước như Hàn, Nhật, Việt có lúc đã theo Nho thì cũng chỉ theo như là mướn của Tàu để khỏi nói là Tàu dùng sức mạnh mà áp đặt chứ không ai ngờ rằng Nho là di sản thiêng liêng của chung tất cả các nước Ðông Á. Sở dĩ người ta nghĩ Nho là của riêng Tàu là chỉ vì căn cứ vào giai đoạn sau mà tôi gọi là văn minh đã hoàn chỉnh thì quả là của Tàu, nhưng đó chỉ là giai đoạn tùy phụ, còn giai đoạn hình thành mới là chính và tôi gọi là giai đoạn văn hóa thì Nho là của chung tất cả, không những của Hàn, Nhật, Việt mà luôn cả Ðông Nam Á như Phi, Inđônê, Mã Lai, Mên, Lào, Thái, Miến vv... các đảo Thái Bình Dương, Polynésie, Melanêsie... các dân mạn Ðông Ấn Ðộ như Dravidien, Tamil, Telegu, Kannada, Andra... tất cả ở nguyên thủy đều thuộc một nền văn hóa mà ta có thể gọi theo nội dung (tức không theo chữ nho) là nho là nguyên nho. Ðây là sự kiện lớn lao nhưng đã bị ảnh hưởng chính trị phủ lấp đi, ngày nay ta cần phải khám phá sẽ thấy tất cả các nước trên ở nguyên thủy đều thuộc về một gia đình văn hóa. Ðó là điều rất thuận lợi cho việc tái thiết văn hóa và mở rộng Ðạo Trường. Bây giờ chỉ còn việc chứng minh lời nói trên và đó là điều chúng tôi thử làm trong bài này.

11. Khổng Tử vẫn được coi là sáng tạo ra đạo nho, đến nỗi nhiều người gọi nho là Khổng học, và đối với Tây Âu thì chỉ biết có Khổng Phu Tử được phiên âm thành Confucius mà hầu như không biết gì đến nho. Nhưng khi nghiên cứu tận cùng lại thấy Khổng Tử không sáng lập ra Nho, cũng không phải là tất cả đạo nho, ông chỉ là người đại diện cuối cùng của nguyên nho. Ông đã tuyên bố rõ là mình không sáng tạo gì cả mà chỉ là thuật lại đạo người xưa (Ngô thuật nhi bất tác). Xin đừng tưởng là ông nói khiêm, mà chính là ông nói thực: chỉ việc soát sơ qua Tứ Thư Ngũ Kinh thì sẽ thấy những lời giáo huấn căn bản của Nho đều được qui cho những người cổ xưa, đến nỗi ngoài đạo xưa ra không có giáo huấn nào khác. Kinh Thư hay nói không lấy lời giáo huấn tự cổ xưa thì lấy tự đâu: "Bất do cổ huấn, vu hà kỳ huấn" (Thiên tất mệnh. Câu 11.)

Nếu ta hỏi xem những người cổ xưa đó là ai thì hai người đầu tiên gặp được là Nghiêu, Thuấn. Sách Trung Dung câu 30 nói "Trọng Ni tổ thuật Nghiêu Thuấn. Hiến Chương Văn Võ. Thượng luật thiên thời, hạ tập thủy thổ". Trọng Ni (tên của Khổng Tử) thuật lại đạo của các tổ mình là Nghiêu Thuấn và hiến chương của vua Văn vua Võ: trên thì để tâm đến Thiên Thời, dưới thì chú ý đến lệ tục từng nơi. Hỏi Nghiêu Thuấn là ai? Thưa là "Ðông Di chi nhân". (Mạnh Tử IVb câu 1). Về câu này hầu hết học giả không dám giải nghĩa "ông Thuấn là người Ðông Di" sợ làm nhục ông, nên phải giải nghĩa quật quẹo là ông Thuấn sống ở gần rợ Ðông Di, hàm ý ông là người người Tàu. Nhưng ta hỏi chữ "sống gần" lấy ở đâu ra vậy? Và ông Thuấn nếu không là Di thì là ai. Trong đầu óc người nào cũng nghĩ là người Tàu. Ðó là lối hiểu trái khoáy lịch sử (anachronism). Lúc ấy đã có Tàu đâu mà bảo ông Thuấn là người Tàu. Cả ông Nghiêu cũng thế, chưa thể là người Tàu, nên nếu không là Di thì là Ðịch. Nên nhớ Tàu xét như một dân tộc thì mới có tự nhà Chu, cùng lắm là Thương. Còn tộc Hạ thì có thể cũng đã là gạn. Trước đó không có sự phân biệt người Tàu với Di. Ðây là những phân biệt về sau mới có từ lối nhà Chu trở đi.

12. Hỏi trên Nghiêu Thuấn còn có những ai nữa? Thưa còn Tam Hoàng là Phục Hi, Nữ Oa, Thần Nông. Phục Hi có tiếng lập ra Kinh Dịch, Nữ Oa lập ra Linh Phối mà nhiều sách không hiểu nên gọi là hôn phối.

Thần Nông là điền tổ lập ra nông nghiệp. Ðây không là nhân vật lịch sử mà chỉ là những anh hùng văn hóa, hay đúng hơn là những sơ nguyên tượng (archetypal images) của một nền văn hóa đang trên những bước thành hình nhưng đã đặt nền móng căn bản hơn hết cho nho sau này; có thể gọi đúng là bóng dáng sơ nguyên của thuyết Tam Tài: Trời, Ðất, Người.

