Ðường Hy Vọng
Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Ðồng
ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
20. Khiêm Nhượng
Học với Chúa Giêsu một khoa:
hiền lành và khiêm nhượng
(506) Nếu con hiểu biết hạnh phúc được làm con Chúa thì những điều sỉ nhục không thấm gì với con và những lời hoan hô cũng chẳng thêm gì cho con.
(507) Nếu con biết rõ mình, con sẽ tức cười, khi nghe người ta tung hô con, và con thấy việc họ khinh rẻ con là có lý. Chừng đó con lại ngạc nhiên tại sao người ta mới xử ngang độ ấy thôi.
@ Gl 6,3-4: Nếu ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình. Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình, và bấy giờ sẽ có lý do để hãnh diện vì chính mình, chứ không phải vì so sánh với người khác.
(508) Hồn tông đồ khiêm tốn và tạ ơn Chúa như Phaolô: "Tôi là người mạt nhất trong các tông đồ, và cũng không đáng gọi là tông đồ nữa, bởi tôi đã bắt bớ Hội thánh của Thiên Chúa. Hiện tôi có là gì, là bởi ơn Thiên Chúa" (1Cr 15,9-10).
@ HN 4h: Nhìn nhận những kho tàng phong phú của Chúa Kitô và những hoạt động của quyền lực Người - và có khi phải đổ máu mới nói lên được chứng tá ấy - qủa là chính đáng và có giá trị cứu rỗi: vì Thiên Chúa luôn đáng khâm phục và việc Người làm bao giờ cũng kỳ diệu.
(Xem thêm: GH 8c, 14b, 36a; GM 15c; LM 15a).
(509) Khi con tự hạ mình, chưa hẳn con khiêm nhượng.
Khi người ta hạ con, chưa hẳn con khiêm nhượng.
Khi người ta hạ con, mà con vui lòng chấp nhận vì Chúa, lúc ấy con mới khiêm nhượng thật.
@ Pl 2,3: Ðừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.
(510) Con chỉ hiểu được đức khiêm nhượng khi suy niệm cả cuộc đời Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hạ mình chịu đựng mọi sự ngớ ngẩn dốt nát, hiểu lầm sâu độc của người ta suốt 33 năm vì yêu chúng ta.
@ Pl 2,5-7: Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Ðức Kitô Giêsu. Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.
@ GH 41a: Những người được Thánh Thần Thiên Chúa thương dẫn, nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha, thờ phượng Ngài trong Thánh Thần và Chân lý, noi gương Chúa Kitô nghèo khó, khiêm nhượng và vác thập giá để xứng đáng dự phần vào vinh quang của Người.
(Xem thêm: GH 3c, 42d; TG 24a; HN 4b, 7a; TD 11a).
(511) Kiêu ngạo là ăn cướp ơn Chúa, vinh danh Chúa, để làm của riêng con, công nghiệp con.
(512) Càng khiêm tốn Ðức Maria càng trong sáng, vì càng thấy rõ những sự kỳ diệu Chúa làm trong lòng Mẹ. Như ánh sáng qua một bóng đèn thủy tinh không vướng bụi.
@ Lc 1,48-49: Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
@ GH 56: Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, vì không một tội nào ngăn trở Ngài, Ðức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho Thân thể và sự nghiệp của Con Ngài... Bởi vậy, các thánh Giáo phụ đã nghĩ rất đúng rằng: Thiên Chúa đã không thu dụng Ðức Maria một cách thụ động, nhưng đã để Ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của Ngài.
(Xem thêm: GH 61).
(513) Người sống trước mặt Chúa không thể kiêu ngạo được - ngạo về điều gì? - Tất cả đều là của Chúa!
@ Ga 3,27: Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.
(Xem thêm: Ga 7,3; Rm 11,17-18; 1Cr 1,30; Kh 3,17-18).
(514) Coi chừng khiêm nhượng "giả hiệu" khi con từ chối mà kỳ thực là thoái thác bổn phận dấn thân của con và sợ chịu sỉ nhục vì Chúa.
(515) Ðừng chối những khả năng của con, những thành công của con, hãy tạ ơn Chúa vì Ngài sử dụng con như họa sĩ dùng ngòi bút ba xu.
