Phong Trào Và Thần Học Phụ Nữ
Trong Thế Kỷ 20
Susan A. Ross
Lm. Nguyễn Hùng Cường, M.M. chuyển dịch ra Việt Ngữ
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
II. Phong Trào Phụ Nữ
và việc Nghiên Cứu Thần Học
Như khi ảnh hưởng đến thần học, phong trào phụ nữ đã phát triển trong phương cách tiếp cận vấn đề và những quan tâm của nó. Dòng thác thứ nhất, như được gọi như vậy, có thể được coi là sự thức tỉnh và quân tâm khởi đầu cho thấy vai trò trung tâm của nam giới trong truyền thống lịch sử và thực sự những điều nói về phụ nữ là gì. Trong cuốn tổng hợp Women and Religion: A Feminist Sourcebook of Christian Thought của Elizabeth Clark và Herbert Richardson, xuất bản lần thứ nhất năm 1975, giới thiệu những bài tuyển chọn từ những bài viết của các nhà tư tưởng tôn giáo quan trọng từ thời cổ Hy Lạp cho đến hiện tại. Bao gồm cả lời tuyên bố nổi tiếng của Thomas Aquinas, trích từ Aristotle, cho rằng phụ nữ là "người đàn ông bất toàn"; những đoạn từ Malleus Maleficarum, "Hammer of Witches" được dùng trong cuối thời Trung Cổ để giúp truy lùng và nhận diện những phụ nữ "có thiên hướng về ma thuật phù thủy"; lời bàn của Luther cho rằng phụ nữ được tạo dụng để làm công việc sinh sản truyền giống; và lời tuyên bố của Karl Barth cho rằng đàn ông đối với đàn bà như A đối với B. Trong cuốn sách đầu tiên của Mary Daly, The Church and the Second Sex, lấy từ tựa sách của Beavoir. Daly đã trưng dẫn tài liệu về việc đối xử với phụ nữ của giáo hội cơ chế và kết luận cách rất lạc quan rằng, một khi sự đối xử phân biệt của quá khứ này được nhận diện, phụ nữ có thể đạt được vị trí xứng đáng của họ song song với nam giới. Nhưng chỉ vài năm sau đó, Daly đã từ bỏ lập trường cũ trong cuốn sách trước của bà và tuyên bố là "nhà tư tưởng phụ nữ hậu Kitô". Uta Ranke Heinermann, năm 1990 cho xuất bản cuốn Eunuchs for the Kingdom of Heaven, cũng trưng dẫn tài liệu về lịch sử này nhưng thiếu hệ thống hơn cuốn sách của Daly. Sự phát triển khởi đầu này đưa đến một nhận thức rằng chỉ đơn giản trưng dẫn thu thập tài liệu về sự vắng mặt của phụ nữ trong lịch sử sẽ không giải quyết được vấn đề tại sao phụ nữ đã vắng mặt, nhưng nó đưa ra những câu hỏi sâu xa hơn là lịch sử đã được viết như thế nào và viết cho ai.
Dòng thác thứ hai của tiến trình này là sự quan tâm nhấn mạnh vào những dữ liệu bằng cách đặt phụ nữ vào vị trí đúng của họ trong lịch sử. Sự triển khai này thực ra là một tiến trình, cùng với những phong trào "tân lịch sử", nhìn vào quá khứ với đôi mắt của những người mà trước đây đã bị loại ra không có chỗ đứng cũng như tiếng nói trong việc xác định điều gì đã cấu tạo nên "lịch sử". Một phương cách như thế bao gồm không những việc "viết lại" quá khứ nhưng còn là tái cấu tạo cả hiện tại nữa. Những điểm về phụ nữ đã được "khám phá" hay "tái khám phá", đã thay đổi những quan niệm đang thịnh hành về điều gì đã cấu tạo nên sự mộ đạo thời trung cổ, hoặc bản chất của tính lãnh đạo trong lịch sử của phụ nữ. Ðáng lưu tâm ở đây là công việc của các nhà học giả như Carolyn Walker Bynum, các sách của bà đã giúp chuyển hóa những ý niệm về nữ tính và nam tính trong việc sùng đạo thời trung cổ, sự quan trọng của thân xác và ý nghĩa của sự sống sau khi chết; Elizabeth Schussler Fiorenza, trong cuốn sách bàn về giáo hội sơ khai đã thách đố những sự hiểu biết không thể tránh được của các giáo phụ trong cộng đoàn Kitô hữu sơ khai của những năm mới thành lập; và những nghiên cứu về đời sống phụ nữ trong thế kỷ thứ 19 của Ann Taves đã diễn tả những vai trò phức tạp mà phụ nữ đảm nhận trong đời sống gia đình cũng như ngoài xã hội công cộng.