Vì cả ba được gọi là Tam Hoàng nên tôi gọi các lời giáo huấn của giai đoạn này là Hoàng Nho. Hoàng Nho có trước Ngũ Kinh và được ghi lại trong loại sách được lưu truyền gọi là "Tam Phần, Ngũ Ðiển, Bát Sách, Cửu Khâu". Ðây là nền tảng sơ nguyên của Nho có thể gọi là cái sườn cho hết thảy các đời sau, các đời sau chỉ có được những cái trang sức ngoại vi chứ không đưa vào được cái gì căn bản nữa. Vì căn bản đã tàng ẩn trong mấy số 2,3,5,8,9 kia rồi. Ðây là phần mà sau này Khổng An Quốc trong bài tựa Kinh Thư gọi là Ðại Ðạo. Còn phần của Nghiêu Thuấn có thể gọi là Di Nho thì ông gọi là Thường Ðạo. Ông viết "Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Ðế chi thư vị chi. Tam Phần, ngôn Ðại Ðạo dã. Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Cao Tân, Ðường Ngu chi thư vị chi Ngũ Ðiển, ngôn Thường Ðạo dã" (Việt lý tr.108) Ðại Ðạo gồm hai bộ số 2-3 hay âm dương hòa: âm dương số 2, Hòa số 3. Ðó là nền tảng cùng cực nên Hệ Từ gọi là số nền tảng "Tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số" (Thuyết quái). Sau có thêm (nếu thực chưa có) số 9 để ra Hà Ðồ, Lạc Thư thì cũng đã hàm tàng trong đó rồi, tức số 9 đã nằm ẩn trong hai số 2-3.

13. Ðời Chu có đặt chức quan ngoại sử coi về bộ cổ thư này (xem Chu Lễ Chương Xuân quan tông bá. Tiết ngoại sử). Nhưng sau không hiểu vì sao lại để mất. Gọi là ngoại sử để đối chọi với nội sử là các sách thuộc nhà Chu trở xuống mà tôi sẽ gọi là Chu Nho. Về Di Nho của ông Thuấn nên thêm truyện ông Ðại Vũ được biết đến nhiều qua Thiên Vũ cống trong Kinh Thư. Ðây chỉ là một bản tuồng ca vũ, nhưng đã bị cổ học hiểu ra lịch sử mà thực ra chỉ là huyền thoại, hay cùng lắm là huyền sử. Tất cả ý nghĩa của nó là ông Vũ đã học và phát triển Di Nho đến cùng cực. Sự cùng cực này được chỉ bằng con số 9: Ông đúc 9 đỉnh, chia nước ra 9 châu... Ðều có nghĩa là thêm số 4 vòng thành vào số 5 vòng sinh ra cho số 9. Số 9 là số ông học với dân Lạc mà huyền sử gọi là con rùa nổi lên từ Sông Lạc đội cái Lạc Thư cho ông. Sự thực đó chỉ là sách của dân Lạc (cũng gọi là Qui Thư) mà Trang Tử gọi là Cửu Lạc, nó đã phát triển từ ngũ hành kép bởi hai số 2-3 là số của Di khác với số 6 của nhà Chu (Danses 10) Sách "Trúc thư kỷ niên" nói ông có 2 tai 3 lỗ (lưỡng nhi tham lữu) dùng cùng một chữ "lưỡng tham" như câu Kinh Dịch "Tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số". Tóm lại truyện ông Vũ chỉ là huyền thoại nói về sự phát triển Di Nho cho đến tận cùng chỉ bằng số 9.

14. Như vậy ngoài Khổng Nho còn có Chu Nho, Di Nho, Hoàng Nho, gọi giồn cả Di Nho và Hoàng Nho là Nguyên Nho. Còn Chu Nho và Khổng Tử xét tách riêng ra. Trước là về Khổng Tử ta có thể gọi là người cuối cùng còn kế tiếp nguyên nho và được kể là nối kết Chu Nho với Nguyên Nho. Luận ngữ có nói: "Nhà Chu soi xét hai triều đại đã qua (Hạ và Thương) mà chế ra lễ tiết. Nhờ vậy lễ tiết trở nên rực rỡ xiết bao. vậy ta theo lễ tiết nhà Chu 'Chu giám ư nhị đại: Úc Úc hồ văn tai! Ngô Tùng Châu" LN.III 14.

Nhà Chu khởi đầu cũng chỉ là một bộ lạc của Di (ngành Khương Nhung) Tộc chính là Cơ cũng là của Tứ Di, phát xuất từ núi Kỳ, rồi bị các bộ lạc khác đẩy dần ra miền Bân, mãi sau mới tiến đến vùng Hàm Dương. Văn Hóa thì thấp kém hơn tộc Thương nhiều, nhưng vì đến sau và dùng lối bóc lột kiểu du mục mà trở nên giàu có hùng mạnh dần. Một khi đã giầu có thì sinh lễ nghĩa. Lễ nghĩa gia tăng với giầu sang: "Úc úc hồ văn tai!" ở chỗ đó, tức đưa vào nền văn hóa chung còn mang tính cách bàng bạc âm u những mô thức rõ rệt, những yếu tố lý trí được biểu lộ bằng đặt thành lời lẽ sách vở phân minh. Những điều trước kia chỉ truyền miệng và thường dùng hình ảnh để biểu tượng thì nay đặt thành lời vắn gọn dễ truyền bá, tôi gọi đó là công thức hóa hay là văn minh. Văn Hóa Ðông Á cho đến đời Thương mới là văn hóa còn nhiều lỏng lẻo, nhiều tự do, nhưng đến đời Chu thì bước vào văn minh đi vào những thể chế xác định. Với văn minh thì hay cũng có mà hại cũng có, thí dụ nhà Chu đã đưa vào Di Nho 4 yếu tố sau: (1) Chức thiên tử; (2) Luật hình; (3) Quân đội chuyên nghiệp; và (4) Hoạn quan là những cái làm cho triều đại thêm rực rỡ, nhưng cũng làm cho tự do dân chúng bị rút hẹp.

