Ðường Hy Vọng

Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Ðồng

ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


12. Hội Thánh

 

Một toàn thể: Hội Thánh

Một lãnh tụ: Ðức Thánh Cha

Một nguyện vọng: Mọi Người Nên Một

 

(247) Mỗi khi ai tỏ ý lo sợ Ngài đau khổ, nhọc mệt, Ðức Phaolô VI luôn luôn trả lời: "Vì Hội thánh! Vì Hội thánh!" Con hãy sống và trả lời như vậy.

@ 2Cr 11,28-29: Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh! Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?

(xt Cv 20,18-21; 1Cr 9,19-23 ).

 

(248) Không ai phá Hội thánh vì yêu Hội thánh.

 

(249) "Phêrô, con là Ðá và trên Ðá ấy, Ta sẽ xây Hội thánh của Ta, và cửa Hỏa ngục sẽ không thắng nổi" (Mt 16,18). Hai mươi thế kỷ qua, bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu biến động, nội công, ngoại kích, lắm giai đoạn đến mức tuyệt vọng, nhưng Hội thánh vẫn đứng vững vì "Hội thánh Chúa" không phải hội của loài người.

@ GH 19: Khi các Tông đồ rao giảng Phúc âm khắp nơi (x. Mc 16,20) và có nhiều thính giả đón nhận nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, các ngài quy tụ họ thành Giáo hội phổ quát, Giáo hội này đã được Chúa thiết lập trên các Tông đồ và xây dựng trên thánh Phêrô, thủ lãnh của các ngài; và Chúa Giêsu Kitô là Viên Ðá góc của Giáo hội ấy (x. Kh 21,14; Mt 16,18; Ep 2,20).

(Xem thêm: GH 9c, 22b; HN 3e).

 

(250) "Tôi tin có Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền". Một niềm tin, một hạnh phúc, một quyết tâm!

@ Ga 10,16: Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.

(Xem thêm: 1Cr 10,17; Ep 4,4-6; 5,25-27).

@ TD 1b: Trước hết Thánh Công đồng tuyên bố rằng chính Thiên Chúa đã chỉ cho nhân loại biết con đường, để nhờ đó trong khi phụng thờ Ngài, con người có thể được cứu rỗi và hạnh phúc trong Chúa Kitô. Chúng tôi tin rằng Tôn giáo chân thật, duy nhất này tồn tại trong Giáo hội Công giáo và Tông truyền, Giáo hội mà Chúa Giêsu đã ủy thác nhiệm vụ truyền bá cho mọi người, khi Người phán cùng các Tông đồ: "Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần; hãy dạy dỗ họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con" (Mt 28,19-20). Vậy mọi người đều có nhiệm vụ tìm kiếm chân lý, nhất là những chân lý có liên quan tới Thiên Chúa và Giáo hội Người, và khi nhận biết rồi, họ phải tin theo và tuân giữ.

(Xem thêm: GH 8b, 26a, 32ab).

 

(251) Ðừng ngạc nhiên khi người ta phá Hội thánh, vì đó là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Họ muốn tiếp tục giết Chúa Kitô, nhưng không giết được Ngài nữa, bèn phá Hội thánh.

@ Ga 15,18: Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.

(Xem thêm: Mt 24,9; Lc 6,22; 1Ga 3,13).

@ GH 7e: Ðang khi còn lữ hành trên mặt đất, bước theo vết chân Người (Chúa Kitô) trong đau thương và bách hại, chúng ta cùng hiệp thông với những đau khổ của Người như thân thể kết hợp với đầu, hiệp với sự thương khó của Người để được cùng Người vinh hiển (x. Rm 8,17).

(Xem thêm: GH 9c, 49; TG 5b).

 

(252) Nhiều người chê cách tổ chức của giáo triều La-mã. Tôi đồng ý rằng giáo triều La-mã không trọn lành, nhưng tôi xin họ xét xem chính nước họ có được tổ chức hoàn hảo hơn không? Hơn thế, còn phải phân biệt, giáo triều là một cơ quan, không phải là Hội thánh.

