Suy Niệm Mùa Chay Theo Ðường Hy Vọng

(40 Bài Suy Niệm Hằng Ngày trong Mùa Chay

gợi ý từ Tác Phẩm Ðường Hy Vọng

do Ðức Ông Peter Nguyễn Văn Tài biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 04 -

Thiên Chúa là tình yêu

(Thứ Bảy sau thứ Tư Lễ Tro - Mùa Chay)

 

"Ðâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa; Ðâu có thù ghét, ở đó có hỏa ngục". (ÐHV 749)

* * *

Trong thời gian bị cầm tù, mục sư Richard Wurmbrand, người Roumanie, phải ở dưới một cái hầm tối tăm, lạnh lẽo. Khổ hơn nữa, là phải ăn uống và làm mọi việc vệ sinh tại chỗ. Các bạn tù với ông lê lết trong đó, cuối tuần mới được phép quét dọn. Ông đã chịu lắm nhục hình. Có lần lính gác bắt ông ăn phân, ông xin phép được ăn phân của mình nhưng họ không chịu, bắt ông phải ăn phân của người khác.

Suốt 17 năm tù ngục như thế, mục sư Wurmbrand vẫn kiên trì, dũng cảm trước sau như một. Ông luôn hăng hái phục vụ các bạn tù, động viên tinh thần họ, cư xử với mọi người trong tâm tình bác ái, yêu thương, tha thứ. Bí quyết sống của ông là: Ngồi tù với Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Mục sư ngồi tù với sức mạnh của tình yêu Chúa. Sau khi được trả tự do, ông cho xuất bản vào năm 1969 một tập sách được dịch sang tiếng Pháp với nhan đề là "Ngồi tù với Chúa" (Avec Dieu en isolement solitaire - With God in Solitary Confinement).

Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách Ðường Hy Vọng, đã khuyến khích những người con tinh thần của ngài như sau:

"Ðâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa; Ðâu có thù ghét, ở đó có hỏa ngục". (ÐHV 749)

"Con phải là món quà trong tay Chúa, sẵn sàng để Chúa tặng cho bất cứ ai. Một món quà mà ai cũng quý yêu thèm muốn". (ÐHV 768)

"Ðừng phàn nàn cà phê đắng, chỉ tại đường của con không đủ ngọt". (ÐHV 790)

"Những ai tổ chức vu cáo, thóa mạ, xúi giục căm thù, chống đối, dù với mục đích nào cũng không che dấu được tính cách phản Phúc Âm. Vì Chúa là tình yêu". (ÐHV 782)

Ðâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa. Mục sư Wurmbrand đã cương quyết sống tình thương yêu cả trong chốn ngục tù đầy tủi nhục để Thiên Chúa được hiện diện trong đó. Người ta không nhìn thấy Thiên Chúa vô hình, nhưng có thể cảm nghiệm được sự hiện diện và tình yêu của Ngài qua thái độ sống đầy tình thương và tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình. Thật cao đẹp thay, khi con người được mời gọi dùng chính đời sống tốt lành của mình để mạc khải Thiên Chúa cho anh chị em xung quanh.

Trong Thánh Kinh Cựu Ước, biết bao người đã được Thiên Chúa tuyển chọn để biểu lộ vì Thiên Chúa nhân từ, đầy lòng thương xót, chậm nổi giận, hết sức bao dung.

Thiên Chúa đã can thiệp trong lịch sử dân Ngài chọn để chứng tỏ tình thương nhân từ của Ngài. Khi thời giờ viên mãn đến, Ngài sai Con Một Ngài đến với con người để con người được nhìn thấy Thiên Chúa, Ðấng là tình yêu. "Ai thấy Ta là thấy Cha Ta" (Ga 14:8-9). Chúa Giêsu đã trả lời cho câu hỏi của Tông đồ Philip khi ông này xin Chúa Giêsu được đặc ân nhìn thấy Thiên Chúa Cha. Thánh Gioan Tông đồ đã tổng kết tất cả những kinh nghiệm sống của mình với Chúa Giêsu bằng những lời bất hữu nơi thơ I Thánh Gioan, đó là: "Thiên Chúa là tình yêu" (1Ga 4:16).

Bài Phúc Âm của Thánh lễ ngày thứ Bảy sau Thứ Tư Lễ Tro hôm nay cho chúng ta được nhìn thấy Chúa mạc khải Thiên Chúa tình yêu qua việc Chúa kết thân với người tội lỗi và tha thứ những lỗi lầm của họ. Phúc Âm theo Thánh Luca, chương 5, câu 27-32 đã viết như sau:

"Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế. Ngài bảo ông: Hãy đi theo Ta. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy đi theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình để thiết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ăn với Ngài. Những biệt phái và các luật sư lẩm bẩm với các môn đệ của Chúa Giêsu như sau: Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy? Chúa Giêsu trả lời họ rằng: Những ai mạnh khỏe không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần mà thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải". (Lc 5:27-32)

Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa Cha cho người tội lỗi để cải hóa họ. Mục sư Wurmbrand đã cố gắng chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa trong cảnh ngục tù bằng thái độ yêu thương tha thứ những xúc phạm. Mỗi người chúng ta đều được mời gọi sống noi gương yêu thương, tha thứ của Chúa. Hằng ngày, chúng ta lãnh nhận tình thương và tha thứ của Chúa, tại sao chúng ta không sẵn sàng sống yêu thương và tha thứ cho anh chị em. Ðừng lừa dối mình với lời kinh: Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.

Lạy Chúa, Chúa đã mạc khải tình yêu của Chúa cho con người cho đến mức độ cuối cùng, hy sinh chính mình trên thập giá. Xin thương hướng dẫn con theo Chúa cho đến cùng trên con đường yêu thương và tha thứ này. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page