15. Cả 4 yếu tố này đều phát xuất từ Iran (Perse) là nước rất du mục chuyên chế cùng cực đến mức có chế độ "vua thần". Nghĩa là kìm kẹp cả thân xác (vua) cả linh hồn (thần). Nhưng khi chế độ vua thần được rước vào Tàu thì có giảm độ đi nhiều vì bên trên vua còn có Ðạo kiềm chế phần nào. Còn vua chỉ là con Trời, chứ không phải là Trời, cho nên không phải là vua thần mà vừa là vua vừa là tư tế thượng phẩm "emperor and supreme pontif" tức là Pope king không là god king. Do chức vị tuyệt cao như vậy nên vua tự ban cho mình quyền tuyệt đối trên tài sản cũng như trên nhân dân, tức là thiết lập chế độ chuyên chế được bảo đảm bằng quân đội nhà nghề và hình luật. Hình luật cũng là luật pháp tức có tính cách toàn quốc do vua ban ra, lại thêm hình phạt cưỡng chế phải theo nên luật biểu lộ vẻ chuyên chế, nó đi ngược với lệ của từng miền từng làng do kinh nghiệm nhiều nơi nên lệ rất dân chủ. Ðó là thứ dân chủ không tên có trước chế độ dân chủ ngày nay. Nho đã biến lệ làng thành lễ tức là tục lệ dân gian đã được long trọng hóa bằng cho lên đứng ngang hàng với Pháp. Tuy nhiên nó vẫn không có tính cưỡng ép. Ai không giữ lễ thì hổ thẹn, chứ không ai phạt mình cả. Vì vậy đó là một thứ luật rất hợp với tính cách nhân chủ, nên được nho giáo đề cao để lấn át luật hình không coi trọng con người. Còn hoạn quan là tục lệ phát khởi từ miền có vua thần, nó nói lên óc chiếm đoạt quá trớn của nhà vua: một mình lấy cả hàng ngàn vợ, nên phải có hoạn quan trông coi hộ.

16. Ðó là yếu tố đã được Nhà Chu đưa vào nho và được nhà Tần kiện toàn khi bãi chế độ phong kiến để chia nước thành quận huyện và đẩy pháp luật lên bậc chủ đạo gọi là luật gia với chế độ tàn bạo. Khi nhà Tần đổ thì nhà Hán đã giữ lại trọn bộ cả guống máy lẫn tinh thần pháp gia bằng đưa vào kinh văn rất nhiều yếu tố du mục qua vụ Gác Thạch Cừ với 50 bác sĩ để "san định" lại kinh sách đã bị thất tán sau vụ đốt sách chôn nho của Tần Thủy Hoàng. Nhờ giữ độc quyền sách vở nên đã đưa vào vô số yếu tố du mục (xem Confucius the myth and the man của Creel) Và sẽ mang tên là Hán Nho. Hán Nho chính là thứ nho đã bị bẻ quặt bằng những việc làm từ của nhà Chu với 4 yếu tố du mục rồi của nhà Tần với luật gia, cũng như chế độ tàn bạo của nhà Hán ăn tự 2 nhà trước, lại thêm vụ Gác Thạch Cừ xuyên tạc kinh văn. Với ba đợt xuyên tạc như trên thì hỏi nho giáo làm sao còn thể được chính truyền. vậy mà đó chính là thứ nho đã được lưu truyền giảng dậy trong 20 thế kỷ vừa qua. Và thường được gọi là Khổng Nho hay Khổng Học.

17. Ðây là cái học chúng ta cần gạn lọc. Vì đó là cái học của giai đoạn Lạc Ðà, nói theo danh từ Nietzsche, tức là cái học chỉ có chuyên chở như lạc đà chứ thiếu óc phê bình nội ngoại. Cần phải vươn lên giai đoạn Sư tử đạp đổ tất cả những gì cản trở con đường giải phóng để vượt lên giai đoạn Hài nhi đầy sáng tạo, tức phê bình đạp đổ Hán Nho để trở về với nguyên nho, là cái bó buộc phải sáng tạo, vì nguyên nho chỉ còn lưu lại có mấy nguyên lý căn bản. Ðời mới cần xây lên từ đấy một chủ đạo mới sao cho hợp cảm quan thời đại, một tổng hợp Ðông Tây gồm cả khoa học lẫn Ðạo học. Ðể đánh dấu điều đó ta nên bỏ tên Khổng học và thay bằng tên nho vì nói Khổng vừa có tính cách cá nhân vừa chỉ đại biểu cho một thứ nho đã bị bẻ quặt, chứ không là nguyên nho của nhiều thế hệ tiên tổ chung của đại gia đình. Những kinh điển xưa không còn dùng để học nhưng vẫn coi được như di sản của đại gia đình, cả những tiểu thuyết lớn như tứ đại kỳ thư cũng nên coi được là của chung nhiều đời dân gian chứ không của riêng ai: những người như La Quán Trung đối với Tam Quốc Chí hay Thi Nại Am đối với Tây Du Ký chỉ là làm việc san định cuối cùng chứ không phải một mình độc sáng ra. Ðó cũng là theo lối Khổng Tử chỉ "thuật lại" chứ không sáng tác và trong thực tế tất cả đều được đón đọc rất rộng rãi, cũng như những video tape mới đây được hoan nghênh hầu như trong toàn vùng. Ðó là một biểu chứng cho đại gia đình văn hóa có di sản chung được mọi người mặc nhiên chấp nhận.

