Ðường Hy Vọng

Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Ðồng

ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


17. Thanh Bần

 

Chúa là gia nghiệp chưa đủ cho con sao?

 

(407) Của cải chôn vùi con, nếu con đội nó lên đầu; của cải làm bệ chân con, nếu con đứng trên nó.

@ 1Tm 6,9-10: Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh hủy diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.

(Xem thêm: Mt 19,23-24; Gc 1,9-11).

 

(408) "Nghèo trong nơi con ở, nghèo trong áo con mặc, nghèo trong đồ con ăn, nghèo trong đồ con dùng, nghèo trong việc con làm" (Cha Chevrier).

@ LM 17e: Các linh mục cũng như Giám mục được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Ngài là Ðấng đã xức dầu cho Chúa Cứu Thế và sai đi giảng Phúc âm cho người nghèo khó, phải tránh tất cả những gì bằng cách này hay cách khác có thể làm mình xa cách người nghèo khó, và hơn các môn đệ khác của Chúa Kitô, các ngài phải loại bỏ mọi thứ khoe khoang trong các đồ dùng của mình. Các ngài phải xếp đặt chỗ ở thế nào để không ai coi đó là nơi bất khả xâm phạm, và để không ai dù nghèo hèn đến đâu phải sợ hãi không bao giờ dám lui tới.

(Xem thêm: LM 17c; DT 13ab).

 

(409) Người ít đòi hỏi là người sung sướng, vì thấy mình đầy đủ; người nhiều đòi hỏi là người khổ cực, vì cứ thấy mình thiếu thốn mãi.

@ Dt 13,5: Trong cách ăn nết ở, anh em đừng có ham tiền, hãy coi những gì mình đang có là đủ, vì Thiên Chúa đã phán: Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi!

(Xem thêm: 1Tm 6,8).

 

(410) Nhìn vào con, con thấy thiếu, con cực số một. Nhìn vào anh em con, con thấy bao nhiêu người khốn cực hơn con.

 

(411) Không có của mà tham vẫn chưa phải là thanh bần, có của mà không dính bén cũng có thể "có lòng khó khăn" thực sự.

@ Mt 5,3: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

(Xem thêm: Mt 10,8-9).

@ GH 42e: Mọi Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống mình. Bởi vậy, tất cả hãy lưu ý điều khiển tâm tình mình cho đúng đắn, để việc sử dụng của cải trần gian và lòng quyến luyến sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Phúc âm, không cản trở họ theo đuổi đức ái trọn hảo, như lời Thánh Tông đồ cảnh giác: ai sử dụng thế gian này, xin chớ dừng lại đó, vì cuộc diện đời này sẽ qua đi (x. 1Cr 7,31, bản Hy lạp).

(Xem thêm: MV 37d; DT 13b; TÐ 4f).

 

(412) Ðừng rộng rãi với của người, đừng keo kiệt với của mình, đừng phung phí với của chung.

@ 2Cr 8,2: Trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại.

 

(413) Nghèo hèn, nghèo khó, nghèo khổ, nghèo cực, đó là những hậu quả của nghèo nàn giữa xã hội. Trong khi nỗ lực thăng tiến con người và xã hội, con có sẵn sàng chấp nhận những hậu quả ấy xảy đến nơi con vì lòng mến Chúa và anh em không?

 

(414) Dùng của cải cách quảng đại, trọng của cải cách tế nhị, xa của cải cách anh hùng.

Vì không phải của con, chính là của Chúa trao cho con sử dụng.

@ Cv 2,44: Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung.

(Xem thêm: Cv 4,32. 34-35).

