Hướng Sống Giáo Hội Hiện Ðại:
Sứ Mạng Dân Chúa Giữa Trần Gian
Linh Mục Giáo Sư Vũ Kim Chính, SJ.
I. Nhập Ðề
Khi đề cập tới chủ đề Giáo Hội, là ta mặc nhận những nền tảng căn bản của Giáo hội học như: nguồn gốc và bản chất của Giáo hội. Từ đó ta mới có thể phản tỉnh tới sứ mạng của Giáo hội trong lòng trần thế hiện nay. Và tất cả những cơ cấu Giáo hội không ngoài mục đích nhằm thực hiện và chu toàn sứ mạng này. Thiết nghĩ không cần phải nghiên cứu hay đào sâu về Giáo hội học, chúng ta ai cũng có thể biết được nguồn gốc của Giáo hội là chính Ðức Kitô. Ngài đã được "sai đi", tức là được Chúa Cha giao cho trọng trách cứu thế và được Chúa Thánh Linh xức dầu thánh hiến để hoạt động trong một "địa chỉ" đặc thù: "mang tin mừng cho kẻ nghèo khó, loan tin giải phóng cho kẻ bị cầm tù, đem ánh sáng cho kẻ đui mù, đem tự do cho kẻ bị áp bức và loan truyền năm hồng ân của Thiên Chúa" (Lc. 4, 18f). Nhờ vậy, Ngài đã đánh thức trần gian, đã dẫn trần gian nhắm theo tiêu chuẩn "Tám Mối Phúc Thật" để dần dần trở thành Nước Chúa. Sự hiện hữu của Giáo hội được bắt nguồn từ mạch sống này và bản chất của Giáo hội là cụ thể hóa sứ mạng của Ðức Kitô trong những thời đại và môi trường khác nhau. Như Chúa Giêsu được sai tới để nhập thể và nhập thế hầu loan truyền và thực hiện Nước Chúa giữa trần gian, Giáo hội cũng được Ðức Kitô kêu gọi và phái đi để làm chứng nhân của Ngài, hầu mang ơn cứu độ và tin mừng cho tới "cùng trái đất". Như vậy, Giáo hội phải nhập thế mới có thể sống giữa trần gian, mặc dầu "không thuộc về trần gian". Chính vì thế mới trở thành "Bí Tích" thánh hóa trần gian. Nói cách khác, như Chúa Giêsu khi nhập thế vẫn luôn thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh, Giáo hội là Dân Chúa sống giữa trần gian: một bên là cộng đoàn thánh được Chúa chọn sống trong sự hiệp thông của chúa Ba Ngôi, nhưng đàng khác cũng là thành phần của trần gian, chia sẻ vận mệnh của trần gian trong mọi nơi và mọi thời. Giáo hội qua gần hai ngàn năm đã lưu truyền tới tay chúng ta hôm nay để chúng ta luôn tiếp tục thân phận "hành hương" hầu làm chứng nhân cho Ðức Kitô cho tới ngày Người tái hiện.
Ðể thực thi được sứ mạng làm chứng nhân của Ðức Kitô giữa trần gian và cho trần gian, mặc dù không thuộc về trần gian, chúng ta phải hiểu chính chúng ta cũng như hiểu trần gian. Hiện giờ chúng ta đang sống trong hoàn cảnh nào? Nếu biết rõ được "địa chỉ" này, chúng ta mới hy vọng dùng cách thế nào cho hợp thời hợp cảnh mà đem Tin Mừng đến cho thế gian một cách hữu hiệu hơn. Cũng may cho chúng ta là không phải tự mình vò đầu bóp trán để phát hiện ra những đường hướng và chương trình này, nhưng là do chính Công Ðồng Vatican II đã vạch ra cho chúng ta những phương hướng cụ thể đó. Dầu vậy, chúng ta cũng cần phải phản tỉnh để tự khám phá ra đường hướng này, nhờ đó chúng ta một bên nhận ra Cộng Ðoàn Dân Chúa trong sự liên hệ Hiệp Thông và đàng khác trong tinh thần phụng sự với những khía cạnh mới, trọng tâm mới, nếu chúng ta đứng trên quan điểm Dân Chúa là chứng nhân giữa trần gian và hiện hữu vì trần gian như Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới 1987 và Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh trong Tông Huấn về "Ơn gọi và sứ mệnh của người giáo dân trong Giáo hội và giữa trần gian".
II. "Ðịa chỉ" của Giáo hội hiện đại
Mặc dầu không chủ trương Xã Hội Học Thực Nghiệm là nền tảng để định đoạt Tri Thức Luận, nhưng qua những bảng thống kê như là những phương tiện chính xác giúp ta có thể nương theo sự phản tỉnh của các thần học gia để truy tìm "địa chỉ" của Giáo hội hiện đại. Lẽ đương nhiên, chúng ta cũng có thể tự phản tỉnh và xét xem các thần học gia đó nêu lên những nhận định có xác thực không? Ðó cũng là phần rất quan trọng, nếu không muốn nói là phần quan trọng nhất.