 

(253) Yêu mến Hội thánh, vâng lời Hội thánh, trung thành với Hội thánh, cầu nguyện cho Hội thánh.

 

(254) Có người hễ nghe nói đến Hội thánh là chỉ trích giáo triều ù lì, nhà thờ tốn tiền, nghi thức rườm rà... Hội thánh đâu phải giáo triều, nhà thờ, nghi thức. Hiểu như thế là sai lạc quá! Hội thánh là toàn thể dân Chúa đang tiến về Nước Trời.

@ GH 8a: Giáo hội là xã hội tổ chức theo phẩm trật và Nhiệm Thể Chúa Kitô, đoàn thể hữu hình và cộng đồng thiêng liêng, Giáo hội tại thế và Giáo hội dư tràn của cải trên trời không được quan niệm như hai thực thể nhưng chỉ là một thực thể phức tạp, duy nhất, do yếu tố nhân loại và thần linh kết thành. Vì thế nhờ loại suy xác đáng chúng ta có thể ví Giáo hội với mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thực vậy, nhân tính mà Ngôi Lời Thiên Chúa mặc lấy phục vụ Người như cơ quan cứu rỗi sống động và kết hiệp với Người cách bất khả phân ly, cũng thế, toàn thể cơ cấu xã hội của Giáo hội phục vụ Thánh Thần Chúa Kitô, Ðấng làm cho Giáo hội sống động để tăng trưởng thân thể (x. Ep 4,16).

(Xem thêm: GH 9c, 33a).

 

(255) Cần phân biệt vấn đề thần học lịch sử và vấn đề khả năng: Ðức Giáo Hoàng không buộc phải là người có nhiều khả năng hơn cả, nhưng bất cứ ai là người Chúa chọn và trao quyền thì con vâng phục vì Chúa "giao chìa khoá Nước Trời" cho người ấy.

@ Mt 16,19: Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.

@ GM 2a: Trong Giáo hội này của Chúa Kitô, Ðức Giáo Hoàng Rôma, vì là Ðấng kế vị Phêrô, người được Chúa Kitô trao phó chiên mẹ và chiên con để chăn dắt, do Chúa thiết lập, được hưởng dụng quyền tối cao, toàn diện, trực tiếp và phổ quát trong việc chăm sóc các linh hồn. Bởi vậy, với tư cách chủ chăn toàn thể tín hữu, ngài có sứ mệnh mưu ích chung cho toàn thể Giáo hội và cho từng Giáo hội địa phương, nên ngài được quyền tối thượng thường xuyên trên mọi Giáo hội.

(Xem thêm: GH 18, 22, 23a, 25; GM 9a).

 

(256) Sống đạo không phải chỉ để mưu tìm ơn cứu rỗi cho riêng mình. Sống đạo là hiệp nhất với toàn thể dân Chúa trên khắp thế giới, hiệp nhất với đầu là Ðức Kitô, và đại diện cho Ngài là Ðức Giáo Hoàng, để tiếp tục sự chết và sự phục sinh giải phóng nhân loại. Ở ngoài sự thông hiệp ấy, như cành nho đã lià cây, chỉ còn là "công giáo" trong "hồ sơ lý lịch".

@ Ep 4,15-16: Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Ðức Kitô vì Người là Ðầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.

(Xem thêm: Ga 10,16; Ep 2,19.22).

@ GH 18b: Bước theo dấu vết của Công đồng Vaticanô I, Thánh Công Ðồng này cũng giảng dạy và tuyên bố rằng: Chúa Giêsu Kitô, Mục tử vĩnh cửu đã thiết lập Giáo hội thánh thiện khi sai các tông đồ như Chúa Cha đã phái Người (x. Ga 20,21), và Người đã muốn các Ðấng kế vị, tức các Giám mục, làm chủ chăn trong Giáo hội cho đến tận thế. Nhưng để chức Giám mục được duy nhất và không bị phân chia, Chúa đã đặt thánh Phêrô làm Thủ lãnh các Tông đồ khác, và trong Ngài, Chúa đã đặt nguyên lý cùng nền tảng vĩnh cửu và hữu hình của hiệp nhất đức tin và hiệp thông.

