Ngày
22 tháng 09 năm 2002
Chúa Nhật 25 Thường Niên Năm A
Ðọc
Tin Mừng Mt
20,1-16a
Khi
ấy Ðức Giêsu nói: 1 "Nước Trời giống như
chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm
việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thỏa thuận
với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn
nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra,
thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ.
4 Ông cũng bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào
vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng". 5
Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông
lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười
một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng
đó, ông nói với họ: "Sao các anh đứng đây suốt ngày
không làm gì hết?" 7 Họ đáp: "Vì không ai mướn
chúng tôi". Ông bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào
vườn nho!" 8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo
người quản lý: "Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ,
bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người
vào làm trước nhất". 9 Vậy những người mới
vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi
người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người
vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn,
thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11
Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: 12 "Mấy người
sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ
ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc
nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt". 13
Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn,
tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa
thuận với tôi là một quan tiền sao? 14 Cầm lấy phần
của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm
sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ
tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là
của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?"
16 Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng
đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.
Gợi
ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Ðức ái không có biên giới
Sinh
năm 1929 trong một gia đình trung lưu Nhật Bản, tương lai của cô
Satôcô như đã được sắp đặt sẵn. Là một người nhất
mực bảo thủ với các truyền thống trong gia đình Nhật, cha của
Satôcô, cũng là một tiến sĩ nông học, đã muốn giáo dục
cô theo tiêu chuẩn của các thiếu nữ con nhà thượng lưu thời
ấy: trung thành với Nhật hoàng; tòng phục cha mẹ; học những
phong cách và lễ nghi quý phái để sau này phục dịch một
đức lang quân do cha mẹ sắp xếp. Thế nhưng cha cô có ngờ
đâu rằng, một ngày kia, con gái ông sẽ vượt ra khỏi khuôn
khổ gia đình ấy.
Năm
1941, Nhật khai chiến với Mỹ. Cha của Satôcô bị động viên
vào quân đội; còn cô và em trai bị ép buộc vào làm việc
ở một hãnh chế tạo máy bay. Năm 1945, khi chiến tranh kết thúc,
cô ngã bệnh lao vì kiệt lực; còn em trai cô đã chết trước
đó cũng vì lao lực. Năm 1946, cô vào học trường Dược
ở Tôkyô. Một ngày nọ, đang lúc đi dạo ngoài bãi biển,
Satôcô bị cuốn hút chú ý đến hai Nữ Tu Thừa Sai Bỉ. Tuy
không là người công giáo, nhưng một động cơ nào đó đã
thúc đẩy cô theo chân hai nữ tu vào trong một nhà thờ. Vẻ
đẹp của gương mặt bức tượng Ðức Nữ Ðồng Trinh như xoáy
vào tim cô. Trở về nhà, cô đã học đạo với các Nữ Tu
Thừa Sai và được rửa tội năm 1949. Ðó cũng là năm cô
đậu bằng dược sĩ.
Thời
ấy, có một thừa sai Phanxicô người Ba Lan tên là Thầy Ðô
(Deno Sebroski), hoạt động nổi tiếng cho người nghèo ở khu ổ
chuột Annê, ngoại ô Tôkyô. Cùng với một nhóm tu sĩ Ba Lan
do thánh Maximilianô Kôlbê (sau tử đạo trong trại tập trung
Ðức quốc xã) hướng dẫn, Thầy Ðô đã đến Nagasaki từ
năm 1930. Vì những hoạt động nhân đạo nổi tiếng của Thầy,
Thầy là người ngoại quốc duy nhất không bị bắt giữ trong
chiến tranh, mà còn được chính Nhật hoàng ban thư giới thiệu,
kêu gọi mọi người hãy giúp đỡ Thầy. Khi nghe biết về Thầy
Ðô, Satôcô đã nói với cha cô: "Nếu những người Ba
Lan từ xa xôi đến Nhật để tận hiến cuộc đời phục vụ
người nghèo, tại sao các tín hữu Nhật không thể làm như
thế?" Thế là Satôcô đã đến gặp Thầy Ðô và xin đi thăm
khu Annê. Ðêm hôm đó, cô không sao chợp mắt vì đầu óc
miên man với hình ảnh những con người bất hạnh cô gặp
ở Annê. Hơn nữa, gương mặt cũa vị tu sĩ già, lúc nào cũng
ánh lên lòng thương xót và ý chí sắt đá phục vụ người
nghèo, trở nên một thách thức đối với cô.
