Ai Có Sẽ Ðược Cho Thêm

Deirdre DempseyBarbara E. Reid, O.P.

Lm. Nguyễn Hùng Cường, M.M. chuyển dịch ra Việt Ngữ

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

"Tôi nói cho các ngươi hay: phàm ai đã có thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi". (Luke 19:26)

 

Ðây là câu kết luận về dụ ngôn mười nén vàng trong Phúc Âm thánh Luca đoạn 19:11-17. Câu chuyện này kể về một người quí tộc trẩy đi phương xa để lãnh nhận vương quyền. Trước khi ra đi, ông gọi mười người trong số các tôi tớ của ông và trao cho mỗi người một nén vàng, rồi dặn họ làm ăn sinh lợi cho đến khi ông trở về. Có một tình tiết phụ ở đây (Luke 19:14-27) cho chúng ta biết rằng dân chúng ghét ông và không muốn ông làm vua cai trị họ. Lời của một trong các tôi tớ trong câu 21 tiết lộ rằng ông ta là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Chính câu này cho chúng ta một manh mối để giải thích về dụ ngôn này: người quí tộc có thể không phải là mẫu gương anh hùng đáng cho chúng ta noi theo.

Tuy nhiên, ông vẫn đạt được vương quyền và khi trở về ông gọi từng người tôi tớ đến để báo cáo về sổ sách kế toán cho ông. Người đầy tớ đầu tiên đã được trao cho trách nhiệm cai trị mười thành phố bởi đã làm sinh lợi ra mười nén vàng từ một nén vàng mà ông đã trao. Người đầy tớ thứ hai cũng vậy, được giao cho năm thành phố vì đã làm sinh lợi ra thêm năm nén. Riêng người thứ ba trả lại y nguyên nén vàng cho ông chủ đã được gói kỹ lưỡng trong khăn. Sự sợ hãi về tính khắt khe và lòng tham lam của người quí tộc quả đã xẩy ra đúng như vậy khi người đầy tớ bị kết án vì đã không gửi nén vàng vào ngân hàng để ông chủ có thể thu thêm tí tiền lời. Thế là nén vàng bị ông chủ lấy lại và đưa cho kẻ đã có mười nén.

Một câu chuyện như thế không thích hợp với chúng ta những người đang sống trong xã hội tư bản. Chúng ta sẽ nghĩ ngay rằng những hành động của người quí tộc là đúng là hợp lý: tiền phải đẻ ra tiền bằng cách đầu tư và buôn bán để sinh lợi. Gần đây, Richard Rohrbaugh đã chiếu một ánh sáng mới vào câu chuyện ("A Peasant Reading of the Parable of the Talents/Pounds: A Text of Terror?" Biblical Theology Bulletin 23 [1993] 32-39) bằng cách đọc nó trong mối tương quan với ý niệm về nguồn tài nguyên giới hạn của những nền văn hóa thuộc vùng Ðịa Trung Hải trong thế kỷ thứ nhất. Trong một xã hội như thế, người ta nghĩ rằng chỉ có một số tài sản cố định; bất cứ sự gia tăng của cải của một người nào là do sự lấy đi từ người khác. Mục đích của cuộc sống là có thể làm thỏa mãn những nhu cầu cần thiết của gia đình mình, chứ không phải là tích lũy một tài sản vô hạn. Từ góc nhìn này, người quí tộc quả là tên ác độc tội lỗi vì lòng tham không đáy của ông. Và đối với người dân thường, nó diễn tả cuộc sống như là họ hiểu biết nó: kẻ giầu cứ giầu có thêm, và họ đã giật đi từ tay người nghèo ngay cả những cái họ có chả đáng kể chi. Nhìn cách này, dụ ngôn này không nhằm ủng hộ hay khuyến khích những kẻ lười biếng hay nhút nhát lo sợ phải cần cù chăm chỉ hơn. Ðúng hơn, nó là một sự khuyến cáo cho những kẻ giầu có đã bóc lột người nghèo và tiếp tục tích lũy tài sản giầu có cho riêng mình. Nó là Tin Mừng nếu chỉ khi nào người quí tộc được coi như là kẻ không nên cho chúng ta bắt chước noi gương.

Sự giải thích như vậy đặt ra cho những tín hữu của những quốc gia thuộc về thế giới thứ nhất với một sự thách đố thích đáng. Khi chúng ta ngày càng trở nên ý thức rằng nguồn tài nguyên của trái đất quả có giới hạn và vì thế sự xử dụng quá mức cần thiết của một số người là cướp đi nguồn sống của người khác, dụ ngôn này mời gọi mỗi người chúng ta hãy tự xét lại những định kiến của chúng ta về sự liên hệ giữa công lý và những ý tưởng về sự tiến triển vô hạn trong nền kinh tế hiện nay.

 

Trích báo The Bible Today,

Tháng 11 năm 1997

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page