Ðường Hy Vọng
Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Ðồng
ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
31. Bác Ái
Bác ái, đồng phục của người Kitô hữu
(737) Trước khi xét đoán ai, con hãy cầu nguyện rồi hãy làm như Chúa Giêsu trong trường hợp con.
@ Ga 8,15-16: Các ông xét đoán theo kiểu người phàm; phần tôi, tôi không xét đoán ai cả. Mà nếu tôi có xét đoán, thì sự xét đoán của tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình tôi, nhưng có tôi và Ðấng đã sai tôi.
(Xem thêm: Ga 7,24).
(738) Khi con đi công tác cho Ðức Mẹ xa nhà con cả cây số, chưa chắc con đã sống bác ái thật. Chừng nào con dám công tác bên cạnh nhà con, đến với những người nghe thấy con mỗi ngày, cha mới tin con bác ái thật!
(739) Phàn nàn là một bệnh dịch hay lây, triệu chứng: bi quan, mất bình an, nghi ngờ, mất nhuệ khí kết hiệp với Chúa.
(740) Ký sổ vàng, mua vé số, cho áo quần cũ có khi đó chỉ là những việc bác ái để khỏi bị quấy rầy! Yêu thương mới là khó. Hãy để lòng con trong sổ vàng, trong vé số, trong gói quần áo cũ!
@ 2Cr 9,7: Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.
(Xem thêm: 1Cr 16,14).
(741) "Tôi không làm việc bác ái được, vì tôi không có tiền!" Chỉ có tiền mới bác ái sao? - Bác ái bằng nụ cười, bác ái bằng bắt tay, bác ái bằng thông cảm, bác ái bằng thăm viếng, bác ái bằng cầu nguyện.
@ Mc 9,41: Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
(Xem thêm: Cv 12,5; 2Cr 9,14).
@ MV 38a: Ngôi Lời Thiên Chúa cũng nhắc nhở cho biết đức bác ái ấy không phải chỉ được thực hiện trong các việc vĩ đại, nhưng trước hết trong những hoàn cảnh thông thường của cuộc sống.
(Xem thêm: GH 40b; MV 27b, 78c; TÐ 8b).
(742) Ðừng đợi gần chết mới làm hoà với nhau. Ðừng để gần chết mới phân phát của cải. "Bác ái chẳng đặng đừng", "Bác ái bất đắc dĩ". Con sẽ tiếc vì yêu thương quá chậm.
@ Gl 6,9-10: Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin.
(743) Người ta không cần của con, không cần con cho, bằng cần con hiểu họ, thương họ!
@ 1Cr 13,3: Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.
(Xem thêm: 2Cr 12,14).
(744) Ðừng tức tối vì người ta chỉ trích con, hãy cám ơn vì còn bao nhiêu tồi tệ mà họ chưa nói.
(745) Sống huynh đệ rất tốt đẹp, Chúa bảo: "Ðâu có hai, ba người họp lại nhân danh Ta, thì Ta ở giữa họ" (Mt 18,20). Chúa biết khó nên Ngài đòi số tối thiểu, Ngài không đòi hơn "hai hay ba".
(746) Cuộc sống huynh đệ thử thách và nâng đỡ tình bác ái như cây trên rừng che đỡ nhau khỏi ngã lúc gió bão.
@ Rm 15,1-2: Bổn phận của chúng ta, những người có đức tin vững mạnh, là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có đức tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình. Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng.
(Xem thêm: Ga 13,14-15; Rm12,10; Gl 6,2-5; 1Tx 5,14-15; 1Pr 4,8-10).
@ DT 15a: Là chi thể của Chúa Kitô, các tu sĩ hãy mang lấy gánh nặng của nhau (x. Gl 6,2) và trọng kính lẫn nhau trong tinh thần giao hảo huynh đệ (x. Rm 12,10)... Hơn nữa, sự hiệp nhất huynh đệ loan báo Chúa Kitô đã đến (x. Ga 13,35; 17,21) và phát sinh một năng lực tông đồ mãnh liệt.
(Xem thêm: GM 28c, 30d; LM 8ac; DT 12b; NK 5a).
(747) Con không lường được người say rượu có thể làm hại đến thế nào: đâm chém, đốt nhà, giết người... Khi con say vì đam mê hận thù, con càng mất sáng suốt hơn thế nữa.