Giải thích kinh thánh theo cách nhìn của phụ nữ đã là một trong những lãnh vực phong phú nhất trong nền thần học phụ nữ. Bởi vì Kinh Thánh được coi như là bộ thánh luật chính thức của dân Do Thái cũng như Thiên Chúa Giáo, nên việc chú giải kinh thánh là việc rất quan trọng, không những chỉ cho các giáo phái truyền thống Tin Lành coi Kinh Thánh là trung tâm thần học của họ mà còn là cho cả giáo hội Công Giáo Rôma nữa. trong Do Thái Giáo, sự thực hành luật midrash theo kinh thánh rất giầu có đã gây hứng khởi cho giới tân phụ nữ đọc lại những bản văn cổ này. Các nhà học giả Tin Lành và Công Giáo đã thách đố những lời kêu gọi về đặc điểm tiết lộ trong Kinh Thánh khi họ khám phá ra sự nam tính trọng tâm, sự lạm dụng bởi những nhà lãnh đạo giáo hội trong việc họ biện minh cho những cơ chế đàn áp chẳng hạn như chế độ nô lệ và phân biệt giới tính và trong phương cách bóp méo về việc bỏ qua cũng như xuyên tạc sự tham gia của phụ nữ trong lịch sử tôn giáo qua sự chọn lọc các bài đọc dùng trong phụng vụ. Nhưng như những lời trích ở đầu bài này cho thấy, những nhà học giả phụ nữ về Kinh Thánh đã nhận ra tầm mức quan trọng của sự ảnh hưởng của kinh thánh trên nền văn hóa Tây Phương. Họ tìm kiếm để dùng sức mạnh này không những chỉ phơi bày những sự lạm dụng của nó mà còn khám phá ra những khả năng để giải phóng nó. Việc tái tạo lại vai trò tích cực của phụ nữ trong cộng đoàn Kitô hữu sơ khai của Schussler Fiorenza và sự chú tâm của Phyllis Trible vào "những bản văn của sự kinh hoàng" cho thấy phụ nữ đã phải tranh đấu vẫy vùng thế nào và đã sống sót thắp lên niềm hy vọng và sự phấn khởi cho hiện tại một khi mà những đau khổ của họ được tưởng nhớ và đặt lại vào trong lịch sử.
Dòng thác thứ ba là sự ảnh hưởng của phong trào phụ nữ trên sự nghiên cứu về tôn giáo được nhận diện qua nhiều cách trong đó các học giả phụ nữ đã thách đố và tái tạo những mẫu thịnh hành của các môn học. Ðiều đó nói rằng một khi các nhà học giả phụ nữ vận dụng phương pháp và những câu hỏi của thần học về kinh thánh, lịch sử, hệ thống và luân lý, vấn đề không chỉ hệ tại ở những gì phụ nữ có thể thêm vào câu hỏi đã có sẵn hay vấn đề - "thêm phụ nữ và khích động" phương thức - nhưng là phụ nữ chuyển hóa môn học như thế nào. Ví dụ, Rosemary Radford Ruether trong cuốn Sexim and God-Talk: Toward a Feminist Theology dùng cấu trúc truyền thống của thần học hệ thống nhưng viết lại những đề tài thần học ở trong bối cảnh mà nó được tưởng tượng để viết lại câu chuyện sáng thế và chú tâm vào những vấn đề như Kitô học từ cách nhìn của phụ nữ. Elizabeth Schussler Fionza trong cuốn In Memory of Her không những là cuốn sách phê bình kinh thánh một cách tinh vi khúc chiết mà nó còn là một thách đố "tính khách quan" của kinh viện, đặc biệt như được tìm thấy trong những môn học về kinh thánh, trong cách lập luận của nó là tất cả mọi học giả đều có những thành kiến lý tưởng riêng của mình. Elizabeth Johnson trong cuốn She Who Is vẽ lại những trang sách tín điều về Thiên Chúa và đề nghị rằng sự phục hồi truyền thống khôn ngoan có thể giúp ta trong việc mở rộng viễn ảnh của con người về Thiên Chúa. Nhưng những nghiên cứu này đều khởi nguồn từ truyền thống - phê bình kinh thánh, các tín điều của thần học hệ thống - nhưng rồi đẩy truyền thống sang một bên (hay ngược đầu) bằng cách thách đố phương pháp và những phỏng dịch căn bản (chẳng hạn như mục tiêu của học giả kinh thánh, sự giả định Thiên Chúa là đàn ông).
