Suy Niệm Mùa Chay Theo Ðường Hy Vọng

(40 Bài Suy Niệm Hằng Ngày trong Mùa Chay

gợi ý từ Tác Phẩm Ðường Hy Vọng

do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 18 -

Bảy Mươi Lần Bảy

(Thứ Ba tuần 3 Mùa Chay)

 

"Va chạm người khác là sự thường. Sống một xã hội không va chạm chỉ có thể là thiên đàng. Một hòn đá nhờ va chạm mà láng hơn, tròn hơn, sạch hơn, đẹp hơn". (ÐHV 211)

* * *

Linh mục kiêm văn hào Émile Loutil với biệt hiệu là Pierre I' Ermite đã viết nhiều bài báo và tác phẩm nổi tiếng có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng Pháp, nhất là giới trẻ.

Ngài đã nêu lên một ít nguyên tắc đơn sơ nhưng hiệu quả lớn lao nếu chịu khó thực hiện. Những nguyên tắc đó là:

1. Chấp nhận nhau.

2. Không xét đoán ai.

3. Không chỉ trích ai.

4. Không bè phái.

5. Nghĩ tốt về kẻ khác.

6. Nói tốt về kẻ khác

7. Sửa lỗi cho nhau.

8. Cùng nhau suy nghĩ.

9. Luôn luôn tha thứ.

10. Cùng nhau hành động.

11. Liên đới trách nhiệm

12. Cùng nhau giải trí.

13. Cùng nhau cầu nguyện.

Mười ba nguyên tắc sống đơn sơ kia là mười ba bậc thang quan trọng giúp mỗi người chúng ta tiến lên trên con đường tha thứ cho kẻ khác để gieo rắc niềm tin và hy vọng vào tâm hồn anh chị em. Bài Phúc Âm của Thánh lễ ngày thứ Ba tuần 3 Mùa Chay hôm nay, trích từ Phúc Âm theo Thánh Mathêu, chương 8, câu 21-35 nhắc chúng ta nhớ lại bài học của Chúa về sự tha thứ như sau:

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ họ đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không? Chúa Giêsu đáp "Ta không bảo con phải tha thứ đến bảy lần nhưng đến bảy mươi lần bảy.

Và vấn đề này thì cũng giống như ông vua kia tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả nên chủ ra lệnh bán y, bán vợ con y và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân và van lơn rằng: Xin vui lòng cho tôi khất đi một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho Ngài tất cả. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: Hãy trả nợ cho ta. Bấy gờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh. Y không nghe bắt người bạn tống giam vào ngục cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm; họ liền đi thuật lại với chủ tất cả câu chuyện. Bấy giờ ông chủ đòi y đến và bảo rằng: Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi vì ngươi đã van xin ta. Còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi? Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ cho đến khi trả hết nợ.

Vậy cha Trên trời cũng đối xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình". (Mt 18:21-35)

Tha thứ cho đến bảy lần, đó là tha thứ theo luật Môisen dạy, cho đến bảy lần thôi. Ðó là tha thứ theo đúng mức độ công bằng của lề luật, của lý luận con người. Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời bằng cách nói "tha thứ cho đến bảy mươi lần bảy", tha thứ không cùng, không giới hạn, vượt qúa lý luận phàm trần của con người. Tha thứ như Chúa đã thương tha thứ cho chúng ta. Trong dụ ngôn, người đầy tớ mắc nhiều nợ, chỉ xin ông chủ chờ thêm thời gian thì y sẽ trả nợ đủ. Nhưng ông chủ đã tha luôn cả số nợ. Sự đáp trả của ông vượt quá sự tưởng tượng của người đầy tớ. Thế nhưng, anh ta đã không hành xử như vậy đối với người bạn chỉ mắc nợ anh có một trăm bạc, một phiền lòng nhỏ. Bài học Chúa Giêsu muốn dạy các tông đồ lúc đó và cho mọi đồ đệ của Ngài qua mọi thời đại đó là:

"Cha trên trời cũng đối xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình" (Mt 18:35). Chúng ta hãy tự kiểm điểm lại đời sống mình trên phương diện này. Hãy sống điều chúng ta thường cầu nguyện: "Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con" (Mt 6:12). Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách Ðường Hy Vọng, đã chia sẻ kinh nghiệm tu đức về điểm này như sau:

"Tính chỉ trích phê bình là một trở ngại lớn cho đời sống siêu nhiên của con, chỉ tiêu cực phàn nàn kẻ khác, con quấy rầy họ và nuôi sự đắng cay trong lòng con". (ÐHV 206)

"Va chạm người khác là sự thường. Sống một xã hội không va chạm nhau chỉ có thể là thiên đàng. Một hòn đá nhờ va chạm mà láng hơn, tròn hơn, sạch hơn, đẹp hơn". (ÐHV 211)

"Phàn nàn là một bệnh dịch hay lây. Triệu chứng là: bi quan, mất bình an, nghi ngờ, mất nhuệ khí khi kết hiệp với Chúa". (ÐHV 739)

"Bác ái không chỉ có yêu tương và tha thứ, bác ái là cả một hành động để tạo bầu khí mới giữa cộng đồng làng xã, cộng đồng quốc gia, cộng đồng quốc tế". (ÐHV 800)

"Biến thế giới của thú vật nên thế giới của con người, biến thế giới của con người nên thế giới của con Chúa". (ÐHV 801)

"Chỉ giây phút hiện tại quan trọng. Ðừng nhớ ngày hôm qua của anh em để chỉ trích. Ðừng nhớ ngày hôm nay của con để khóc lóc. Nó đã vào dĩ vãng. Ðừng nhìn ngày mai của con để bi quan, nó còn trong tương lai. Giao quá khứ cho lòng nhân từ của Thiên Chúa, giao tương lai cho sự quan phòng của Chúa, giao tất cả cho tình yêu Chúa". (ÐHV 898)

Phàn nàn, chỉ trích là dấu chứng tỏ chúng ta chưa tha thứ hay tha thứ không thật tình. Không tha thứ cho nhau, chúng ta sẽ không có bình an trong tâm hồn, nghi ngờ, bi quan, mất nhuệ khí. Hãy tha thứ cho nhau, noi gương Chúa để biến thế giới của thú vật nên thế giới của con người, biến thế gới của con người nên thế giới của con Chúa. Hãy sống trong tình yêu Chúa luôn mãi.

Lạy Chúa, xin thương hướng dẫn con trên con đường canh tân cuộc sống đức tin và đức ái. Xin ban cho con được mỗi ngày một trở nên giống Chúa hơn để xây dựng hòa bình và hòa hợp trong môi trường con sống. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page