(Xem thêm: GH 7b, 8d, 9a, 27c; MV 32a, 40b; ÐT 9a).

 

(257) Ðừng nói Hội thánh đã canh tân rồi, phải nói Hội thánh liên lỉ canh tân.

@ GH 8c: Giáo hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự hèn yếu của con người, nhất là nhận biết nơi những kẻ nghèo khó và đau khổ hình ảnh Ðấng Sáng lập khó nghèo và khổ đau, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực của họ và nhằm phụng sự Chúa Kitô trong họ. Nhưng Chúa Kitô "thánh thiện, vô tội, tinh tuyền" (Dt 7,26), không hề phạm tội (x. 2Cr 5,21), chỉ đến để đền tội lỗi dân chúng (x. Dt 2,17), còn Giáo hội vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân.

(Xem thêm: GH 48c, HN 6a).

 

(258) Hội thánh được sinh ra trên thánh giá, Hội thánh lớn lên bằng tiếp tục sự thương khó Chúa Giêsu đến tận thế. Con lầm lạc, nếu tin vào tiền bạc, ngoại giao, quyền thế, vận động, con sẽ là nạn nhân trước hết! Khi con sáng mắt thì đã quá chậm.

@ Cv 5,30-32: Ðức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Ðấng Cứu Ðộ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.

(Xem thêm: Ga 12,32; Gl 3,13-14).

@ GH 8c: Như Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong khó nghèo và bách hại, Giáo hội cũng được mời gọi đi cùng đường lối ấy hầu thông ban ơn cứu rỗi cho loài người. Chúa Giêsu Kitô "vốn là địa vị Thiên Chúa... tự hủy diệt mình, tự nhận thân phận tôi tớ" (Pl 2,6-7), và "vốn giàu có, Người đã hoá ra nghèo hèn" vì chúng ta (2Cr 8,9): cũng thế, tuy cần đến những phương tiện nhân loại để chu toàn sứ mệnh mình, Giáo hội được thiết lập không phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng để truyền bá khiêm nhường và từ bỏ, bằng gương lành của chính mình.

(Xem thêm: GH 3a; MV 3b, 76d; LM 6g; TG 5a; TD 11a).

 

(259) Con bảo con không phản Hội thánh, nhưng con chống những người đại diện Hội thánh; con làm trò của biệt phái: họ không bao giờ chống Ðức Giavê nhưng họ giết kẻ Ngài sai đến. Lý luận tinh vi!

 

(260) Con công kích cơ cấu, tại sao chính con lại khư khư đòi tổ chức kiểu này, xếp đặt người nọ, lập các ủy ban, tiểu ban, văn phòng! Con giống nhóm người tuyên bố: "Ðời này có bệnh viết tắt như ONU, UNESCO... Chúng tôi cực lực phản đối, và lập hội: Chống viết tắt tên là ASS (Association sans sigle)". Mâu thuẫn!

 

(261) Có thứ công giáo vụ lợi, có thứ công giáo lý lịch, có thứ công giáo xu thời, có thứ công giáo danh dự. Chúa chỉ chấp nhận hạng "công giáo trăm phần trăm", "công giáo vô điều kiện": "Họ đã bỏ mọi sự mà theo Ngài" (Lc 5,11).

@ Mc 10,37-38: Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang". Ðức Giêsu bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?"

 

(262) Ðối với Hội thánh, không ai tự nhiên cố ý phản bội để phản bội. Nhưng thường có ba trường hợp người ta lâm vào thế phản bội:

1. Khi kẹt vấn đề tiền tài, tình cảm.

2. Khi bất mãn vì tham vọng.

3. Khi sợ cực, sợ đau, sợ chết.

 

(263) Hai ngàn năm nay, có những giai đoạn, những cá nhân trong hàng ngũ Tông đồ, Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân đã phản bội Hội thánh không thể tưởng tượng. Ðức Phaolô VI gọi là tự hủy diệt. Nhưng mỗi lần như thế Hội thánh lại canh tân hơn, tươi sáng hơn, mãnh liệt hơn; Hội thánh tiếp tục mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh.

