Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 27 tháng 10 năm 2002

Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm A

 

Ðọc Tin Mừng  Mt 22,34-40

34 Khi nghe tin Ðức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại. 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: 36 "Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?" 37 Ðức Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy".

 

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Gương mến Chúa và yêu người sống động nơi trại tập trung Ðức Quốc Xã

Nhật báo Kitô hữu Chứng Nhân (Témoignage Chrétien) kể lại một câu chuyện thật cảm động xảy ra năm 1941 trong thế chiến thứ hai.

Có một vị linh mục bị Ðức Quốc Xã giam trong trại tập trung dành cho người gốc Do thái. Như bao người khác, cha bị hành hạ và ngược đãi tàn tệ, còn hơn cả súc vật. Thế nhưng vị linh mục này vẫn vui vẻ tìm cách giúp đỡ anh em đồng cảnh ngộ đang bị khủng hoảng và tuyệt vọng.

Chính cha xin với viên cai tù cho đi lao động thay thế những người đau yếu. Phần bánh mì ít ỏi của cha có khi được dành cho những người có nhu cầu hơn. Ðối với người vận đồ rách rưới, cha cũng chia sẻ những chiếc áo cũ tương đối còn lành lặn.

Trong hoàn cảnh đầy nguy hiểm, cha vẫn lặng lẽ giấu kín lý lịch bản thân là người Công Giáo, hơn nữa còn là một linh mục! Chỉ có một vài người rất thân thiết mới biết rõ ngài là ai.

Trong số những người được vị linh mục này giúp đỡ, có một cậu thiếu niên vốn là một kẻ bụi đời, lớn lên nơi đầu đường xó chợ, không tin bất cứ ai, lại còn ngang tàng trộm cắp để kiếm sống. Cả ở trong trại tập trung, cậu cũng luôn cướp giật, quấy nhiễu mọi người.

Vị linh mục khả ái đã từng bước, tìm cách tiếp cận, trò chuyện, giúp đỡ, khuyên răn, và cuối cùng đã hoán cải được con người tưởng đã trở nên chai lì và vô phương cứu chữa. Dẫu vậy, ngài thấy vẫn chưa đến lúc nói với kẻ mới hoán cải về Thiên Chúa.

Thế rồi, một hôm, cha được tin bản thân sẽ bị chuyển gấp tới trại Ao-sơ-vích (Auschwitz), một trại tập trung mà chỉ nghe danh xưng, trại viên cũng phải kinh hoàng khiếp sợ, vì đó là nơi hủy diệt con người bằng những hầm hơi ngạt và lò thiêu xác. Ngài cố giữ bình tĩnh khi vội vã chia tay mọi người. Ðứng trước mặt cậu thiếu niên vừa mới quyết định hoàn lương, ngài rất muốn giúp cậu hiểu biết về Chúa, tin Chúa và theo Chúa.

Cha nhìn thẳng vào mặt cậu, nhỏ nhẹ hỏi "Này, cháu yêu của bác, cháu có muốn tin vào một người tên là Giêsu không?" Cậu thiếu niên đứng thẳng người lên, trả lời cha bằng một câu hỏi chân thành: "Nhưng thưa bác, ông Giêsu là ai, để cháu có thể tin?" Biết mình không còn thời gian để cắt nghĩa Kinh Thánh và giới thiệu chi tiết về Ðức Giêsu, cha yên lặng một chút, ngẫm nghĩ rồi buột miệng nói với cậu: "Người đó giống như bác!" Cậu thiếu niên đăm đăm nhìn ngài rồi khẳng khái tuyên xưng: "Vâng, nếu ông Giêsu ấy là một người giống như bác, thì cháu tin!"

Sau thế chiến, người ta không còn gặp lại vị linh mục ấy nữa, nhưng chắc chắn một điều là câu chuyện này được một người sống sót, qua các trại tập trung thuật lại như một chứng từ sống động, người ấy chính là cậu thiếu niên năm xưa, giờ đã là một người tân tòng Công giáo.

Chúa Giêsu đưa hai điều răn ấy sống động nơi con tim con người

Câu chuyện có thực vừa kể giúp ta lãnh hội ý của Ðức Giêsu muốn nói với người thông luật là kẻ đã nêu vấn đề "Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?" (Mt 22,35). Ý của người thông luật này là muốn biết điều răn nào là điều răn lớn nhất trong toàn bộ Cựu Ước. Ðức Giêsu trả lời cho thấy không những điều răn lớn nhất là "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi" (Ðnl 6,5), nhưng còn cho thấy điều răn cũng giống điều răn ấy là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Lv 19,18). Ðiều khiến cho hai điều răn này giống nhau là ở tình yêu được thể hiện nơi con tim con người. Ngang qua con tim, người tin vào Giavê Thiên Chúa mà yêu mến Ngài "hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn người đó, thì cũng ngang qua con tim, người đó phải phải yêu người thân cận như chính mình.

Như vậy, Ðức Giêsu đưa người thông luật từ ý niệm trừu tượng về điều răn lớn nhất tới hành động cụ thể nơi con tim người tín hữu. Mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, thì trong cụ thể, cũng phải yêu thương người bên cạnh như chính mình. Sau này thư thứ nhất của Gioan sẽ nói: "Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (4,20).

Nhưng cần phải trở về với Cựu Ước là bối cảnh nơi người thông luật nêu vấn đề, trước khi bàn tới Tân Ước.

