Suy Niệm Mùa Chay Theo Ðường Hy Vọng
(40 Bài Suy Niệm Hằng Ngày trong Mùa Chay
gợi ý từ Tác Phẩm Ðường Hy Vọng
do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 22 -
Cầu Nguyện Trong Yêu Thương
(Thứ Bảy tuần 3 Mùa Chay)
"Dù con có tử đạo, nộp mình chịu thiêu, dù con có làm tông đồ: giảng dạy bằng các thứ tiếng của nhân loại và thiên thần, dù con có hoạt động từ thiện, đem cả tư gia vốn liếng mà phát chẩn mà con lại không có lòng mến thì cũng hư công vô ích cho con. Việc con làm không quan hệ. Cách con làm mới quan hệ" (ÐHV 831)
* * *
Tác giả của tập sách nổi tiếng có tựa đề "Nơi Thiên Chúa Khóc" về kinh nghiệm sống đức tin của một cộng đồng Kitô bị bách hại tại Ðông Âu trước đây, đã kể lại kinh nghiệm cảm động nhất của mình trong việc cầu nguyện như sau:
"Tôi cùng với một số người Ðức bị đưa đi đày xa quê hương, từ giữa lòng thế chiến thứ hai. Tất cả đều là người Công Giáo và cùng lao động tại một nông trường. Nơi ấy không có nhà thờ cũng chẳng có linh mục. Nhưng chúng tôi được tụ họp mỗi chiều Chúa Nhật tại một nghĩa địa cũ để cầu nguyện chung với nhau. Khi biết cách đó 1,000 cây số có linh mục, anh chị em Kitô bèn quyết định hàng tháng góp tay nhau một ít tiền để mua vé xe cho một bà già đi về nơi ấy để mang Mình Thánh Chúa đến cho cộng đoàn. Thế rồi từ đó, mỗi chiều Chúa Nhật, cộng đoàn gặp nhau trong nghĩa địa với tâm hồn hân hoan vui sướng vì biết rằng có Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện với mình. Chúng tôi sốt sắng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa... Những ai yếu liệt đều được trao cho của ăn đi đàng quý giá trước khi qua đời.
Nhờ vậy trong suốt mấy mươi năm trời, cộng đoàn Kitô chúng tôi vẫn sống niềm tin kiên vững, đùm bọc yêu thương nhau trong tình bác ái huynh đệ".
Tác giả của tập sách nói trên được sang sống bên thế giới tự do vào năm 1972, và cho biết chính mình là người điều khiển cộng đoàn Kitô cầu nguyện mỗi chiều Chúa Nhật tại nghĩa địa, như đã kể trong tập sách. Sống bên xã hội tự do nhưng tâm hồn tác giả lúc nào cũng nhớ về cộng đoàn huynh đệ vây quanh Chúa Giêsu Thánh Thể để cầu nguyện và nâng đỡ nhau.
Lời cầu nguyện chân thật lúc nào cũng là lời cầu nguyện của tình thương yêu, của sự tha thứ, lời cầu nguyện liên kết mọi người với nhau, lời cầu nguyện xây dựng cộng đoàn. Thật là khác với lời cầu nguyện của người Pharisiêu như được Chúa Giêsu mô tả trong đoạn Phúc Âm ngày Thứ Bảy tuần 3 Mùa Chay hôm nay, trích từ Phúc Âm theo Thánh Luca, chương 18, câu 9-14 như sau:
"Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: Cả hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng và cầu nguyện rằng: Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình hay như tên thu thuế kia, tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả hoa lợi của tôi. Người thu thuế đứng xa xa không dám ngước mặt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội.
Ta bảo các ngươi: Người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống. Và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên". (Lc 18:9-14)
Ðọc đoạn Phúc Âm trên, chúng ta liền nhớ đến những lời nhắn nhủ sau đây của Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách Ðường Hy Vọng:
"Dù con có tử đạo, nộp mình chịu thiêu, dù con có làm tông đồ: giảng dạy bằng các thứ tiếng của nhân loại và thiên thần, dù con có hoạt động từ thiện, đem cả tư gia vốn liếng mà phát chẩn mà con lại không có lòng mến thì cũng hư công vô ích cho con. Việc con làm không quan hệ. Cách con làm mới quan hệ" (ÐHV 831)
Người biệt phái cầu nguyện đứng thẳng. Chi tiết này nói lên một thái độ tinh thần tự kiêu, ỷ lại trước nhan Thiên Chúa. Và nội dung của lời cầu nguyện của ông chỉ là những lời khoe khoang với Chúa và gây chia rẽ. "Con không phải như người thu thuế tội lỗi kia... Con không giống những kẻ tham lam, bất công, ngoại tình". Toàn là những lời kết tội anh em, lỗi đức bác ái, không có chút gì xây dựng cộng đồng và tôn vinh lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ngược lại, người thu thuế đã ý thức thân phận tội lỗi của mình nên khiêm tốn cúi mình xin Chúa thương xót, hướng dẫn mình trở về với tình thương, với Chúa và với anh em mà mình đã xúc phạm. Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách Ðường Hy Vọng, đã nhắn nhủ chúng ta việc cầu nguyện như sau:
"Khi hai hay ba người hiệp nhau vì danh Ta thì Ta ở giữa họ. Lời Chúa Giêsu đã ứng nghiệm, đặc biệt nơi nhiều cộng đoàn cầu nguyện. Họ sống xa linh mục hàng ngàn cây số mà vẫn hướng dẫn nhau cầu nguyện kiên trì giữa gian nan và cô đơn". (ÐHV 124)
"Dầu miệng con không nói ra, Chúa đã hiểu thấu lòng con. Con hãy xem gương người đàn bà đau băng huyết: động đến gấu áo Chúa được nhậm lời ngay". (ÐHV 139)
"Con tội lỗi không dám ra trước mặt Chúa nhưng lời Hội Thánh khiến con vững tâm: Nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Tất cả sự thương khó Chúa Giêsu, công nghiệp Ðức Mẹ và các Thánh, không đủ bao bọc lời cầu nhỏ bé của con sao?" (ÐHV 140)
"Trong cuộc đời Chúa Giêsu, hình như Chúa yêu thương cách riêng những kẻ khiêm nhường và quên hết tội lỗi của họ, không bao giờ nhắc lại: Phêrô, Mađalêna, Simon phong cùi, Giakêu, v.v... Chúa tự mời mình đến nhà họ và đành chịu tiếng làm bạn của quân thu thuế và người tội lỗi". (ÐHV 521)
Quyền năng nơi Thiên Chúa phục vụ cho lòng nhân từ của Ngài. Quyền năng của một người cha nhân từ đủ sức thanh tẩy và đổi mới cuộc đời tội lỗi, nếu chúng ta khiêm tốn để cho ơn Chúa được tự do tác động.
Lạy Chúa, như người thu thuế kia, con thành tâm kêu xin Chúa: Xin hãy thương xót con, hãy tha thứ mọi tội lỗi con và dẫn con về với tình yêu, yêu Chúa và yêu anh em như Chúa. Amen.