Sống chết với người nghèo
Khi
thức giấc sáng hôm sau, Satôcô đi đến một quyết định táo
bạo là phục vụ người nghèo mà không cần biết hậu quả
sẽ ra sao. Công việc đầu tay của cô ở Annê là tổ chức
lễ Giáng Sinh năm 1950 cho trẻ em. Sau đó cô vẫn tiếp tục
sinh hoạt đều đặn với các em: dạy học, chăm sóc, nghe các
em tâm sự về hoàn cảnh gia đình. Tuy thế, người dân Annê
chưa tin tưởng cô. Họ nghĩ rằng cô tiểu thư nhà giàu ấy
không sống cho họ, nhưng chỉ vì Chúa; cô yêu Chúa chứ thương
yêu gì họ. Hơn nữa, người dân Annê tuy nghèo nhưng luôn hãnh
diện về khả năng sinh sống nhờ thu lượm đồ phế liệu chứ
không muốn nhận của bố thí. Ðể chứng tỏ lòng thành thật
của mình, Satôcô bắt đầu đi lượm ve chai và đồ phế liệu,
để kiếm quĩ tổ chức các sinh hoạt cho trẻ. Dần dần, cô đã
cảm hóa được những người lớn nhờ sự đơn sơ, vui vẻ
và nhờ tình thương chân thành cô dành cho con em họ. Chính người
lãnh đạo cộng đoàn Annê tặng cô chiếc xe đẩy để công
việc thu lượm phế liệu của cô được dễ dàng hơn. Mỗi lần
cần món tiền lớn để tổ chức những sinh hoạt đặc biệt
như đi nghỉ hè, Satôcô thường cầu khẩn Mẹ Maria và luôn
kiếm được số tiền cần thiết. Những hoạt động từ thiện
của cô đã gây tiếng vang, đến độ tên tuổi cô xuất hiện
cả trên báo chí và truyền hình.
Một
lần nọ, cộng đoàn Annê muốn mua lại của thành phố một thửa
đất lớn để qui hoạch lại khu phố với một trung tâm hướng
nghiệp, một nhà thờ và một công viên. Tuy nhiên số tiền
25 triệu yên vượt quá sức của cộng đồng. Nhân cuộc họp
thương lượng lần cuối của lãnh đạo cộng đồng với chính
quyền thành phố, Satôcô đã trao cho phía chính phủ cuốn sách
"Những trẻ em ở khu ổ chuột Annê" mà cô viết 4 năm trước
đó; đồng thời cô cầu nguyện cật lực cho dự án này.
Sau này khi cân nhắc lại, chính quyền đã đồng ý nhượng
khu đất với giá 15 triệu, trả góp trong 5 năm.
Vì
làm việc quá sức, lại ăn ngủ thất thường, nên chứng bệnh
lao mang lúc 15 tuổi nay quay lại đòi mạng Satôcô. Cô đã dâng
căn bệnh cho Chúa để cầu nguyện cho người dân Annê có
được cuộc sống tươi đẹp hơn. Ngày 20.1.1958, khu phố mới
Annê được khánh thành. Ba ngày sau, "Satôcô của khu ổ
chuột Annê" qua đời ở tuổi 29. Trong những ngày cuối
đời, cha mẹ cô đã đem cô trở lại Annê, để cô qua
đời tại nơi cô hằng yêu mến (viết theo Mẫu
Gương Thánh Thiện, trang 131-142)
Thiên Chúa giàu lòng thương
xót
Tấm
gương của cô Satôcô và Thầy Ðô hẳn làm chúng ta phải cảm
phục. Ðể có thể làm những cử chỉ bác ái như thế, ắt
các vị phải có một lòng thương cảm con người sâu xa và một
đức tin mạnh mẽ vào Chúa. Thật ra, chính Thiên Chúa đã đi
bước trước và là mẫu gương cho nhân loại về lòng
thương xót vượt qua mọi rào cản; Ðấng ban Thánh Thần
trong con tim mọi người, đã khơi dậy nơi họ lòng yêu thương,
xả kỷ, hướng đến tha nhân. Dụ ngôn ông chủ vườn nho hôm nay là một mạc khải của
Ðức Giêsu về Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót.
