Kinh Thánh Do Thái:
Chúng Ta Bắt Ðầu Từ Ðâu?
Deirdre Dempsey
Lm. Nguyễn Hùng Cường, M.M. chuyển dịch ra Việt Ngữ
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Dr. Deidre Ann Demsey, tiến sĩ về các ngôn ngữ cổ vùng Do Thái (Simitic languages) từ Trường Ðại Học Công Giáo Mỹ. Hiện đang dạy học tại phân khoa thần học của Trường Ðại Học Maquetie và dùng mùa hè trong việc khảo cổ học đào bới tại Syria. Bà còn là hội viên của ban biên tập cho việc tu sửa phần Cựu Ước trong bản dịch New American Bible.
Hầu hết những ai có chút hiểu biết về Kinh Thánh đều cho rằng những người chuyển dịch Cựu Ước bắt đầu với bản văn Do Thái. Phần lớn, điều ước đoán này là đúng. Nhưng từ đâu mà chúng ta có bản văn Do Thái này? Những bản sao mà chúng ta có đã bao nhiêu tuổi rồi? Có một bản phóng tác tiêu chuẩn của Kinh Thánh Do Thái nào không?
Masoretes và Bản Văn Masoretic
Khi các nhà chuyên gia và các nhà thông dịch nói về công cụ sử dụng trong nghề của họ, họ thường nói về một vài điều được gọi là "Bản văn Masoretic" (Viết tắt là MT). Bản văn Masoretic này là bản văn của Kinh Thánh Do Thái mà các giáo sư và các nhà dịch thuật sử dụng cho công việc nghiên cứu khoa học của họ. Ðó là cái gì và nó đến từ đâu?
Bản văn Masoretic lấy tên từ một nhóm những học giả Do Thái thời trung cổ được gọi là Masoretes. Họ được gọi như vậy vì họ là những người có nhiệm vụ cho việc phát triển và truyền đạt Masorah lại - Masorah là những truyền thống và luật lệ chi phối việc sao chép và chuyển giao lại những bản văn viết tay của kinh thánh. Cả hai từ, "Masorete" và "Masorah" có lẽ có cùng một gốc là msr, "giao cho" hoặc "truyền lại" từ đời này đến đời kia. Masoretes là "những người giao chuyền", "trao lại" những sự chỉ dẫn và truyền thống này. Lúc đầu, có hai trường phái Masoretic. Các nhà Masoretes phương Tây ở Palestine, trung tâm tại Tiberias, trong khi các nhà Masoretes phương Ðông ở Babylonia (Iraq hiện tại). Cuối cùng trường phái Masoretes Ðông mất đi ý nghĩa và trọng tâm và biến mất. Vì thế, những quan điểm và phương pháp của trường phái của Tiberias đã trở thành quy tắc tiêu chuẩn.
Masoretes là những nhà ghi chép rất tận tụy của bản văn cổ được truyền lại đến tay họ từ khoảng thời gian 100 A.D. Bản văn cổ này, căn bản của những bản chép tay thời trung cổ của họ, chỉ được viết bằng phụ âm mà thôi (không có nguyên âm). Bản văn chỉ bằng phụ âm này là những bản văn trở lại hàng vài thập niên theo sau sự phá hủy của đền thánh năm 70 A.D. Trong những thập niên này bản canon của Kinh Thánh Do Thái - danh sách những cuốn sách được chấp nhận như là thẩm quyền chính thức - đã được xác định bởi các giáo sĩ Do Thái, và bản văn phụ âm này được tiêu chuẩn hóa. Bản văn bằng phụ âm tiêu chuẩn này dĩ nhiên không phải là sự sáng tạo mới mẻ gì của thế kỷ thứ nhất. Các nhà giáo sĩ Do Thái chắc chắn dựa trên những truyền thống trước đó. Vì thế, ví dụ, một vài bản văn kinh thánh được tìm thấy giữa những cuộn Biển Chết (Dead Sea Scrolls) rất giống bản văn phụ âm mà các nhà Masoretes còn giữ được. Những bản văn Biển Chết này, được định trong khoảng thời gian từ năm 250 B.C. cho đến không trễ hơn năm 70 A.D. là những bản văn kinh thánh sớm nhất (cũ nhất) mà chúng ta có. Nhưng phần lớn những bản văn chép tay từ Biển Chết này là những bản vụn vặt; góp tất cả lại thì cũng chỉ được khoảng hơn 10% của cuốn Kinh Thánh.
