Ðể đối chiếu với "Thị Trường Chung Âu Châu", Tiến Sĩ Lương Kim Ðịnh, qua bài diễn thuyết, đã đưa ra đề nghị lập nên một "Ðạo Trường chung cho Á Châu", với mục đích nối kết sự liên đới hỗ trợ và tạo nên tình đoàn kết giữa các nước Á Châu với nhau. Trước hết, ngài nhắc đến Trung Hoa Lục Ðịa, kế đến là Nhật Bản, Ðại Hàn, Tân Gia Ba, và Việt Nam. Những nước khác như Campuchia, Lào, Mã Lai, Philippines và những nước chung quanh quần đảo Thái Bình Dương cũng được nhắc đến. Ðây là một nổ lực để đưa ra một tinh thần Nho Ðạo làm nền tảng cho các nước trong vùng Á Châu. Ngài nói, điều quan trọng nhất, không phải chỉ là học hỏi về Nho học mà thôi nhưng còn phải đạt được những tinh thần cao đẹp của Nho Ðạo trong cuộc sống xã hội giữa những nước được kể trên với nhau. Bởi vì Tinh Thần Nguyên Nho như ngài đã chứng minh là tinh thần căn bản và chung cho tất cả các dân tộc Á Châu. Ðể hiểu rõ hơn tôi xin đưa ra những nhận định dựa trên những sự kiện thực tế hiện đại và lướt nhìn lại "Ðạo Trường Chung cho Á Châu" của Tiến Sĩ Kim Ðịnh. Sau cùng tôi sẽ đưa ra thêm một vài quan điểm liên quan khác của một số học giả với những triển vọng có thể đáp ứng cho hoàn cảnh của Việt Nam.
Mặc dầu việc phân chia thế giới thành ba thành phần: các quốc gia thuộc thành phần thứ nhất, thứ hai và thứ ba, vẫn còn có những vấn đế khó khăn của nó. Tuy thế, dựa vào đó, chúng ta cũng có thể nắm rõ được tình hình quan hệ giữa các nước với nhau. Các học giả ở các nước tự do rất ít nhắc đến các quốc gia thuộc thế giới thứ hai nhưng lại rất thường chú tâm đến sự quan hệ giữa các nước thuộc thế giới thứ nhất với các nước thuộc thế giới thứ ba. Có hai chủ thuyết quan trọng đáng cho chúng ta để ý đến là: chủ thuyết Phát Triển (Development Theory) và chủ thuyết Lệ Thuộc (Dependence Theory). Chủ thuyết Phát Triển được Tổng Thống Hoa Kỳ H. Truman đưa ra trong Hội Nghị Brandung Conference vào khoảng thập niên 50. Chủ thuyết Lệ Thuộc cũng được phổ biến rộng rãi vào khoảng thập niên 60 và vẫn còn kéo dài cho đến nay tại các nước Nam Mỹ và các nước thuộc thế giới thứ ba. Tôi muốn đặc biệt bàn về chủ thuyết sau, chủ thuyết Lệ Thuộc. "Lệ Thuộc" hai chữ nầy được hiểu với nghĩa là phụ thuộc hay đô hộ. Những quan hệ này xảy ra giữa các nước thuộc thế giới thứ nhất với các nước thuộc thế giới thứ ba hay giữa những nước giàu có quyền lực với những nước nghèo. Chủ thuyết lệ thuộc chính là một phần của sự phát triển thêm chủ thuyết mở rộng (Theory of Exploitation). Theo chủ thuyết lệ thuộc, cho dù quan hệ đó là lệ thuộc hay mở rộng cũng đều do bởi nguyên nhân của sự thiếu phát triển hay chính là kết quả của những nước hay của những người giàu có càng ngày càng giàu thêm trong lúc những nước nghèo thì càng ngày càng nghèo thêm. Mặc dầu phát triển là vấn đề số một thuộc về lãnh vực kinh tế và xã hội, nhưng nó cũng nằm trong phạm vi rộng rãi của lãnh vục văn hóa và chủng tộc. Ðể giải quyết những vấn nạn, chủ thuyết lệ thuộc đề ra một "lối thoát". Một mặt, nó đề nghị các nước chưa phát triển gia nhập vào thị trường thế giới, chịu ảnh hưởng vào nền văn hóa nước ngoài; một mặt khác, lại đòi hỏi các nước của chính họ phải đi tới cải cách, đổi mới. Chủ thuyết Lệ thuộc nói lên được tiếng nói kêu gọi cởi bỏ cái ách của kẻ nghèo, nhưng lại vô dụng trong việc giải quyết để thoát khỏi thảm trạng thiếu phát triển. Nhiều học giả đã chỉ điểm cho thấy rõ những khuyết điểm của chủ thuyết lệ thuộc. Mặc dầu mục đích của nó là làm cho các nước nghèo thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của những nguyên nhân và hậu quả tai hại, nhưng phương cách của nó cũng chỉ là vô vọng. Cô lập thay vì hợp tác, đứng bên ngoài thay vì phải trực tiếp xông pha vào, cũng không là những lựa chọn về lâu về dài. Các học giả như Ulrich Menzel, Dieter Senghaas, Hermann Sauter, etc... nhìn vào những thành công của nhiều quốc gia trong phong trào phát triển kinh tế của họ, đã cho rằng có những phương cách để vượt qua những thảm trạng khó khăn giữa những nước phát triển với những nước chưa phát triển. Họ kê ra những nước như Ðài Loan, Tân Gia Ba, Nam Hàn như những chứng cớ chắc chắn để phủ nhận chủ thuyết lệ thuộc. Những nghiên cứu từ những quốc gia nầy giúp họ có thể cải tiến mối quan hệ lệ thuộc của chủ thuyết lệ thuộc. Một mặt phát triển theo tiến trình quy định của chủ thuyết lệ thuộc dựa theo những điều kiện của các tổ chức thị trường thế giới, mặt khác cũng tự do tách bỏ khỏi những vướng mắc nặng nề ngăn trở sự thiếu phát triển, ngay cả những nơi có những chính sách liên kết quốc tế.
