Bài Phát Biểu của ÐTGM FX Nguyễn Văn Thuận,

trong dịp nhận bằng Tiến sĩ danh dự

của Trường Thần Học Notre Dame,

New Orleans, Louisiana, USA

 

Bài Phát Biểu của Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Valdesi, Phó Chủ Tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng Về Công Lí Và Hòa Bình trong dịp nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Trường Thần Học Notre Dame, New Orleans, Louisiana, USA, vào tháng 3 năm 1996:

 

"Vì Ngài thật cao cả và làm nên những việc lạ lùng; Chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa (Tv 85:10)

Kính thưa Ðức Tổng Giám Mục Schulte, Chưởng ấn Phân Khoa Thần Học Notre Dame,

Thưa Ðức ông Aymond, Giám đốc chủng viện,

Thưa quí Ðức ông,

Thưa quí cha,

Các chủng sinh thân mến,

Anh chị em trong Chúa Ki-tô,

Những lời Thánh vịnh 85 nói lên tất cả tâm tình đầy ắp trong lòng tôi vào những dịp đáng nhớ như thế này. Ðây một tù nhân già đã trải qua mười ba năm lao lý trong các nhà tù ở Việt Nam, ai khác có thể đưa một tù nhân như thế đến ngôi trường đẹp đẽ như thế này mà cho lãnh bằng đại học?

"Vì Ngài thật cao cả

Và làm nên những việc lạ lùng;

Chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa" (Tv 85:10)

Vậy chúng ta hãy dâng lời ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa! Chúng ta cũng hãy nhận biết những khí cụ nhân loại của Chúa dùng là Ðức Tổng Giám Mục Schulte và Ðức Ông Aymond, cả hai vị đã có nhã ý mời tôi đến lãnh nhận danh dự tại ngôi trường tráng lệ và cổ kính này.

Thực ra, bằng tiến sĩ danh dự này mang lại cho con người hèn mọn của tôi niềm vui và niềm vinh hạnh lớn lao một phần, nhưng chính ra bằng danh dự này nói lên mối dây ràng buộc thân tình giữa Giáo hội tại Hoa Kỳ và Giáo hội tại Việt Nam. Hơn thế nữa, nói cho đúng, bằng danh dự này là một cách công nhận cộng đồng Việt Nam ở trên khắp thế giới, đặc biệt tại New Orleans, mà người Công giáo Việt Nam ở New Orleans có cái may mắn được một vị mục tử tốt lành chăm sóc. Nhiều giáo dân Việt Nam đang sống trên thế giới, và một số người đang sống ở đây, đã từng là con chiên của tôi trước kia ở Huế, Nha Trang, Phan Thiết, Sài Gòn và các nơi khác.

Họ là những người đã từng tích cực hoạt động với tôi khi tôi làm linh mục và làm giám mục hướng dẫn những phong trào trẻ, phong trào công lý và hòa bình, các khóa Cursillo v.v... và họ cũng đã chịu số phận như tôi trong các nhà tù và các trại tập trung cải tạo của Cộng sản tại Việt Nam.

Tôi xin được trở về chuyện ở đây. Tôi phải tự hỏi: Cái gì làm cho tôi thành Tiến sĩ Văn Chương Thần học? Tôi đã tìm tòi học hỏi trong lãnh vực chuyên môn nào để tôi được cái vinh dự này?

Thành thực mà nói, tôi phải nhận rằng tôi không phải là một nhà văn viết thần học theo nghĩa trường ốc. Xưa tôi học giáo luật, và cho đến khi tôi được Ðức Thánh Cha Phao-lô đệ lục đặt làm giám mục Nha Trang năm 1967, tôi vẫn là giáo sư dạy giáo luật. Tôi cũng đã viết một luận án, khô khan lắm mà lại viết bằng tiếng La-tinh, để so sánh các cơ cấu tổ chức tuyên úy quân đội. Nhưng luận án này đâu có làm cho tôi thành nhà viết văn về thần học!

Thế mà khi Ðức Tổng Giám Mục Schulte ép tôi nhận tước hiệu Tiến sĩ Thần học danh dự, tôi đã có cơ hội nhìn lại cuộc đời tôi và tôi thấy rằng cứ nhìn qua con mắt đức tin, tôi có thể nói rằng thần học, "khoa học biết về Thiên Chúa", đã thực sự giúp tôi sống cuộc đời tôi như một mục tử, dù nhiều khi phải trải qua những hoàn cảnh khó khăn nhất, và giúp tôi viết sách về thần học tu đức, mà lại viết trong tù. Nhận ra điều này không phải là kết quả của trí tưởng tượng của tôi đâu, đây là câu chuyện của đời tôi.

Cuộc đời làm mục tử chăn dắt đoàn chiên Chúa trao có thể chia thành ba giai đoạn:

Giai đoạn đầu tiên là làm mục tử đứng đầu một giáo phận (1967-1975).

Giáo đoạn hai là làm mục tử trong tù (1975-1988).

