Suy Niệm Mùa Chay Theo Ðường Hy Vọng
(40 Bài Suy Niệm Hằng Ngày trong Mùa Chay
gợi ý từ Tác Phẩm Ðường Hy Vọng
do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
- 09 -
Sống Tha Thứ
(Thứ Sáu tuần 1 Mùa Chay)
"Chúa nói: "Nếu ai mất lòng con, hãy để của lễ, về làm hòa với người ta trước...", còn con, con làm ngược lại: Cứ dâng của lễ mà phóng thanh cho mọi người biết, trừ ra gặp đương sự. Tin Mừng của con!". (ÐHV 752)
* * *
Khi hay tin cậu con trai yêu quý nhất của mình là Jacques vừa tử trận, nữ bá tước Littry vô cùng đau khổ và cảm thấy tiêu tan hết nghị lực. Tuy nhiên, bà vẫn cố gắng lao mình vào công việc phục vụ các bệnh nhân trong bệnh xá do bà sáng lập.
Rồi một ngày nọ, một thương binh người Ðức được chở đến bệnh viện. Dù người lính Ðức này thuộc thành phần quân đội thù nghịch giết chết con con trai bà trước đây, nhưng bà Littry vẫn tiếp nhận săn sóc cho anh lính một cách vui vẻ. Ðến khi soạn đồ đạc trong bị của anh lính, bà bắt gặp chiếc ví tiền và cái đồng hồ của con trai mình trong túi áo của anh lính. Vừa bàng hoàng vừa tức giận, nữ bá tước Littry chỉ thốt lên: "Ðúng đây là tên lính đã giết chết đứa con trai của mình". Nhưng kìa, một mảnh giấy trong chiếc ví của con rơi xuống. Bà vội cúi xuống nhặt lên đọc, một hàng chữ đập vào mắt mình: "Mẹ yêu quý, con luôn nhớ đến mẹ và cầu nguyện cho mẹ. Nếu chẳng may con tử trận, xin mẹ đừng quá đau buồn nhưng hãy can đảm, quảng đại chịu đau khổ để cầu nguyện cho con...".
Sau một hồi xúc động, bà Littry cúi xuống tiếp tục săn sóc cho người lính Ðức cách tận tình. Những giọt nước mắt tuôn trào từ đôi mắt bà...
Trong cuộc sống thường ngày, chắc chúng ta không có những dịp to lớn để tha thứ cho kẻ đã xúc phạm nặng nề với mình. Nhưng những phiền lòng nho nhỏ có thể luôn có. Và lúc nào chúng ta cũng được mời gọi sống tha thứ. Ðức Tổng Giám Mục Phanxiô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách Ðường Hy Vọng, đã ghi lại kinh nghiệm tu đức của mình như sau:
"Ðức tức tối vì người ta chỉ trích con. Hãy cám ơn vì còn bao nhiêu tồi tệ khác nơi con mà họ chưa nói". (ÐHV 744)
"Chúa nói: "Nếu ai mất lòng con, hãy để của lễ, về làm hòa với người ta trước...", còn con, con làm ngược lại: Cứ dâng của lễ mà phóng thanh cho mọi người biết, trừ ra gặp đương sự. Tin Mừng của con!". (ÐHV 752)
"Con không thiếu khuyết điểm, sao con tức tối và tấn công khuyết điểm của anh em?" (ÐHV 764)
"Tại sao ngày nào con cũng lập tòa án và bắt anh em con diễn hành lần lượt qua đó? Tại sao lúc nào Cha cũng thấy con ngồi ghế quan tòa, không bao giờ ngồi băng bị can". (ÐHV 772)
Sống tha thứ là một điều rất khó. Những tù nhân bị lưu đày xa quê hương đã khắc trên đá những dòng chữ lưu lại cho thế hệ đến sau như sau: "Hãy tha thứ. Nhưng đừng quên!" Bị xúc phạm, chính chúng ta cũng có tâm trạng giống như vậy: "Tôi tha thứ, nhưng tôi không thể quên điều xúc phạm này được!"
Thật ra, tha thứ và bỏ quên là hai điều khác nhau.
Nhiều khi ta đã tha thứ rồi nhưng ta không thể quên được. Và ngược lại, ta đã quên đi điều phiền muộn nhưng không hẳn là ta đã tha thứ thật lòng! Chúa Giêsu biết rõ tha thứ là điều khó nên Ngài đã dạy các đồ đệ Ngài hãy cầu nguyện: Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Trong bài Phúc Âm Thánh lễ ngày thứ Sáu tuần 2 Mùa Chay hôm nay, tác giả Phúc Âm theo Thánh Mathêu đã ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu như sau: (Mt. 5, 20tt)
"Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng vào được Nước Trời đâu. Các con đã nghe người xưa dạy rằng: Không được giết người. Ai giết người sẽ bị luận phạt nơi tòa án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị tòa án luận phạt. Ai bảo anh em là ngốc thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là khùng thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em con trước đã rồi quay lại dâng của lễ". (Mt 5:20-26)
Sự tha thứ là điều kiện căn bản để những con cái của Thiên Chúa có thể tôn vinh phụng thờ Ngài một cách xứng đáng. Có những điều phiền lòng đã được tha thứ nhưng lại khó quên. Ðây là phản ứng tự nhiên của con người. Nhưng chúng ta hãy cố gắng luyện tập để rồi với thời gian, sự thành thật tha thứ có thể giúp ta quên đi phiền lòng. Chúng ta hãy tha thứ với tình yêu thương để có thể bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với anh em. Tha thứ không có nghĩa như là một sự cắt đứt. Tôi tha thứ kẻ làm phiền lòng, rồi từ đó về sau, tôi không muốn gặp mặt hay trao đổi gì với người đó nữa. Không, tha thứ như vậy chưa phải là tha thứ vì tình thương yêu như chính Chúa đã nêu gương. Ngài tha thứ và bắt đầu lại mãi mãi với mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa, xin giúp con sống yêu thương tha thứ cho anh em thật lòng. Xin biến đổi con trở thành khí cụ bình an và yêu thương của Chúa trong môi trường con sống. Amen.