18. Nhân tiện xin hỏi Khổng Tử không sáng tạo mà chỉ thuật lại, đã vậy còn thuật lại cái nho đã bị bẻ quặt thì có còn đáng gọi là thánh nhân như thường được xưng tụng chăng. Thiết tưởng đuọc lắm vì trên đất Ðạo chẳng có một ai đáng gọi là một mình độc sáng ra, kể cả Phật, Mahavira, Krishna, Socrates, Plato, Aristotle... tất cả đều "thuật lại" nhưng thuật lại cách đặc biệt đủ để bảo đảm thì đó phải là thiên tài, phải là những thánh nhân vĩ đại mới làm được. Các ngài đã trải qua 5 giai đoạn học như đề ra trong Trung Dung là (1) bác học, (2) Quảng vấn, (3) Thận tư, (4) minh biện, (5) đốc hành. Hai thế kỷ nho học đời nay cả Tàu lẫn Tây chưa có được một tay nào đáng tên là "thuật nhi". Hầu hết mới đi được có 2 bước rưỡi là bác học, quảng vấn và một nửa thận tư (mới có tư chưa có thận). Vậy mà Khổng Tử đã đi chót lọt cả 5 bước, nên quả là một vĩ nhân, tuy nay xem lại ta thấy có chỗ chưa toàn triệt, nhưng xét theo thời đó mà ông đã giúp cho đạo nhân chủ đứng vững trước bao mưu đồ bẻ quặt của Vương triều thì kể là họa hiếm. Ông Smith có lý phần nào khi cho rằng "Khổng Tử là món quà lớn nhất nước Tàu dành cho nhân loại "Confucius is China's greatest gift to mankind" (Confucius by L. Howard Smith p.194). Nhà sử gia kiêm triết gia W. Durant đã phải viết sau Khổng Tử thì triết học có tiến thêm được bước nào nữa chăng? Vì về sâu sắc chói chang thì có người khác hơn Khổng Tử như Plato, Buddha, Trang Tử, Lảo Tử... Ngay Mạnh Tử và Tuân Tử cũng còn được nhiều người thấy hay hơn sách Luận Ngữ nhiều. Nhưng nói về quân bình "ung dung trúng đạo" thì chưa ai qua mặt nổi Khổng Tử. Thiết tưởng đó cũng là ý kiến của hội nghị Honolulu 1949 khi không chọn ai khác mà lại chọn ông làm nhạc trưởng điều hành cuộc hoà nhịp đông tây. Còn về đạo nho tuy đã bị bẻ quặt nhưng so với triết Tây Âu thì các học giả quốc tế đều công nhận là hơn mấy điểm then chốt như toàn tri và cơ thể (holistic và organic, Need II p.291). Vì thế đối với nguyên nho tuy mang tiếng là bị bẻ quặt, là pha chất du mục nhưng cũng chỉ chung quanh 30 phần trăm du mục thôi.

Sau này có nhiều cuộc phục cổ như trước đây của Hàn Dũ đời Ðường, hay Cố Viêm Võ đời Thanh cũng chỉ là cố trở về có đến Hán Nho, còn Chu Nho, Di Nho phương chi Hoàng Nho thì không được chú ý. Thế mà đây mới là bấy nhiêu những chặng hình thành nho chính truyền cần được khai thác. và đó là điều chúng tôi xin bàn sơ qua ở đây.

19. Sở dĩ người xưa phân ra các giai đoạn nho như trên là vì hai lý do: (1) vì chưa có đủ điều kiện khách quan tức những hiểu biết do các khoa tân nhân văn cung ứng như khảo cổ, cổ sử, phong tục, cơ cấu luận vv... (2) Thứ hai vì người xưa chỉ thâu nhận nho để làm thơ và để sống tức thâu nhận thiếu phê phán kiểu khoa học gồm phê bình cả nội lẫn ngoại tại. Vì thế không nghiên cứu theo lối sinh thành cả về nho lẫn sử Tàu. Ðó là điều chỉ có thể làm được ở thời mới, nhưng lối mới lại bỏ mất phần sống, phần hiện thực thành ra cũng thiếu sót như cái học ngày xưa, có lẽ còn mất nhiều hơn nữa. Ðó là điều chúng ta sẽ trở lại sau. Ở đây xin hãy tóm thâu một vài khám phá mới làm đảo lộn lưu truyền từ trước tới nay về nguồn gốc nho. Hãy nói về sử thì hầu hết dùng hình ảnh nước Tàu tự đời Tần Hán cho tất cả các đời trước thuộc cả Hạ Thương mà luôn cả cho Nghiêu Thuấn và Tam Hoàng: hễ nói tới Tàu bất kỳ thời nào kể cả lúc chưa có gì gọi được là Tàu như "đời Nghiêu hay Hoàng Ðế" thế nhưng ai cũng mường tượng ngay ra nước Tàu to như ngày nay và khác các dân chung quanh không những về chính trị, văn minh mà luôn cả văn hóa và chủng tộc. Ðó thực là một hình ảnh tổng quát bừa bãi (global) rất xa sự thực. Muốn tới gần sự thực phải tìm ra hình ảnh theo thứ tự sinh thành (ordre génétique). Có theo hình ảnh này thì mới thấy được Hoàng Nho, Di Nho và Chu Nho. Trước nhà Chu chưa có Trung Quốc: hai tộc Hạ, Thương và cả Chu ban đầu cũng mới chỉ là một bộ lạc trong hàng vạn bộ lạc. Ðừng nói tộc Hạ, ngay tộc Thương hầu hết "kinh đô" cũng mới là "đại ấp" và vua dùng đến quá nửa thời gian vào việc đuổi bắt con mồi. Ông Kwang chih Chang có lý mà cho chữ Vương liên hệ với chữ Vãng với ý nghĩa là "kẻ đi đến nhiều nơi" chứ không phải là "người mà kẻ khác phải đi tới" như sau này hiểu.

20. Ngay đến đời Chu ban đầu cũng thế tức mới chỉ là một trong các bộ lạc mạnh miền tây luôn luôn bị các bộ lạc khác đẩy lui. Sau này khi thua trận mà phải rời về Lạc Dương thì đã chẳng bao giờ vươn lên mạnh bằng một nước của ngũ bá, chỉ còn có cái oai giả tạo nhưng được chư hầu dùng để hù nhau, hoặc dùng làm một thứ con độn, một thứ trọng tài không mấy được kính nể. Thực quyền nằm hết ở Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công rồi đến Trịnh, Ngô, Việt, Sở, Tần... Về đàng văn hóa thì nhà Chu tỏ ra kém hơn Tộc Thương rất nhiều, nhưng vì lây máu Turks và ở gần văn hóa du mục nên đã đưa vào văn hóa Di của Thương mấy yếu tố du mục dựa trên võ lực, đó toàn là những yếu tố ngoại và không thêm gì cho bản chất nho, đúng ra thêm được một chút ngoại vi là công thức hóa thì lại làm hại nội chất. Ngoại vi thêm sự hợp lý hóa, tức đặt thành lời, viết vào kinh sách những điều ở các đời trước mới có cách bất thành văn, còn bàng bạc bằng biểu tượng, bằng số và định chế thói tục, chứ lời nói thì rất ít, có thể chỉ là một phương ngôn tục ngữ. Nhưng thêm lời là một bước tiến vào văn minh, ta sẽ gọi đó là công thức hóa hay lập ngôn đối với Hoàng Nho lập đức, Di Nho lập công. Như vậy chỉ có văn minh Tàu tự đời nhà Chu. Còn tự tộc Thương về trước trong cả cái miền mà nay ta gọi là Tàu thì đều giống nhau: cùng một nền văn hóa cổ sơ, chưa có gì phân biệt Tàu với Di hết, nếu có chút ít thì cũng là vài thói tục với chút mầm chính trị thí dụ cờ tộc Thương có hình hùm (bạch hổ) còn cờ "chư hầu" là rồng. Kinh Thi nói "long kỳ dương dương" (Poetry J Legge p.391). Còn làm hại nho theo nghĩa là hạn chế tự do, thí dụ thay vì "hôn phối" kiểu hát trống quân thì thay vào là "hôn phối": đặt chức quan Cao môi để kiểm soát việc cưới hỏi, và gọi đó là đức hóa của nhà vua: bao lối cưới hỏi không hợp luật nọ thì gọi là dâm bôn man rợ, như hầu hết các nơi chư hầu.

