Ðường Hy Vọng

Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Ðồng

ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


33. Lãnh Ðạo

 

Lãnh đạo là nô bọc tình nguyện

 

(833) Ðường Hy vọng cần người lãnh đạo. Theo tư nguyên, lãnh đạo là người dẫn đường, cũng gọi là thủ lãnh, nghĩa là người làm đầu.

Không có đầu suy nghĩ, tứ chi sẽ suy nhược, thiện chí bị phân tán, nghị lực sẽ lụn bại, hỗn loạn sẽ thống trị và công cuộc tan vỡ.

 

(834) Lãnh đạo là người:

Biết - Muốn - Thực hiện

Và đồng thời gây cảm hứng cho kẻ khác

Biết - Muốn - Thực hiện.

 

(835) Lãnh đạo là phục vụ: phục vụ Thiên Chúa, phục vụ người mình điều khiển, phục vụ công ích. Lãnh đạo là nô bọc tình nguyện.

@ Mt 20,26: Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.

(Xem thêm: Mt 23,11; Ep 4,11-13; 1Pr 4,10-11).

@ GH 18a: Ðể chăn dắt và phát triển Dân Thiên Chúa luôn mãi, Chúa Kitô đã thiết lập các chức vụ khác nhau trong Giáo hội hầu mưu ích cho toàn Thân. Thực vậy, các thừa tác viên sử dụng quyền bính thiêng liêng mà phục vụ anh em mình, để mọi người thuộc dân Thiên Chúa và đương nhiên hưởng phẩm giá Kitô hữu sẽ đạt đến phần rỗi, nhờ nỗ lực tiến đến cùng một cứu cánh trong tự do và trật tự.

(Xem thêm: GH 24a, 29a; GM 16a; ÐT 9b; DT 14c).

 

(836) Chúa Giêsu đem lửa đến thế gian và muốn cho quả đất rực cháy. Với chí khí tông đồ, con phải là ngọn lửa đốt cháy những ngọn đuốc khác, làm cho ánh sáng lan rộng đến lúc thế giới thành một biển ánh sáng.

@ Ga 1,9: Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.

(Xem thêm: Lc 12,49).

 

(837) Hãy khiêm tốn quảng đại nếu Chúa muốn chọn con lãnh đạo môi trường của con. Ðó là sứ mệnh cao cả, quan trọng. Con cần ý thức hạnh phúc của các Tông đồ khi nghe Chúa Giêsu nói: "Hãy theo Ta, Ta sẽ cho các ngươi làm ngư phủ chài lưới người" (Mc 1,17).

@ Ga 21,15: Khi các môn đệ ăn xong, Ðức Giêsu hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy". Ðức Giêsu nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy".

 

(838) Con phải tin tưởng vào sứ mệnh của con, cảm hoá kẻ khác và truyền thông cho họ lòng tin tưởng, bầu nhiệt huyết trong con.

@ Cv 22,14-15: Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Ðấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Ðấng ấy phán ra. Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Ðấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe.

(Xem thêm: 2Tm 1,12).

@ TG 39b: Các linh mục, trong việc mục vụ, phải cổ võ và duy trì giữa tín hữu lòng nhiệt thành đối với việc rao giảng Phúc âm cho thế giới, bằng cách dạy giáo lý và giảng thuyết để giáo huấn họ về nhiệm vụ của Giáo hội phải loan báo Chúa Kitô cho muôn dân, bằng cách dạy các gia đình Kitô hữu về sự cần thiết và vinh dự vun trồng ơn kêu gọi truyền giáo nơi con trai con gái mình; bằng cách cổ võ nhiệt tâm truyền giáo nơi thanh thiếu niên trong các trường và các hội đoàn công giáo để từ nơi họ, xuất phát những nhà rao giảng Phúc âm tương lai. Các Ngài phải dạy tín hữu cầu nguyện cho các xứ truyền giáo và đừng xấu hổ xin họ bố thí và trở nên như những hành khất vì Chúa Kitô và vì phần rỗi các linh hồn.

(Xem thêm: LM 6b; ÐT 2ab, 8a; TG 37d, 42).

 

(839) Nếu không trị được tính bi quan, thái độ thất vọng, thói quen rụt rè, con đừng lãnh đạo.

@ 2Tm 1,7-8: Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.

