Suy Niệm Mùa Chay Theo Ðường Hy Vọng
(40 Bài Suy Niệm Hằng Ngày trong Mùa Chay
gợi ý từ Tác Phẩm Ðường Hy Vọng
do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 17 -
Niềm Tin Ở Ðâu?
(Thứ Hai tuần 3 Mùa Chay)
"Con đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin lý thuyết và hình thức, nhưng phải sống một đức tin chân thật, thiết ái và trung thành". (ÐHV 280)
* * *
Một trong những cuốn phim do diễn viên tài ba về kịch câm, Marcel Marceau thủ diễn có kể câu chuyện như sau:
Một thanh niên đang lim dim đôi mắt tận hưởng những phút giây tắm nắng tuyệt vời vào một ngày đẹp trời. Nhưng rồi bỗng nhiên niềm vui của anh bị quấy nhiễu do những tiếng ồn ào của đám trẻ, tiếng chó sủa, tiếng người qua lại và cả tiếng chim hót. Mọi tiếng động đều có nguyên do và niềm vui riêng của nó, tuy nhiên đối với chàng thanh niên, tất cả đã trở thành cực hình. Ðể chống lại sự phiền nhiễu ấy, anh ta xây quanh mình một bức tường ngăn cách âm thanh, mỗi tiếng động vọng tới là mỗi lần anh gắng sức xây, cứ thế mà bức tường lớn dần, cao dần, cho đến khi ngăn cản được hết mọi tiếng động thì bức tường cũng đã che mất ánh nắng mặt trời tuyệt vời kia, bức tường biến thành một chiếc mộ khổng lồ giam chặt nhốt kín anh vào trong đó.
Dân tộc Do Thái cũng đã được tắm gội ánh sáng, đó là niềm tin được trao ban từ tổ phụ Abraham, tuy nhiên vì tự mãn và ích kỷ họ đã hành động chẳng khác gì chàng thanh niên trên: không chịu mở lòng đón nhận khiến niềm tin của họ trở nên khô cằn, mất sức sống, xây lên bức tường để bảo vệ mình hóa ra lại là tự hại lấy mình. Chúa Giêsu đã chỉ trích thái độ này như thế nào? Chúng ta hãy đọc Tin Mừng trong Thánh Lễ ngày thứ Hai tuần 3 Mùa Chay hôm nay theo Thánh Luca, chương 4, câu 24-30 như sau:
"Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được đón tiếp tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Êlia có nhiều bà góa ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Êlia không được sai đến một người nào trong bọn họ mà chỉ được sai đến với một bà góa ở Sarepta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành mà chỉ có Naaman, người Syria".
"Vừa nghe đến đó mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi." (Lc 4:24-30)
Người Do Thái trong hội đường ở Nagiaret đã tìm cách hãm hại Chúa Giêsu khi Ngài lên tiếng chê trách niềm tin của họ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng bất bình về việc làm của nhóm người này, nhưng kỳ thực trong cuộc sống, lắm lúc chúng ta đã sao chép lại nguyên bản việc làm ấy: tự hào là Kitô hữu, là người nắm giữ niềm tin nhưng rồi với một mớ nghi lễ hình thức, niềm tin trong chúng ta chỉ còn là ngọn đèn leo lét chực tắt trước gió, chỉ là thân cây mất hết nhựa sống chờ ngày gãy đổ, đây là một thứ niềm tin mà Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách Ðường Hy Vọng, nhắc nhở:
"Con đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin lý thuyết và hình thức, nhưng phải sống một đức tin chân thực, thiết ái và trung thành". (ÐHV 280)
"Không ai bắt con chối Chúa, nhưng có thể bắt con đi ngược lại với đường lối của Chúa "để giữ đức tin". Thực là mâu thuẫn: Ðức tin của con sẽ chết vì con sợ chết, sợ đau, sợ cực" (ÐHV 286)
"Nhiều người nói: "Tôi có đức tin, tôi còn đức tin". Có lẽ "đức tin của giấy khai sinh" không phải đức tin của đời sống, ít người sống theo đức tin". (ÐHV 274)
"Xem hành động của con, phản ứng của con, đủ biết đức tin của con sống động hay là đức tin nhãn hiệu!" (ÐHV 275)
Tự mãn với chính mình mà không không chịu mở lòng đón nhận khiến người Do Thái đã mất Chúa Giêsu, nền tảng của niềm tin, Ðấng họ đang ngóng chờ. Cũng thế, Kitô hữu nếu chỉ đóng khung trong những nghi thức, luật lệ tuân giữ thì sớm muộn gì họ cũng xa cội nguồn sự sống. Vì sống là gì nếu không là một luân lưu trao đổi, con người sẽ chết một khi hệ tuần hoàn không lưu chuyển, hệ thần kinh không vận động. Ðời sống đức tin cũng đòi hỏi một sự luân lưu trao đổi với Thiên Chúa và với anh em.
"Ðối với người Kitô hữu, tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng, Chúa không phải là Ðấng bắt con phải kính mến, nói đúng hơn, Chúa là Ðấng mà con phải để Ngài yêu thương con vô hạn". (ÐHV 288)
"Nắm vững đức tin, con phân biệt đâu là đường hy vọng của tâm hồn tông đồ, đâu là lối chết của thế gian" (ÐHV 273)
"Tin là chấp nhận Chúa Giêsu vô điều kiện và quyết tâm sống chết với Ngài". (ÐHV 283)
Quyết tâm sống chết với Ðức Kitô cần đến một thao thức tìm kiếm. Quyết tâm sống chết với Ðức Kitô đòi buộc phải biết trao đổi cảm thông với anh em vì Ngài đang hiện diện trong họ.
Lạy Chúa, trong Mùa Chay Thánh này, xin cho con được biết trở về, trở về trước hết trên chính ngay căn bản niềm tin của con, một đức tin không co cụm trong những hiểu biết lý thuyết hoặc những nguyên tắc lễ nghi, nhưng biết mở rộng, đón nhận để rồi con sẽ tìm được đâu là ý nghĩa đích thức của đời sống đức tin. Amen.