@ Cl 2,11-12: Trong Người, anh em đã được chịu phép cắt bì, không phải phép cắt bì do tay người phàm, nhưng là phép cắt bì của Ðức Kitô, có sức lột bỏ con người tội lỗi của anh em. Anh em đã cùng được mai táng với Ðức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết.

(Xem thêm: Cl 1,24).

@ MV 43b: Mặc dù Giáo hội với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, vẫn là hiền thê trung tín của Chúa mình và không ngừng là dấu chỉ ơn cứu rỗi trong thế giới, tuy nhiên Giáo hội biết rõ rằng trải qua bao nhiêu thế kỷ vẫn không thiếu những phần tử trong Giáo hội, giáo dân hoặc tu sĩ, sống bất trung cùng Thánh Thần Chúa. Ngay trong thời đại chúng ta, Giáo hội không quên sự cách biệt lớn lao giữa sứ điệp do Giáo hội công bố và sự yếu đuối nhân loại của những người được giao phó rao giảng Phúc âm.

(Xem thêm: GH 8d; MV 22d).

 

(264) Hội thánh có nhiều khuyết điểm và gương xấu, nhưng Hội thánh có lời hứa của Chúa. Hội thánh là một phép lạ liên lỉ, tuy nhiên đừng vì thế mà phơi bày khuyết điểm và gương xấu cho mọi người. Cũng đừng vì đó mà tha hồ làm gương xấu, để Chúa làm phép lạ mỗi ngày.

@ Mt 18,6-7: Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã.

@ GH 9c: Tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương, Giáo hội được vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu đã hứa ban, hầu Giáo hội vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền thê xứng đáng của Chúa mình, dù xác thịt yếu hèn, và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần cho đến ngày, nhờ thánh giá, đạt đến ánh sáng không hề tắt.

(Xem thêm: GH 8c, 15; PV 2).

 

(265) Con hãy sẵn sàng hy sinh cho Hội thánh và hy sinh vì Hội thánh.

@ 2Cr 1,6: Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu.

(Xem thêm: Gl 4,19).

 

(266) "Ai nghe các con là nghe Ta, và ai chối bỏ các con là chối bỏ Ta, mà ai chối bỏ Ta, là chối bỏ Ðấng đã sai Ta" (Lc 10,16). Suốt đời con hãy ghi lòng tạc dạ: luôn luôn kính trọng người của Hội thánh, bí tích của Hội thánh, chỉ thị của Hội thánh, phụng vụ của Hội thánh, Chúa sẽ chúc lành cho con.

@ Gl 4,14: Mặc dù thân xác tôi là một dịp thử thách cho anh em, anh em đã không khinh, không tởm; trái lại anh em đã tiếp đón tôi như một sứ giả của Thiên Chúa, như Ðức Kitô Giêsu.

(Xem thêm: Mt 10,40,41).

@ GH 20c: Thánh Công Ðồng dạy rằng, chính Chúa đã lập các Giám mục kế vị Tông đồ là, Mục tử Giáo hội. Bởi vậy, ai nghe lời các ngài là nghe lời Chúa Kitô, còn ai khinh dể các ngài là khinh dể Chúa Kitô và Ðấng đã phái Chúa Kitô đến (x. Lc 10,16).

(Xem thêm: GH 8b, 18b, 25ac; MK 10b).

 

(267) Trong Hội thánh mọi người được mời gọi và có bổn phận nên thánh. Nếu con không sống thánh thiện, con đừng lên mặt canh tân Hội thánh. "Không ai tuyên sấm bởi sức Thần khí Thiên Chúa lại đi nói: Giêsu, đồ chúc dữ! Và không ai có thể nói: Giêsu là Chúa! mà lại không phải bởi sức Thánh Thần" (1Cr 12,3).

@ GH 42e: Mọi Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống mình.

(Xem thêm: GH 11c, 15, 48a; HN 4f, 7a).