 

(840) Lãnh đạo là dấu hiệu hữu hình của quyền bính. Người lãnh đạo phải ý thức sứ mệnh chỉ huy của mình, sứ mệnh đại diện cho quyền bính và có bổn phận làm cho kẻ khác trọng uy quyền của mình. Làm như thế là phục vụ quần chúng.

@ Rm 13,1: Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập.

(Xem thêm: Mt 7,29; Ga 19,11a).

@ LM 2c: Chức vụ linh mục liên kết với chức Giám mục, nên cũng được tham dự vào quyền bính mà chính Chúa Kitô đã dùng để kiến tạo, thánh hoá và cai quản Thân Thể Người. Vì vậy, chức linh mục của các ngài dù giả thiết đã có những bí tích khai sinh đời sống Kitô giáo, nhưng lại được một bí tích riêng in dấu đặc biệt khi các ngài được Chúa Thánh Thần xức dầu. Như thế các ngài nên giống Chúa Kitô linh mục, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là Ðầu mà hành động.

(Xem thêm: GH 19,23a, 27a, 28a; LM 10b; TÐ 2b).

 

(841) Tai họa lớn nhất của con khi lãnh đạo là sợ nói và hành động như một nhà lãnh đạo.

 

(842) Ðón nhận mọi ý kiến, nhưng không lệ thuộc ý kiến.

 

(843) Sáng kiến hợp thời và hữu hiệu mới lãnh đạo được.

 

(844) Con hãy dừng ý chí tập trung tư tưởng, can đảm quyết định và quyết định kịp thời.

 

(845) Có vô số ý kiến mà con không quyết định là vô ích.

Có ít tư tưởng mà thực hiện tất cả mới là lãnh đạo thực sự.

 

(846) Biết điều con muốn và muốn cách cương quyết.

Nếu không cương quyết định đoạt, con sẽ làm các tùy viên tê liệt.

Ðể các tùy viên tự do quyết định, con sẽ gây hỗn loạn.

 

(847) Lãnh đạo là sống kỷ luật, tìm hiểu lệnh trên, khôn khéo hành động theo mệnh lệnh. Lãnh đạo là tìm kiếm phương thế thực hiện và giàu nghị lực để thắng các trở ngại.

@ 2Tm 3,10: Phần anh, anh đã theo sát đạo lý, cách sống, dự định của tôi; anh đã thấy lòng tin, sự nhẫn nại, lòng yêu mến, sự kiên trì của tôi;

(Xem thêm: 2Tm 4,2).

 

(848) Việc con chỉ trích cấp trên làm nhụt nhuệ khí, tạo chia rẽ giữa các tùy viên và mở đường cho họ bình phẩm phương pháp, bươi móc khuyết điểm của chính con.

 

(849) Chúa không sinh con để làm đàn cừu, đàn vịt, nhưng để lãnh đạo môi trường của con. Lãnh đạo là thúc đẩy, là lôi cuốn.

 

(850) Muốn lãnh đạo sáng suốt, cần phải biết nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi là nghệ thuật cần thiết để tránh nóng nảy, mệt trí, cau có, mất tự chủ, hoảng hốt.

@ Mc 6,31: Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút". Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.

 

(851) Lãnh đạo phải can đảm, có cái nhìn bình tĩnh trước mọi biến cố, ở mọi nơi, trong mọi lúc.

Chừng ấy con ổn định được tình trạng thử thách nguy hiểm nhất.

 

(852) Quá lao lực, có ngày sẽ bất lực; quá bận tâm, có ngày mất nội tâm. Càng bận rộn con càng phải dành thì giờ để suy tư, học hỏi, và nhất là cầu nguyện. Con sẽ tìm được bình an.

 

(853) Con đừng phí một giây, đừng dư một lời, đừng bỏ một dịp.

Con sẽ nhận xét sâu sắc hơn,

Có ý chí cương quyết hơn,

Ðược người cảm phục hơn.

 

(854) Biết giữ kỷ luật cá nhân, biết tổ chức đời sống, biết bắt đầu hành động, biết phân giá trị mỗi việc. Ðó là những điều kiện giúp con lãnh đạo cách hiên ngang, anh hùng, đem lại tin tưởng lúc mọi người nao núng, hoảng hốt.

