Ðường Hy Vọng

Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Ðồng

ÐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


10. Chí Khí

 

Quyết mê một cuốn sách: Phúc Âm

Quyết theo một lý tưởng: Cuộc Ðời Chúa Giêsu

 

(195) Chúa ban cho con một Ðức Giêsu, Chúa cũng ban tự do để con làm thành một đời thánh thiện, cao đẹp, hữu ích hay phá tán thành một cuộc sống cằn cỗi, phản bội, độc hại, đê hèn.

@ Pl 2,13-15: Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người. Anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng. Như thế, anh em sẽ trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời.

(Xem thêm: Pl 4,8; Dt 6,7-8).

@ MV 17: Tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Ðấng Tạo Dựng và nhờ kết hợp với Ngài con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc. Vậy phẩm giá của con người đòi hỏi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng chế hoàn toàn bên ngoài.

(Xem thêm: TD 2b).

 

(196) Người ích kỷ tránh trách nhiệm, tránh mệt nhọc, tránh hy sinh, họ muốn tạo hạnh phúc, tạo một "thiên đàng dành riêng" cho họ giữa trần gian, nhưng họ sẽ mất thiên đàng vĩnh viễn.

@ Ga 12,25: Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.

(Xem thêm: Pl 3,18-19).

 

(197) Người chí khí xem thiên hạ là anh em, nhìn công việc của thiên hạ như công việc của chính mình. Người ích kỷ xem thiên hạ là nấc thang để mình tiến lên, chỉ biết cái "tôi", chỉ biết công việc "của tôi".

@ Pl 2,20-21: Chẳng có ai khác cùng chia sẻ một tâm tình với tôi và tận tâm lo lắng cho anh em. Thật vậy, ai nấy đều tìm lợi ích cho mình, chứ không tìm lợi ích cho Ðức Kitô Giêsu.

(Xem thêm: Pl 2,1-4).

@ TD 7b: Vậy khi hưởng dùng mọi quyền tự do, nguyên tắc luân lý phải tuân giữ là trách nhiệm cá nhân và đoàn thể: khi hành xử những quyền lợi của mình, cá nhân cũng như đoàn thể, phải tuân giữ luật luân lý nghĩa là phải quan tâm đến quyền lợi của người khác, cũng như những bổn phận của mình đối với tha nhân và lợi ích chung đối với mọi người. Phải đối xử với mọi người theo lẽ công bình và tình nhân loại.

(Xem thêm: MV 25c, 83).

 

(198) Lợi dụng quần chúng để tiến thân, không phải là tư cách người lãnh đạo. Con sẽ xứng đáng là người lãnh đạo, nếu con không tránh quần chúng nhưng tìm đến với họ và liều thân cứu họ.

@ 1Tx 2,8: Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.

(Xem thêm: Rm 9,3).

 

(199) Ðừng cho khiếp nhược là khôn ngoan. Chính vì nhiều con cái ánh sáng "khôn ngoan" kiểu đó, mà con cái tối tăm chiếm đoạt nhiều môi trường họ không dám mơ ước.

@ Gl 2,4-5: Vì có những tên xâm nhập, những kẻ giả danh giả nghĩa anh em, đã len lỏi vào dò xét sự tự do của chúng ta, sự tự do chúng ta có được trong Ðức Kitô Giêsu; họ làm như vậy là để bắt chúng ta trở thành nô lệ. Nhưng với những người ấy, chúng tôi đã không chịu nhượng bộ, dù chỉ trong giây lát, để duy trì cho anh em chân lý của Tin Mừng.

@ MV 43ab: Ðối với Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế là xao lãng bổn phận đối với tha nhân và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa...

Nhưng tốt hơn là chính họ, được đức khôn ngoan Kitô giáo soi dẫn và cẩn thận chú ý các giáo huấn của Giáo hội, hãy nhận lấy trách nhiệm của mình.

(Xem thêm: MV 34c).

 

(200) Người chí khí không tự mãn. Óc tự mãn như bức tường ngăn con xa Thiên Chúa, xa anh em, xa tất cả, và con không cần ai nữa.

@ Lc 18,11.14: Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia". Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

(Xem thêm: Pl 3,3-4).

 

(201) Người chí khí không khoe khoang nhưng có tinh thần hy sinh như thẻ đường, hạt muối: chấp nhận tan biến để làm cho thức ăn có mùi vị ngon lành.

@ Mt 13,33: Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men".

(Xem thêm: Pl 3,7-8).

 

(202) Người chí khí có tâm hồn ngay thẳng và cảm thấy đê nhục khi bươi móc việc kẻ khác hoặc sống quanh co.

@ Mt 5,37: Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

(Xem thêm: Ep 4,14-15.25; 1Tx 2,3.5).

 

(203) Người chí khí không lăng xăng nhúng tay vào công việc mọi người. Phải nhận biết giới hạn của con.

 

(204) Người chí khí biết thinh lặng, ăn nói bừa bãi, thiếu suy nghĩ, gieo rắc chia rẽ, thủ đoạn đó là khí cụ của ma quỷ để hạ đức bác ái.

