Ðường Hy Vọng

Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Ðồng

ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


38. Thánh Giuse

 

1) Thánh Giuse không sống lâu đủ để nghe Chúa Giêsu giảng dạy, hoặc để đọc cuốn Phúc âm đầu tiên do thánh Matthêu chép vào giữa thập niên 80-90. Nhưng Ngài đã sống Phúc âm trước khi có sách Phúc âm. Ngài đã thực hiện được sự thống nhất giữa chiêm niệm và hoạt động. Con thử ngắm nhìn cuộc đời tuyệt diệu ấy dưới ba khiá cạnh:

a) Thánh Giuse lắng nghe Lời Chúa, đón nhận Lời Chúa và gìn giữ Lời Chúa (x. Mt 1,18-25). Lời Chúa ở đây trước hết chính là Ngôi Lời Nhập Thể. Hạnh phúc chừng nào lúc được nghe lời Chúa Giêsu, được Người gọi là cha! Thánh Giuse đã sống "Phúc âm nguyên chất", "Phúc âm bằng xương thịt".

Con đừng đọc Thánh Kinh như bất cứ sách nào khác, nhưng qua mỗi dòng chữ trong đó, con hãy lắng nghe Lời Chúa nói với con, nhưng Thánh Giuse.

b) Thánh Giuse đã sống Lời Chúa: Ngài sống với Lời Chúa, bằng Lời Chúa và vì Lời Chúa. Ngài hằng ghi tạc vào lòng và suy niệm mỗi lời Chúa Giêsu nói, ngay khi người còn bé (x. Lc 2,41-52). Ngài đã đọc Lời Chúa qua các biến cố (x. Mt 2,1-23).

Con hãy xin Thánh Giuse tập cho con biết "đọc" Lời Chúa, biết "đánh vần" Lời Chúa... Con ngạc nhiên sao? Hãy xem người mù chữ: họ đâu có mù! Họ vẫn nhìn thấy các mẫu tự nhưng không đánh vần được, vẫn nhìn thấy chữ mà đọc không ra.

Là một tâm hồn tận hiến, một Kitô hữu ngoan đạo, thế mà lắm lúc con lại mắc "nạn mù Lời Chúa": Ðọc một trang Thánh Kinh, con không thấy gì cả; thậm chí ngày nào cũng nghe Lời Chúa, cũng thưa "Tạ ơn Chúa", "Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa", nhưng rồi chẳng hiểu gì, coi Lời Chúa chẳng có "gơ-ram" nào hết, còn thua cả chương trình Truyền hình nữa!

c) Thánh Giuse thực hiện Lời Chúa. Lời Chúa đã đi sâu vào cuộc sống của Ngài, lay chuyển và đổi mới đời Ngài. Ngài chấp nhận "chịu liên lụy" vì Lời Chúa: vất vả trốn sang Ai-cập (x. Mt 2,13-14), đau xót khi nghe Simêon tiên báo Con mình sẽ chịu khổ nạn (x. Lc 2,33-35)... Không giữ cho riêng mình, Ngài chia sẻ Lời Chúa với mọi người, nhất là với Mẹ Maria. Sung sướng biết ngần nào! Vì "Lời Chúa là chân lý, và chân lý giải thoát" (x. Ga 8,31-32) khỏi những đê hèn của nhân loại, nên hiểu được Lời Chúa, Giuse và Maria đã bỏ mọi sự, chấp nhận mọi hậu quả, trung thành gìn giữ kho tàng quý yêu ấy. Ðó là hạnh phúc lớn nhất trên đời. Lời Chúa đã gây nên "cuộc cách mạng Kitô giáo": Thánh Giuse đã nêu cao giá trị của lao động; Ngài đã đánh tan thành kiến giai cấp: dù thuộc dòng dõi vua Ðavít, dù là cha nuôi Ðấng Cứu Thế, Ngài vẫn không ngại làm một người thợ mộc tầm thường (x. Mt 13,55). Ngài đã nêu gương sáng trong cuộc sống gia đình.

