Ngày
13 tháng 10 năm 2002
Chúa Nhật 28 Thường Niên Năm A
Ðọc
Tin Mừng Mt 22,1-14
1
Ðức Giêsu lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: 2
"Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới
cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách
đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc cưới, nhưng
họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ
khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã
được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và
thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự
tiệc cưới!" 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa
tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, 6
còn những kẻ khác lại bắt các đây tớ của vua mà sỉ nhục
và giết chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai
quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố
của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới
đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không
xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các nẻo đường,
gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới". 10 Ðầy tớ
liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng
tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
11
"Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy
ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12
mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà
lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng
không nói được gì. 13 Bấy giờ, nhà vua bảo những
người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ
tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc
nghiến răng! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người
được chọn thì ít".
Gợi
ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Xin cho ý Cha thể hiện
Sơ
Lêôni, 66 tuổi, vừa trở lại Canađa sau 36 năm truyền giáo
tại nước Tuynidi (Bắc Phi). Thể theo nguyện vọng của Sơ, Bề
trên đã cử Sơ về thành phố Quê-Bếc, nơi Sơ có thể đi
lại thăm nom người chị cả đã 86 tuổi, sống độc thân trong
một căn hộ nhỏ.
Gia
đình Sơ Lêôni được cả thảy 6 anh chị em. Ngoài người chị
cả này và hai người anh là tu sĩ Dòng Tên, Sơ còn hai người
anh bại liệt, không thể tự lo liệu cho bản thân. Chính vì thế
mà chị cả của Sơ đã hy sinh không lập gia đình riêng, nhưng
chọn cuộc sống độc thân để phụng dưỡng cha mẹ già và
chăm sóc hai người em tật nguyền cho đến lúc họ qua đời.
Hơn nữa, người chị cả đã chọn con đường như thế để ba
người em đi tu được yên tâm phục vụ Giáo Hội hơn. Sơ Lêôni
nhớ lại năm 1960, khi Sơ vừa khấn trọn đời, thì nhà dòng
sai đi truyền giáo ở Tuynidi. Một trong hai người anh linh mục
của Sơ lúc đó cũng đang truyền giáo tại Ðảo quốc Haiti. Cũng
như một số người Ả Rập cực đoan theo Hồi giáo trong vùng,
chính quyền Tuynidi chỉ cho phép các thừa sai ngoại quốc đến mở
các công cuộc từ thiện, chứ không được trực tiếp truyền
giảng Tin Mừng. Thế nên cộng đoàn của Sơ Lêôni đã đến
sống tại một khu phố nghèo, mở một thư viện cộng đồng cho
dân chúng đến đọc sách và những lớp học tình thương dạy
chữ cho các trẻ em nghèo thất học. Dù phải vất vả học tiếng
Ả Rập, lại không có được thiện cảm của chính quyền địa
phương cũng như của các thành phần Hồi giáo quá khích, các
sơ vẫn hết lòng yêu mến người Tuynidi và phục vụ đất nước
của họ. Vào năm 1991, khi Mỹ và Phương Tây mở cuộc chiến
tranh Vùng Vịnh để trừng phạt Irắc đã xâm lăng một lân
quốc nhỏ, các sứ quán Phương Tây tại các nước Ả Rập
đã khuyên các kiều dân của họ tại các nước ấy nên đến
tá túc tại các cơ quan ngoại giao để tránh bị bắt làm con
tin hoặc bị sát hại (cắt cổ) bởi những phần tử cực đoan
muốn trả đũa Phương Tây. Thế nhưng các Sơ vẫn chọn ở lại
trong khu phố, sẵn sàng chết như đã sống hết mình cho dân tộc
Tuynidi. Ba mươi sáu năm trời trôi qua thật mau, thật đẹp, nhưng
cũng không thiếu những cam go thử thách. Trở lại Canađa, Sơ
Lêôni thật hạnh phúc vì có được cơ hội gần gũi người
chị cả quảng đại, trong những ngày tháng cuối đời của chị
ấy.
Thế
nhưng hạnh phúc đó đã chẳng kéo dài bao lâu. Một năm sau
đó, Sơ Lêôni được cử vào ban cố vấn cho Mẹ Giám Tỉnh
và phải thuyên chuyển về Nhà Giám Tỉnh cách xa đó 250 cây
số. Một lần nữa, Sơ lại từ bỏ ý riêng, gác qua một bên
lợi ích của người thân, hầu đáp lại tiếng Chúa mời gọi,
thể hiện qua quyết định của Bề trên.