21. Hỏi chư hầu là những ai? Thưa trước tiên là tất cả những dân đã bắt liên lạc với nhà Chu, rồi càng về sau là những người Di đã Tàu hóa nghĩa là đã dùng ít lệ tục riêng của triều đình thí dụ tay áo rộng, vắt phía phải, và ban đầu phần lớn ăn lúa mạch... những điều này cùng với thời gian làm nên những nét đặc trưng của Tàu. Còn Di có hai nghĩa một là những Di riêng biệt từng miền và lúc ấy chỉ riêng những Lai Di, Hoài Di, Ðiểu Di... nói chung là Ðông Di. Còn nghĩa thông thường hơn thì Di chỉ tất cả những người chưa phải là Tàu hay không phải là Tàu và quen gọi là Tứ Di, hay Cửu Di. Họ có bao nhiêu? Thưa ban đàu là 99 phần trăm gồm toàn thể dân thổ, trước sống trên đất Tàu trải xuống đến tận các đảo Thái Bình Dương, về sau số đó bớt đi dần theo sự lớn mạnh của Tàu từ 98 phần trăm cho đến hết 0 phần trăm trên đất Tàu. Ðây là nói về chính trị, chứ về văn hóa thì cho đến đầu thế kỷ 20 họ cũng còn đến 70 phần trăm là Di ngay trên đất Tàu và họ làm nên cái mà học giả Granet gọi là "Tàu nông thôn" tức về mô thức đời sống không khác bao lăm với các dân Mường, Thái, Lô Lô ở Mạn Bắc Việt Nam hay cả Mêlanêsien.

22. Theo những khám phá mới nhất được tóm kết trong hội nghị quốc tế về tàu ở Berkeley (USA) 1980 được xuất bản thành sách tên là Origins of Chinese Civilization thì không thể tìm ra đủ dấu phân biệt về chủng tộc giữa Tàu và không Tàu, nên chỉ còn có dấu văn hóa, mà về văn hóa thì thấy nói tộc Hạ chịu ảnh hưởng của Di mà ảnh hưởng của Di còn đè nặng trên Thương hơn nhiều. Lại nói tộc Thương tuy có thể không là Di nhưng bị tràn ngập bởi Di và đã nhận văn hóa Di và được Di yểm trợ. Vậy là Di rồi, vì đây chỉ kể có văn hóa, nên Thương Hạ phải gọi là Di Hạ, Di Thương. Ðó chỉ là một trong những nước của Di. Theo những khám phá này thì chính Di đã sáng tạo ra Nho. Mà Di đây nên hiểu theo nghĩa rộng gồm toàn thể những dân thổ trước trên miền Ðông Á. Ngoài Di ra không có ai khác, chưa có Tàu. Tàu xét như một dân tộc mới có trong tiềm thể tức chỉ có những Di gặp nhiều cơ duyên để trở nên văn minh trước. Muốn biết những con cháu của di không chịu ảnh hưởng Tàu sau này là ai thì phải tìm trong những người Việt, người Austroasiatic Mon-Kmer, Thai, Nê... Ðó là những dân đã ở Ngô Việt, Thanh Liên Cương miền sông Hoài, có liên hệ tới Ngô, Việt. Khi Tử Lộ hỏi Khổng Tử về đức cường thì ông hỏi lại rằng: trò muốn hỏi về cường nào? Cường phương nam hay phương bắc. Cường phương bắc thì ở tại coi cái chết ngoài mặt trận nhẹ như lông hồng. Còn nếu là cường phương nam thì ở tại "khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, nam phương chi cường dã. Quân tử cư chi" Trung Dung câu 10. Trong câu đó ta thấy rõ tinh thần của bắc phương là du mục hiếu chiến, còn nam phương là nông nghiệp hiền hòa. Du mục là khí dũng, Nông nghiệp là nghĩa dũng. Ta hỏi đâu là bờ cõi phân nam với bắc trong câu đó. Ðây không là biên giới địa dư nhưng là biên giới văn hóa, thế thì bắc phương là du mục như Hồi, Kim, Nguyệt Chi vv... Còn Nam là người Tàu và Tứ Di mạn nam. Nếu phải chỉ ra ai là người đứng giữa thì đó là người Bắc Tàu, Hàn, Nhật.

23. Mối liên hệ đó càng ngày càng được khám phá càng thấy to lên mãi cho tới thời cổ thạch, thí dụ người ta đã thấy được những liên hệ giữa Java với Việt (Thầm Hai) và người viện Bắc Kinh nên đoán từ lâu lắm họ đã sáng tạo ra nền văn hóa mà ta gọi là nho. Người ta đang tìm nơi phát xuất đầu tiên của nho. Chưa biết ở đâu, nhưng có thể đoán là trung tâm đó ở nhiều nơi. Không nên rút gọn vào nơi nào. Tuy nhiên một trung tâm được chú ý cuối cùng là mạn nam Trung Hoa gồm ba tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây, Vân Nam và Bắc Việt. Có rất nhiều Di chỉ liên quan với Ðài Bôn Khanh bền Ðài Loan và Hòa Bình ở Việt Nam nó lan lên tận Long Sơn, Giang Tô, Sơn Ðông. Vì thế có thuyết cho rằng văn hóa Tàu phát xuất từ đó rồi tỏa ra ngành: một đi lên phía tây miền Tibet rồi xuống Thiểm Tây ở Di chỉ Ngưỡng Thiều. Một nửa bên đông là Long Sơn với Thanh Liên Cương .

