Suy Niệm Mùa Chay Theo Ðường Hy Vọng

(40 Bài Suy Niệm Hằng Ngày trong Mùa Chay

gợi ý từ Tác Phẩm Ðường Hy Vọng

do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 24 -

Không Còn Ai Xa Lạ

(Thứ Ba tuần 4 Mùa Chay)

 

"Những người khác quanh con, cả nhân loại đang đau thương, khấp khểnh trên đường mịt mù. Ðời con phải là hiến dâng để bắt nhịp cầu hy vọng, đưa họ đến với Chúa là cùng đích, là tình yêu, là tất cả, bên Chúa, nhân loại không còn ai xa lạ, nhưng tất cả là anh em con". (ÐHV 615)

* * *

Ngày nay không ai lại không biết Mẹ Têrêsa thành Calcutta, sáng lập viên dòng các nữ tu truyền giáo bác ái, chuyên lo việc tông đồ bằng cách phục vụ những kẻ mắc bệnh cùi, ốm đau, cùng khổ, đặc biệt là những người đang hấp hối nằm la liệt trên các hè phố.

Trước đây, có lần một vị sư Phật giáo nói với Mẹ: "Tôi biết và yêu mến Ðức Kitô lắm, nhưng tôi ghét Giáo Hội của Ngài. Nếu các chị làm điều các chị nói, có lẽ các chị sẽ trở nên một nơi hội ngộ để chúng tôi có thể gặp gỡ Hội Thánh của Ðức Kitô".

Sau một năm có dịp được cùng làm việc với Mẹ Têrêsa, vị sư đó phát biểu như sau: "Tôi đã quan sát chị. Bây giờ tôi thật sự tin rằng các chị làm việc cốt chỉ để giúp những người nghèo khổ, xấu số nhất. Chúng tôi sẽ dâng cho các chị một ngôi nhà trong khuôn viên Chùa chúng tôi để làm bệnh xá miễn phí".

Nhờ các hoạt động từ thiện bác ái, Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã nhận được nhiều giải thưởng của Chính phủ Ấn Ðộ cũng như của các Chính phủ và Tổ chức Quốc tế khác, trong đó có giải Nobel Hòa Bình năm 1979.

Tuy nhiên, giải thưởng làm Mẹ Têrêsa thích thú nhất và hãnh diện nhất chính là đưa được nhiều người về với Thiên Chúa, về với Giáo Hội Công giáo và làm cho nhiều người nhìn nhận và yêu mến Chúa Kitô hơn.

Là những đồ đệ của Ðức Kitô, mỗi người chúng ta khi dấn thân vào trong công cuộc phát triển, từ thiện xã hội, chúng ta không chỉ dừng lại ở chiều kích vật chất phàm trần mà thôi nhưng còn cố gắng, như Mẹ Têrêsa để đưa anh chị em trở về với tình yêu Thiên Chúa, nhìn nhận Chúa Kitô là Ðấng cứu chuộc nhân loại. Trong bài Phúc Âm thứ Ba tuần 4 Mùa Chay hôm nay, trích từ Phúc Âm theo Thánh Gioan, chương 5, câu 1-3 và câu 5-16, chúng ta được dịp nhìn thấy thái độ vừa từ thiện vừa nâng cao tinh thần của Chúa Giêsu đối với người bất toại nằm bên giếng nước. Chúa chữa anh được lành vừa mời gọi anh hãy "canh tân tinh thần, đừng phạm tội nữa" để khỏi phải khốn khổ hơn trước. Chúa Giêsu đã thực hiện công tác phát triển và cứu rỗi chung với nhau. Chúng ta hãy đọc lại đoạn Phúc Âm như sau:

"Hôm đó là ngày lễ của người Do Thái, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Tại đây gần cửa Chiên có một cái giếng, tiếng Do Thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này có rất nhiều người đau yếu, mù lòa, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số này có người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm. Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: Anh muốn được lành bệnh không? Người đó thưa: Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới thì có người xuống trước tôi rồi. Chúa Giêsu nói: Anh hãy đứng dậy, vác chõng mà về. Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng mà đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sabat nên người Do Thái bảo với người vừa mới khỏi bệnh rằng: Hôm nay là ngày Sabat anh không được phép vác chõng. Anh ta trả lời: Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi vác chõng mà đi. Họ hỏi: Ai là người đã bảo anh vác chõng mà đi? Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó. Sau đó, chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa kẻo phải khốn khổ hơn trước. Anh ta đi nói cho người Do Thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh. Vì thế, người Do Thái gây sự với Chúa Giêsu vì Người đã làm như thế trong ngày Sabat". (Ga 5:1-3;5-16)

"Này anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa".