2) Thánh Giuse không được phúc tham dự Thánh lễ, không được phúc rước lễ. Ðó có thể là hoàn cảnh của con bây giờ hay trong tương lai, vì điều kiện sinh hoạt, vì công tác không thuận tiện... Lúc ấy, con hãy nhớ lời Công Ðồng Vaticanô II: "Giáo hội luôn tôn kính Thánh Kinh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng vụ thánh, Giáo hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa, cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu" (x. MK 21), Thánh Giuse đã sống bên cạnh Ngôi Lời làm người, rước Lời của Người vào lòng. Thánh Giuse đã kết hiệp với Chúa Giêsu, đời Ngài đã nên một với Lời Chúa. Có giây phút chiêm ngắm nào, có lời cầu nguyện nào tốt đẹp hơn, cao cả hơn? Nhờ bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu có thể hiện diện nhiều nơi, còn những nơi không có Thánh Thể, Người cũng có thể hiện diện nhờ Lời Người (x.1Ga 2,24).

Dù không được rước lễ hay được rước lễ mỗi ngày, con hãy tiếp tục sống Lời Chúa (x. Mt 4,4; Lc 4,4).

Các sách thiêng liêng thường xem Thánh Giuse như mẫu gương của đời nội tâm thâm trầm, điều này rất đúng. Nhưng nếu xem Ngài như một thầy dòng khổ tu câm lặng, viện lý rằng Phúc âm đã không ghi lại một lời nào của Ngài, thì cha không đồng ý. Cha nghĩ rằng: sở dĩ Phúc âm không nhắc lại lời nào của Thánh Giuse, là vì như tất cả mọi người, Ngài đã nói những câu rất thông thường trong cuộc sống. Chỉ có điều là Ngài đã nói với tinh thần Phúc âm. Chúa Giêsu đã nói suốt ba mươi năm trước khi đi giảng dạy, nhưng sách Phúc âm đâu có ghi lại một lời nào trong khoảng thời gian rất dài này! Con không phải là nhà hùng biện, giáo sư, văn hào, chính trị gia... cho nên không ai ghi lại lời con. Nhưng cũng như Thánh Giuse, con hãy dùng những lời đơn sơ, thông thường mà mang lại hạnh phúc, vui tươi, an bình cho nhiều người. Với mọi người con gặp mỗi ngày, con hãy đọc những bài "tham luận tình thương", những kinh "Magnificat văn vắn, dễ thương".

Cha không muốn tách lìa lòng sùng kính Mẹ Maria với việc tôn kính Thánh Giuse. Vì xưa ở trần gian Mẹ Maria và Chúa Giêsu không thể yêu qúy và tin cậy ai hơn Thánh Giuse (x. Lc 8,21). Qua Ngôi Lời Nhập Thể, chắc chắn Thánh Giuse kết hiệp với Mẹ Maria còn mật thiết hơn mọi đôi bạn khác, vì Lời Chúa đem lại hiệp nhất cho các tâm hồn, khác nào hai cành nho, một khi đã được tước bỏ hết lớp vỏ "trần tục" bên ngoài, được đem ghép vào thân nho là Nguồn Sống. Tất cả cùng chung một nhựa sống, một sinh lực và trở nên Một.

*  *  *

"Ðường Hy Vọng" được đặt dưới sự bảo trợ đặc biệt của Thánh Giuse nên gọi là "Công trình của Thánh Giuse" (Opus Joseph).

Nguyện vọng tha thiết của cha là các con hãy dâng hiến cuộc đời cho Mẹ Maria và Thánh Giuse, trở nên những "đứa con điên" của các Ngài, và nhờ các Ngài đưa các con đến với Chúa Giêsu.

Các con hãy sống và làm cho người khác thích sống tâm tình dâng hiến ấy như các con.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page