Những Lời Chú Giải Bên Lề Của Các Nhà Masoretes
Ðể bảo vệ truyền thống của bản văn họ nhận được, các nhà Masoretes đặt thêm những chú thích ở bên lề của những bản văn chép tay của họ, để bảo đảm rằng có thêm bớt một điều gì trong bản văn kinh thánh. Những ghi chú này được phân thành nhiều loại. Masorah Parva (Masorah nhỏ) bao gồm những lời ghi chú viết ở lề bên cạnh bản văn. (Masorah cuối) là những tài liệu góp nhặt được đặt ở cuối một cuốn sách hay một phần nào đó (ví dụ, tại cuối sách Torah). Những ghi chú này cung cấp những thông tin rất hữu dụng (ngay cả rất quan trọng) cho những nhà chép tay bởi họ ước ao một cách nhiệt thành để chép những bản văn kinh thánh này một cách trung thành trải qua hàng ngàn thế kỷ trước khi máy in chữ được phát minh. Ðể hiểu sự quan trọng của Masorah, hãy nhớ rằng những bản văn chép tay thời trung cổ này không có những vận luật đẹp đẽ và gọn gàng như những cuốn Kinh Thánh của thời nay. Những con số chương và đoạn tương đối là những phát minh của thời hiện đại.
Những thông tin gì chứa đựng trong những ghi chú bên lề này? Một trong những loại thông dụng nhất là ghi chú về sự thường xuyên. Những ghi chú này cho độc giả biết rằng một chữ hay một đoạn thường được lập lại bao nhiêu lần trong một phần đặc biệt nào đó của Kinh Thánh (ví dụ, Torah). Một vài ghi chú cho thấy sự xẩy ra tương tự hay hay song song của một chữ hay một câu nào đó, nói với độc giả rằng họ có thể tìm thấy những hàng chữ những câu tương tự ở trong những đoạn khác. Thường thì có một ghi chú đánh dấu nơi mà "một nửa cuốn sách" (ví dụ, điểm giữa của sách Genesis - Sáng Thế Ký) đã đọc tới rồi, một mảnh thông tin thật quan trọng cho những nhà sao chép siêng năng cần cù. Những thông tin hữu dụng thì rất nhiều. Nếu, ví dụ, một câu nào đó tình cờ lập lại cùng một chữ nhiều lần, các nhà Masoretes có thể viết điều này trong những ghi chú ở bên lề, nhờ vậy những nhà sao chép tương lai có thể đã được cảnh tỉnh để chú ý hơn. Nếu không thế, các nhà sao chép có thể lướt mắt qua một trong những sự lập lại của một chữ nào đó và bỏ qua một phần của bản văn.
Ðặt Nguyên Âm Vào Bản Văn
Bản văn cổ Do Thái chỉ được viết bằng phụ âm; không có một nguyên âm nào cả. Các nhà Masoretes có nhiệm vụ cho việc phát triển một hệ thống chỉ định những nguyên âm, được gọi là "chấm điểm" bởi vì những dấu cho nguyên âm là những dấu chấm và những dấu gạch. Hệ thống này bảo đảm sự phát âm chính xác khi có nhiều người cùng đọc bản văn lớn tiếng chung với nhau. Nếu nhìn vào bản in của Kinh Thánh Do Thái hiện tại, người ta không những chỉ nhìn thấy những phụ âm nhưng còn là sự chấm điểm, những dấu chấm những dấu gạch được dùng để đánh dấu những nguyên âm tùy thuộc vào những phụ âm.
Hệ thống chấm điểm này, phương pháp của việc sửa những nguyên âm trong bản văn toàn bằng phụ âm là một trong những thành quả chính của các nhà Masoretes. Khi tôi giải thích việc chấm điểm này cho học sinh của tôi, tôi thường dùng sự so sánh như của những bảng số xe. Những bảng số xe cho thấy một ý nghĩa nào đó nhưng chỉ dùng những phụ âm và có thể, thỉnh thoảng, làm ta đoán sai hay hiểu lầm. Khả năng tiềm ẩn cho sự hiểu lầm này là sức thúc đẩy đàng sau hệ thống "chấm điểm" nguyên âm vào các bản văn của các nhà Masoretes.