Theo bảng thống kê của Giáo hội năm 1985, số Công giáo theo từng địa phương có tỷ lệ như sau:
Á Châu: 72,141,000 (8.47%)
Âu Châu: 278,047,000 (32.63%)
Ðại Dương Châu: 6,444,000 (0.76%)
Bắc Mỹ Châu: 64,475,000 (7.57%)
Nam Mỹ Châu: 358,188,000 (42.04%)
Phi Châu: 72,658,000 (8.53%)
Tổng cộng: 851,953,000 (100%)
Nếu đem con số này sánh với một vài bảng thống kê của những năm trước, chúng ta sẽ phát hiện một sự kiện đáng suy nghĩ. Năm 1900, số tín hữu Công giáo sống ở Âu Châu và Bắc Mỹ là 77%. Ðến năm 1970, con số đó đã hạ xuống chỉ còn 49.14% so với số dân Công giáo sống ở khắp hoàn cầu. Và cứ theo đà này, theo nhà thần học W. Buhlmann ước lượng thì năm 2000, khoảng 60% số dân Công giáo sẽ sống ngoài Âu Châu và Bắc Mỹ, nghĩa là số tín hữu Công giáo sẽ sống ở Nam bán cầu và thế giới thứ ba nhiều hơn, nếu không kể tới những nơi dân chúng có thể đến cư ngụ vì công ăn việc làm, thì sự ước lượng trên có thể sai lệch như dân số ở Bắc Mỹ và Âu Châu không gia tăng, ngược lại số người ly khai Giáo hội có thể tăng. Dĩ nhiên đây chỉ là một giả thuyết mà thôi.
Nhưng bảng thống kê trên là những hiện tượng thúc đẩy nhiều nhà thần học phản tỉnh lại "địa chỉ" của Giáo hội trong lịch sử của Giáo hội vừa qua cũng như nêu lên những nhận xét về Giáo hội trong tương lai. Trong những nhà thần học trên, chúng ta chú ý đến ba người tiêu biểu nhất là: Karl Rahner, Johann Baptist Metz và Walter Buhlmann. Cả ba ông đều có một nhận định như sau: "Giáo hội Công giáo đang đứng tước ngưỡng cửa của một thời đại mới". Nói cách chung, đứng trên quan điểm lịch sử Giáo hội, ba ông đều cho rằng Giáo hội Công giáo đang bước sang thời kỳ thứ ba. Trong giai đoạn đầu, tương đối ngắn, Giáo hội sơ khởi phát triển từ Giáo hội Do Thái qua Giáo hội Cận Ðông để trở thành Giáo hội Latin (Lamã). Trong giai đoạn này, Giáo hội đã dần dần gọt bỏ "chủ nghĩa Do Thái" để "bản vị hóa" (inculturation) qua ảnh hưởng của nền văn hóa Hy Lạp. "Công Ðồng Jerusalem" và Thánh Phaolô là những hình ảnh tiêu biểu của giai đoạn này: Giáo hội sơ khai đã gặp phải những khó khăn do sự ngộ nhận là đồng hóa Giáo hội với một nền văn hóa và tập quán của một dân tộc, nên khó cởi mở. Nhưng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh cũng như do sự cương quyết của một số nhà truyền giáo như Phaolô, Giáo hội đã tương đối thành công trong việc "bản vị hóa" chính mình. Ðây là một bài học quí giá cho nhà truyền giáo sau này.
Ở giai đoạn thứ hai, Giáo hội đã trở thành Giáo hội Tây phương. Mở đầu cho giai đoạn này là biến cố Hoàng Ðế La mã Constantin đã qui hóa Kitô hữu, đưa Giáo hội từ một cộng đoàn chứng nhân bị đàn áp trở thành một quốc giáo. Chúng ta không phủ nhận được đây là một thời vàng son của giáo quyền, nhưng đồng thời cũng không thể không chú ý tới sự lu mờ dần vai trò Giáo hội là Cộng đoàn Chứng nhân (Christianity) và thay vào đó là một Ðế quốc Giáo (Christiandom). Theo đó Giáo hội khó tránh được những lúc đồng hóa với thế quyền hay tranh chấp với thế quyền. Những kinh nghiệm đau thương này không khỏi không ảnh hưởng tới những phương pháp giải quyết những căng thẳng nội bộ và công cuộc truyền giáo sau này, nhất là khi phải đương đầu với những vấn nạn do những nền văn hóa khác nêu ra. Tóm lại, vì coi mình là "Xã hội toàn mỹ" và là "Bảo tàng Chân lý" (ở đây nếu phân biệt rõ ràng lý thuyết và thực hành có lẽ sẽ tránh được nhiều hiểu lầm), nên khó nhận được mức quan trọng của những nền văn hóa khác cũng như những nền tư tưởng.