 

(268) Con tin Hội thánh vì chính Chúa Giêsu đã lập Hội thánh, và chỉ lập Hội thánh ấy thôi. Con đau khổ vì những bất toàn nơi bộ mặt nhân loại của Hội thánh, nhưng con liên đới với những bất toàn ấy để nổ lực tẩy luyện và thực hiện ý Chúa Giêsu nơi Hội thánh.

@ Ep 5,25-27: Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền.

@ TG 7a: Chính Chúa Kitô "đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và của phép Thánh tẩy", đồng thời, Người đã xác nhận sự cần thiết của Giáo hội mà mọi người phải bước vào qua cửa phép Thánh tẩy. Vì thế, những ai biết rằng Giáo hội công giáo, được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn kiên trì sống trong Giáo hội thì không thể được cứu rỗi.

(Xem thêm: GH 12b, 14a, 48b; HN 4f).

 

(269) Trước khi công kích, con hãy tìm hiểu các văn kiện, các thông điệp của các Giáo Hoàng. Con sẽ ngạc nhiên và khám phá ra các Ngài đã đề cập đến tất cả mọi vấn đề với những tư tưởng tuyệt hảo, cách mạng, với đường lối canh tân, bắt nguồn từ một tinh thần Kitô giáo rất tiến bộ, rút trong Thánh kinh, ơn Chúa và thời triệu. Nếu chúng ta chỉ thực hiện hai phần trăm, như Ðức Piô XII nói, Hội thánh và thế giới đã biến đổi khác hẳn.

@ GH 25a: Mọi người phải kính trọng các Giám mục như những chứng nhân của chân lý thần linh và công giáo khi các ngài hiệp thông với Giáo Hoàng Rôma mà dạy dỗ; các tín hữu phải chấp nhận phán quyết của Giám mục mình, khi nhân danh Chúa Kitô, công bố những gì về đức tin và phong hoá, cũng như phải tuân theo các ngài với một lòng kính cẩn tuân phục. Mọi người phải lấy ý chí và lý trí mà kính cẩn tuân phục một cách đặc biệt những giáo huấn chính thức của Giáo Hoàng Rôma, dù khi ngài không tuyên bố từ thượng toà.

(Xem thêm: GH 12a, 25d, 37b; MK 10c; MV 43b, 50b; TÐ 31d).

 

(270) Hội thánh của giới trẻ, Hội thánh của giới già, Hội thánh của trí thức, Hội thánh của lao động, Hội thánh của người nghèo, Hội thánh của người giàu, Hội thánh của da vàng, Hội thánh của da đen, Hội thánh của phụ nữ, Hội thánh của nam giới, Hội thánh của tất cả, Hội thánh chấp nhận tất cả, Hội thánh không kỳ thị ai. Kỳ thị và chia rẽ không có chỗ trong Hội thánh.

@ Cv 10,34: Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào.

(Xem thêm: Cv 15,8-11; 1Cr 12,13; Gl 3,27-28; Cl 3,10-11).

@ GH 13b: Dân duy nhất của Thiên Chúa hiện diện nơi mọi dân nước trần gian. Tuy dân của Nước Ngài là công dân của các nước, song thực ra, đặc tính của Nước ấy không thuộc về thời gian nhưng thuộc về Trời. Quả thực, mọi tín hữu rải rác trên khắp hoàn cầu đều hiệp thông trong Thánh Thần với tất cả các tín hữu khác, và vì thế "kẻ ở Rôma biết rằng người Ấn độ là chi thể mình". Nhưng vì Nước Chúa Kitô không thuộc về thế gian này (x. Ga 18,36), nên Giáo hội, tức Dân Thiên Chúa, hợp thành Nước ấy, không loại bỏ di sản trần thế của bất cứ dân tộc nào; trái lại, Giáo hội cổ võ và thu dụng tất cả những gì tốt lành nơi tài sản, nguồn lực và phong hoá của các dân tộc, và khi thu dụng, Giáo hội tinh luyện, kiện toàn và thăng hoá chúng.

(Xem thêm: GH 9bc; 32b; MV 42d, 58c, 76b; TG 6f; HN 1a).

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page