Mười điều răn được công bố trên núi Sinai, tóm tắt các trách nhiệm dân Thiên Chúa. Giavê Thiên Chúa ban mười điều răn này cho dân Giao Ước khoảng năm 1450 trước Công Nguyên. Mười điều răn này được ghi khắc trên hai bia đá sau được lưu giữ trong một chiếc hòm, gọi là hòm bia, như là những vật thánh thiêng nhất trong đạo của Cựu Ước.

Mười điều răn xuất hiện ở hai bản văn Cựu Ước (xh 20,2-17 và Ðnl 5,6-21). Mười điều răn này diễn tả cốt lõi của mối tương quan mà Giavê Thiên Chúa đòi hỏi dân Ngài phải duy trì đối với Ngài. Theo những điều Ngài đòi hỏi dân phải giữ, ta cũng biết được về chính bản thân Ngài. Vậy Mười điều răn không chỉ nói với dân Ítraen nhưng còn nói với cả loài người qua mọi thời về Thiên Chúa, Ðấng tạo thành nên mọi người và mọi sự. Các điều răn đều được lập lại dưới hình thức nào đó trong Tân Ước, với điều răn "giữ ngày sabát" trở thành điều răn "giữ ngày Chúa Nhật".

Có thể tóm tắt mười điều răn như sau:

Tấm bia thứ nhất dạy ta về tương quan đối với Thiên Chúa qua 4 điều răn là:

1. Không được thờ Thiên Chúa nào khác

2. Không được thờ ngẫu tượng.

3. Không được kêu tên Thiên Chúa vô cớ.

4. Phải giữ luật ngày Sabát.

Tấm bia thứ hai dạy ta về tương quan đối với đồng loại với 6 điều răn là:

5. Hiếu thảo đối với mẹ cha.

6. Không được giết người.

7. Không được phạm tội ngoại tình.

8. Không được lấy của người khác.

9. Không được làm chứng gian.

10. Không được ước ao của người khác.

Mười điều răn đều nhắm mục đích tích cực là hướng dân Thiên Chúa tới cuộc sống tròn đầy như được Thiên Chúa dựng nên, theo lời ông Môsê tuyên bố với dân: "Anh em hãy đi đúng con đường mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã truyền cho anh em, để anh em được sống, được hạnh phúc và được sống lâu trên mảnh đất mà anh em sẽ chiếm hữu" (Ðnl 5,33). Ai cũng cần được Thiên Chúa hướng dẫn hầu tránh những chọn lựa có hại cho bản thân và người khác, đồng thời hưởng được tình thương của Thiên Chúa.

Ðức Giêsu đến công bố Nước Thiên Chúa nhằm giúp người ta đạt tới các mối phúc thật (Mt 5,1-12). Các mối phúc thật này không dựa trên cơ sở một thứ tình yêu siêu việt trừu tượng. Con người hạnh phúc thật phải nghiệm thấy nơi con tim của mình sự tràn ngập do tình yêu Thiên Chúa, nhờ đó có sức mạnh để yêu tha nhân như chính mình.

Con đường của các mối phúc

Vậy mối phúc đích thực số một phải là sở hữu Nước Thiên Chúa. Con người nghèo tận căn sẽ "yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn (Mt 22,37). Người đó không còn bị vướng mắc do đam mê nào, cho nên dễ dàng nhận ra mọi sự và cả tạo thành, đều do Thiên Chúa ban. Cho nên người đó, có thể nói, sở hữu được Nước Thiên Chúa như lời Chúa Giêsu dạy: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ" (Mt 5,3). Ðúng như lời người cha nhân hậu nói với con cả trong Tin Mừng Luca: "Con à, lúc nào cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con" (Lc 15,31).

Ðiều mà mối phúc thứ hai nhắm là "được đất Thiên Chúa hứa làm gia nghiệp" (Mt 5,4). Ðất hứa nói đây chính là Nước Thiên Chúa. Người thụ hưởng sẽ chẳng còn phải bon chen để tranh dành ảnh hưởng. Ngược lại, người đó chỉ còn sung sướng làm cho Nước đó được chan hoà dưới sự lãnh đạo của Ðấng kêu gọi mọi người học với Người để sống hiền hậu và khiêm nhường (x. Mt 11,29). Ðó là con đường tốt nhất để yêu tha nhân như chính mình.

Ðiều mà mối phúc thật thứ ba nhắm là được chính Thiên Chúa ủi an (Mt 5,5). Ðể được phúc lành đó, người thụ hưởng cần dựa vào sức mạnh của tình yêu của chính Thiên Chúa, để gánh vác trên vai biết bao hậu quả của tội đang hoành hành trên thế giới. Ðó thực sự là con đường thánh giá đưa tới vinh quang. Người đi trên con đường này, sẽ có thể yêu tha nhân như chính mình dưới sự lãnh đạo của Chúa Giêsu.

Ðó chính là con đường mà vị linh mục của trại tập trung Ðức Quốc Xã trong câu chuyện nói trên, đã đi và đã được chính Thiên Chúa ủi an trong Nước của Ngài.

 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Bạn tâm đắc được gì về câu chuyện nói trên: liên quan tới vị linh mục ẩn danh? Liên quan tới cậu thiếu niên bụi đời nay là người Công giáo tân tòng?

2. Bạn hiểu gì về các mối phúc liên quan tới giới răn mến Chúa và yêu người?

 


Back to Home Page