Suy Niệm Mùa Chay Theo Ðường Hy Vọng

(40 Bài Suy Niệm Hằng Ngày trong Mùa Chay

gợi ý từ Tác Phẩm Ðường Hy Vọng

do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 16 -

Bước Ðầu Ðể Ðổi Mới

(Thứ Bảy tuần 2 Mùa Chay)

 

"Trên đường hy vọng, thỉnh thoảng con phải dừng chân nơi bóng mát để kiểm điểm lại: rút kinh nghiệm bước tiến, chuẩn bị thêm hành trang, sửa chữa những bước lệch lạc". (ÐHV 883)

* * *

Khởi đầu của việc canh tân hay sự trở về bao giờ cũng được đánh dấu bằng những giây phút tự kiểm điểm, cảnh tỉnh. Bài đọc Tin Mừng theo Thánh Luca chương 15, các câu 1-3 và 11-24 trong Thánh lễ ngày tứ Bảy tuần 2 Mùa Chay hôm nay, cũng thuật lại cho chúng ta sự đổi mới trở về của người con đi hoang sau giây phút chạnh lòng và tự kiểm điểm như sau:

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sỹ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ, Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha". Vậy, nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đằng xa, cha nó chợt trông thấy liền động lòng thương, ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: "Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa". Nhưng người cha bảo các đầy tớ: "Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giày vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt và chúng ta ăn mừng, vì con ta đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy". (Lc 15:1-3;11-24)

Có lẽ trong chúng ta chẳng ai xa lạ gì với hai chữ kiểm điểm, không những không xa lạ mà lắm lúc còn kinh hãi khi nhắc đến hai chữ này. Nhưng dù thế nào đi nữa, tự kiểm điểm vẫn luôn là yếu tố căn bản để đổi mới con người, tu đức học Kitô giáo đã dùng nó như là phương pháp hoàn thiện con người. Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê, tác giả tập sách Ðường Hy Vọng, cũng đã khuyên:

"Trên đường hy vọng, thỉnh thoảng con phải dừng chân nơi bóng mát để kiểm điểm lại: rút kinh nghiệm bước tiến, chuẩn bị thêm hành trang, sửa chữa những bước lệch lạc". (ÐHV 883)

"Kiểm điểm mỗi tối, kiểm điểm mỗi tuần, kiểm điểm mỗi lần xưng tội, kiểm điểm mỗi lần tĩnh tâm. Xe tốt mấy cũng làm máy lại, sức khỏe mấy cũng khám tổng quát nếu muốn tránh một sự sụp đổ bất ngờ, không cứu vớt được". (ÐHV 887)

"Bay lồng lộng giữa không gian và lộ trình của phi thuyền rất rõ rệt, là phi hành gia còn phải sửa tay lái liên lỉ và triệt để nghe lời chỉ bảo từ quả đất, lệch lạc là không đến đích". (ÐHV 894)

Con người đã sợ hãi xa lánh việc tự kiểm điểm, vì mỗi lần tự kiểm điểm là mỗi lần nhận chịu hình phạt, một dịp tự kiểm điểm là thêm một cơ hội để bị hạ nhục bêu xấu, đánh mất đi phẩm giá con người của mình. Trong Ðức Kitô, tự kiểm điểm không còn mang dáng dấp đe dọa ấy, người con đi hoang đã thưa cùng cha: "Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha mà thôi". Ðáp lại lời tự hối này không là lời trách phạt, đày đọa nhưng là việc xác nhận địa vị làm con và bữa tiệc linh đình với những gì ngon béo nhất. Chúng ta cũng có thể gọi lịch sử cứu độ là một chuỗi những bản tự kiểm điểm, những lời tự hối được nhậm lời và được ban thêm giá trị: ngôi báu của David tồn tại đến muôn đời, người phụ nữ tội lỗi được đi hầu hạ Chúa Giêsu, Phaolô trở thành rường cột Giáo Hội...

Tuy nhiên, lời tự kiểm điểm, lòng sám hối chỉ có giá trị khi xuất phát từ cặp môi chân thành với tin yêu hy vọng kèm theo một sự chỗi dậy:

"Con đau đớn vì thấy nhiều kẻ phản bội với Chúa: tốt, nhưng chưa đủ. Phải làm như Mađalêna "được tha nhiều vì đã yêu mến nhiều", phải làm như Gioan: trốn bỏ Chúa trong vườn Giêtsimani, nhưng trở lại đứng bên thánh giá, dốc quyết hằng yêu mến bằng hành động". (ÐHV 890)

"Nhìn quá khứ để than vãn: vô ích. Nhìn kết quả để kiêu căng: nguy hiểm. Nhìn quá khứ để rút kinh nghiệm cho hiện tại: khôn ngoan". (ÐHV 885)

"Kiểm điểm mấy cũng vô ích nếu con không dốc quyết cải thiện. Coi máy mà không làm máy lại, xe chẳng chạy được". (ÐHV 895)

Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn lại mình để quyết tâm đứng dậy trở về cùng Cha, mỗi một thất bại, mỗi một đau khổ luôn là tiếng chuông gọi mời cảnh tỉnh nếu con biết tự kiểm điểm rút tỉa kinh nghiệm. Chúng sẽ là những cơ hội quý báu cho con cảm nghiệm tình yêu bao la của người Cha trên trời. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page