Suy Niệm Mùa Chay Theo Ðường Hy Vọng

(40 Bài Suy Niệm Hằng Ngày trong Mùa Chay

gợi ý từ Tác Phẩm Ðường Hy Vọng

do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 39 -

Chúa Ðã Yêu Con

(Thứ Sáu Tuần Thánh)

 

"Trong giờ Tử nạn, Chúa đem theo những Tông đồ Ngài yêu thương riêng: Phêrô, Gioan, Giacôbê (x. Mt 26:37-38). Con sợ Chúa thương không?" (ÐHV 699)

"Trong gian khổ có ba điều con nên tránh:

- Ðừng điều tra "tại ai?" Hãy cám ơn dụng cụ nào đó Chúa dùng thánh hoá con.

- Ðừng than thở với bất cứ ai. Chúa Thánh Thể, Ðức Mẹ là nơi con tâm sự trước hết.

- Khi đã qua, đừng nhắc lại và trách móc, hận thù. Hãy quên đi, đừng nhắc lại bao giờ!

(ÐHV 700)

* * *

Theo Phúc Âm Thánh Matthêu, thì tiếp liền với những lời của những khách qua đường, không có giờ dừng lại suy nghĩ trước Thập Giá Chúa Giêsu, có những người trí thức, những vị lãnh đạo tôn giáo của dân Do Thái, nhưng thù nghịch với Chúa. Chính họ đã tốn nhiều thời giờ để suy tư về hiện tượng Chúa Giêsu Kitô, về những lời giảng dạy và hành động của Ngài, không phải để tin nhận, nhưng để bắt bẻ, và tìm những bằng cớ này nọ để bắt và giết chết Chúa. Họ có dư thời giờ để suy nghĩ về hiện tượng tôn giáo. Họ không lãnh đạm với tôn giáo, nhưng trở thành những kẻ thù của tôn giáo mới của Chúa Giêsu, vì sứ điệp của Chúa phơi bày sự lạm dụng tôn giáo của họ, để có vinh quang và lợi lộc riêng. Ðây là hạng người mà trước khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu đã thẳng thắn cảnh cáo: "Các người giết Ta, không tin nhận Ta, vì nơi tâm hồn các người không có tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa, vả lại các người chỉ lo tìm vinh dự riêng cho cá nhân mà thôi". Phải, những nhà trí thức thù nghịch Chúa cũng không chấp nhận Thập Giá Chúa, không hiểu được Mầu nhiệm Thập Giá. Họ kiêu hãnh thách thức Chúa với những lời lẽ như sau:

"Các trưởng tế, các văn sĩ và các trưởng lão cũng chế nhạo Chúa rằng: Nó cứu được kẻ khác, song không cứu được mình. Nếu nó là vua dân Do Thái, thì hãy xuống khỏi thập giá đi, có thế ta mới tin. Nó trông cậy vào Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa yêu nó, thì hãy cứu nó, vì nó đã nói: Ta là Con Thiên Chúa". (Mt.27:41-43)

Ðó là lời thứ hai con người nói lên trước Mầu nhiệm Thập Giá Chúa. Sự thách thức thù nghịch đạt đến mức độ tột cùng, bởi vì đó là những con người trí thức, có thời giờ suy nghĩ về tôn giáo, về giáo lý của Chúa. Họ là những trưởng tế, những nhà thông luật Môisen và các trưởng lão. Không những họ thách thức Chúa Giêsu mà còn thách thức cả Thiên Chúa Cha: Nếu Thiên Chúa yêu thương nó, thì hãy cứu nó, vì nó đã nói: "Ta là Con Thiên Chúa".