@ 1Ga 2,11: Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng.
(Xem thêm: Gc 4,1-3).
(748) Chúa chỉ bắt các tông đồ mang một đồng phục rẻ tiền mà khó kiếm: "Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đồ Ta: ấy là nếu các ngươi có lòng yêu mến lẫn nhau!" (Ga 13,35).
(749) Ðâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa; đâu có thù ghét, ở đó có hoả ngục.
@ 1Ga 3,14-15: Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó.
(Xem thêm: 1Ga 4,16; Gc 3,16).
@ MV 21e: Ðiều có thể làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa hơn cả là đức ái huynh đệ của các tín hữu như họ đồng tâm nhất trí cộng tác cho đức tin Phúc âm và tỏ ra họ là dấu chỉ hiệp nhất.
(Xem thêm: GH 41g, 42a, 50b; TÐ 8bc).
(750) Lấy lý do giúp đỡ, khuyên bảo anh em, để dò chuyện bên này đem nói bên kia, đó là "bác ái tình báo".
(751) Trong một giây, bằng một chấm phết, bất cứ ai cũng có thể bôi nhọ bức họa vô giá của Raphael, đã tốn bao công phu thời giờ mới thực hiện nổi, nhưng ai làm lại được?
(752) Chúa nói: "Nếu ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ, và ở đó nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, hãy đặt của lễ đó trước bàn thờ, mà đi làm hoà với anh em ngươi trước đã, rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật của ngươi" (Mt 5,23-24). Còn con, con làm ngược lại: cứ dâng lễ và phóng thanh cho mọi người biết, trừ ra gặp mặt đương sự. Tin mừng của con!
(753) Con chủ trương phải đối thoại, nhưng con không chấp nhận ai nói trái ý con. Ðó là "đối thoại có chương trình và giới hạn" hay nói đúng hơn: hai người độc thoại.
@ 2Cr 6,11-13: Thưa anh em người Cô-rin-tô, chúng tôi đã chân thành ngỏ lời với anh em, chúng tôi đã mở rộng tấm lòng. Chúng tôi không hẹp hòi với anh em đâu, nhưng chính lòng dạ anh em hẹp hòi. Vậy anh em hãy đền đáp chúng tôi; tôi nói với anh em như nói với con cái: anh em cũng hãy mở rộng tấm lòng.
@ MV 28a: Cũng phải kính trọng và yêu thương những người không cùng một cảm nghĩ hoặc cùng một hành động với chúng ta trong vấn đề xã hội, chính trị hay cả tôn giáo nữa. Thực vậy, càng lấy sự nhân ái và yêu thương mà tìm hiểu sâu xa hơn những cách cảm nghĩ của họ, chúng ta càng dễ dàng có thể đi tới đối thoại với họ hơn.
(Xem thêm: MV 92c; GM 13b; ÐT 19b).
(754) Con cho là phi lý, khi một lao công chỉ trích đòi dạy kỹ sư, kiến trúc sư xây cầu, làm nhà, một y công chỉ trích đòi hướng dẫn bác sĩ giải phẫu. Sao chính con lại chỉ trích cấp trên, nắm được nhiều yếu tố, có nhiều khả năng, nhiều kinh nghiệm, nhiều cố vấn và nhiều ơn Chúa hơn con.
(755) Hãy yêu thương nhau không bằng lời nói mà bằng việc làm. Hãy yêu thương nhau bằng tay mặt mà tay trái không biết.
"Các con hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các con" (Ga 15,12).
@ 1Ga 3,18: Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.
@ TÐ 8d: Ngày nay, hoạt động bác ái có thể phải nhằm tới tất cả mọi người và mọi nhu cầu. Ở đâu có người thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc, thiếu nhà ở, thiếu thuốc men, thiếu việc làm, thiếu giáo dục, thiếu những phương tiện cần thiết để sống xứng danh con người, ở đâu có người bị đau khổ vì nghịch cảnh, ốm yếu, chịu cảnh lưu đày, tù ngục, thì ở đó bác ái Kitô giáo phải tìm gặp, ân cần săn sóc, ủi an và xoa dịu họ bằng những trợ giúp thích đáng. Thi hành bổn phận này trước hết là bổn phận của những người giàu và các dân tộc giàu.