Giai đoạn ba, Giáo hội đang trở thành Giáo hội Ðại đồng, hiệp nhất trong đa dạng. Giai đoạn này chính thức bắt đầu với Công Ðồng Vatican II: Giáo hội nhận ra tầm mức quan trọng của mình là "Ánh Sáng thế gian". Vì vậy, Giáo hội không thể sống "ngoài" hay sống "trên thế gian được, nhưng phải sống "giữa" những nền văn hóa khác nhau. Như vậy, Giáo hội nhập thể không phải theo ý niệm "hai vương quốc" (thần thế) nhưng là "bản vị hóa" để những phần tử mình hiện hữu "giữa" thế gian hầu thánh hóa thế gian. Trong giai đoạn Giáo hội đại đồng này, ba thần học gia vừa nêu trên, mỗi người đều nhấn mạnh đến một khía cạnh khác nhau. K. Rahner vì quan tâm cho Giáo hội tương lai, ông đã khẳng định niềm tin (như vấn đề giữa khoa học tự nhiên và thần học, bàn về "status naturae lapsae...") hay có liên quan tới giáo sĩ (độc thân, phụ nữ...)v.v... mặc dù những thần học phản tỉnh này có tính cách thảo luận hơn là đề nghị những giải đáp. Nhưng đàng khác ông đã bộc lộ được những "giấc mơ" cho giáo hội tương lai, nhất là về việc cải tổ cơ cấu Giáo hội, làm cho Giáo hội trở thành một "cộng đoàn" thực sự. Còn ông J.B. Metz thì chủ trương đến khía cạnh thực tiển nhiều hơn, nên ông không ngừng nỗ lực giúp Giáo hội Âu Châu phản tỉnh trở về nguồn gốc mình đang "theo bước" (nachfolge). Vì mỗi người đều bước theo Chúa nên trở thành một cộng đoàn hỗ tương, nhất là đối với những người cần tương trợ, những người đau khổ. Giáo hội chỉ có thể thực hành được điều đó, nếu Giáo hội biết sống "theo" và sống trong Ðức Kitô mà thôi, vì chỉ một mình Ngài là nơi mà người tông đồ có thể nhận lãnh được những kinh nghiệm mầu nhiệm ấy.
Trong khi đó, thần học gia W. Buhlmann là một nhà tuyền giáo học, đặc biệt quan tâm đến vai trò các xứ truyền giáo trong Giáo hội. Ông không ngần ngại nhấn mạnh: năm 2000 sẽ là những năm thuộc về Giáo hội Truyền giáo. Nhưng vấn đề chính của Giáo hội trong tương lai là những vấn đề đa dạng, nên không thể dùng quan điểm nhất dạng để giải quyết được. Những vấn đề như "công lý", "bản vị hóa", "đối thoại với những tôn giáo khác", "tục hóa"... được coi là những vấn đề chính yếu trong Giáo hội tương lai. Tóm lại, dù có những quan tâm khác nhau về tương lai của Giáo hội, nhưng cả ba nhà thần học đều công nhận rằng: những suy nghĩ và những phản tỉnh này đều do Công Ðồng Vatican II khởi xướng và chỉ dẫn. "Hành động khai phóng đối với cái nhìn đa dạng cần thiết về tôn giáo cũng như về văn hóa là một nguồn mạch tuôn ra sức sống dồi dào cho Giáo hội và cho khoa giáo hội học trong hơn 25 năm sau công đồng vừa qua. Hành động này bắt nguồn từ một thái độ can trường của Thánh Phaolô để đối diện với mọi hậu quả phát xuất từ những lãnh vực khác nhau trong đời sống Giáo hội, nhưng đồng thời không phản bội đời sống đức tin đồng nhất và bản chất bất di dịch của đức tin đó".
III. Ðường hướng của Công Ðồng Vatican II
Ðường hướng của Công Ðồng Vatican II là Kim Chỉ Nam của Giáo Hội hiện tại. Công Ðồng Vatican II là công đồng thứ 21 của Giáo hội Công giáo. Chỉ cần đưa mắt so sánh ba công đồng cuối cùng, chúng ta sẽ thấy ngay tính cách đặc thù của Công đồng Vatican II. Công đồng Tridentinô được triệu tập để đối kháng với các phe Phái Tin Lành và đồng thời cải cách nội bộ Giáo hội theo tiêu chuẩn: Giáo hội được trao trách nhiệm để cứu rỗi các linh hồn. Còn Công đồng Vatican I được triệu tập để đối phó với các phong trao duy lý, duy vật, phiếm thần và vô thần đang hoành hành trong tư tưởng Âu Châu và lan dần vào xã hội. Công đồng này đã tuyên bố tính cách bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng. Hai công đồng này đều coi thế giới bên ngoài như một đe dọa và lấy việc bảo vệ mình là quan trọng (Apology). Trong khi đó, Công đồng Vatican II coi trọng sự hiện hữu của Giáo hội là "Ánh Sáng của trần gian", nên một đàng kêu gọi mọi tầng lớp Dân Chúa tự phản tỉnh tìm lại nguồn sống của mình là chính Ðức Kitô, nhờ đó mới có thể là Ánh Sáng được; đàng khác cần tìm hiểu trần gian là nơi mình "soi chiếu" (phục vụ). Trong quan điểm này, "hợp thời hóa" (aggiornamento), "hiểu dấu hiệu của thời đại", "đối thoại", v.v... đã nhấn mạnh đến sự quan tâm của Giáo hội đối với trần thế. Nói tóm lại, Công đồng Vatican II là một công đồng "Mục Vụ" hơn là bàn về những "tín điều" (mặc dù không thiếu những điều phản tỉnh căn bản làm sáng tỏ tín điều, làm nền tảng cho công việc mục vụ), và luôn quan tâm tới sứ mạng của mình là nhiệm tích của "trần gian" hơn là hiện hữu cho chính mình: "Trung tâm sự hiện hữu của Giáo hội ở ngoài Giáo hội". Giáo hội thực sự tìm lại ý nghĩa hiện hữu nguyên thủy: "được sai đi" (nghĩa là truyền giáo). Sau đây chúng ta đề cập tới một số chi tiết đặc biệt của Công đồng Vatican II đã ảnh hưởng tới việc phản tỉnh về cơ cấu Giáo hội: đa dạng hòa trong hiệp nhất, phản tỉnh lý thuyết bắt đầu bằng thực hành, hiệp thông trong đối thoại. Từ những đặc thù này, chúng ta khám phá ra một trọng tâm hợp lý mới của cơ cấu Giáo hội: người tín hữu giáo dân.