24 Giả thuyết trên hợp với sự khám phá ra mồ mả của cụ Bàn Cổ mà lưu truyền cho là còn đâu đó trong miền rừng núi tỉnh Quảng Ðông. Theo lưu truyền này thì phải coi Quảng Ðông, Quảng Tây, Bắc Việt là một trong những trung tâm văn hóa cổ xưa. Nhân nhắc tới cụ Bàn Cổ xin nói về nhận xét của các nhà nghiên cứu như VK Tinh, Wang Kwo Wei, Quách Mặc Nhược đã nhận ra rằng hầu hết các huyền thoại về các vua cổ xưa nhất đều thấy chỉ ghi vào những sách vở muộn về sau tức tự thế kỷ IV: càng cổ thì càng xuất hiện muộn. Bàn Cổ mới đưa vào thế kỷ thứ 3 đời Tam Quốc, trong quyển "Tam ngũ lược kỷ" của Từ Chỉnh. Còn cổ xưa như Kinh Thư, Trúc thư kỷ niên vv... cũng không có trong đồ đồng hay bốc từ. Ðó là dấu mới lấy từ Di miền sông Hoài đưa vào sau.

Thần Nông cũng mãi tới Mạnh Tử mới nhắc tới. Còn Hoàng Ðế chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ 3 BC. Wang Kuo Wei cho là nơi phát nguyên văn hóa Tàu phải tìm ở miền Ðông Bắc (Sơn Ðông) chứ không ở miền Tây Bắc (Thiểm Tây) như lưu truyền từ trước tới nay. Ðến ba nhà Hạ, Thương, Chu được lưu truyền như những triều đại đầu tiên của Hoa tộc nối dõi nhau theo thứ tự hàng dọc: nhà trước truyền lại nhà sau. Ông Keang Chih Chang khám phá thấy không phải vậy mà đó chỉ là ba trong nhiều nhóm chính trị đối nghịch nhau, tranh giành ảnh hưởng... chứ còn về văn hóa thì đều như Di: cũng thờ thổ thần và cây linh. Hạ Thương còn theo mẫu hệ. Ông Hạ Vũ về ở nhà vợ Cối Kê theo tục "Mẫu cư" cho nên Chu Thắng Thương thì chính là Tây Di thắng Ðông Di vậy.

25. Ở đây không nói về chủng tộc vì tôi cũng nghĩ như học giả W. Meacham nhận xét rằng: "không bao giờ tìm ra đủ dấu nhân chủng để phân biệt Tàu với không Tàu, cũng không có tiểu chủng (subracial) như giữa người Canton với Phúc Kiến, Triều Châu với Việt. Ðó cũng là nhận xét của văn hóa liên hiệp quốc nói chung. Vào quãng năm 1950 Văn Hóa liên hiệp quốc đã lập ủy ban gồm nhiều nhà chuyên môn về nhân chủng học và đã bỏ công nghiên cứu kỹ lưỡng thì đi đến kết luận sau là trên thế giới chỉ có ba chủng tộc lớn là Negro, Mongol và Caucasoid với một chủng tộc phụ là Austaloids. Ngoài ra không có tiểu chủng nào: chúng chỉ có trong óc các nhà lập thuyết. Nói thế vì loài người đã pha giống quá nhiều và tự lâu lắm ngay người thổ dân Mỹ Châu khi phân tích sọ người ta đã nhận thấy có đủ yếu tố Mongoloid, Melanesien, Negro, Caucasoid rồi. Thế mà họ di dân đến đó lối 20 ngàn năm trước tây lịch. Cũng may vấn đề chủng tộc không mấy ơn ích cho mục tiêu của chúng ta nó có tính cách hoàn toàn thuộc văn hóa và nhằm vào triết lý nhân sinh thiết thực.

26. Tóm lại không có người Tàu xét như một chủng tộc riêng, không có cả đến tên chủng tộc, chứng cớ là các danh hiệu chỉ Tàu toàn mượn của Di hoặc là tĩnh từ. Chữ Hạ là do huyền thoại ông Vũ vượt qua sông xuống miền nam, kêu là Hạ, hoặc dân cư ngụ ở đó có tên là Hạ như vài nhóm người Chàm ở Việt Nam còn mang tên đó. Sự thực mãi tới vua Bàn Canh mới vượt sông Hoàng Hà, nên nói Hạ chỉ là ước mong, phần chắc hơn là do người sau gán ý cho ông Hạ Vũ. Thiên Vũ Cống chỉ là huyền thoại, một vở tuồng, một bản ca vũ, chứ không có gì là lịch sử hết. Tiếng Trung Hoa cũng chỉ là phẩm từ để chỉ sự vinh hoa được thêm vào sau do nhà Chu. Còn tiếng Trung Quốc chỉ là danh từ chính trị chỉ nước ở giữa, nước đứng đầu. Các nhà Hán, Ðường đích thị là tên triều đại. Rõ nhất là tiếng China là dịch từ chữ Tần. Lấy tên nước Tần vì người đầu tiên thống nhất nước Tàu thành ra to lớn như nay là vua Tần, nên tên có dính luôn.