(Xem thêm: GH 42b; MV 93; LM 9b).
(756) Có loại bác ái ồn ào: Bác ái phóng thanh.
Có loại bác ái kể công: Bác ái ngân hàng.
Có loại bác ái nuôi người: Bác ái sở thú.
Có loại bác ái khinh người: Bác ái chủ nhân.
Có loại bác ái theo ý: Bác ái độc tài.
Bác ái nhãn hiệu, bác ái giả hiệu.
@ Rm 12,9-10: Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình.
(Xem thêm: Mt 16,2-4; 1Cr 13,4).
(757) Lời bất công của người công chính vô cùng ác hại. Ðó là thuốc độc do tay bác sĩ trao. Toa thuốc ấy càng truyền ra, càng giết người.
@ Ep 4,29: Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe.
(Xem thêm: Gc 3,8-10).
(758) Người tu hành chỉ còn một của riêng là danh tiếng. Ai phạm đến danh tiếng họ là ám sát họ.
(759) Nếu con chỉ khen người khen con, chỉ chấp nhận người không phản đối con, giao tiếp với người đồng ý kiến với con, con không bác ái cũng không sáng suốt: mù dắt mù.
(760) Cộng đoàn nào có một "thánh tu hành" thì thánh ấy hay làm cho cộng đoàn có nhiều "thánh tử đạo".
(761) Ðặt mình vào địa vị kẻ khác, con sẽ thấy những lời tuyên bố long trọng và vô trách nhiệm của con hớ hênh quá và con sẽ dè dặt dần.
(762) Nói dễ, làm khó, ai cũng chê hiện tại, ai cũng tiếc quá khứ, ai cũng hoan nghênh chương trình của mình về tương lai. Nhưng khi tương lai của con thành hiện tại, con lại cấm người ta phê bình!
(763) Tính xấu của tôi, tôi cho là nhân đức. Thiện chí của anh em, tôi gọi là khuyết điểm.
(764) Con không thiếu khuyết điểm, sao con tức tối và tấn công khuyết điểm của anh em?
@ Tt 3,2-3: Ðừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người.
(Xem thêm: Mt 7,3-5).
(765) Yêu người là "trắc nghiệm chắc chắn nhất về lòng mến Chúa" của con.
@ 1Ga 4,20-21: Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Ðây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.
(Xem thêm: 1Ga 3,17; 4,7-8).
@ GH 42a: Ðức ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật (x. Cl 3,14; Rm 13,10), nên đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được cùng đích. Vì thế, đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Chúa Kitô.
(Xem thêm: MV 24b, 72b; TÐ 8bc).
(766) Yêu người không phải là vuốt ve nuông chiều họ, nhưng có lúc yêu người là làm phiền lòng họ, vì sự thật và vì lợi ích của họ.
@ 2Cr 7,8-9: Dù trong bức thư trước tôi có làm cho anh em phải ưu phiền, tôi cũng không hối tiếc. Mà giả như có hối tiếc - vì thấy rằng bức thư ấy đã làm cho anh em phải ưu phiền, tuy chỉ trong chốc lát, thì nay tôi lại vui mừng, không phải vì đã làm cho anh em phải ưu phiền, nhưng vì nỗi ưu phiền đó đã làm cho anh em hối cải. Thật thế, anh em đã phải ưu phiền theo ý Thiên Chúa, nên chúng tôi không làm thiệt hại gì cho anh em.
(Xem thêm: Ep 4,15).
@ MV 28b: Ðức ái và lòng nhân hậu không bao giờ cho phép chúng ta trở thành dửng dưng với điều chân và thiện. Hơn thế nữa, chính đức ái thúc bách các môn đệ Chúa Kitô loan báo cho mọi người chân lý cứu rỗi.
(Xem thêm: MV 92d; LM 6a; HN 11a; TD 11b, 14d).
(767) Chúa Giêsu không dạy yêu người "bằng tình cảm", vì Chúa dạy con yêu cả kẻ nghịch của con. Yêu là thành thực muốn sự lành cho họ và làm tất cả để họ được hạnh phúc. Ðiều ấy đòi buộc con phải hoàn toàn quên mình.
@ Rm 12,17.20-21: Ðừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Ðừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác.