Công đồng Vatican II là một biến cố đầu tiên trong Giáo hội Công giáo đã quy tụ được số giáo phụ đông đảo nhất (3,058 vị so với Công đồng Vatican I là 747 vị, và các công đồng trước còn ít hơn nữa) từ khắp nơi trên toàn thế giới, gồm đủ mọi màu da và sắc tộc. Sự đầy đủ cả "lượng lẫn phẩm" này đã nói lên tính cách đa dạng, và xác tín về bộ mặt mới của Giáo hội. Từ đây Giáo hội Công giáo Lamã thoát thai trở thành Giáo hội hoàn vũ: bên cạnh Ðức Giáo Hoàng là Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới bao gồm các Hội Ðồng Giám Mục các quốc gia. Vì Giám mục vừa là vị chủ chiên giáo hội địa phương, và vừa được tái xác định là người kế vị của các thánh Tông Ðồ, đã được Chúa Kitô chọn và sai đi. Việc xác nhận Cộng đoàn Giám mục, không những trong thời họp Công đồng hay họp Thượng Hội Ðồng thế giới, là nền tảng cho việc xác nhận các Hội Ðồng Giám Mục tại các quốc gia, và đồng thời cũng chân nhận thực tại của giáo hội địa phương nữa. Sự kiện này quan trọng đến nổi K. Rahner đã coi đó như là một góp phần quan trọng nhất và đầy hứa hẹn nhất của Công Ðồng Vatican II. Thực vậy, vai trò Giám mục là quan trọng trong cơ cấu tổ chức, các ngài vừa hiểu biết vừa trực tiếp điều hành Giáo hội đa dạng thuộc các địa phương khác nhau, nhưng đồng thời cũng chia sẻ với Ðức Giáo Hoàng trong quyền kế vị các Thánh Tông Ðồ để hợp nhất Giáo hội hoàn vũ. Chính tính cách hợp nhất trong đa dạng, phân công để hợp tác này đã bộc lộ rõ ràng nhất khi kết thúc và ban sắc lệnh thực thi Công Ðồng Vatican II. Khi Công đồng Vatican I kết thúc, Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã dùng thể thức truyền thống từ thời Trung cổ để lại: "sacro approbante concilio" với ấn ký của ngài. Còn Công đồng Vatican II đã được kết thúc bằng một nghi thức chưa từng có trong lịch sử Giáo hội Công giáo là: đầu tiên là lời nhắn nhủ và ban bố của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI, sau đó là những Thông điệp ngắn nhưng súc tích do nhiều Hồng Y, Giám mục đại diện nhiều quốc gia đồng soạn nhằm gởi đến các tầng lớp trên khắp thế giới: từ giới trí thức, văn nghệ sĩ tới phụ nữ, dân lao động, cho tới những người nghèo, bệnh hoạn và đau khổ, rồi cuối cùng là giới trẻ.
Nhắc tới một vài dữ kiện quan trọng trên, chúng ta thấy rằng Công Ðồng Vatican II không những chỉ xác định lập trường hay chủ trương hợp nhứt trong đa dạng, nhưng thực sự đã khai phóng một đường hướng "thực hành thần học mới": lấy dấu hiệu thời đại làm khởi điểm cho phản tỉnh thần học và mục vụ, rồi đưa ra những lý thuyết (tức là những văn kiện) để hướng dẫn thực hành. Nếu nhìn lại những tài liệu ghi lại sự thành hình của các văn kiện, và cuối cùng thành những hiến chế và sắc lệnh của Công Ðồng, chúng ta sẽ thấy rõ đó là kết quả của các Tiểu Ban nổ lực thu thập tài liệu, cộng thêm những tranh luận dựa trên những "dấu hiệu thời đại" để hợp thời hóa. Tóm lại, kết quả này được thành hình là nhờ việc biết tổng hợp cả hành động lẫn lý thuyết vậy. Donal Kerr đã ghi lại hình ảnh "đang xảy ra" ở tại Roma lúc đó: "Khung cảnh sinh hoạt quan trọng chưa từng có: nhiều giáo phụ đồng loạt cùng nhau cắp sách đến trường để học hỏi những vấn đề thần học mới, đàng khác nhiều nhà chuyên môn được mời về Roma để lắng nghe và phát biểu ý kiến trong những phiên họp khoáng đại... Roma đã thành một hiện trường hội nhập "phản tỉnh" hay ít nhất là "lắng nghe" vấn đề thần học quan trọng. Nếu đường hướng thực thi thần học này trở nên mẫu mực cho những cuộc hội họp khác thuộc phạm vi nhỏ hơn như trong các địa phận hay xứ đạo, thì có lẽ giáo hội địa phương sẽ trở thành sống động hơn nhiều, vì không những lý thuyết và thực hành trở thành một thực thể bất khả phân, hơn nữa mỗi người tham dự đều tích cực đóng góp tùy theo phạm vi "chuyên môn" của mình; đồng thời cũng nhận lãnh những linh cảm của người khác. Kinh nghiệm "đặc biệt" quí giá của các giáo phụ phải là mẫu mực mới (paradigm) của các cộng đoàn dân Chúa, thì việc hợp tác giữa các tầng lớp mới thực thi đúng đường hướng của Công đồng được. "Sự liên quan thực tại giữa thực trạng linh động và thực trạng xã hội nơi chúng ta phục vụ là một nguồn mạch căng thẳng không ngừng trong thuyết lý giáo hội xã hội học và trong chính cuộc sống của Giáo hội".