Và cuối cùng, hiện nay tôi làm mục tử lưu vong, theo lời yêu cầu của Ðức Thánh Cha, tôi hoạt động để cổ võ công lý và hòa bình.

1. Làm Mục Tử Coi Sóc Giáo Phận Nha Trang, Nam Việt Nam (1967-1975)

Tôi đã được Công đồng Vaticanô II quyến rũ, đặc biệt là Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay. Tôi để óc tưởng tượng cuốn hút vào viễn ảnh Giáo hội giữa nhiều biến đổi gay go trong thế giới. Thế nên khi được đặt làm giám mục năm 1967, tôi đã chọn khẩu hiệu "Vui Mừng và Hi Vọng" và lấy Hiến Chế Mục Vụ của Công Ðồng làm chương trình canh tân mục vụ trong giáo phận của tôi. Chương trình đó luôn luôn tìm cách đọc mỗi "dấu chỉ thời đại", không phải chỉ những dấu "Vui Mừng và Hi Vọng" mà còn cả những dấu "ưu sầu và lo lắng".

2. Làm Mục Tử trong Tù (15-8-1975 - 21-11-1988)

Một tuần trước khi Sàigòn thất thủ, Ðức Thánh Cha Phao-lô VI thuyên chuyển tôi từ giáo phận của tôi về Sàigòn làm Tổng Giám Mục Phó. Việc bổ nhiệm này bị cộng sản coi như là âm mưu giữa Vatican và các quyền lực đế quốc dù việc họ coi như thế thật là lố bịch. Kết quả là không được đưa ra tòa xử dù chỉ là chỉ để xử cho có lệ, tôi phải ở tù mười ba năm, trong đó chín năm bị biệt giam.

Trong thời gian này, chính con người tôi cảm nghiệm được sự khốn khổ của con người, - nghĩa là tôi thấm thía cái yếu đuối thân xác và tâm trí của tôi - và đồng thời cảm nhận được sự vĩ đại và sức mạnh của ơn thánh.

Khi tôi bị bắt và phải đem đi khỏi giáo phận, không còn hi vọng có ngày trở về:

Ðức Tin bảo tôi biết rằng không can gì! Con hãy cứ tin, con hãy bước đi với Chúa Ki-tô trên con đường Hi vọng!

Khi tôi băn khoăn trăn trở vì mỗi ngày qua đi mà mình thì bị giữ trong tăm tối chẳng biết đâu là cùng: một tháng trở thành một năm, một năm trở thành nhiều năm, và một vài năm trở thành từng thập kỷ, lúc đó thì:

Ðức Tin làm cho tôi an lòng: không can gì! Con hãy sống giây phút hiện tại và hãy tìm cách làm cho mỗi giây phút cuộc đời con được ắp đầy lòng yêu mến!

Khi tôi mất tất cả - giáo phận, gia đình, và nhất là các hoạt động mục vụ vào cái tuổi khi tôi đã thu lượm - (lúc đó tôi tưởng như vậy) được nhiều kinh nghiệm và dồn được nhiều nghị lực để phục vụ Giáo hội thế mà lại bị quăng vào tù, tôi nghĩ chắc mình phát điên quá. Nhưng:

Ðức Tin lại nói với tôi rằng không can gì! Chỉ có một điều cần là tôi học hỏi cho biết phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Thiên Chúa. Các công việc của Thiên Chúa quan trọng thật đấy và cao đẹp thật đấy, nhưng vẫn không phải là chính Thiên Chúa!

Tôi đã phải để mặc công việc của Thiên Chúa cho Thiên Chúa mà chọn một mình Thiên Chúa và thánh ý Người.

Trong cái đêm tôi bị bắt mang đi khi tôi bị dồn xuống chiếc tàu Hải Phòng cùng với 1,500 người đồng hương để làm kiếp tù nhân ở tận miền bắc Việt Nam, phản ứng tự nhiên của tôi là ghê sợ. Nghĩ tới cảnh đó tôi vẫn còn rùng mình. Nhưng:

Ðức Tin nói cho tôi biết rằng không can gì, con tàu đó là ngôi nhà thờ chính tòa của tôi, chính ở trong con tàu đó mà tôi có thể hiến dâng con người tôi cùng với Chúa Ki-tô! Ðối với tôi những người tù đó đã trở nên dân của Thiên Chúa, đoàn chiên Chúa trao cho tôi coi sóc.

Trong những đêm dài đằng đẵng trong tù, khi tôi cảm thấy con tim tan vỡ vì tôi phải xa cách dân tôi trên một ngàn dặm xa cách; làm sao tôi tiếp xúc với họ đây? làm sao tôi nuôi dưỡng đức tin và tăng cường chí cương quyết của họ đây?

Ðức Tin nhắc tôi nhớ đến Thánh Phao-lô. Thánh Phao-lô để lại công trình cao đẹp nhất của Người là chính những bức thư viết trong tù. Thế là tôi bắt đầu bí mật viết những lá thư trong tù của tôi. Những bức thư đó đến sau trở thành những cuốn sách, được lưu hành chui ra ngoài và hiện nay được dịch sang nhiều thứ tiếng: Ðường Hi Vọng, Ðường Hi Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Ðồng, Những Người Lữ Hành Trên Ðường Hi Vọng, và Cầu Nguyện Hi Vọng.