@ MV 69a: Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dụng. Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền sử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo luật công bằng là luật đi liền với bác ái. Dù chấp nhận bất cứ hình thức tư hữu nào đã được nhìn nhận bằng các định chế hợp pháp của các dân tộc, tuy nhiên tuỳ theo hoàn cảnh khác biệt và thay đổi, phải luôn luôn lưu ý đến mục đích chung hưởng của cải. Vì thế, khi sử dụng của cải, con người phải coi của cải vật chất mà mình làm chủ một cách chính đáng không chỉ như của riêng mình, nhưng còn là của chung nữa: nghĩa là, của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho cả người khác. Vả lại, mọi người đều có quyền có một phần của cải đầy đủ cho mình và cho gia đình mình.

(Xem thêm: MV 21e, 29c, 71e).

 

(415) Thinh lặng nhường chỗ tiện nghi hơn, công việc lợi lộc hơn cho kẻ khác, đó là dấu thanh bần chân thành.

 

(416) Con là quản lý của Chúa; Ngài giao nhiều, con giữ nhiều, giao ít, con giữ ít, Ngài thu lại, con bằng lòng, nhưng con chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về của cải Ngài giao.

@ Mt 25,14-15.19: Người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi... Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.

(Xem thêm: Lc 16,2tt).

 

(417) Thanh bần ghen ghét, thanh bần chỉ trích, thanh bần uất hận, không phải là thanh bần Phúc âm.

@ Dt 10,34: Anh em đã thông phần đau khổ với những người bị tù tội, và đã vui mừng để cho người ta tước đoạt của cải, bởi biết rằng mình có những của vừa quý giá hơn lại vừa bền vững.

 

(418) Thế gian không thấy con vâng phục, thế gian không biết con trinh khiết, nhưng thế gian dễ nhận ra con là chứng nhân thanh bần.

@ 2Cr 12,14: Ðây, tôi sẵn sàng đến thăm anh em lần thứ ba. Tôi cũng sẽ không phiền luỵ anh em đâu, bởi vì điều tôi tìm kiếm không phải là của cải của anh em, mà là chính anh em. Thật vậy, không phải con cái có nhiệm vụ thu tích của cải cho cha mẹ, mà là cha mẹ phải thu tích của cải cho con cái.

(Xem thêm: 2Cr 11,7-9).

 

(419) "Xin Chúa cho con được khó nghèo như Chúa", thường con hay cầu xin ngược lại!

@ 2Cr 8,9: Anh em biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.

@ DT 13a: Tự nguyện sống khó nghèo, để theo Chúa Kitô là dấu chứng cho việc theo Chúa Kitô rất được trọng vọng, nhất là ngày nay. Vì thế, các tu sĩ hãy miệt mài trau dồi và nếu cần, hãy biểu lộ sự khó nghèo ấy bằng những hình thức mới. Nhờ nhân đức này, họ được san sẻ sự nghèo khó của Chúa Kitô, Ðấng tuy giàu có đã trở nên thiếu thốn vì chúng ta để chúng ta được giàu sang nhờ sự cùng cực của Người (x. 2Cr 8,9; Mt 8,20).

(Xem thêm: GH 8c, 9a, 43a, 46b; LM 17d).

 

(420) "Hội thánh của người nghèo", không phải để làm cho dân chúng nghèo mãi nhưng nỗ lực thăng tiến cuộc đời của dân chúng về mọi phương diện.

@ TÐ 7de: Công cuộc hoạt động của toàn thể Giáo hội là phải làm cho con người có khả năng xây dựng đứng đắn toàn thể trật tự sự vật trần thế và qui hướng chúng về Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô. Các vị chủ chăn có nhiệm vụ trình bày rõ ràng các nguyên tắc về mục đích việc tạo dựng và việc sử dụng sự vật trần thế, phải hỗ trợ về mặt luân lý và thiêng liêng để trật tự sự vật trần thế được canh tân trong Chúa Kitô.

... Trong những công cuộc của việc tông đồ này nổi bật hơn cả là hoạt động xã hội của người Kitô hữu. Thánh công đồng ước ao hoạt động đó lan đến mọi lãnh vực trần thế kể cả lãnh vực văn hoá.

(Xem thêm: MV 60a, 69a, 72, 88a).