Công đồng Vatican II là một Công đồng đầu tiên không có đề mục nào lên án tuyệt thông. Nét độc đáo trong Giáo hội nói lên tính cách đặc thù chủ trương dùng đối thoại như là một phương tiện cần thiết để hợp nhất Kitô giáo, cũng như liên lạc với các tôn giáo khác, kể cả việc giao tiếp với những người vô thần. Nguyên tắc bình đẳng (par cum pari) và tôn trọng lẫn nhau là điều kiện thiết yếu để có một cuộc đối thoại chân chính. Ðể có tinh thần công đồng tính này (ecumenical), Giáo hội một đàng chân nhận thân phận "hành hương" của mình, nên không từ chối chấp nhận "ecclesia semper reformanda" (Hiệp nhất số 6), đàng khác khi tìm hiểu cần phải tôn trọng chân lý cộng với lòng nhân hậu. Nếu về đối thoại, Công đồng càng phải đề cao mối liên lạc giữa các cơ cấu và sự hợp tác giữa các chi thể trong Giáo hội nhiều hơn. Lẽ đương nhiên, cần bàn sâu xa và phổ quát của niềm tin thông hiệp trong đối thoại phải là sự hiện hữu của Thánh Linh hoạt động trong và ngoài Giáo hội: "Giáo hội vững mạnh nhờ Thần Lực của Chúa Phục sinh để toàn thắng các khó khăn và sầu muộn từ bên trong cũng như bên ngoài bằng yêu thương với kiên trì và trung thành mặc khải cho thế gian mầu nhiệm của Chúa còn giấu trong bóng tối, cho đến khi được phô bày dưới ánh sáng vẹn toàn trong ngày sau hết" (Ánh Sáng trần thế số 8).
IV. Dân Chúa và cơ cấu Giáo hội
Theo Y. Congar, Công Ðồng Vatican II lúc đầu tiên bàn về Giáo hội đã đứng trên lập trường luật tính, coi Giáo hội như là một "xã hội hoàn hảo" và một "xã hội có phẩm trật" (societas inaequalis). Thực ra hai quan niệm này chỉ chung quy thành một mà thôi, vì một xã hội có trật tự lớp lang mới là một xã hội hoàn hảo. Quan niệm này (socieas perfecta) bắt nguồn từ lập trường triết học chính trị của Aristoteles. Mặc dù Thánh Tôma Aquinô chỉ khai triển trên phạm vi dân sự, nhưng về sau quan niệm này được dùng để chỉ trích và phê bình cơ cấu và hiến pháp dân sự, nhất là sau cuộc cách mạng Pháp 1789. Nhưng chuẩn tắc để phê bình là gì? Là một xã hội lý tưởng. Từ Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI (1839) trở đi, Giáo hội đồng hóa mình với xã hội lý tưởng này, vì Giáo hội có căn bản "quyền thần" làm nền tảng hợp thức cơ cấu hiện hữu của mình. Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã kết án những ai coi Giáo hội không phải là xã hội chân thật và vẹn toàn, là sai lầm (DS 2919). Từ Công đồng Vatican I trở về sau, Giáo hội hay xã hội hoàn hảo này đã được đồng hóa với xã hội có phẩm trật (hierarchial) trong đó bao gồm hàng giáo sĩ và phần còn lại là giới giáo dân.