Hệ Thống Trọng Âm Cho Việc Ca Ngâm
Các nhà Masoretes cũng phát minh một hệ thống trọng âm tinh vi phức tạp. Không chỉ có bản văn toàn bằng phụ âm được chấm các nguyên âm mà thôi, nhưng nó còn những chữ trong bản văn được thêm vào với các dấu trọng âm. Những dấu này nhằm giúp đỡ việc ca ngâm bản văn, một cách nào đó cũng giống như trong các sách có những dấu hiệu gạch dưới các chữ để giúp ta hát phần đáp ca vậy. Nó cũng cung ứng thông tin về sự liên hệ của một chữ với chữ khác, một cách nào đó cũng giống như cách hệ thống chấm câu của ngôn ngữ hiện đại.
Các nhà Masoretes đã bắt đầu đặt những điểm chấm của nguyên âm và những dấu trọng âm vào trong các bản văn kinh thánh mà họ sao chép là bao lâu rồi? Thánh Jerome, vào đầu thế kỷ thứ 5 A.D., đề nghị rằng người Do Thái không có cách thế nào để đánh dấu cho những nguyên âm. Bản văn chép tay cổ nhất (đó là, một cuốn sách viết trên cả hai mặt giấy) mà chúng ta có được định thời gian là vào khoảng năm 895 A.D. và có một hệ thống đánh dấu nguyên âm và trọng âm phát triển cách đầy đủ nhất. Vì vậy, nhiều nhà học giả nghĩ rằng những dấu chấm và gạch hữu dụng này đã được đặt vào bản văn trong khoảng thời gian từ năm 600 A.D. đến năm 750.
Chúng Ta Ðã Có Ðược Bản Văn Masoretic Thế Nào
Các nhà Masoretes thường truyền lại những truyền thống của họ trong gia đình của họ. Một ví dụ quan trọng của một triều đại Masoretic là gia đình Ben Asher. Asher the Elder đã bắt đầu triều đại trong thế kỷ thứ 8. Năm thế hệ của Ben Ashers được đề cập đến trong các công việc của Masorets, chấm dứt với Moses Ben Asher và con của ông ta, Aaron Ben Asher. Moses Ben Asher đã sản xuất một bản văn chép tay mà chúng ta có, bản văn Cairo của các sách Tiên Tri (895 A.D.). Aaron Ben Asher còn liên hệ với hai bản văn chép tay cổ rất quan trọng, bản văn Leningrad, một bản văn Kinh Thánh Do Thái đầy đủ trọn vẹn nhất, là bản văn căn bản cho các bản xuất bản chủ yếu của các nghiên cứu hiện tại về Kinh Thánh Do Thái. Bản văn Aleppo, bị hư hại trầm trọng trong thời gian chống dân Do Thái nổi lên ở Aleppo Syria năm 1947, cũng là bản Kinh Thánh Do Thái nguyên thủy đầy đủ. Nó được Moses Mamonides, triết gia người Do Thái thế kỷ 12 chấp nhận như là một sự hướng dẫn đáng tin cậy cho một bản văn tiêu chuẩn.
Do đó những bản văn của Kinh Thánh Do Thái mà ta tùy thuộc vào những bản chép tay của thế kỷ thứ 10 và trễ hơn. Tại sao không có những bản văn Kinh Thánh Do Thái chép tay cổ hơn nữa? Những luật lệ quy định của Do Thái đòi hỏi sự tiêu hủy những bản văn đã cũ mòn và những bản chép tay thiếu sót khiếm khuyết. Khi hệ thống đánh dấu nguyên âm và trọng âm của trường phái Tiberia trở thành có quyền năng chính thức, tất cả các bản văn chép tay cổ hơn giới thiệu những giai đoạn sớm hơn trong việc phát triển những hệ thống đánh dấu nguyên âm và trọng âm đã bị coi là thiếu sót và khuyết điểm. Vì thế, theo giòng thời gian, chúng dần dần biến mất đi.
Chúng ta phải mang ơn những nhà Masoretes cho bản Kinh Thánh Do Thái mà chúng ta hiện có. Nó là điểm khởi hành cho tất cả các bản dịch và cho các công việc nghiên cứu khoa học trong Cựu Ước.
Trích báo The Bible Today,
Tháng 3 & 4 năm 2000