Làm cách nào mà Ðài Loan, Tân Gia Ba và Ðại Hàn đã có thể biến đổi từ một tình trạng thiếu phát triển tới được một thế đang phát triển? Ðể trả lời cho câu hỏi nầy, cần dựa trên nhiều khía cạnh, về kinh tế, xã hội và liên quan đến nhiều biến cố lịch sử cần thiết. Tuy nhiên những khía cạnh đó cũng chỉ là một phần cho câu trả lời mà thôi. Sâu sắc hơn, chính là sự liên đới giữa một cộng đồng chung cùng với những nền tảng tinh thần đưa đến những thành công cho những quốc gia nầy cũng cần phải được chú ý đến. Những học giả như H. Sautter đưa ra rằng những quan hệ giữa một cộng đồng chung như thế có thể thấy được dựa vào nền triết học của Khổng Tử. Tiến Sĩ Lương Kim Ðịnh không hoàn toàn đồng ý như thế, ông nhìn theo một khía cạnh sâu sắc hơn: nhờ vào một nền văn hóa hòa hợp. Một tinh thần Nho Ðạo làm nền tảng cho sự hòa hợp giữa các nước Ðông Á. Ðó cũng chính là hai điểm quan trọng căn bản, tự do và quy củ, những điểm quyết liệt phủ nhận chủ thuyết lệ thuộc và chủ thuyết phát triển. Làm thế nào để chúng ta có thể nhận ra nền căn bản văn hóa nầy? Ông nói, đó là một công cuộc nghiên cứu quy mô để trở về cội nguồn. Chúng ta hãy đi ngược trở về với thời gian trước Khổng Tử, vì theo Kim Ðịnh, Khổng Tử chỉ là một đại diện cuối cùng cho thời đại Nguyên Nho. Ông trích ra những đoạn viết của Khổng Tử: "Tôi truyền đạt nhưng không phải sáng tạo, tôi tin tưởng và yêu mến tổ tiên của chúng ta. Tôi nghiên cứu để so sánh với tổ tiên của chúng ta". Chúng ta phải hiểu câu nói nầy như thế nào? Tiến Sĩ Kim Ðịnh nhắc chúng ta đừng vội chỉ hiểu cách đơn thuần theo câu nói đó, vì ở một đoạn khác, Khổng Tử viết: "là một người nhìn lại những điều cổ xưa để tìm ra những mới mẻ dạy cho những người khác" trong câu này có ý là Khổng Tử nghiên cứu từ những gì cổ xưa để làm nên những gì mới. Có bao nhiêu điều mới Khổng Tử đã làm nên? Nếu thực sự Khổng Tử đã "cho thêm vào" những gì của Nho Ðạo, thì chúng ta cần phải đi ngược lại về với những người cổ xưa hơn nữa như Phục Hi, Nữ Oa, và Thần Nông. Tiến Sĩ Kim Ðịnh thêm rằng: chúng ta phải nghiên cứu ngược về cổ xưa, không những chỉ dựa trên những dữ kiện lịch sử mà còn phải dựa trên những căn bản văn hóa vì, ông nói, những đoạn lưu truyền đó không phải thực sự là của lịch sử mà chỉ là huyền thoại hay cùng lắm chỉ là huyền sử. Ðâu là giới hạn để phân biệt, và đâu là những điểm then chốt để chúng ta có thể tìm lại được Nguyên Nho. Tôi rất biết ơn Tiến Sĩ Kim Ðịnh đã đưa ra cho chúng ta những chi tiết rất đầy đủ giúp chúng ta hiểu rõ thêm những nguyên tắc nghiên cứu của ngài. Ngoài ra, giã sử như khi chúng ta đã tìm ra những nền tảng của Nguyên Gốc Nho Ðạo, chúng ta cũng cần phải tìm ra những đường hướng mới để thích ứng với thời đại mới bây giờ, và hợp với hoàn cảnh của Ðông Á ngày nay. Làm thế nào để có được những thích ứng mới? Dù sao, bài diễn thuyết của Tiến Sĩ Lương Kim Ðịnh cũng đưa ra thêm cho chúng ta một bầu khí trong lành mới, góp phần vào với bao nhiêu công khó lâu nay của rất nhiều học giả khác để tìm ra một kế hoạch mới, một tinh thần mới xây dựng một xã hội hòa hợp và đầy tình nhân loại. Hy vọng sẽ có nhiều và nhiều thêm những nghiên cứu tương tự để cải tổ và hoàn thành đem lại cho chúng ta một nền triết lý vẹn toàn.