@ ÐT 11b: Không những phải coi kỹ luật trong đời sống chủng viện như một trợ lực vững chãi của đời sống cộng đoàn và bác ái, mà hơn nữa, còn như một thành phần thiết yếu trong tất cả công cuộc huấn luyện đã đạt được tinh thần tự chủ, phát triển được sự trưởng thành vững chãi về nhân cách, rèn luyện được những tư cách khác giúp ích rất nhiều cho hoạt động của Giáo hội được quy củ và kết qủa.

(Xem thêm: LM 14a, 16c; ÐT 4b, 11a).

 

(855) Nhìn rõ, nhìn thật, nhìn đúng, xét người, xét việc, xét cảnh. Ðó là óc thực tế con cần để lãnh đạo, dựa trên các dữ kiện khách quan.

@ ÐT 11a: Nhờ nền giáo dục khéo tổ chức, cũng phải nhằm huấn luyện cho các chủng sinh đạt được mức trưởng thành nhân bản khả đáng, nhất là mức trưởng thành đã được kiểm nghiệm trong một đức tính cương nghị, trong khả năng quyết định chín chắn, và một óc phê phán xác đáng về con người và về các biến cố.

(Xem thêm: LM 14a; ÐT 21; TÐ 4c; TG 11b, 16d).

 

(856) Dùng toàn công thức là máy móc, ngủ trong thủ tục là lỗi thời, lạc trong chi tiết là chật hẹp.

Con phải:

- Nhìn tổng quát,

- Thích ứng dẻo dai,

- Biến dở thành hay.

Con cần:

- Cố vấn,

- Chuyên viên,

- Nhất là ý chí của con.

@ 1Tm 4,14-15: Ðừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh. Anh hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh.

 

(857) Con phải phát triển, trau dồi khả năng để phục vụ đắc lực hơn.

 

(858) Lãnh đạo mà thiếu khả năng, không những con mất uy tín mà còn thiếu liêm chính.

 

(859) Ðừng đòi vị lãnh đạo của con phải có đủ mọi tài năng, vì con sẽ không tìm ra người lãnh đạo lý tưởng ấy. Nhưng nếu con lãnh đạo, con phải kiếm cách phát triển khả năng không ngừng.

 

(860) Ðể có thể điều khiển mọi hoạt động và quy hướng mọi cố gắng về mục đích, người lãnh đạo phải có khả năng phân biệt rõ ràng những ý tưởng tổng quát, nhờ đó có cái nhìn toàn diện và hiểu biết đầy đủ về mọi ngành trong tổ chức của mình.

 

(861) Mỗi cá nhân là một "mầu nhiệm". Muốn lãnh đạo, con phải biết từng tùy viên, với nhu cầu, sở thích, tính tình, phản ứng của họ, để đánh giá họ đúng mức, đặt họ đúng chỗ.

@ Ga 10,14: Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi.

 

(862) Như Chúa Giêsu đã ở liên lỉ với các Tông đồ suốt ba năm, con hãy hoà mình với các cộng tác viên của con, thông cảm, chia sẻ tâm sự vui buồn và đoán biết tâm lý từng người. Con sẽ ngạc nhiên vì lúc ấy họ đoàn kết và cố gắng vượt mức.

@ LM 7a: Chính vì sự hiệp thông trong cùng một chức Tư Tế và thừa tác vụ, các Giám mục phải coi các linh mục như anh em và bạn hữu, và hết sức lo lắng đến lợi ích vật chất và nhất là thiêng liêng của các ngài.

(Xem thêm: GM 16a).

 

(863) Con hãy đặt mình vào địa vị các cộng sự viên, trao đổi quan điểm thân mật với họ, đón tiếp ân cần, tỏ cho họ thấy con quan tâm đến họ, con hiểu họ. Thái độ nhân hậu ấy sẽ làm cho họ yêu thương con, tin tưởng con.

@ 2Cr 7,2-4: Anh em hãy dành cho chúng tôi một chỗ trong lòng anh em. Chúng tôi đã không làm hại ai, không làm cho ai phải sạt nghiệp, không bóc lột ai. Tôi nói thế không phải để lên án anh em, vì tôi đã từng nói: anh em hằng ở trong lòng chúng tôi, sống chết chúng ta đều có nhau. Tôi rất tin tưởng anh em, tôi rất hãnh diện về anh em. Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó.

(Xem thêm: 2Cr 6,11-12).

 

(864) Công trạng của con không được ghi trong huy chương trên ngực, trong các bản tuyên dương, các diễn văn ca ngợi con.