@ Cl 3,8-9: Nhưng nay, cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi.

(Xem thêm: Gc 3,5-6; 1Pr 2,1-3).

 

(205) Người chí khí không tọc mạch, dòm ngó việc người khác, nhưng đem tất cả ý chí để biết mình rõ ràng.

 

(206) Tính chỉ trích phê bình là một trở ngại lớn cho đời sống siêu nhiên của con; chỉ tiêu cực phàn nàn kẻ khác, con quấy rầy họ và nuôi dưỡng sự đắng cay trong lòng con.

 

(207) Không bao giờ đem những thất bại, thử thách, đau khổ của con ra nói cách chua chát để chỉ trích người khác.

 

(208) "Lờ đi", đó là một từ trong tự điển của người hèn nhát, lười biếng, không muốn phấn đấu, những người tự nhận lấy thất bại trước rồi.

 

(209) Ðừng khiêm tốn lỗi thời. Phải có cao vọng: muốn biết, muốn hành động, muốn liều, nhưng vì Chúa, vì Hội thánh.

@ 1Tm 3,1: Ðây là lời đáng tin cậy: ai mong được làm giám quản, người ấy ước muốn một nhiệm vụ cao đẹp.

 

(210) Ðừng ham cãi vã sôi nổi, con sẽ ra mù quáng. Ðam mê như mây mù, che khuất ánh sáng khôn ngoan của Thiên Chúa.

@ 2Tm 2,23-25: Những tranh luận điên rồ và ngu xuẩn, anh hãy gạt ra một bên, vì biết rằng những thứ ấy sinh ra cãi cọ. Thế mà người tôi tớ Chúa thì không được cãi cọ, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng gian khổ. Người ấy phải lấy lòng hiền hoà mà giáo dục những kẻ chống đối: biết đâu Thiên Chúa lại chẳng ban cho họ ơn sám hối để nhận biết chân lý.

(Xem thêm: 2Tm 2,14-15; Tt 3,9).

 

(211) Va chạm người khác là sự thường. Một xã hội không có va chạm chỉ có thể là thiên đàng. Một hòn đá nhờ va chạm mà láng hơn, tròn hơn, sạch hơn, đẹp hơn.

 

(212) Con đừng mang bệnh nhẹ tính, nhẹ dạ, nó làm chí khí chết mòn. Triệu chứng của nó là hay thay đổi ý kiến và hoạt động. Ðời con đừng chồng chất một đống chương trình không bao giờ thực hiện.

 

(213) Người nhẹ dạ là một bù nhìn, múa máy mà vô hiệu, vô ích. Chương trình của con, phải làm từ hôm nay, đừng để sang ngày mai.

 

(214) Không có hành động nào mà không phải là "thánh giá", nếu không vác nổi thánh giá thì chẳng làm được gì cả.

 

(215) Những việc nhỏ đều quan hệ, con đừng khinh thường. Thắng mình liên lỉ trong các việc nhỏ, con luyện ý chí thành sắt đá và làm chủ bản thân con.

 

(216) Ðiều cần nói, con hãy nói với "một giọng khác", bác ái dịu dàng sẽ làm cho lý luận của con truyền cảm hơn, lôi cuốn hơn. Cùng một điều nhưng hai cách nói, do hai tâm hồn khác nhau và mang lại hai hiệu quả khác nhau.

@ Cl 4,5-6: Anh em hãy ăn ở khôn ngoan với người ngoài; hãy tận dụng thời buổi hiện tại. Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người.

 

(217) Ðừng đùng đùng quát mắng khi người khác có lỗi. Hãy nhẫn nại đợi chờ. Với lời lẽ dịu dàng và tất cả ý ngay lành, con đạt nhiều kết quả hơn là chửi mắng nhau từng giờ. Thành công cho bản thân con và chế ngự được tính tình con.

@ Ep 4,31-32: Ðừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô.

(Xem thêm: Ep 4,2-4; Cl 3,12-14; 2Tm 2,24-26).

 

(218) Ý chí cương quyết: việc phải làm cứ làm, không do dự, không e ngại... Bạo dạn và hy vọng, ơn Chúa và can đảm.

@ 2Tx 2,15-17: Thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ. Xin chính Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ðấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp, xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành.

(Xem thêm: 2Tx 3,4-5; Rm 8,31-32).

 

(219) Trước trở ngại, con hãy đứng vững như một tên khổng lồ. Ơn Chúa không thiếu. Nếu con phải hạn chế hoạt động trong một thời gian, có can gì đâu! Việc con làm là việc của Chúa hơn là việc của con.

 

(220) Thời giờ và sức lực là của Chúa, sao lại phí phạm chỉ vì những trở ngại dọc đường? Ðại dương bao giờ cũng có sóng, thuyền cứ vững vàng lướt đi, không nghĩ gì đến sóng.

 

(221) Bình tĩnh! Tại sao hốt hoảng tức tối? Thái độ ấy khiến Chúa bị xúc phạm, thiên hạ bực mình, rồi chính con cũng đau khổ... Có lợi ích gì đâu? Sau đó chỉ mình con hối tiếc và mệt nhọc thêm!