Người được Chúa Giêsu chữa lành trong đoạn Phúc Âm vừa nói trên có thể nói là "người nghèo khổ nhất" trong số những người nghèo bệnh tật nằm bên bờ giếng nơi cửa Chiên của thành Giêrusalem, lúc Chúa Giêsu đi ngang qua. Anh đã nằm chờ từ ba mươi tám năm rồi. Bao nhiêu người đã đi qua, kể cả những vị lãnh đạo tôn giáo của dân Do Thái, những kẻ thuộc nằm lòng Kinh Thánh và muốn tuân giữ luật Chúa dạy cho đến tận cùng với trọn đủ mọi chi tiết. Họ đã đi qua đấy, nhưng lại không nhìn thấy người anh em đang cần được giúp đỡ. Chúa Giêsu đã nhìn thấy và đã chữa lành cho anh. Ngài đã thực hiện một dấu lạ, "cho người què được đi, cho kẻ bệnh tật được lành mạnh" để kêu gọi những con người đang chờ đợi dấu lạ của Ðấng cứu thế sắp đến, hãy mở mắt ra nhìn nhận Ngài là Ðấng cứu thế. Thế nhưng, không ai đã mở mắt tinh thần nhìn nhận sự hiện diện của Chúa. Người được Chúa chữa lành không nhận ra Chúa và những người Do Thái khác, những vị lãnh đạo tôn giáo của dân đang có mặt tại đó, thì chỉ nhìn thấy lỗi luật Sabat, và muốn gây sự với Chúa hơn là vui mừng vì một người anh em được sự lành. Phần Chúa Giêsu, Ngài không dừng lại ở việc chữa lành bệnh tật thể xác, nhưng muốn tiến xa hơn nên đã kêu gọi người được chữa lành hãy nghĩ đến phần linh hồn cao trọng hơn: Anh đừng phạm tội nữa! Chúa Giêsu đã thực hiện cả hai công tác phát triển và cứu rỗi chung với nhau.

Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách Ðường Hy Vọng, đã lưu ý những người con tinh thần của ngài như sau:

"Những người khác quanh con, cả nhân loại đang đau thương, khấp khểnh trên đường mịt mù. Ðời con phải là hiến dâng để bắt nhịp cầu hy vọng, đưa họ đến với Chúa là cùng đích, là tình yêu, là tất cả. Bên Chúa, nhân loại không còn ai xa lạ, nhưng tất cả là anh em con". (ÐHV 615)

"Món quà tuyệt hảo mà con có thể tặng người giúp việc con không phải là chiếc áo đẹp, đôi giày tốt, cái đồng hồ quý nhưng là "tình người", tình anh em mà con âm thầm tặng họ qua các cử chỉ nhỏ nhặt suốt ngày". (ÐHV 590)

Mỗi người chúng ta cần xin Chúa ban cho mình một tâm hồn và đôi mắt như Chúa để yêu thương và nhìn thấy nhu cầu của anh chị em xung quanh. Công việc tông đồ của chúng ta không phải là việc làm của con người nhưng là việc làm của Thiên Chúa, nên cần có những tâm tình của Ngài.

"Là chi thể của nhiệm thể, chúng ta là óc để suy tư, là mắt để nhìn thực tại trần thế, là tai để nghe tiếng rên rỉ, đòi hỏi, là vai để gánh vác, là tay để cứu vớt, là chân để đi đến với những người khổ đau, là quả tim để khắc khoải yêu thương, là miệng để nói những lời bác ái ủi an. Nhờ tông đồ mà Hội Thánh hiện diện giữa thế giới ngày nay". (ÐHV 341)

Ước chi những việc làm tốt của chúng ta góp phần giúp anh chị em nhìn nhận Chúa và yêu mến Ngài hơn.

Lạy Chúa, xin hãy ban cho con con tim như Chúa để biết yêu thương và phục vụ mọi người như Chúa. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page