Những kẻ tự cho mình khôn ngoan, khôn ngoan hơn sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thời nào cũng vậy. Họ tự hào và tự kiêu về sự hiểu biết của họ đối với giáo lý của Chúa Giêsu. Họ dùng cả ba tước hiệu mà Chúa Giêsu vẫn dùng để nói về mình, để thách thức Chúa: "Ðấng cứu thế", "Vua Israel" và "Con Thiên Chúa". Nhưng họ muốn giải thích ba tước hiệu này theo quan niệm chính trị và trần tục. Họ đã trở thành mù quáng, mù quáng tinh thần, tệ hại hơn sự mù quáng thể xác. Người mù được Chúa chữa lành, đã mở mắt tinh thần tin nhận Chúa qua lý luận: "Nếu ông này không đẹp lòng Thiên Chúa thì không thể nào làm việc lạ lùng cho tôi được mắt sáng như thế này. Và anh ta hãnh diện công bố cho những người Pharisiêu, những nhà trí thức thù nghịch Chúa như sau: "Thật đáng ngạc nhiên, các ông không biết ông ấy bởi đâu mà ra mà ông ấy mở mắt được cho tôi. Chắc hẳn Thiên Chúa không nghe lời kẻ có tội, còn ai thờ phượng Chúa và tuân theo ý Chúa, thì Chúa nhậm lời kẻ ấy cầu xin. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt được cho người mù từ khi sinh. Nếu ông ấy không phải là người của Thiên Chúa, thì không làm được việc gì". Nhóm Pharisiêu quát lên: "Mày sinh ra hoàn toàn trong tội lỗi, mà mày dám dạy chúng ta ư?" (Ga.9:30-34 hay toàn chương 9 này nói về Phép lạ chữa người mù).

Một khi tâm hồn đã mù quáng và chống đối không tin Chúa rồi, thì dù có chứng kiến bao nhiêu phép lạ đi nữa, con người không tin vẫn không tin. Những nhà trí thức của dân Do Thái thù nghịch với chúa Giêsu đã không tin Ngài, đã lập mưu để giết chết Ngài, thì dù Chúa có xuống khỏi thập giá đi nữa, họ cũng vẫn không tin, mặc dù họ thách thức: "Nếu nó là vua dân Do Thái, thì hãy xuống khỏi thập giá đi, có thế ta mới tin".

Chúa Giêsu vẫn im lặng. Không trả lời. Ngài không muốn rơi vào cám dỗ thách thức Thiên Chúa mà Satan đã bày ra cho Ngài vào lúc khởi đầu sứ mạng cứu rỗi. Ngài biết rõ Thiên Chúa Cha cần đến Thập giá, cần đến cái chết của Ngài để cứu rỗi con người. Và Ngài sẵn sàng, cho đến cùng!

Hôm nay là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày tưởng niệm Chúa Giêsu chịu chết trên Thập Giá để cứu chuộc nhân loại. Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách Ðường Hy Vọng, đã chia sẻ với những người con tinh thần của ngài về sức mạnh của Thập giá như sau:

"Trong giờ Tử nạn, Chúa đem theo những Tông đồ Ngài yêu thương riêng: Phêrô, Gioan, Giacôbê (x. Mt 26:37-38). Con sợ Chúa thương không?" (ÐHV 699)

"Trong gian khổ có ba điều con nên tránh:

- Ðừng điều tra "tại ai?" Hãy cám ơn dụng cụ nào đó Chúa dùng thánh hoá con.

- Ðừng than thở với bất cứ ai. Chúa Thánh Thể, Ðức Mẹ là nơi con tâm sự trước hết.

- Khi đã qua, đừng nhắc lại và trách móc, hận thù. Hãy quên đi, đừng nhắc lại bao giờ!

Ðời sống chung được nuôi dưỡng bằng giáo lý Phúc âm, Phụng vụ thánh và nhất là Bí tích Thánh Thể, phải được kiên trì trong lời cầu nguyện, trong sự hiệp thông cùng một tinh thần (x. Cv 2:42), theo gương Giáo hội sơ khai, trong đó các tín hữu chỉ có một tấm lòng, một tâm hồn (x. Cv 4:32)... Là chi thể Chúa Kitô, các tu sĩ hãy mang lấy gánh nặng của nhau (x. Gl 6:2) và trọng kính lẫn nhau trong tinh thần giao hảo huynh đệ (x. Rm 12:10). (ÐHV 700)

Lạy Chúa, xin thương ban ơn giúp con đừng có thái độ thách thức quyền năng của Chúa, mà xin Ngài hãy giúp chúng con biết hy sinh chấp nhận vác Thánh Giá mỗi ngày mà theo Chúa. Xin ban ơn sức mạnh cho chúng con để chúng con luôn biết hy sinh vì tình yêu anh chị em chung quanh. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page