Khi người ta bắt tôi phải sống với sự thù ghét của những người lính canh, với những đau khổ mà tôi phải chịu, tôi tự hỏi: Làm sao tôi dám nghĩ đến việc nói về Chúa Giê-su cho những người lính gác này nghe?

Lúc đó Ðức Tin bảo tôi rằng không can gì! Ðiều quan trọng là tôi yêu thương họ như Chúa Giê-su yêu tôi, và tôi tha thứ cho họ như tôi đã được Chúa tha thứ cho tôi. Ðây là ý nghĩa việc "sống lời di chúc của Chúa Ki-tô": Yêu Mến và Hiệp Nhất! Thánh giá mà tôi đang đeo đây làm bằng gỗ nhà tù nơi tôi bị giam và dây thánh giá đây làm bằng dây điện cũng của nhà tù nơi tôi bị giam, tôi nhờ những người lính canh cộng sản giúp tôi làm! Ðây là bằng chứng nói lên rằng chỉ có Tình Yêu thương Ki-tô mới có thể biến cải lòng dạ con người!

3. Làm Mục Tử Lưu Vong Cổ Ðộng Cho Công Lý và Hòa Bình

Ðức Thánh Cha đã sai tôi - tôi là người đến từ một xứ bị chiến tranh tàn phá trên ba mươi năm và chính tôi bị tù mười ba năm - làm việc cho Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình để cổ động cho lý thuyết xã hội của Giáo hội, quyền làm người, và sự thăng tiến công lý và hòa bình. Nguyên năm vừa rồi, tôi đã phải đi Phi-luật-tân, Úc-đại-lợi, Mễ-tây-cơ, Hoa Kỳ, Nigeria, ấy là không kể đến nhiều xứ bên Âu châu.

Có vẻ như Chúa Quan Phòng chưa làm xong chuyện đối với tôi. Nhưng Chúa Quan Phòng đã không cho tôi biết cuộc đời tôi trôi đi như thế nào, nói chi đến những cuộc công du của tôi trên toàn thế giới, Người cũng chỉ cho tôi biết vào phút chót những vấn đề tôi phải giải quyết, nhiều người khác nhau tôi phải gặp và phải lắng nghe họ nói... Thế là, mỗi ngày, tôi hiểu rõ hơn lời tiên tri Isaia: "Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, mà đường lối của các ngươi cũng phải là đường lối của Ta, Chúa nói như vậy" (Is. 55:8).

Như vậy qua những thăng trầm của lịch sử cuộc đời riêng tôi, tôi có thể nói rằng thần học đã chạm đến đời tôi. Rất thành thực, tôi đã tìm cách phân biệt đâu là thánh ý Chúa và tuân theo thánh ý Chúa trong những "dấu chỉ thời đại" trong suốt ba mươi năm cuộc sống lúc làm giám mục hai giáo phận, lúc làm giám mục trong tù, và bây giờ làm giám mục tại giáo triều Roma. Tôi chỉ có thể nói một điều là tôi vẫn hạnh phúc. Hạnh phúc dầu cho tôi có phải trải qua thử thách lao lung, bởi vì hạnh phúc thật đến từ thần học: một nền thần học thực sự là "khoa học biết về Thiên Chúa", là ánh sáng soi đường để gặp gỡ Thiên Chúa, một nền thần học được sống trong đức tin ở từng giây phút và mỗi giây phút của cuộc đời.

Vậy, tôi xin phép Ðức Tổng Giám Mục cho tôi nói một vài lời với lớp ra trường 1996.

Lời mà cha nói với các con là lời cha đã học qua nhiều năm sống đời và chịu nhiều nỗi gian truân: đừng dằn vặt trong những nỗi khó khăn mà các con gặp trên đường đời khi các con bỏ đây ra đi bắt tay phục vụ Thiên Chúa và dân thánh của Người, bởi vì "không can gì" miễn là biết chọn Thiên Chúa và tình yêu thương của Người, và biết trải rộng tình yêu thương đó ra cho mọi người. Lựa chọn như vậy rồi, cứ việc đi tới, cứ vui đi, cứ thật sự hạnh phúc đi. Cứ mỉm cười, cứ mỉm cười chào mừng thế giới bằng chính cuộc đời các con. Và đừng quên cười nhạo đi, đặc biệt là nhạo chính các con, bởi vì đối với trần gian, chúng ta đều là những kẻ điên khùng của Thiên Chúa. Hãy luôn luôn nhớ rằng "Vui Mừng và Hi Vọng" chỉ đức tin mới ban tặng được mà thôi.

Kính chúc may lành và xin Chúa chúc phúc cho tất cả quí vị!

Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Chuyển dịch sang Việt ngữ: Linh mục Phạm Văn Tuệ

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page