Quan niệm trên đây được nhiều nhà thần học coi như là giáo luật tính của giáo hội học mà Giáo hội cần phải có để tồn tại cho tới kỳ thế mạt. Vì thế quan niệm này đã được đưa vào làm căn bản trong các buổi thảo luận. Và Ðức Hồng Y Montini (tức là Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI) đã không ngần ngại điều chỉnh lại quan niệm này vì quan niệm này có tính cách quá nhấn mạnh về luật lệ hóa các cơ cấu của Giáo hội như sau: Giáo hội tự mình không thể làm được gì cả, cả đến việc hiện hữu của Giáo hội và việc nhận lãnh những hồng ân cũng đều do chính Ðức Kitô ban cho mà thôi vì Ngài vẫn còn tiếp tục hoạt động trong Giáo hội luôn. Khi nhấn mạnh Ðực Kitô làm trung tâm, Giáo hội hiện hữu như là một "mầu nhiệm" (mystery) hơn là một thực thể chỉ đơn thuần thống nhất nhờ nguyên tắc lề luật mà thôi. Từ quan niệm này, ngày 5 tháng 12 năm 1962, Ðức Montini đã đề nghị xin các giáo phụ quan tâm nhiều hơn tới cộng đoàn các Thánh Tông đồ là căn nguyên của các cộng đoàn Giám mục. Tóm lại, vì Ðức Kitô là trung tâm của Giáo hội, Giáo hội hiện hữu là một mầu nhiệm tham dự Huyền Nhiệm Chúa Ba Ngôi. Danh từ "Hiệp Thông" đã trở thành "chìa khóa" mở cửa vào khoa giáo hội học của Công Ðồng Vatican II và cả cho thời hậu Công đồng nữa. Nói cách khác, Giáo hội là một cộng đồng Dân Chúa, trong đó mỗi người tín hữu đều được kêu gọi để sống hiệp thông trong nhiệm vụ của mình như một thành phần của Nhiệm Thể để sinh hoa kết quả và nhờ đó thánh hóa trần gian trong môi trường mình sống. Chính vì Giáo hội hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, nên Giáo hội đã nhận ra được Thiên Chúa muốn dùng mình và qua mình để cứu độ trần thế: Giáo hội hiện hữu là kết quả của ơn cứu chuộc và đồng thời là lịch sử của ơn cứu chuộc. Trong ơn thông hiệp này, Giáo hội là "bí tích của trần gian", là "dấu chỉ" và đồng thời "thực hiện" mầu nhiệm hiệp thông giữa con người và Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Thực vậy, Giáo hội là "dấu chỉ" và đồng thời là "dụng cụ" Chúa dùng nữa. Hai khía cạnh này bất khả phân và luôn bổ túc cho nhau.
Nhờ hiểu biết Giáo hội là mầu nhiệm hiệp thông này mà chúng ta có thể thoát được ba chiều hướng giải thích lệch lạc về Công đồng Vatican II, hoặc coi Công đồng Vatican I và II là hai thực hữu đối nghịch nhau, hoặc dùng một trong hai lập trường như là "tín điều" để phủ nhận lập trường khác, hoặc công nhận sự căng thẳng giữa hai lập trường, nhưng muốn dùng viễn ảnh tương lai (utopic), tỷ dụ như trong hiệp nhất như một thực tại sống động và hiệp thông thì những lập trường lý thuyết không thể hạ giá thực hữu được, tức là mỗi tín hữu đều có chỗ đứng của mình và chỗ đó là nơi ưu tiên cần mình phục vụ Chúa trong Giáo hội và trong thế gian. Mỗi người đều là phần tử của Dân Chúa vậy.
Chương II của Hiến chế về Giáo hội đề cập tới "Dân Thiên Chúa", là điểm tựa để chúng ta giải thích cho đúng và sứ mạng của giáo dân trong Giáo hội: qua phép Rửa, mỗi người tín hữu đều là "dòng dỏi được tuyển chọn, thành hàng tư tế vương giả và dân tộc thánh", là con Thiên Chúa nhưng được sinh ra bởi con người, và Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong Ðền Thờ vậy. Dân tộc thiên sai này là "mầm mống của hiệp nhất", được Chúa Kitô thiết lập để "thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý", được người xử dụng như "khí cụ cứu rỗi mọi người" được sai đi khắp thế gian như "Ánh sáng trần gian và muối đất". Như vậy theo chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa, Giáo hội hiện hữu như một "sứ giả", như một "khí cụ" của ơn cứu rỗi, đang lữ hành trong thời đại này để tìm về Ðất Hứa. Bởi thế, Nước Chúa mới là phạm trù cánh chung, còn Giáo hội phục vụ có phẩm trật chỉ là "phương thế" để đạt tới biến cố cánh chung này. Trong ý nghĩa này, mỗi tín hữu đều là anh em trong Ðức Kitô, đều đồng chia sẻ mầu nhiệm hiệp thông. Hơn nữa, vì Giáo hội hiện hữu không phải vì mình và cho mình, nhưng như là "dụng cụ"của ơn cứu rỗi, như là muối đất... thì người giáo dân chiếm một chỗ rất đặc biệt, nếu không muốn nói là rất quan trọng và khó khăn nhất trong sứ mạng của Giáo hội: trực tiếp thánh hóa trần gian. Nếu Giáo hội hiện hữu giữa trần gian phần lớn do giáo dân, lẽ đương nhiên là họ có quyền đòi hỏi cần được lắng nghe, nhất là trong những phạm vi họ có thẩm quyền, như những vấn đề liên quan đến đời sống hôn nhân, gia đình, thái độ của người Kitô hữu giữa thế gian... Sự hiệp thông chân chính không thể đơn phương "thi hành điều quyết định" được, nhưng là đa phương linh động, nhứt là giáo dân cần được huấn luyện để chủ động tham gia vào những đồ án có liên quan tới cuộc sống của họ hay cho thực hiện những đồ án đó. Ðòi hỏi hợp lý này không phải là chối bỏ hay là đối chất quyền uy phẩm trật, nhưng là lưu ý Giáo hội nhận rõ mức độ ưu tiên trong sứ mệnh của việc thánh hóa trần gian, cũng như cố gắng thánh hóa chính mình cũng là một khía cạnh quan trọng khác của sứ mạng truyền giáo này. Nói cách khác, nếu người giáo dân không thể nhận thức được vai trò chủ động trong phạm vi của mình, cũng như nếu Giáo hội phẩm trật không ý thức sự hiện hữu của mình là nhằm giúp đỡ và phục vụ cho giáo dân hơn là để cai quản hay ban chỉ thị, thì làm sao sứ mạng "truyền giáo" tiến hành đúng mức được?