(Xem thêm: Mt 5,43tt; 1Tx 5,15; 1Pr 3,8-9).
@ MV 28c: Giáo lý của Chúa Kitô cũng đòi chúng ta phải tha thứ những xúc phạm và giáo lý ấy nới rộng giới răn yêu thương đối với tất cả kẻ thù, đó chính là giới răn trong Luật Mới: "Các ngươi có nghe lời truyền dạy hãy thương yêu thân nhân và ghét thù địch mình. Còn Ta, Ta dạy các ngươi: hãy thương yêu kẻ thù nghịch mình, cứ làm ơn cho kẻ ghét mình, lại cầu nguyện cho những người bắt bớ vu vạ cho ngươi nữa" (Mt 5,43-44).
(Xem thêm: MV 28a, 32c; TG 12a, 15b).
(768) Con phải là "món quà" trong tay Chúa, sẵn sàng để Chúa tặng cho bất kỳ ai. Một món quà mà ai cũng quý yêu thèm muốn.
(769) Sự lầm lạc lớn nhất là không biết những người khác là Chúa Kitô. Có nhiều người tận thế mới vỡ lẽ!
@ Mt 25,45: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.
(Xem thêm: Mt 10,40; 18,5).
(770) Trong cá tính nhân cách mỗi người, không có hai người giống nhau. Ðừng vơ đũa cả nắm. Ðời người không phải là "cuộn băng cát-xét" đã được sang từng "xê-ri" giống nhau.
(771) Chúng ta phải biết cám ơn lẫn nhau:
Người nhận: vì được yêu thương giúp đỡ.
Người cho: vì được dịp lớn lên trong tình yêu.
(772) Tại sao ngày nào con cũng lập toà án và bắt anh em con diễn hành lần lượt qua đó? Tại sao lúc nào cha cũng thấy con ngồi ghế quan toà, không bao giờ ngồi băng bị can?
@ Mt 7,1-2: Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.
(Xem thêm: Rm 2,1-3; 14,13).
@ MV 28b: Chỉ có mình Thiên Chúa là quan toà và là Ðấng thấu suốt mọi tâm hồn: bởi vậy Ngài ngăn cấm chúng ta xét đoán tội lỗi bên trong của bất cứ người nào.
(Xem thêm: HN 4b, 7b).
(773) Thay "nụ cười ngoại giao" của con bằng "nụ cười chân thành Kitô hữu".
@ Ep 4,25: Một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau.
(774) Các việc từ thiện, xã hội rất cần và rất tốt, nhưng với thời đại nguyên tử, có thể nói được rằng: chúng ta chưa yêu thương đích thực, khi chúng ta chưa dấn thân đòi hỏi, sáng tạo, biến đổi những cơ cấu ngăn chặn sự giải phóng con người, để làm cho con người sống "người hơn".
@ MV 35a: Giá trị con người hệ tại ở "cái mình là" hơn hệ tại ở "cái mình có". Cũng vậy, tất cả cái gì con người làm để đạt tới một mức độ công bình cao hơn, một tình huynh đệ rộng lớn hơn và một trật tự nhân đạo hơn trong các tương quan xã hội, đều qúy trọng hơn các tiến bộ kỹ thuật, bởi vì, các tiến bộ ấy tuy có thể cung cấp chất liệu cho việc thăng tiến con người, nhưng tự chúng mà thôi không thể thực hiện được công việc thăng tiến ấy.
(Xem thêm: MV 25a, 26c, 27a, 78b; TÐ 6a, 7, 8).
(775) Nếu Thiên Chúa chỉ dạy mến Chúa thì hay quá! Nhưng Ngài thêm luật yêu người, cũng trọng bằng luật mến Chúa thì vô cùng rắc rối, phức tạp cho nhiều người!
(776) Tại sao con ghi khắc khuyết điểm của anh em vào bia đá, còn tội lỗi của con thì viết trên cát?
@ Mt 7,3: Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?
(777) Môi trường đòi buộc con thinh lặng hoạt động, con cứ thích nghi theo môi trường và đi đến đâu con hãy "gieo rắc tình yêu". Con sẽ ngạc nhiên, vì một ngày kia, nhìn lại những nơi con đã đi qua, hạt giống tình yêu đã nặng trĩu gấp mười, gấp trăm, nơi tâm hồn những người Chúa Quan phòng định cho gặp con trên đường hy vọng.