Phần thưởng của con được ghi trong cái nhìn, trong quả tim của các cộng sự viên.

@ 1Tx 2,19-20: Ai là niềm hy vọng, là niềm vui của chúng tôi, ai là triều thiên làm cho chúng tôi hãnh diện trước nhan Ðức Giêsu, Chúa chúng ta, khi Người quang lâm, nếu không phải là anh em? Phải, chính anh em là vinh quang và là niềm vui của chúng tôi.

(Xem thêm: Pl 4,1).

 

(865) Chiếm được con tim của tùy viên, con có thể thấy họ dốc toàn lực để theo con vì họ biết con yêu họ thành thực, đậm đà, hy sinh tận tụy cho họ. Nếu con không lãnh đạo bằng tình yêu, con phải sử dụng hạ sách: "vũ lực".

@ Ga 10,11-12: Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn.

@ GM 16a: Trong khi thi hành nhiệm vụ người cha và chủ chăn, các Giám mục hãy sống giữa dân mình như những người phục vụ, nghĩa là như những chủ chăn hiền từ biết các con chiên mình và con chiên cũng biết chủ chăn; như những người cha đích thực tỏ lòng yêu thương và lo lắng cho hết mọi người và mọi người tỏ lòng tri ân tuân phục quyền hành Thiên Chúa đã ban cho các ngài. Các ngài hãy quy tụ đoàn chiên của mình thành một gia đình đông đủ và cổ võ để mọi người đều ý thức nhiệm vụ riêng mà sống và hoạt động trong tình hiệp thông bác ái.

(Xem thêm: DT 14c).

 

(866) Khi đã chinh phục được con tim của tùy viên, người lãnh đạo dám:

- Ðể tùy viên nhìn gần mà không sợ mất mát,

- Hạ mình với họ mà vẫn cao thượng,

- Tự nhiên, từ tốn mà được kính phục,

- Cương quyết đòi hỏi mà được vâng lời triệt để.

@ Ga 1,39: Người bảo họ: "Ðến mà xem". Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

(Xem thêm: Lc 19,5; 1Cr 9,20-21).

 

(867) Con đừng quên rằng tùy viên của con là người, là một nhân vị, là con Chúa, nên chỉ có họ và Thiên Chúa mới có quyền đối với họ. Không ai được coi họ như vật sở hữu, như máy móc sản xuất.

@ DT 14c: Với lòng kính trọng nhân vị, các bề trên hãy cai quản những kẻ thuộc quyền như là những con cái Thiên Chúa bằng cách phát triển sự vâng phục tự nguyện.

(Xem thêm: MV 28a; TÐ 8e).

 

(868) Nhà lãnh đạo công tâm và khiêm tốn, làm việc cho người kế vị, bất kể người đó là ai - Con hãy đặt sự trường cửu của công việc lên trên danh tiếng và lợi ích cá nhân con.

@ Ga 1,26-27: Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.

 

(869) Lãnh đạo không gương sáng được vâng phục mà không được kính phục.

Lãnh đạo chỉ nêu gương sáng trong nhiệm vụ được kính phục mà không được mến phục.

Lãnh đạo nêu gương sáng trong mọi lãnh vực được vâng phục, kính phục.

@ Tt 1,7-9: Giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; trái lại, phải hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ; người ấy phải gắn bó với lời đáng tin cậy và đúng đạo lý, để vừa có khả năng dùng giáo lý lành mạnh mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối.

(Xem thêm: Ga 13,15; 1Tx 2,10-12; 1Tm 3,2-5; 4,12; Tt 2,7).

@ LM 3: Như các mục tử nhân lành, các linh mục phải nhận biết các chiên của mình và còn tìm cách dẫn về đoàn này, để chúng cũng nghe tiếng Chúa Kitô, hầu nên một đoàn chiên và một Chủ Chăn. Ðể được thế, cần phải có nhiều đức tính đáng cho xã hội loài người kính chuộng như từ tâm, thành thật, dũng cảm, kiên nhẫn, yêu chuộng công lý, lịch thiệp và những đức tính khác mà Thánh Phaolô Tông đồ khuyên nhủ khi Ngài nói: "Tất cả những gì là chân thật, là trong sạch, là công bằng, là thánh thiện, là khả ái, là danh thơm tiếng tốt, hoặc nhân đức, hoặc hạnh kiểm nào đáng khen, thì xin anh em hãy tưởng nghĩ đến" (Pl 4,8).