Sự phát triển thứ tư trong những nghiên cứu của phụ nữ và tôn giáo là sự nổi lên tiếng nói của phụ nữ "ở bên lề": Phụ nữ Phi Châu và Mỹ Phi Châu, Latinh và Mỹ Latinh, Á Châu và Mỹ Á Châu đã thách đố công trình nghiên cứu của phụ nữ Âu Châu và Âu Mỹ Châu như là đại diện có thẩm quyền đủ cho tất cả tiếng nói của phụ nữ. Lập luận rằng sự thống trị của phụ nữ da trắng phản ánh sự thống trị của đàn ông da trắng và văn hóa da trắng, những phụ nữ không thuộc về đa số đã phát triển những sự tiếp cận với phụ nữ và tôn giáo cách khác biệt. Ada Maria Asasi-Diaz, nhà thần học Mỹ gốc Cuba, đã đặt ra từ muserista cho những phụ nữ Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha thay thế cho từ "feminist"; phụ nữ gốc Phi Châu đã dùng từ của Alice Walker womanist như là cách để diễn tả đặc tính riêng của họ. Những sự thách đố của những nền thần học này đối với nền thần học của phụ nữ da trắng không những chỉ trong những khái niệm về từ ngữ nhưng là về bản chất. Ví dụ, cả hai nền thần học womanist và mujerista đều lập luận rằng thần học phụ nữ (da trắng) đặt trọng tâm quá nhiều vào cá nhân, ngược với những trọng tâm thường qui hướng về gia đình và cộng đoàn của họ; những tư tưởng về Kitô học của phụ nữ (da trắng) phê bình việc nhấn mạnh vào sự hy sinh trên thánh giá đã quên rằng sự đau khổ của Chúa Giêsu trong nhiều cách có thể là nguồn hy vọng cho những ngươì bị thống trị và áp bức; vấn đề ngôn ngữ "bao gồm" về Thiên Chúa có thể không thích hợp khi nói về sự đạo đức sùng kính truyền thống của những người bị áp bức và nô lệ trước đây. Quan trọng hơn nữa, những nền thần học này đã đưa ra một câu hỏi về sự thích hợp của những quan niệm về "kinh nghiệm", lập luận rằng "vị trí trong xã hội" của một người sẽ xác định một phần lớn cách hiểu biết về thế giới quan của họ và vì thế sự hiểu biết về chính mình cũng như về Thiên Chúa. Vì vậy, một vài người tranh luận rằng thật là sai lầm từ căn bản khi nói về "kinh nghiệm của phụ nữ", như thể toàn thể phụ nữ trên thế giới đều có chung một kinh nghiệm như nhau.
Phong trào phụ nữ có ảnh hưởng gì trên môn thần học? Có rất nhiều cách để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, tôi sẽ chú tâm vào những vấn đề sau đây. Thứ nhất, phong trào phụ nữ đã ảnh hưởng sâu đậm trên quan niệm thần học về khái niệm con người, và vì thế về phương pháp thần học; thứ hai, nó thách thức những tư tưởng truyền thống về thần học luân lý, đặc biệt về tính dục của con người; thứ ba, nó kêu gọi sự đặt lại câu hỏi về các tín điều, đặc biệt tín điều về Thiên Chúa, về Ðức Kitô và về giáo hội.
(Trích trong cuốn The Twentieth Century - A Theological Overview
Edited by Gregory Baum
Orbis Books - Maryknoll, New York, 1999)