Tiếng Chúa đáng được tuân
phục trên tất cả
Dụ
ngôn tiệc cưới hôm nay bao gồm hai hồi rõ rệt. Hồi một nói
đến việc Nhà Vua mời thực khách (c.1-10); hồi hai liên quan
đến người thực khách không chịu mặc y phục lễ cưới
(c.11-14).
Cùng
mang một chủ đề với hai dụ ngôn "Hai
người con" và "Tá điền
sát nhân" của hai Chúa Nhật trước, hồi một của dụ
ngôn "Tiệc cưới" ám chỉ trước tiên việc người
Do Thái, dân Thiên Chúa tuyển chọn, đã từ khước lời mời
gọi tham dự vào Nước Thiên Chúa (tiệc cưới), nên các dân
ngoại đã đến thế chỗ họ trong bàn tiệc Nước Trời. Tuy
nhiên thái độ từ khước của nhóm khách mời thứ nhất
có thể cũng là thái độ của một số Kitô hữu ngày nay.
Thật vậy, Chúa luôn mời gọi chúng ta tiến vào Nước của
Người bằng một cuộc sống gắn bó hơn với Chúa, chan hoà hơn
đối với tha nhân. Lời mời gọi của Chúa đôi lúc thúc
bách, nhưng cũng có lúc thật nhẹ nhàng, đòi phải có một
thái độ bình tâm mới nghe thấy được. Thế nhưng, dù nghe
thấy, chúng ta không phải lúc nào cũng lẹ làng đáp lại.
Chẳng hạn, có người thân đau yếu tôi phải đi thăm, nhưng
chương trình truyền hình tối nay hay quá...; có những công việc
chung cần gánh vác, nhưng tôi chẳng dại gì nhúng tay vào vì
ai cũng tránh né như vậy; tôi phải bác ái hơn với người
này người kia, nhưng ai mà chịu đựng nổi hạng người đó;
tôi nên dành nhiều thời gian hơn để chăm lo việc đạo nghĩa
và việc học cho con cái, nhưng đợt hàng này nhiều quá, lại
có ăn, nên thôi cứ để lũ trẻ tự lo liệu v.v... Và như
thế, chúng ta có thể kéo dài đến vô tận danh sách những
việc lẽ ra tôi phải làm theo sự thúc đẩy của Chúa và của
tiếng lương tâm nhưng tôi đã không làm.
Câu
chuyện của Sơ Lêôni và gia đình đã nêu cho chúng ta một gương
sáng về việc tiếng Chúa mời gọi đáng được tuân phục
trên tất cả mọi sự, trên cả những công việc xem ra là
nghĩa vụ chính đáng mà ta phải đảm nhận (c.5: thăm trại; đi
buôn...). Thật vậy, Sơ Lêôni lẽ ra có quyền chọn không đi
tu để ở nhà giúp chị cả lo lắng cho bố mẹ và hai người
anh đau yếu. Hai người anh linh mục của Sơ lẽ ra có thể ở
lại trong đời thường, lập gia đình để dòng họ có người
nối dõi. Sơ Lêôni đã có thể từ khước một cách chính
đáng việc phải thuyên chuyển về Nhà Giám Tỉnh cho đến lúc
người chị qua đời v.v... Thế nhưng Sơ và hai người anh đã
đặt tiếng Chúa gọi lên trên tất cả, để hoàn toàn phục
vụ Thánh Ý Chúa. Tiếng Chúa gọi đôi lúc bất ngờ, đi ngược
lại những toan tính của con người. Nhưng nếu con người biết
vâng theo, thì sự vâng phục của họ sẽ đem lại nhiều hoa trái.