(Xem thêm: GH 26c; GM 15c; DT 11a).

 

(870) Ðặc điểm của nhà lãnh đạo thiên tài là biết quy tụ cộng tác viên bằng cách:

- Tìm họ,

- Khám phá họ,

- Tiếp đón họ,

- Chọn họ,

- Huấn luyện họ,

- Tín nhiệm họ,

- Sử dụng họ,

- Mến yêu họ,

Không ai là nhà lãnh đạo lý tưởng cũng như không ai là cộng tác viên thập toàn.

@ Ga 15,16: Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.

 

(871) Thiên Chúa là bí quyết của nhà lãnh đạo. Ngài ban uy quyền và không bỏ rơi những ai dựa vào quyền năng của Ngài để lãnh đạo. Tinh thần khiêm nhượng và lòng bác ái là căn bản; Phúc âm của Ngài hướng dẫn nhà lãnh đạo.

@ Mc 10,43-45: Giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.

@ GH 27c: Ðược Chủ sai đi cai quản gia đình mình, Giám mục phải chiêm ngắm gương mẫu Chúa Chiên lành, Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mt 20,28; Mc 10,45) và hiến mạng sống mình vì con chiên (x. ga 10,11). Ðược chọn giữa loài người và đầy yếu hèn, ngài có thể cảm thông nỗi đau khổ với những ai dốt nát và lầm lạc (x. Dt 5,1-2). Giám mục không nên từ chối lắng nghe những kẻ thuộc quyền, nhưng hãy ân cần săn sóc họ như những người con đích thực, và khuyên nhủ họ hăng hái cộng tác với mình. Vì phải trả lẽ với Chúa về linh hồn con cái mình (x. Dt 13,17), Giám mục hãy cầu nguyện, rao giảng và làm mọi việc bác ái săn sóc họ và cả những người chưa thuộc đoàn chiên duy nhất mà ngài cũng phải coi như được trao phó cho mình trong Chúa. Như Tông đồ Phaolô, Giám mục mắc nợ tất cả mọi người, cho nên hãy hăng hái rao giảng Phúc âm cho mọi người (x. Rm 1,14-15) và khuyến khích các tín hữu làm việc tông đồ và truyền giáo.

(Xem thêm: GH 6b; LM 6a, 13d, 15c; ÐT 4a).

 

(872) Nhà lãnh đạo không chỉ căn cứ vào báo cáo thôi, nhưng nhất là lo lắng đọc "sách đời sống" của mỗi tùy viên hơn: đọc trong lòng họ, trong khả năng họ, trong thử thách họ.

 

(873) Chúa Giêsu không có ý biến đổi tức khắc các Tông đồ bằng mệnh lệnh, nhưng Chúa để họ dần dần tự canh tân. Con hãy tin tưởng và làm cho người ta tin tưởng, sống và làm cho người ta thích sống như con.

@ Ga 16,12: Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.

@ TD 9: Mạc khải chứng tỏ rằng Chúa Kitô đã tôn trọng quyền tự do của con người trong khi họ thi hành bổn phận, tin vào Lời Chúa và dạy cho chúng ta biết tinh thần mà những đồ đệ của một vị Thầy như thế phải nhận biết và tuân theo trong mọi lãnh vực.

(Xem thêm: TD 11ab, 14d).

 

(874) Chúa Giêsu không định giờ để ra lệnh, hay mở lớp huấn luyện tinh thần. Ngài dùng cơ hội thực tế trong đời sống để dạy cho các tông đồ những bài học thiết thực: lúc đi ngang vườn nho, cây vả, đồng lúa, lúc các em bé đến chơi, lúc các Tông đồ tranh giành địa vị (x. Mt 21,18tt; Lc 9,46tt; Ga 4,35).

 

(875) Trong việc tông đồ trực tiếp, tuy Chúa Giêsu có dạy những bài giảng riêng biệt, nhưng Ngài vẫn thích những cuộc gặp gỡ tự nhiên hơn. Trong những giây phút bất ngờ, ơn đặc sủng đã đến với Giakêu, Simon, bà Samari... (x. Mt 26,6; Lc 19,1tt; Ga 4,7tt).

 

(876) Chúa Giêsu không bỏ các Tông đồ vì họ không hiểu Ngài hay cứng đầu đối với Ngài.