(778) Hạnh phúc cho một huynh đệ đoàn là gì? Là: "Phúc cho những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính" (Mt 5,10). Ðúng vậy! Ðây là một cuộc bắt bớ có tổ chức, có thời khoá biểu, có luật lệ, nhưng sự bắt bớ này đem lại ơn cứu chuộc, vì đặt con trong ý nghĩa của lịch sử và của Hội thánh là xã hội hoá trần gian.
(779) Một huynh đệ đoàn đích thực là một cộng đoàn hiệp nhất; nó không nguyên tử hoá, nhưng ngược lại nhân vị hoá con người.
@ Pl 2,1-2: Nếu quả thật sự liên kết với Ðức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.
(Xem thêm: Rm 12,10; 1Cr 1,10; 2Cr 13,11).
@ MV 6e: Những liên hệ của con người với đồng loại cứ tăng thêm mãi, đồng thời chính việc "xã hội hoá" lại tạo thêm những liên hệ mới, tuy nhiên, những liên hệ mới ấy không phải lúc nào cũng giúp nhân vị trưởng thành một cách thích hợp, hoặc thăng hoa những tương quan nhân vị (nhân vị hoá).
(Xem thêm: GH 28b; MV 25a, 29a; TÐ 8e).
(780) Ngày xưa tu đức là ăn chay, đánh tội, thức khuya, dậy sớm, sống thinh lặng.
Ngày nay tu đức là sống giữa huynh đệ đoàn: hội họp, trao đổi, hợp tác...
@ Dt 10,24-25: Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt. Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp, như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy Ngày Chúa đến đã gần.
@ LM 7c: Ngày nay, sự hiệp nhất giữa các Linh mục và các Giám mục lại càng khẩn thiết hơn, vì trong thời đại chúng ta, bởi nhiều lý do, các công cuộc tông đồ không những cần phải mang rất nhiều hình thức khác nhau, nhưng thật ra còn cần phải vượt khỏi giới hạn giáo xứ hay giáo phận. Vậy, không một linh mục nào có thể chu toàn đầy đủ sứ mệnh của mình một cách lẻ loi và hầu như riêng rẽ, nhưng phải hiệp sức với các linh mục khác, dưới sự điều khiển của các vị lãnh đạo trong Giáo hội.
(Xem thêm: GH 28e; MV 25a, 30b, 43b, 89a).
(781) Mỗi chiều tối, trước lúc lên giường ngủ, con phải nói được rằng: "Suốt ngày hôm nay, tôi đã yêu thương".
(782) Những ai tổ chức vu cáo, thoá mạ, xúi giục căm thù, chống đối, dù với mục đích nào, cũng không che dấu được tính cách phản Phúc âm, vì Chúa là tình yêu.
(783) Hãy lấy một tờ giấy và bình tĩnh viết trên đó đức tính của người mà con bất bình, con sẽ thấy họ không hoàn toàn xấu như con nghĩ từ đầu.
(784) Sao con trách móc khi người ta phụ ơn con? Công nghiệp của con mất đi sao? Hay là con bắt Chúa cám ơn con? "Những gì các ngươi đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất này của Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta" (Mt 25,40).
@ Mt 10,42: Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
(785) Tại sao con hà tiện một tiếng khen? Tiếc nuối một nụ cười, một siết tay với người ta? Bao nhiêu người không cần bạc tiền, chỉ cần lòng con.
(786) Nếu các công việc từ thiện xã hội của con không phải vì Chúa, thì con chỉ là nhân viên của một chi nhánh Hồng thập tự.
@ Mt 6,1-2: Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.
@ LM 9b: Các linh mục phải lãnh đạo làm sao để không tìm tư lợi, nhưng tìm lợi ích cho Chúa Giêsu Kitô; các ngài hợp tác với giáo dân và cùng với họ, xử sự theo gương Thầy, Ðấng đến ở giữa mọi người "không để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình thay cho nhiều người" (Mt 20,28).
(Xem thêm: GH 42a; LM 15a; TÐ 8ae).
(787) Bác ái không có biên giới, nếu có biên giới không phải là bác ái nữa.