@ Gc 1,19-20: Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa.

 

(222) Ðừng nói: "Tôi tự nhiên vậy, sửa sao được". Không, đó là những khuyết điểm bất xứng với con. Con phải "nên người", "nên con Chúa".

@ GH: Ðược Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hoá trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận phép rửa, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh. Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn gữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận.

(Xem thêm: GH 14b; LM 12d; HN 4f).

 

(223) Hãy quay lưng cho hạng tiểu nhân đang rỉ tai con: "Dại gì cho khổ cái đời!" Chúa Giêsu đã đuổi Phêrô: "Xéo đi sau Ta! Hỡi Satan! Ngươi là cớ vấp phạm cho Ta, vì ý tưởng của ngươi, không phải ý tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt 16,23).

@ 1Ga 3,7: Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, đừng để ai làm cho anh em đi lạc đường. Ai sống công chính, kẻ ấy là người công chính, như Ðức Giêsu là Ðấng Công Chính.

(Xem thêm: 2Tx 3,6; 2Tm 3,1-5; 2Pr 3,17).

 

(224) Con phải tập "biết từ chối", "biết nói không".

@ Mt 14,4: Ông Gio-an có nói với vua: "Ngài không được phép lấy bà ấy".

 

(225) Ðừng nặng óc địa phương, hãy mở rộng lòng con, để mọi người có chỗ ở đó. Nếu không, con chỉ có tên, chứ chưa phải là người công giáo đích thực.

@ Gl 3,27-28: Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Ðức Kitô, đều mặc lấy Ðức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô.

(Xem thêm: Rm 10,12; 1Cr 12,13; Cl 3,11).

 

(226) Chiếu sáng đời con bằng đức tin và đức ái. Ðốt cháy thế gian với ngọn lửa Chúa đặt trong tim con.

@ 1Tx 5,8: ... Nhưng chúng ta, chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ.

(Xem thêm: Cl 1,3-4; 2Tx 1,3-4; 2Tm 2,22).

@ MV 21e: Nhiệm vụ của Giáo hội là làm sao cho Thiên Chúa Cha và Chúa Con nhập thể trở nên hiện diện và như thể thấy được bằng cách chính Giáo hội tự đổi mới và không ngừng tinh luyện chính mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ðiều đó trước hết nhờ chứng tá của một đức tin sống động và trưởng thành, nghĩa là một đức tin đã được huấn luyện để có thể sáng suốt nhận định và thắng vượt những khó khăn ấy. Rất nhiều vị tử đạo đã và còn đang hùng hồn làm chứng cho đức tin ấy. Ðức tin ấy phải biểu lộ sự phong phú của mình bằng cách thâm nhập vào toàn thể đời sống của các tín hữu, kể cả đời sống thế tục và thúc đẩy họ sống công bằng, bác ái nhất là đối với người nghèo khổ. Sau hết, điều có thể làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa hơn cả là đức ái huynh đệ của các tín hữu như họ đồng tâm nhất trí cộng tác cho đức tin Phúc âm và tỏ ra họ là dấu chỉ hiệp nhất.

(Xem thêm: GH 11a, 17, 35b; ÐT 8b; DT 25).

 

(227) Hãy làm thế nào để tư tưởng, ngôn ngữ, hành động con khiến người ta phải phản ứng: Con người này đã say mê một cuốn sách: Phúc Âm, đã bị lôi cuốn bởi một lý tưởng: "Cuộc Ðời Chúa Giêsu".

@ Pl 3,12: Không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Ðức Kitô Giêsu chiếm đoạt.

(Xem thêm: 1Ga 2,5-6).

@ DT 2b: Theo Chúa Kitô như Phúc âm dạy là tiêu chuẩn tối hậu của đời tu dòng, nên tất cả các hội đồng phải coi tiêu chuẩn ấy như là quy luật tối thượng.

(Xem thêm: MK 18a, 20a).

 

(228) Nghiêm trang và vững vàng, cử chỉ bên ngoài phải phản ảnh tâm hồn bên trong: tâm hồn bình an, tự chủ, không trẻ nít lúng túng hồi hộp.

@ Tt 2,7-8: Chính anh hãy làm gương về mặt đức hạnh. Khi anh giảng dạy thì đạo lý phải tinh tuyền, thái độ phải đàng hoàng, lời lẽ phải lành mạnh, không ai bắt bẻ được, khiến đối phương phải bẽ mặt, vì không thể nói xấu chúng ta được điều gì.

(Xem thêm: 1Cr 16,13).

 

(229) Thân phụ Bernadette dẫn chị vào dòng và đặt điều kiện: "Ðừng ép con tôi ăn phó mát, nó chết mất!" Suốt bảy năm, ngày ngày Bernadette chiến đấu ở bàn ăn: "Tôi phải ăn phó mát", "Tôi không ăn phó mát được", "Tôi phải ăn phó mát". Cuối cùng chị ăn được, chị đã thắng, chị đã làm thánh.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page