Tiếng gọi đó không nhất thiết phải là lời mời gọi sống
đời dâng hiến; nhưng ở mỗi bậc sống, mỗi hoàn cảnh, Thiên
Chúa đã kêu gọi mỗi người đến một tình trạng hoàn thiện
hơn theo bậc sống của mình. Chẳng hạn thánh Lê Văn Gẫm ắt
cũng phải phiền lòng khi phải rời chủng viện để về giúp
đỡ bố mẹ già yếu. Thế nhưng nhờ sống theo lòng mến Chúa
đặt trong tim, mà thánh nhân đã trở nên một trợ tá đắc
lực cho các thừa sai nước ngoài; lén lút đưa các ngài vượt
biển từ Mã Lai vào Nam Kỳ, cũng như đưa các chủng sinh từ
Nam Kỳ qua Mã Lai du học. Và cuối cùng, ngay trong bậc giáo dân,
thánh nhân đã được phúc tử đạo trong lúc phục vụ Giáo
Hội và trở nên một vị Thánh lớn trong số các vị tử đạo
của Việt Nam.
Tiếng Chúa đáng được thực
thi đến cùng
Hồi
thứ hai của dụ ngôn (c.11-14) có thể khiến người đọc kinh
ngạc về sự nghiêm khắc của nhà Vua khi ông cho tống cổ một
thực khách không mặc y phục lễ cưới khỏi bàn tiệc. Thế
nhưng chi tiết này của dụ ngôn chỉ nhằm nói lên rằng: chỉ
chấp nhận lời mời dự bàn tiệc Nước Thiên Chúa vẫn chưa
đủ; nhưng còn phải khuôn mình theo lối hành xử của các
"công dân Nước Trời". Nói cách khác, "theo Ðạo" thôi
thì chưa đủ, còn phải "sống Ðạo", thực hành Lời Chúa
cho đến kỳ cùng. "Chiếc aó lễ cưới phải khoác" trong dụ
ngôn này chính là biểu tượng cho việc sống Ðạo, cho việc
thực thi tiếng Chúa mời gọi vang lên trong lương tâm mỗi người.
Về điểm này, Ðức Giêsu từng dạy rằng: "Không phải bất cứ ai nói: Lạy Chúa! Lạy Chúa! là
được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn
của Cha Thầy là Ðấng ngự trên Trời, mới được vào mà
thôi" (Mt 7,21)
Ðến
đây, chúng ta rút ra bài học sau từ dụ ngôn Tiệc Cưới: hãy mau mắn đáp trả đến kỳ cùng lời mời của Thiên
Chúa. Thế nhưng có những người sẽ thắc mắc tại sao
lại phải dự tiệc. Nói cách khác, Tiệc
cưới ở đây có ý nghĩa gì?
Tiếng Chúa mời gọi mọi người
đến với ơn cứu độ
Thật
ra hình ảnh "đại tiệc"
đã được sử dụng nhiều lần trong Cựu Ước để ám chỉ sự khôn ngoan của Thiên Chúa (Cách
Ngôn 9,1-10) và ơn cứu độ cánh chung Thiên Chúa dành cho nhân loại
(Isaia 25,6-12). Ngày đó, Chúa
các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc trên núi này:
tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon... Người sẽ xé bỏ chiếc khăn
tang che phủ mọi dân,... sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần,...
sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người... (Is
25,6-8). Cũng vậy, sách Cách Ngôn có viết: "Ðức
khôn ngoan xây cất nhà mình, dựng trên bảy cây cột; hạ thú
vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn và sai các nữ tì ra đi...
Hãy bước đi trên con đường hiểu biết và các con sẽ
được sống."
Nếu
mọi người hiểu được ý nghĩa trên đây của "tiệc cưới",
ắt họ đã mau mắn đáp lại "Lời mời của Thiên Chúa đến
kỳ cùng, để được chung hưởng sự khôn ngoan và bàn tiệc
cứu độ Người dọn sẵn cho mọi người. Ðó chính là ơn mà
chúng ta cần xin cho nhau hôm nay. Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai
nghe. Chúa có Lời ban sự sống đời đời. Amen.
Một
số câu hỏi gợi ý
1.
Có người cho rằng ơn gọi dâng hiến (như Sơ Lêôni và hai
người anh linh mục của Sơ) thì cao trọng hơn ơn gọi giáo dân
vì ơn gọi đó đòi buộc nhiều hơn. Bạn nghĩ sao?
2. Trong hoàn cảnh hiện tại của tôi, Chúa mời gọi tôi cụ thể điều gì, để cải thiện đời sống thiêng liêng của tôi, cũng như đời sống trong gia đình, trong môi trường làm việc, trong giáo xứ, và trong việc công ích xã hội?