 

(421) Có như không có, bán như không bán, mua như không mua, như không có gì cả, mà làm chủ tất cả, không đòi hỏi gì cả, sẵn sàng cho tất cả. Ðó là tinh thần thanh bần.

@ Lc 12,33: Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá.

@ LM 17a: Tuy sống giữa thế gian nhưng các ngài (linh mục) phải luôn biết rằng mình không thuộc về thế gian, như lời Chúa là Thầy chúng ta đã phán dạy. Vậy sử dụng trần gian như không sử dụng, các ngài được tự do, sự tự do giải thoát các ngài khỏi mọi lo lắng hỗn loạn và làm cho các ngài ngoan ngoãn nghe theo tiếng Chúa trong đời sống hằng ngày. Từ sự tự do và ngoan ngoãn đó sẽ nảy sinh khả năng phân biệt thiêng liêng để nhờ đó tìm ra thái độ đứng đắn đối với thế gian và của cải trần thế.

(Xem thêm: GH 39b, 42d; MV 37d; DT 13b; TÐ 4b).

 

(422) Khó nghèo không phải là không có của: Ðó là thiếu thốn bần cùng.

Khó nghèo trước tiên là tập dùng của cho đúng. Một cốc cà phê, một cốc bia, nhưng cũng là một cốc mồ hôi, một cốc nước mắt, một cốc máu đổi lấy nó.

Một khói thuốc, nhưng cũng là một hơi thở hổn hển của người lao động vô danh.

 

(423) Sự thanh bần thứ nhất là gì? - Là làm việc! Ðây là niềm an ủi của con khi hiểu ý nghĩa của nhọc mệt lao tác hằng ngày. Hạnh phúc của con được Chúa nói trong Phúc âm: "Phúc cho tôi tớ đó; chủ đến mà gặp nó đang làm như thế!" (Lc 12,43).

@ Ga 6,27: Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Ðấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.

(Xem thêm: 1Tx 4,11-12; 2Tx 3,7-9).

@ GH 41e: Công việc của con người phải là phương thế để đào tạo chính mình, trợ giúp đồng loại, thăng tiến toàn thể xã hội và tạo vật; và sau cùng, hân hoan trong niềm hy vọng và kiên nhẫn chịu đựng lẫn nhau, với đức ái sống động, họ phải noi gương Chúa Kitô, Ðấng đã làm việc tay chân và không ngừng cùng với Chúa Cha đem ơn cứu độ cho mọi người; và nhờ công ăn việc làm, họ phải tiến xa hơn trên đường thánh thiện, một sự thánh thiện còn có tính cách tông đồ.

(Xem thêm: MV 33, 34b, 35a, 57b, 67b).

 

(424) Lúc 15 tuổi, thiếu nữ Clara đến tu viện, thánh Phanxicô hỏi chị: "Con đến tìm gì ở đây?" - Clara đáp: "Con tìm Thiên Chúa". Câu trả lời gọn ghẽ và rõ rệt. Ðó là tất cả kho tàng của chị. Clara đã nên thánh. Mấy ai biết chọn như chị?

@ DT 1c: Chính giữa biết bao ân huệ khác nhau ấy, kẻ được Thiên Chúa gọi thực hành và quyết tâm khấn giữ trung thành các lời khuyên Phúc âm, đều hiến thân cho Chúa cách đặc biệt, noi theo Chúa Kitô, Ðấng khiết trinh và khó nghèo (x. Mt 8,20; Lc 9,58), bởi vâng lời Chúa Cha cho đến chết trên thập giá (x. Pl 2,8), để cứu chuộc và thánh hoá nhân loại. Ðược thúc đẩy như thế bởi đức mến mà Chúa Thánh Thần đổ tràn trong lòng (x. Rm 5,5), họ càng ngày càng sống cho Chúa Kitô và Thân thể Người là Giáo hội (x. Cl 1,24).

(Xem thêm: GH 44a; LM 17b; DT 5d, 6a, 12a).

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page