@ TG 12a: Bác ái Kitô giáo thực sự lan tràn tới mọi người không phân biêt chủng tộc, hoàn cảnh xã hội hay tôn giáo; bác ái không cầu mong một lợi ích hay một sự tri ân nào.
(Xem thêm: MV 28ac, 32c; TG 15b).
(788) Khi con giúp ai điều gì, phải hết sức bác ái, để người thụ ân tha thứ cho con cái nhục họ chịu khi nhận của con.
@ Mt 6,3-4: Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
(789) Thường Chúa Giêsu làm phép lạ rồi dặn đừng cho ai biết. Có nhiều người chưa làm phép lạ mà đã cho mọi người biết mình bác ái.
(790) Ðừng phàn nàn cà phê đắng, chỉ tại đường của con không ngọt đủ.
(791) Một bộ máy dù tinh vi và kiên cố đến đâu, nếu các bộ phận khô dầu cũng hư hỏng. Hãy rót dầu bác ái của con vào để máy chạy điều hoà không sứt mẻ.
(792) Bác ái là nối dài tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại.
@ TG 12a: Sự hiện diện của các Kitô hữu giữa các nhóm người phải được tác động bằng chính tình bác ái mà Thiên Chúa đã yêu chúng ta và muốn chúng ta cũng yêu thương nhau bằng tình bác ái đó.
(Xem thêm: GH 42a; MV 24c, 72b; TÐ 8b).
(793) Con phải nói được cách thành thực rằng: "Tôi không xem ai là kẻ nghịch của tôi, kể cả những người căm thù tôi nhất, những người bắt bớ tôi, thề không đội trời chung với tôi. Tôi luôn luôn xem họ là anh em tôi".
(794) Con tốt, người ta nói con xấu, con vẫn tốt. Con nghèo, người ta khen con giàu, con vẫn nghèo. Tại sao con lên ký và sút ký theo dư luận.
@ Mt 11,18-19: Ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: "Ông ta bị quỷ ám". Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: "Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi". Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.
(795) Người ta thuê đăng báo để tâng bốc những tài năng tưởng tượng của mình, để tuyên truyền cho mình những công trạng bịa đặt, để chụp mũ đối phương những tội ác dựng đứng. Con cũng muốn mà mắt Thiên Chúa như thế sao?
(796) Tu sĩ sống thánh nhờ nhiều việc đạo đức riêng: ăn chay, hãm mình, luật dòng, tĩnh tâm. Giáo dân chỉ có một phương thế: sống thánh là bác ái.
(797) Bác ái là tu đức liên lỉ: tu miệng lưỡi, tu quả tim, tu lỗ tai, tu con mắt, tu lá gan, tu bộ óc... Tất cả con người con vẫy vùng, nhưng con phản ứng yêu thương, như Chúa Giêsu.
@ Ep 5,1-2: Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.
(Xem thêm: Pl 2,5).
(798) "Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở" (Ga 14,2). Lời Chúa rất là thấm thiá! Con hãy đối xử với mỗi người khác nhau, kính trọng từng tâm hồn. Ðừng xem con người như một con số, một khối lượng, cộng lại là ra đáp số!
Ðối với con người không phải hai cộng hai là bốn luôn. Hai quả dưa với hai quả dưa có lúc là bốn ký, nhưng có lúc phải sáu quả mới được bốn ký.
@ TÐ 8e: Ðể thực thi bác ái mà không bị chỉ trích và để tỏ ra là bác ái đích thực, cần phải nhìn nhận nơi tha nhân hình ảnh Thiên Chúa vì họ đã được dựng nên giống hình ảnh Ngài và nhìn nhận nơi họ chính Chúa Kitô, bởi vì bất cứ sự gì được tặng cho người nghèo là đã thực sự được dâng cho Người. Phải hết sức tế nhị tôn trọng tự do và nhân phẩm của người được trợ giúp. Ðừng làm hoen ố ý hướng ngay lành vì mưu cầu tư lợi hay vì một tham vọng thống trị nào. Phải thoả mãn những đòi hỏi công bình trước đã kẻo những tặng phẩm đem cho tưởng là vì bác ái, mà thực ra phải đền trả vì đức công bằng. Phải loại trừ không những hậu quả mà cả nguyên nhân gây nên sự dữ. Phải tổ chức giúp đỡ sao cho những người được trợ giúp dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc người khác và có thể tự túc.
