Suy Niệm Mùa Chay Theo Ðường Hy Vọng

(40 Bài Suy Niệm Hằng Ngày trong Mùa Chay

gợi ý từ Tác Phẩm Ðường Hy Vọng

do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 27 -

Mầu Nhiệm Chúa Giêsu

(Thứ Sáu tuần 4 Mùa Chay)

 

"Sự cứu rỗi của nhân loại không phải là một "Tổ Chức" mà là một "Mầu Nhiệm", Mầu Nhiệm Chúa Giêsu chịu chết và sống lại". (ÐHV 290)

* * *

Vào năm 1943, cô Chiara Lubich đã khởi xướng phong trào Focolare (tạm dịch là "Tổ ấm") với lý tưởng "hiệp nhất tất cả mọi thành phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô".

Chiara Lubich lúc ấy là một cô gái trẻ vừa tròn 18 tuổi. Tuy nhiên cô đã có một đời sống nội tâm sâu xa, yêu thích sống kết hiệp với Thiên Chúa. Một lần nọ, mẹ cô sai cô đi mua sữa cho em. Cô vui vẻ làm công việc với tinh thần vui tươi, hăng hái. Trên đường đi, cô cảm thấy dường như đã tìm được ơn gọi của mình là hoạt động bác ái giữa những người cùng khổ. Lúc đó cô đang điều khiển một nhóm Công giáo tiến hành. Sau chuyến đi dự khóa hội thảo tại Loretto, Chiara Lubich đã quyết tâm theo Chúa bằng cách sống ba lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo và tuân phục.

Thế chiến thứ 2 bùng nổ, Chiara Lubich vẫn còn ở lại Trentô để phục vụ các nạn nhân chiến tranh. Tình yêu của cô đối với tha nhân đã thu phục nhiều thiếu nữ khác cùng sống lý tưởng bác ái hiệp nhất, thấy Chúa trong tha nhân nhất là trong những người bị bỏ rơi va xua đuổi... Và nếp sống ấy đã vượt ra khỏi ranh giới thành phố Trentô.

Vào một ngày nọ, giữa năm 1948, một thanh niên 20 tuổi, chuyên viên điện, đến sửa điện tại nhà các cô. Nghe các cô nói về Thiên Chúa và về kinh nghiệm sống, anh thích thú và muốn nghe mãi. Lúc xong việc, thay vì nhận tiền công anh ta lại được xin trở thành thành viên của nhóm Focolare (gọi là Tổ ấm) vì nghe thấy một tiếng thiêng liêng gọi anh sống đời sống đó. Rồi một kỹ sư nữa cũng đến xin gia nhập. Thế là "tổ nam" được thành lập, trụ sở đầu tiên của "Tổ ấm nam" là một chỗ nuôi gà vịt được sửa lại. Ngày kia, có một linh mục đến gặp hai anh. Thấy hai anh sống trong chuồng gà, ngài chê là điên. Các anh trả lời: "Chúng con điên vì tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng điên".

Ðối diện với Chúa Giêsu Kitô, con người phải có một thái độ dứt khoát. Ngài là dấu hiệu mâu thuẫn. Ðối diện với Ngài, nhiều người cúi mình khiêm tốn tin phục, nhưng cũng có những kẻ khác tự kiêu cố chấp từ chối, cho việc tin nhận Ngài là một hành động điên rồ. Nhưng để làm đồ đệ của Chúa thì phải chấp nhận để người ta gọi mình là điên, điên vì tình yêu Chúa để có thể phân phát tình yêu đó cho anh chị em xung quanh. Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách Ðường Hy Vọng đã viết như sau:

"Người ngoài không hiểu được tại sao ta theo tiếng gọi của Chúa, họ cho ta là điên. Chính Chúa Giêsu cũng bị Hêrođê gọi là điên và chúng ta hãnh diện được ở trong nhà thương điên của Chúa". (ÐHV 68)

Những người Do Thái được nhắc đến trong bài Phúc Âm của Thánh Lễ ngày thứ Sáu tuần 4 Mùa Chay hôm nay chưa hẳn gọi Chúa là người điên nhưng có thể cho Ngài là một người ngông cuồng. Họ tự phụ cho mình đã biết rõ được ngọn nguồn của Chúa, xuất thân từ gia đình nghèo, con ông Giuse và bà Maria, sinh sống tại làng Nagiaret. Thật không thể nào tưởng tượng được một con người xuất thân từ nơi thấp hèn như vậy mà dám xưng mình là Con Thiên Chúa. Mâu thuẫn của Ðức tin Kitô là đó. Con Thiên Chúa xuống thế làm người thấp hèn đến độ bị khinh thường như vậy. Phúc Âm theo Thánh Gioan, chương 7, câu 1-2, 10, 25-30 đã kể lại như sau:

"Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa, người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa vì người Do Thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ trại của người Do Thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai mà lại đi cách kín đáo. Có một số người ở Giêrusalem nói: Ðây không phải là người mà họ tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới thì chẳng ai biết Người ở đâu.

Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ. Người lớn tiếng nói rằng: "Phải, các người biết Ta và biết Ta xuất thân từ đâu. Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra có Ðấng đã sai Ta mà các người không biết Ngài. Riêng Ta thì Ta biết Ngài và Ta bởi Ngài và chính Ngài đã sai Ta".

Họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người vì chưa đến giờ Người". (Ga 7:1-2.10;25-30)

Những người Do Thái tự phụ cho mình biết rõ nguồn gốc của Chúa Giêsu nhưng thật sự họ không biết vì tinh thần họ đã trở nên mù quáng trước những dấu chỉ lạ lùng Chúa đã thực hiện trước mắt họ. Họ làm ngơ giả điếc trước mạc khải vô cùng quan trọng của Chúa Giêsu về nguồn gốc thần linh của mình. "Ta bởi Thiên Chúa Cha mà đến. Và chính Ngài là Ðấng đã sai Ta". Ðây là sự thật rất quan trọng. Và Giáo Hội đã đưa vào kinh Tin Kính để cộng đoàn các đồ đệ của Chúa tuyên xưng: "Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành. Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế".

"Sự cứu rỗi nhân loại không phải là một tổ chức mà là một mầu nhiệm, mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu chết và sống lại". (ÐHV 290)

"Con đừng hoài nghi lúc thấy đường hy vọng vắng bóng những người mà thế gian cho là khôn ngoan, Chúa Giêsu đã báo trước: Lạy Cha, con đội ơn Cha vì Cha đã ẩn dấu những điều này cho những người thông minh, khôn ngoan và Cha đã bày tỏ cho kẻ thấp hèn.

Con chỉ cảm tạ Chúa vì đã ban cho con biết sự khôn ngoan thật" (ÐHV 551)

"Thế gian sợ sự khôn ngoan thật này vì Chúa Giêsu gọi là "đường hẹp", vì nó đảo lộn cuộc sống cũ, vì nó quấy rầy thế gian, vì nó đặt lại nấc thang giá trị, vì thiên hạ cho là chướng tai. Nhưng những tâm hồn thiện chí khiêm cung, những giới trẻ đầy nhiệt huyết qua mọi thời đại đã theo sự khôn ngoan thật này đến cùng". (ÐHV 552)

Lạy Chúa, xin ban cho con một tâm hồn khiêm tốn để có thể lãnh nhận sự khôn ngoan thật của Chúa. Xin thương cho con được gặp Chúa và giúp anh chị em xung quanh đến với Chúa. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page