Con đừng nản lòng, cứ nhẫn nại, tử tế với hạng người ác ý, ác tâm, đê tiện. Ơn Chúa sẽ thu phục họ.

@ Lc 24,25-27: Bấy giờ Ðức Giêsu nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Ðấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

(Xem thêm: 2Tm 2,24-25).

@ TD 14d: Mỗi môn đệ đều có bổn phận quan trọng đối với Chúa Kitô, Thầy Chí Thánh của mình, là phải luôn luôn tìm cách thấu hiểu chân lý mà Người đã trao ban, phải trung thành loan truyền và can đảm bảo vệ, nhưng không được dùng những phương tiện trái với tinh thần Phúc âm. Nhưng đồng thời, vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách, họ hãy lấy tình thương, sự khôn ngoan và lòng kiên nhân mà đối xử với những kẻ còn sống trong lầm lạc hoặc chưa nhận biết đức tin.

(Xem thêm: TG 13ab; TD 9,11ab).

 

(877) Nhiều gia đình, nhiều cộng đoàn chỉ dùng lưỡi đối thoại với nhau. Nếu biết dùng quả tim đối thoại đứng đắn, tâm hồn họ sẽ xích lại gần nhau.

 

(878) Lúc đối thoại, Chúa Giêsu không đóng miệng Phêrô nóng nảy. Lời lẽ bồng bột chua chát của người khác không làm sụp đổ vũ trụ đâu. Con đừng sợ, cứ đối thoại với tất cả tâm hồn thay vì lý sự.

@ 2Cr 11,12: Ðiều tôi làm, tôi sẽ tiếp tục làm, để những kẻ muốn có cơ hội tự phụ là những người ngang hàng với chúng tôi, không còn cơ hội đó nữa.

 

(879) Tìm đâu ra bí quyết của đối thoại làm tâm hồn được giải thoát, cởi mở, trí khôn được sáng suốt? - Hãy tìm trong Phúc âm.

 

(880) Chúa Giêsu không từ khước một ai đối thoại với Ngài. Ngài đối thoại với bạn hữu, với người lạ, với dân ngoại, với người tội lỗi, với người chống đối.

@ TG 11b: Như chính Chúa Kitô đã dò xét tâm hồn con người và đối thoại với họ đúng theo kiểu loài người để dẫn họ đến ánh sáng thần linh, thì các môn đệ của Người đã thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết người họ chung sống, và phải đàm thoại với họ, để nhờ chính việc đối thoại chân thành và nhẫn nại đó, các môn đệ học biết những ân huệ phong phú mà Thiên Chúa đã rộng ban cho các dân tộc; đồng thời các môn đệ phải cố gắng đem ánh sáng Phúc âm chiếu soi những ân huệ đó, giải thoát chúng và đem chúng về quy phục Chúa Cứu Thế.

(Xem thêm: MV 92c; TÐ 14b, 31b).

 

(881) Lãnh đạo phải trở nên mọi sự cho mọi người, trong bất cứ trường hợp nào, chấp nhận mọi thứ công việc, nhọc mệt, chống đối, và khi cần phải hy sinh cả mạng sống để mưu ích cho đoàn thể. Nhưng đừng bao giờ vì thế mà giảm sút sự lo lắng cho chính linh hồn con.

@ 1Tx 2,7-8: Chúng tôi có thể đòi anh em phải trọng đãi, với tư cách là Tông Ðồ Ðức Kitô. Trái lại, khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.

(Xem thêm: 1Cr 9,27; 2Cr 12,15).

@ TG 24a: Kẻ được sai đi phải thấm nhuần đời sống và sứ mệnh của Ðấng đã "tự hủy mình mà nhận lấy thân phận tôi tớ" (Pl 2,7). Do đó, họ phải sẵn sàng để suốt đời đứng vững trong ơn gọi của mình, phải từ bỏ mình và những gì mình có từ trước đến nay và "trở nên mọi sự cho mọi người".

(Xem thêm: GH 27c; LM 13d; TG 25b).

 

(882) Nhận trách nhiệm lãnh đạo, con phải nhớ rằng, sau khi đem hết thiện chí chu toàn nhiệm vụ, hãy xem mình là tôi tớ vô dụng, nhìn nhận mình còn nhiều khuyết điểm và không ngạc nhiên, buồn phiền khi được đáp trả bằng hiểu lầm và vô ơn (x. Lc 17,10).

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page