@ 2Cr 2,14: Tạ ơn Thiên Chúa, Ðấng hằng cho chúng tôi tham dự cuộc khải hoàn trong Ðức Kitô, tạ ơn Người là Ðấng đã dùng chúng tôi mà làm cho sự nhận biết Ðức Kitô, như hương thơm, lan toả khắp nơi.
(Xem thêm: 1Cr 15,10; 2Cr 10, 17-18).
@ GH 36a: Mọi vật đều suy phục Người (Chúa Kitô), cho đến khi Người cùng với mọi tạo vật suy phục Chúa Cha, để Thiên Chúa nên tất cả trong mọi người (x. 1Cr 15,27-28). Người cũng thông ban cho các môn đệ quyền bính đó để họ được hưởng sự tự do vương giả và chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi họ, bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện (x. Rm 6,12), hơn nữa để khi phụng sự Chúa Kitô nơi tha nhân, họ khiêm nhường và kiên nhẫn dẫn đưa anh em mình đến cùng Ðức Vua, Ðấng mà phụng sự Người là thống trị.
(Xem thêm: GH 14b; MK 11ab).
(516) Chỉ người khiêm nhượng thật mới được an vui như Chúa Giêsu dạy: "Hãy thụ giáo với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và các ngươi sẽ tìm thấy sự nghỉ ngơi cho tâm hồn" (Mt 11,29).
@ 2Cr 12,10: Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Ðức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.
(517) Người khiêm nhượng như hạ mình sát đất, không còn ngã xuống đâu được nữa. Người kiêu ngạo như leo trên tháp cao, rất dễ nhào và ngã nặng khủng khiếp!
@ 1Cr 10,12: Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã.
(Xem thêm: Rm 11,10; Gl 6,1).
(518) Cương quyết vâng lời Hội thánh là trung thành. Quyết liệt hy sinh vì nhiệm vụ là can đảm, không phải kiêu ngạo.
(519) Bao lâu con còn tôn thờ cái "tôi" của con, chẳng khác nào con cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tin con, hãy trông cậy vào con".
(520) Thử thách cay đắng nhất là chấp nhận giới hạn của mình. Chịu đóng đinh vào một thánh giá hẹp, con càng đau đớn hơn. Nếu thánh giá rộng con còn được thoải mái hơn phần nào!
@ 2Cr 12,7: Ðể tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại.
(Xem thêm: 2Cr 11,30).
@ HN 7b: Lời chứng sau đây của Thánh Gioan vốn còn giá trị trước những lỗi lầm hủy hoại hiệp nhất: "Nếu ta nói rằng mình vô tội, ta kể Người là kẻ dối trá và Lời của Người không ở trong chúng ta" (1Ga 1,10). Vậy, chúng ta hãy khiêm nhường xin lỗi Chúa và xin lỗi những anh em ly khai, cũng như chúng ta tha kẻ có nợ chúng ta.
(Xem thêm: LM 7c, 9b, 15b).
(521) Trong cuộc đời Chúa Giêsu, Ngài yêu thương cách riêng những kẻ khiêm nhượng, và quên hết tội lỗi của họ, không bao giờ nhắc lại:
- Phêrô,
- Mađalêna,
- Giakêu...
Chúa thân hành đến nhà họ, và đành chịu mang tiếng: "Bạn bè với quân thu thuế và tội lỗi" (x. Lc 7,34).
@ MV 32b: Chính Ngôi Lời nhập thể đã muốn chia sẻ tình liên đới nhân loại. Người đã hiện diện tại tiệc cưới Cana, đã vào nhà Giakêu, đã ăn uống với những người thu thuế và những người tội lỗi.
(522) Không thể tránh căng thẳng, nhưng có thể giảm bớt căng thẳng được, trước hết Chúa không buộc con làm tất cả mọi sự. Thứ đến việc gì Chúa giao con làm, Chúa ban thời giờ và phương tiện. Nếu với tất cả cố gắng và thiện chí, con không thực hiện được là Chúa không muốn. Tại sao căng thẳng, ngã lòng? Cứ bình an!
@ 2Cr 12,9: Người quả quyết với tôi: "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối". Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Ðức Kitô ở mãi trong tôi.