(Xem thêm: MV 26c, 27a, 28b; DT 14c).
(799) Bác ái liên kết con người thành một cộng đồng làm phát sinh những mối tương quan mới. Có tương quan mới, sẽ có thế giới mới.
(800) Bác ái không phải chỉ có yêu thương và tha thứ. Bác ái là cả một hành động để tạo một bầu không khí mới giữa cộng đồng làng xã, cộng đồng quốc gia, công đồng quốc tế.
@ MV 75d: Công dân phải nung nấu tinh thần ái quốc với lòng đại lượng và trung kiên chứ không hẹp hòi, nghĩa là làm sao để đồng thời vẫn quan tâm đến ích lợi của toàn thể gia đình nhân loại, một gia đình được liên kết lại bằng nhiều ràng buộc giữa các nòi giống, chủng tộc và quốc gia.
(Xem thêm: GH 36b; MV 26a, 82b).
(801) Biến thế giới của thú vật nên thế giới của con người, biến thế giới của con người nên thế giới của con Chúa.
(802) Không ghét ai chưa đủ, thương người chưa đủ, giúp người chưa đủ. Hiệp nhất trong tình yêu và hành động mới đủ. Chúa Giêsu cầu xin: "... Ðể hết thảy chúng nên một, cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha" (Ga 17,21).
@ 1Cr 1,10: Thưa anh em, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau.
(Xem thêm: Rm 15,5-6; Ep 4,2-4; Pl 2,1-4).
@ MV 42c: Việc cổ võ hiệp nhất phù hợp với sứ mệnh sâu xa của Giáo hội, vì chính Giáo hội ở trong Chúa Kitô như bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ, của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại. Như thế, chính Giáo hội bày tỏ cho thế giới biết rằng sự hiệp nhất bên ngoài trong phạm vi xã hội bắt nguồn từ sự hiệp nhất tâm trí, nghĩa là từ đức tin và đức mến, căn bản hiệp nhất bất khả phân ly của Giáo hội trong Chúa Thánh Thần. Sinh lực mà Giáo hội có thể chuyển thông cho xã hội nhân loại ngày nay là đức tin và đức mến ấy, được thể hiện trong cuộc sống, chứ không phải do thế lực bên ngoài dựa vào những phương thế hoàn toàn nhân loại.
(Xem thêm: GH 7c; MV 24c; GM 6a; LM 8a; HN 12).
(803) Chúa Giêsu bị bỏ rơi trên Thánh giá, Chúa Giêsu còn bị bỏ rơi trong mỗi anh em đau khổ khắp nơi trên thế giới.
@ 1Ga 3,17: Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?
@ TÐ 8bc: Chúa Kitô đã làm cho giới răn bác ái đối với tha nhân thành một giới răn riêng của Người và mặc cho nó một ý nghĩa mới phong phú hơn, khi Người muốn đồng hoá mình với anh em như chính đối tượng của bác ái, Người nói: "Bao nhiêu lần các ngươi làm những việc đó cho một trong những người hèn mọn là anh em Ta đây, tức là các ngươi làm cho Ta vậy" (Mt 25,40).
Vì thế, Giáo hội đặc biệt đề cao lòng xót thương đối với người nghèo đói, bệnh tật cũng như những công trình mệnh danh là từ thiện và tương trợ để xoa dịu mọi nỗi thống khổ của nhân loại.
(Xem thêm: GH 8c; MV 27b, 90c; TÐ 31e; TG 12a).
(804) Ngày tận thế Chúa phán xét về đức ái, không phải về các thành công vĩ đại.
@ Mt 25,34-36: Bấy giờ Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han".
(805) Ðừng đê hèn nói xấu người vắng mặt. Hãy nói như thể lời con được ghi âm, hành động như thể cử chỉ con được chụp hình.
@ Gc 4,11-12: Thưa anh em, anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật. Nếu anh xét đoán Lề Luật, thì anh không còn là kẻ vâng giữ, mà là kẻ xét đoán Lề Luật. Chỉ có một Ðấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Ðấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?
(806) Nếu không triệt để thi hành chúc thư của Chúa Giêsu, là sống bác ái, thì con là đưá con bất hiếu vô phúc nhất.
@ Ga 14,15: Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.