Chính vì vai trò của người giáo dân quan trọng như thế, mà Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề nghị Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới 1987 đặc biệt bàn về vấn đề "người giáo dân" và chính ngài đã dùng Tông Huấn "Người Tín Hữu Giáo Dân" để diễn đạt mạch lạc và trung thực lập trường của Thượng Hội Ðồng. Công Ðồng Vatican II đã mô tả người giáo dân theo hai khía cạnh: tiêu cực và tích cực. Theo khía cạnh tiêu cực, giáo dân là tất cả các Kitô hữu "không thuộc thành phần có chức thánh hay bậc tu trì". Theo khía cạnh tích cực, người giáo dân là những người thi hành sứ mệnh của toàn dân Kitô hữu "trong giáo hội và giữa trần gian theo nhiệm vụ riêng của mình" (L.G.31). Vì hai khía cạnh mô tả trên mà nhiều người đã đặt vấn đề: vai trò của giáo dân chỉ là hình ảnh tiêu cực của giáo sĩ hay tu sĩ mà thôi sao? Trả lời câu hỏi này, Tông Huấn đã khẳng định rõ ràng: "người giáo dân hoàn toàn thuộc về Giáo hội và thuộc về Mầu Nhiệm của Giáo Hội" (số 9). Họ, qua phép Rửa, đã trở thành kẻ "tham gia theo cách thế của mình vào chức vụ tư tế, chức vụ rao giảng Lời Chúa và chức vụ Vương Giả của Chúa Kitô" (ibid). Tông Huấn (Ðức Piô XII) đã dùng hình ảnh giáo dân để diễn đạt "tham gia theo tính cách của mình": họ là những kẻ "đứng ở mặt trận tiền phong trong cuộc sống của Giáo hội; nhờ họ, Giáo hội được trở nên nguyên lý sự sống cho xã hội loài người". Như vậy, định nghĩa của người giáo dân đã gạt bỏ được sự phân chia tiêu cực và tích cực, đàng khác ý nghĩa của người giáo dân hiện hữu không còn phân ly thành "đơn thuần thần học tính" hay "thuần túy xã hội tính", nhưng là ý nghĩa hiện hữu của Giáo hội giữa trần gian: "Vị thế của người tín hữu giáo dân trong Giáo hội được minh định rõ ràng từ gốc rễ, bắt nguồn từ sự mới lạ của đời sống Kitô hữu và đặc tính thế tục" (số 15). Tính cách thế tục không khác gì hơn là tiếp tục sứ mệnh của Ngôi Lời Nhập Thể, là đích thân chia sẻ tình nhân loại: "Ngài đã trao phó trần thế này cho con người cả nam lẫn nữ để họ tham gia vào việc tạo dựng, để họ giải thoát thọ tạo khỏi ảnh hưởng của tội lỗi, để họ tự thánh hóa mình trong địa vị hôn nhân, hoặc độc thân, trong gia đình, trong chức nghiệp và trong các hoạt động xã hội" (số 15; propositio 4).
Hiểu rõ ơn gọi và sứ mệnh của tín hữu giáo dân, chúng ta cũng hiểu được ý nghĩa toàn diện của Giáo hội là một sự hiệp thông có cơ cấu, hiện hữu trong khác biệt nhưng luôn bổ túc: "Mọi phần tử của Giáo hội có những ân sủng của Thánh Thần ban khác nhau theo phẩm trật và ơn đoàn sủng (charismen) để Giáo hội hiệp thống nhất trong hiệp thông và phục vụ: sự hiệp thông là điều kiện thiết yếu để sinh hoa trái (Jn 15,1-16), như cành hiệp nhứt với cây nho mới có thể sinh hoa trái được. Ngược lại hoa trái là kết quả hữu hình của sự hiệp thông. Và Giáo hội được sai đi để sinh hoa kết quả. Trong sự liên đới mật thiết này, chúng ta hiểu thấu được Hiệp Thông giữa các Thừa Tác Viên và các tín hữu giáo dân, giữa hồng ân bí tích và ơn đoàn sủng, giữa giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ, giữa giáo xứ và cá nhân Kitô hữu. Tóm lại, giữa thánh hóa (sanctitas) và truyền giáo (missio) mà mỗi tín hữu đều được gọi và sai đi theo cách thế của mình giữa trần gian. Sau đây là một vài lời trích dẫn được các Giám Mục hay Hồng Y lặp lại trong Thượng Hội Ðồng, hay được chính Ðức Giáo Hoàng trích dẫn trong Tông Huấn, đáng cho chúng ta lưu ý; "Ðối với anh em, tôi là giám mục, cùng với anh em, tôi là tín hữu" (Augustinus); "ích lợi của mọi người" (diễn đạt Kinh Tin Kính); "trong Giáo hội, mọi người lo nâng đỡ các người khác và các người khác lo nâng đỡ từng người" (Gregorio Cả).