Tóm lại Tàu không là một chủng tộc riêng biệt, cũng không có nền văn hóa riêng biệt. Cái riêng chỉ là văn minh và nhất là chính trị, mà vì chính trị quá nổi quá mạnh nên lấn át tất cả nền tảng văn hóa. Như vậy chỉ còn nên nói đến văn hóa mà về văn hóa nói chung (tức có đến 70 phần trăm) thì nguồn gốc Tàu phát xuất từ cùng một gốc như Tứ Di (cũng gọi là Cữu Lê) với những vị sáng lập có tên huyền sử như Bàn Cổ, Phục Hi, Nữ Oa, Thần Nông, Nghiêu Thuấn, Hạ Vũ... Ðây là những vị thuộc nền tảng thái sơ (primitive stock) khi chưa có Tàu với Tứ Di như hai thực thể đối chọi. Tàu và Tứ Di chỉ là những tên về sau đời Chu đặt ra mà thôi, cho nên tất cả Ðông Á cũng như các nước ngoài nên coi các vị huyền sử đó như tổ văn hóa chung của mình. Trước kia Tàu coi đó như là tổ riêng của mình thì sai. Ðến sau nhóm tân học nhất là quãng 1920 nghi cổ phái hiểu lầm do sự quên gốc đầu tiên của mình mà ra. Nên vượt thời gian và xét lịch sử theo đúng lối sinh thành thì sẽ nhận ra đó là những tổ chung của các dân Ðông Á.

27. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một khám phá rất ơn ích, không những biểu lộ cho ta thấy cái nguồn gốc của mình rất là bao la gồm cả Ðông Á vào một gia đình. Ðó là điều dễ giúp sự phục hoạt văn hóa sơ nguyên. Còn về nền tảng văn hóa thì nó mới ở thời sơ nguyên nên dùng nhiều tượng hình và số độ. Ðây là điều lợi, vì chúng ta đang phải tiến vào thời kiến tạo văn hóa mới, phải mới hẳn cho hợp thời. Tuy nhiên không thể bỏ trọn dĩ vãng. Cần tìm ra ít nét siêu thời gian. Vậy mà mấy nét đó lại tìm được trong thời Hoàng Nho, Di Nho, nó chưa có kết tinh vào ý hệ vào lời mà chỉ có các số 2,3,5,9 và đã tỏ ra rất hiệu nghiệm, đến độ nhiều học giả cho là rồi đây mọi nền văn hóa đều phải đổi, riêng có Ðông Á là còn tiếp tục được vì những nét của nó chính là những điểm mà nhân loại đang khao khát hiện nay.

28. Những nét đó có thể tóm vào ba điểm sau đây với 3 con số nền tảng 2,3,5:

--- Nét 1 biểu thị bằng số 2 là số đầu tiên làm sườn cho Kinh Dịch là sách chủ trương tiến hóa, mọi sự đều biến dịch. Ðây là chân lý làm cho nho trở nên rất uyển chuyển, tùy thời, không bị ứ đọng vào ý hệ nào hay chủ thuyết tuyệt đối cứng ngắc nào, mà vẫn mở ra sẵn sàng đón nhận những khám phá mới có hai chiều như về điện tử, hay nguyên tử... Tóm lại đó là cái học toàn diện, tuy rất thô sơ nhưng về cơ cấu thì có đủ, bao gồm cả trong lẫn ngoài cả tinh thần lẫn vật chất.

--- Nét thứ hai biểu thị bằng số 3 là nhân chủ tính tức là đoạn chót của cuộc giải phóng con người mà Âu Châu mới khởi tự thế kỷ 18 và đạt tới nhân bảndân chủ. Nay còn bước cuối cùng thuộc tâm thức hàng dọc là đối với những niềm tin thuộc trời hay đất cần đi đến cùng, nếu đi được ta sẽ gọi là nhân chủ, nó đặt con người ngang cùng Trời Ðất.

--- Nét cuối cùng là tâm linh chỉ bằng số 5. Ðây là nền linh thiêng tinh thần phải tìm nơi con người mà không lấy nền ở ngoại lực, vì chỉ tìm ở nội tâm con người mới thấy được nền tảng gặp nhau, đặt được nền móng cho triết lý Ưu Việt là nền triết lý mà thế giới đang đi tìm, mà xét về quá khứ thì thấy nguyên nho có khả năng hơn hết.

Ðại để đó là ba nhóm chân lý cần phải được coi như ngọn hải đăng để hướng dẫn chúng ta trên nẻo đường kiến tạo cho mình một chủ đạo mới, một chủ đạo sẽ đưa nhân loại vào con đường thế giới tương trợ cộng tác, thay vì chiếm đoạt cướp bóc như nay. Làm được như thế thì gọi là Ðạo Trường. Ðó là sứ mạng của con người trong những năm cuối thế kỷ 20 mà Ðông Á có nền tảng lịch sử để khởi đầu.

29. Nói đến Ðạo tràng chắc nhiều người liên tưởng tới khu thịnh vượng chung Ðông Á do Nhật đề xướng vào lối 1930 hô hào các dân Ðông Á hợp lực để xây dựng một miền phồn thịnh chung. Ý tưởng đã được đưa ra mà không thành công thì nay còn nhắc lại làm chi? Thưa hai đàng khác nhau hẳn. Khu vực thịnh vượng do Nhật chủ xướng năm xưa quá nghiêng về phương diện kinh tế và quân sự, hầu như thiếu đạo lý nên dễ dàng đốc ra đế quốc chinh phục và chiếm đoạt. Vậy cái mới ở Ðạo tràng nói ở đây là lấy Ðạo làm nền móng, làm tiền hô, nếu đạt được bước này mới trông gây nổi tín nhiệm chung cho cả miền để tất cả bắt tay vào xây đắp. Nghĩa là phải khai mạc bằng thiết lập Ðạo Trường trước hết, nói cụ thể là các văn hiến phải đi trước như tiền hô. Văn hiến là một thứ cán bộ văn hóa đặc biệt hi hiến cả thân lẫn tâm cho Ðạo. Dòng giống này xưa có nhiều ở Ðông Á nhưng nay hầu tuyệt diệt, vậy cần phải gây dựng lại vì có dòng tộc văn hiến này đi đầu thì các bước sau mới không là lý thuyết suông.

