Suy Niệm Mùa Chay Theo Ðường Hy Vọng

(40 Bài Suy Niệm Hằng Ngày trong Mùa Chay

gợi ý từ Tác Phẩm Ðường Hy Vọng

do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 40 -

Hy Vọng Hằng Sống

Nhờ Sự Phục Sinh, Từ Cõi Chết

(Thứ Bảy Tuần Thánh)

 

"Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã thể theo lòng thương hải hà mà tái sinh chúng ta cho hy vọng hằng sống nhờ sự Phục sinh, từ cõi chết của Ðức Giêsu Kitô" (1Pr 1,3). (ÐHV 949)

Người công giáo là ánh sáng giữa đêm tối, là muối sống giữa thối nát, và là hy vọng giữa một nhân loại thất vọng.

Mt 5,13-14: Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.

(ÐHV 950)

* * *

Từ trên Thập giá, Chúa Giêsu còn nghe thêm những lời chối từ tình thương của Ngài, chối từ Mầu nhiệm Thập Giá mà Ngài đang sống qua. Phúc Âm theo Thánh Marco, nơi chương 15, câu 35-36 đã ghi lại lời nói thứ ba của con người đối với Chúa Giêsu đang bị treo trên thập giá như sau:

"Ðến giờ thứ chín - nghĩa là ba tiếng đồng hồ sau - khi bị treo lên thập giá, Chúa Giêsu kêu lên lớn tiếng rằng: Êlo-i, Êlo-i, Lama sabactani! (Nghĩa là: Lạy Chúa tôi, Lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ tôi!) Mấy người đứng đấy nghe thấy liền nói: "Kìa, ông ta gọi Tiên tri Êlia". Một người chạy đi lấy miếng bọt biển thấm vào dấm, cắm vào cây sậy và đưa cho Người uống, và nói: "Ðể xem Tiên tri Êlia có đến đem ông ta đi không?" (Mc.15:35-37)

Phúc Âm theo Thánh Marco không nói rõ chi tiết những người đang đứng gần bên thập giá và nói những lời: "Kìa, ông ta gọi Tiên tri Êlia" và "Ðể xem Tiên tri Êlia có đến đem ông ta đi không?", là ai. Nhưng qua cử chỉ của một người trong bọn đi lấy "một miếng bọt biển, thấm dấm, cắm vào cây sậy và đưa cho Người uống" mà không bị quân lính Rôma cản trở, cũng không bị những người Do Thái thù ghét Chúa cản trở thì ta có thể đoán được nhóm người này có chút liên hệ đến cuộc đóng đinh Chúa, cùng thuộc về phe những kẻ chống đối Chúa, mặc dù lời nói của họ không có tính cách xúc phạm đến Chúa nhiều, như những kẻ khác: như những kẻ qua đường và những người trí thức lãnh đạo dân Do Thái nói trên.

Họ chứng kiến thảm kịch đóng đinh treo Chúa trên Thập giá. Họ không hiểu gì. Và nghe lời nói: Êlo-i, Êlo-i từ miệng Chúa, họ hiểu lầm rằng Chúa gọi Tiên tri Êlia đến cứu giúp. Và họ chờ đợi xem Tiên tri Êlia đến đem Chúa khỏi thập giá. Thái độ và lời nói của họ hàm chứa sự không tin và khinh dễ Chúa. Có thể họ nghĩ rằng cái chết của Chúa, khổ hình thập giá Chúa đang chịu là một điều đáng tiếc, như bình thường, xứng đáng cho một người dám xưng mình là Ðấng cứu thế. Theo truyền thống Do Thái, thì Tiên tri Êlia phải đến trước khi Ðấng cứu thế đến. Họ chờ đợi xem Êlia có đến cứu người bị đóng đinh kia không. Và họ đã nói lời chờ đợi đó với thái độ khinh bỉ. Họ chờ đợi một Ðấng cứu thế khác, không qua con đường khổ nạn thập giá. Họ không muốn và không hiểu tại sao một Ðấng cứu thế mà phải chết nhục nhã trên thập giá như vậy.

Thật ra, từ lúc còn đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói rõ cho dân biết Êlia đã đến trước Ngài, và Êlia đó là Gioan tiền hô. "Ðây, ta nói điều này cho các người muốn nghe thì được nghe: Gioan chính là Êlia mà các Tiên tri loan báo sẽ xuất hiện" (Mt.11:14)

Vì thế, những người hiểu lầm ý định của Chúa là những kẻ nhẹ dạ, không nghiêm chỉnh đón nhận Lời Chúa rao giảng, và do đó, không chấp nhận Chúa bị treo trên thập giá. Phải chăng chúng ta, dù là đồ đệ tin Chúa rồi, nhưng vẫn còn lơ là với lời giảng dạy của Chúa, và không nhìn thấy tại sao Chúa phải chịu chết như vậy?

Cơn hấp hối của Chúa trên thập giá kéo dài từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín. Chúa còn phải lắng nghe nhiều lời nói xúc phạm của con người đối với Ngài nữa.