Thật
vậy, ông chủ vườn nho ấy đã cư xử với
lòng thương xót chứ không theo lối "công
bằng sòng phẳng" như người đời. Với lòng thương
xót, ông đã đi tìm những con người khốn khổ để giúp họ
có được những thứ cần thiết cho cuộc sống. Trong dụ ngôn,
những người khốn khổ đó là những người thợ không kiếm
được việc làm. Không như những chủ vườn khác chỉ ra kêu
đủ số thợ một lần vào
sáng sớm, ông đã ra ngoài kiếm họ những
5 lần. Ðiều khó hiểu là mãi đến giờ thứ 11 ông còn
ra kêu thợ vào làm chỉ một giờ; trong khi dụ ngôn không có
dấu chỉ nào cho thấy có công việc đột xuất cần thêm thợ.
Ðiều đó chỉ có thể được cắt nghĩa như sau: đích nhắm của
ông chủ không là những công
việc, nhưng là, những
con người khốn khoå cần bán sức lao động để kiếm sống
hàng ngày. Chính vì vậy mà ông bận tâm nhiều đến những
người thợ mà mãi đến giờ thứ 6, 9, 11 hãy còn thơ thẩn
ngoài chợ, chưa được ai tuyển dụng; và ông đã ra ngoài những
5 lần.
Hơn
thế, việc ông trả lương đồng đều: một
quan tiền cho mọi người thợ [số tiền cần thiết để
nuôi sống một gia đình trong một ngày], càng cho thấy rõ nét
hơn rằng việc tuyển dụng chỉ là "cái
cớ" để ông chủ nhân hậu giúp đỡ những người
thợ ít mau mắn. Tuy nhiên, lối cư xử đầy
thương xót của ông đã vấp phải những lời dị nghị
của những con người vốn chỉ quen với thứ công
bằng gắt gao đầy vị kyû. Thứ công bằng này thẳng tay
gạt ra ngoài những kẻ yếu thế, không đạt điều kiện của
luật chơi "tiền có trao, cháo mới múc". Trong khi đó, lòng
thương xót thì vượt xa lẽ công bằng: nó không chiết tính sự
tương xứng giữa "cái cho" và "cái nhận", cũng không
nghĩ đến chuyện thiệt hơn; nhưng nhìn thẳng vào sự khốn cùng
của con người, rồi lao mình cứu giúp họ một cách nhưng không,
hoàn toàn vô điều kiện, bất chấp lời đàm tiếu, bất chấp
mọi rào cản. Tóm lại, lòng thương xót là hình
thức công bằng thượng đẳng, vì nó nhằm đem đến cho
mọi người, từ những
người bé mọn nhất, một cuộc sống xứng đáng với nhân
phẩm con cái Thiên Chúa.
Ðó
chính là cách thức mà Thiên Chúa đã hành xử với toàn
thể nhân loại, khi Người ban Con Một đến chịu chết để cứu
độ mọi người, bất kể họ là Do Thái hay dân ngoại; đạo
đức hay tội lỗi; bất kể họ trở lại với Chúa vào thời
điểm nào của cuộc đời họ: dù là "rất sớm" như một
số vị thánh, hay chỉ vào giờ phút cuối cùng; giờ thứ 11,
như trường hợp người trộm lành.
Nước
Trời giống như gia chủ kia, ... đã cư xử với lòng thương
xót đối với tất cả mọi người, từ người sau hết đến
người trước hết. Ðể được thuộc về Nước Trời đó,
mỗi người chúng ta cũng được mời gọi theo gương ông chủ,
và những người đi trước như Thầy Ðô và cô Satôcô, cư
xử với mọi người bằng một lòng nhân từ thương xót, vượt
trên mọi rào cản sắc tộc, tôn giáo, chính kiến, giai cấp xã
hội... và đôi lúc, phải vượt xa cả những nguyên tắc luân
lý thông thường.
Một
số câu hỏi gợi ý
1.
Theo bạn, ông chủ vườn nho có bất công hay thiên vị không?
Bạn có thể bào chữa cho ông như thế nào?
2.
Tại sao sống công bằng là cần thiết, nhưng chưa đủ? Tại sao
cần phải có cả lòng thương xót?
3. Bạn có biết mẫu gương nào về lòng thương xót tại Việt Nam, tương tự mẫu gương của Thầy Ðô và cô Satôcô không?