V. Kết luận
Qua phép Rửa tội và phép Thêm sức, tất cả Kitô hữu, dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, đều được Chúa gọi thành Dân Chúa để thực hiện sứ mệnh mà Chúa đã truyền giao cho Giáo hội, là dấu chỉ của Nước Chúa thống trị hầu trở thành dụng cụ Chúa dùng để thánh hóa thế gian cho đến ngày Chúa lại đến. Như vậy, Giáo hội thánh hóa mình làm "men", làm "ánh sáng" cho muôn dân, do đó Giáo hội không hiện hữu cho mình và vì mình nhưng vì tha nhân: trung tâm của Giáo hội ở ngoài mình. Nhiệm vụ chính của Giáo hội là "truyền giáo".
Ðể đạt được thực thể sống động này, chúng ta có thể dùng nhiều mô hình và mỗi mô hình nhấn mạnh đến một khía cạnh quan trọng nào đó, nhưng chính vì thế mỗi mô hình cần sự bổ túc của các mô hình khác (16). Tỉ dụ mô hình Giáo hội là một "cơ câu" nhằm diễn đạt Giáo hội là một "xã hội hoàn toàn". Trọng tâm của phẩm trật hoặc đặt ở địa vị thừa kế của Thánh Phêrô như Công đồng Vatican I, hay ở cộng đoàn thừa kế các Tông đồ mà Phêrô là đại diện như Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh. Ưu điểm của mô hình này là làm nổi bật Truyền Thống và Tông truyền. Bao lâu Giáo hội còn là dụng cụ ban phát ơn thánh thì mô hình cơ cấu này mới còn giữ được vai trò quan trọng. Dẫu vậy, Giáo hội hiện hữu trong cơ cấu không nhứt định phải nhận chủ nghĩa cơ cấu, có phẩm trật không nhứt định phải nhận chủ nghĩa pháp luật cũng như giáo lý không phải là giáo điều. Bởi vậy mô hình này phải được đi đôi với mô hình Giáo hội là "Tôi tớ" (diaconia). Mô hình Giáo hội là Tôi tớ diễn đạt cùng đích của Giáo hội hiện hữu: vì tha nhân và cho tha nhân. Hình ảnh người Samaritanô nhân hiền đối với tha nhân, nhất là những người bị hà hiếp, đau khổ, nghèo nàn... nói lên sứ mạng của Ðức Kitô: Người đến để phục vụ, chứ không phải để được người khác phục vụ. Như vậy trần gian trở nên môi trường và phương thế cho ơn kêu gọi Kitô hữu nói chung và cho người tín hữu giáo dân nói riêng. trong mô hình này, người giáo dân có một địa vị đặc thù: họ là những chứng nhân thường xuyên và trực tiếp giữa trần gian. Vì sứ mạng của họ thật cao cả, bất khả thay thế và đầy khó khăn nên cần sự "trợ giúp" và sự "cộng tác" của các "thừa tác viên" trong phẩm trật Giáo hội. Như vậy, giáo dân là hiện thân Giáo hội phục vụ giữa trần gian, thì các thừa tác viên là "tôi tớ của các tôi tớ" (servi servorum Dei). Hai mô hình trên nhấn mạnh đến hai khía cạnh quan trọng của Giáo hội hiện hữu: nguồn gốc (theo lịch sử tính) và cách chung của Giáo hội hiện hữu cần được một mô hình khác bao dung và liên kết, đó là: Giáo hội như một Huyền Nhiệm Hiệp Thông. Ở đây bao quát những khía cạnh như Giáo hội là Bí tích, là người rao giảng. Giáo hội Hiệp Thông nói lên nguồn gốc càng thâm sâu của Giáo hội: Chúa Ba Ngôi, và đồng thời cũng diễn đạt được cùng đích của Giáo hội, đang và sẽ được các tín hữu nỗ lực thực hiện trong mỗi thời đại của mình: Nước Chúa thống trị. Như vậy chúng ta hiểu được tại sao trong Tông Huấn, Ðức Thánh Cha từ đầu tới cuối đều dùng những cách thế khác nhau để nói lên tâm tình của :Người chủ vườn nho": "Các ông cũng thế, hãy đi vào làm vườn nho cho Ta". Lời mời gọi nhiều khi thành những lời cảnh tỉnh: "Tại sao các ngươi đứng đây suốt ngày mà chẳng làm gì?". Lời mời gọi, lời cảnh tỉnh không ngoài mục đích nói lên sứ mệnh của toàn dân Chúa và vai trò đặc biệt của người giáo dân trong Giáo hội và giữa trần gian là "truyền giáo" vậy.
Lm Vũ Kim Chính, SJ
Giáo sư Ðại Học Công Giáo Phụ Nhân, Ðài Loan