30 Thế nào là văn hiến? Thưa đó chính là những Ðạo sĩ. Muốn là Ðạo sĩ thì phải đi 2 bước. Bước đầu là học. Bước hai là mửa cái học ra "mửa hết thông minh thánh trí" như Lão Trang nói "Vi học nhật ích. Vi đạo nhật tổn" - đi đường Học thì ngày ngày có thêm lên, đi đường Ðạo thì ngày ngày phải bớt đi. Hai thế kỷ nho học vừa xong mới đi có bước "vi học" còn bước hai là "Vi Ðạo" thì chưa, mà chưa "mửa" cái học ra thì chưa có Ðạo nên chưa có "Ðạo sĩ" mới có văn sĩ, có giả, văn gia chứ chưa có văn hiến, mà chưa có văn hiến là thiếu điều tinh thần để thành hình Ðạo tràng. Vì vậy việc làm của văn hóa hiện phải là nhằm vào chỗ đó: chỗ mửa thông minh học thức ra. Ở chỗ quên đi kiểu Nhan Hồi, rồi tiến sang đốc hành. Cái học của vài thế cuối cùng này mới ở trong vòng hàn lâm trường ốc chưa đi ra chạm với đời mới. Cần mở rộng vòng tay để bao lấy bình dân, bao hết mọi người dù không có chuyên học, vì đó là nét dặc trưng trong văn hóa Ðông Á ở chỗ không phân ra văn hóa quí tộc với văn hóa dân. Cả hai là một, Ðó là nét đặc trưng cao quí nhất, hợp thời nhất cần tái lập. Quả thật ngày nay Ðông Tây đâu đâu cũng đưa ra cái học thành công ăn làm thường nhật, còn cái học thành nhân một là bỏ hẳn không ai nói tới nữa, như trong các xã hội tự do; hoặc là bị tẩy xóa đi để nhường chỗ cho cái học duy vật biện chứng của sản thì còn tệ hơn nữa, thành ra hai bên đều dẫn nhân loại đi vào đường duy vật, không còn chút chi tâm linh để cân bằng với cái học vật nữa.

31. Chính chỗ thiên lệch đó làm nên cái nguy cho nhân loại nay. Thế mà những người chuyên về triết lý nho tức về một thứ Ðạo học đã thành công nhất trong dĩ vãng lại cũng lờ hẳn yếu tố tâm linh như bên phía duy vật thì hỏi thế giới còn trông sự cứu rỗi nơi nào. Cần mọi nền triết học phải nối kết Minh Triết, tức nối kết với đời sống tâm linh, nhất là triết nho, vì yếu tính của nó là nối được cả tâm linh với đời sống ăn làm. Nay nếu bỏ hẳn phần tâm linh thể nghiệm chỉ còn trơ trọi là một nền học hàn lâm lãnh lẽo thì rõ ràng là đánh phần tinh anh nhất của mình vốn được coi là lãnh đạo tinh thần gia, để rồi rơi vào tình trạng triết học gia Tây Phương bị người đời cho là những tàng tật trí thức mà chính quyền đành phải nuôi báo cô. Báo Asian Philosophy Journal mai ngày phải câu được hàng trăm ngàn độc giả mới đúng điệu. Nếu không thẳng thì phải có một version cho đại chúng. Tôi ước mong chính hội nghị này được coi như bước đầu trong việc quay về với tinh thần Ðông Phương. Ước mong những vị tổ chức hội hãy nhận thêm trách nhiệm bắt liên lạc với các nền quốc học, các nền giáo dục của các nước trong miền nói chung nhất là phải bắt liên lạc với các chính quyền, mọi chính quyền và ước mong chính quyền phải bắt tay vào việc. Có cùng làm như thế thì Á Châu mới khôi phục lại được địa vị xưa kia của mình, cũng như mới có phần đóng góp với toàn thể nhân loại. Có làm được như thế thì mới là đạt được cái gì tiềm ẩn trong đạo nho mà hội nghị có nhiệm vụ là làm sống lại, chứ cứ tiếp tục hội nghị chỉ với chiều kích toàn lý trí như mọi hội nghị triết học duy lý thì tức là đã đánh mất bản ngã của mình rồi.

32. Vì các lẽ trên tôi không những muốn nói với mấy người trong hội nghị ở đây mà muốn gửi tới toàn thể học giả Á Châu, hơn nữa cho toàn thể dân Ðông Á, Trung Á mà luôn cả các chính quyền Trung Hoa lục địa và Nhật Bản. Ðó là hai đàn anh. Trong khối Tàu thì rõ rệt đã từ xưa vốn là anh cả có dân số lớn cũng như đã từng giữ vai trò đi đầu vào văn minh. Chúng tôi muốn lấy tình anh em trong gia tộc nói lên lòng mong ước của các em thấy người anh chóng trở lại nắm vai trò lãnh đạo, chứ không ở trong cái thế lép vế của người học trò như nay. Ðấy là lời mong ước chân thành. Còn đối với chính quyền Nhật thì chúng tôi muốn coi như người anh thứ trong gia tộc, đã may mắn học được hầu hết cái hay của khoa học kỹ thuật Âu Mỹ. Nay cũng đã đến lúc nên trở về để giúp đại gia đình làm một cuộc tổng hợp giữa khoa học Âu Tây với nền đạo đức của Ðông Phương. Xin cả hai nên cư xử như người anh trong đại gia đình để giúp cho các em tiến lên hầu làm thành một khối thịnh vượng được điều động bằng tinh thần huynh đệ phổ biến, gồm những xã hội cộng tác trong tinh thần tương thân tương trợ thay cho óc tranh đua chiếm đoạt đang hỏng mối liên hệ con người hiện nay. Ðây phải là khối thứ ba mà nhân loại đang ao ước, tức nhân loại đang ước mong có quyền lực nào gảy bỏ ra khỏi sự giao thiệp quốc tế cái âm mưu lăm le chiếm đoạt, theo đó nọi nước coi nhau như đối tượng để xâm lăng, nhưng nay Ðạo tràng phải làm thế nào để các nước bỏ óc xâm lăng chiếm đoạt mà thay vào đó tinh thần tương ái. Theo trong dĩ vãng cũng như Ðạo lý cổ truyền thì Ðông Á có rất nhiều hy vọng để thiết lập một trong những trung tâm như vậy. Mong thay.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page