Lời nói thứ tư là lời của các quân lính Rôma, những người ngoài. Phúc Âm theo Thánh Luca, nơi chương 23, câu 36-37 đã ghi lại như sau:

"Cả những quân lính cũng chế nhạo Ðức Kitô nữa. Khi họ đến đưa dấm chua cho Ðức Kitô uống, họ nói: "Nếu mi là vua dân Do Thái, hãy tự cứu lấy thân mình đi". (Lc.23:36-37)

Lời thách thức của nhóm lính Rôma có đượm vẻ khinh mạn. Trước hết họ khinh mạn Chúa, một người xưng mình là vua mà giờ đây quá yếu hèn, không đủ sức cứu lấy thân mình, bị mọi người ruồng bỏ. Họ không biết rằng Chúa Giêsu bị treo trên thập giá là do ý Ngài muốn như vậy, để làm lễ hy sinh chuộc tội toàn thể nhân loại, chứ không phải vì Ngài yếu hèn. Trước khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh cho các đồ đệ hiểu rằng: Ngài tự nguyện làm như vậy. Tự nguyện hiến dâng mạng sống mình. Ngài im lặng, không trả lời những thách thức, nhạo cười của con người.

Cùng chịu đóng đinh với Ngài, có hai tên trộm. Kẻ thù của Chúa đã muốn làm như vậy, để hạ nhục Chúa đến mức độ cuối cùng, để cho người ta thấy Ngài bị treo chết giữa những kẻ gian ác. Phúc Âm theo Thánh Luca, chương 23, câu 39 ghi lại như sau:

"Nếu ông là Ðức Kitô, thì ông tự cứu mình đi và cứu cả chúng ta nữa".

Ðây là lời thứ năm con người nói với Chúa Giêsu trên thập giá. Lời của một kẻ trộm, không biết hối lỗi, và chỉ nghĩ cách trốn chạy hình phạt, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến lợi cho mình. Giờ chết chắc chắn đến với anh, mà anh vẫn không nghĩ đến sự sống đời đời, sự thưởng phạt công minh của Thiên Chúa. Anh thách thức Chúa xuống khỏi thập giá, không phải để anh tin và canh tân đời sống, nhưng để cứu anh khỏi chết trên thập giá và anh có thể đi ăn trộm tiếp.

Khác với anh, người ăn trộm bị treo bên tay hữu Chúa, nói lời ăn năn, xin Chúa cứu anh về Nước Ngài. Anh nói: "Lạy Ngài, xin nhớ đến tôi khi nào Ngài về Nước của Ngài". (Lc.23:42)

Anh đã nhìn nhận tội lỗi và hình phạt đáng chết. Anh nghĩ đến sự sống đời sau, và hướng về Chúa chịu treo trên Thập Giá, để xin Ngài thương ban ơn cứu rỗi. Lời xin ơn tha thứ cũng là lời tuyên xưng đức tin. Anh đã tin Chúa và không cần bằng chứng. Ðây là lời thứ 6, lời thống hối ăn năn của con người trước Thập Giá Chúa Kitô. Trước những lời trách móc, thách thức, thù hận, Chúa Giêsu không trả lời. Nhưng trước thái độ thống hối ăn năn của tên trộm lành, Chúa Giêsu trả lời anh ngay và hứa ban ơn cứu rỗi: "Hẳn thật, hôm nay con sẽ được ở cùng Ta trên Thiên Ðàng". (Lc 23:43)

Cái chết của Chúa đã không vô ích. Từ trên thập giá Chúa đã đưa một người về cùng Chúa.

Và cuối cùng, khi Ngài tắt thở, viên sĩ quan chỉ huy toán lính thốt lên: "Ðúng thực, Người này là Con Thiên Chúa". (Mc.15:39)

Ðây là lời thứ 7, lời tuyên xưng đức tin của con người trước trước Thập Giá Chúa Kitô. Ước chi đó cũng là lời của chúng ta.

Hôm nay là ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, ngày chuẩn bị đón chờ Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa. Qua cái chết Chúa Giêsu đã phục sinh, Ngài đã chiến thắng sự chết. Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách Ðường Hy Vọng, đã chia sẻ ánh sáng của Phục Sinh, niềm vui của chiến thắng khải hoàn, niềm vui chúng ta được tái sinh nhờ sự Phục sinh, từ cõi chết của Ðức Giêsu Kitô như sau:

"Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã thể theo lòng thương hải hà mà tái sinh chúng ta cho hy vọng hằng sống nhờ sự Phục sinh, từ cõi chết của Ðức Giêsu Kitô" (1Pr 1,3). (ÐHV 949)

Người công giáo là ánh sáng giữa đêm tối, là muối sống giữa thối nát, và là hy vọng giữa một nhân loại thất vọng.

Mt 5,13-14: Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.

TG 15g: Giáo dân, nghĩa là các Kitô hữu đã nhờ phép Rửa tội mà sát nhập vào Chúa Kitô và đang sống giữa thế gian, giữ một vai trò rất quan trọng và đáng được đặc biệt lưu tâm. Thực vậy, bổn phận riêng của họ là: sau khi thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, họ phải làm sống động tự bên trong như men trong bột và sắp đặt công việc trần thế để chúng luôn luôn được thực hiện theo ý Chúa Kitô. (ÐHV 950)

Lạy Chúa, xin thương ban ơn giúp chúng con nhận ra ánh sáng ơn cứu độ của Chúa, và giúp chúng con luôn tránh xa bóng tối của tội lỗi và sẵn sàng trở thành men cho đời, là đèn soi sáng cho thế gian, để mọi người cũng nhận biết Chúa là Ðấng cứu độ của nhân loại. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page