Tìm hiểu và chia sẻ
đời sống Tin Mừng

Linh Mục Augustine, SJ. phụ trách

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


 

Ngày 4 tháng 08 năm 2002

Chúa Nhật 18 Thường Niên Năm A

 

Ðọc Tin Mừng  Mt 14,13-21

13 Nghe tin ông Gioan Tầy giả bị chém đầu, Ðức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đám đông từ các thành đi bộ mà theo Người. 14 Ra khỏi thuyền, Ðức Giêsu trông thấy một đám người đông đúc thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

15 Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn. 16 Ðức Giêsu bảo: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn." 17 Các ông đáp: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!" 18 Người bảo: "Ðem lại đây cho Thầy!" 19 Rồi sau đó, Người truyền cho đám đông ngả mình trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. 20 Ai nấy đều ăn và được ăn no nê. Những mẫu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. 21 Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.

 

Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Trên 5,000 người đó là ai?

Bài Phúc Âm hôm nay đưa người đọc liên tưởng đến Thánh vịnh 23: "Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ."

Thật vậy, đó là một buổi chiều êm ả, mặt trời đang khuất dạng ở đàng Tây. Trên một sườn đồi xanh thoai thoải, trên 5,000 người đang quây quần thành những nhóm nhỏ, quanh những chiếc rổ tre chứa những chiếc bánh mì to bằng nắm tay và những con cá khô nho nhỏ. Bữa ăn tuy thanh đạm, nhưng mọi người ăn ngon miệng vì đói. Họ trò chuyện nhỏ to; vẻ hài lòng về những gì được thấy, được nghe ngày hôm ấy bên Thầy Giêsu. Vậy họ là ai, cái đám đông được Ðức Giêsu hoá bánh và cá ra nhiều để nuôi sống ấy?

Mấy ngày hôm trước, Ðức Giêsu về thăm làng quê Nadarét. Tiện dịp, Người đã vào giảng dạy trong Hội đường. Dân làng ngỡ ngàng về sự thông thái và uy quyền của Ðức Giêsu, nhưng họ từ khước tin vào anh thợ mộc con ông Giuse ấy. Có tiên tri nào được rạng rỡ nơi quê hương mình bao giờ? (Mt 13,53-57). Thêm vào đó, Hêrôđê mới trảm quyết Gioan Tẩy Giả, anh họ của Người. Con người can đảm ấy đã bị tống ngục lâu nay vì dám can dự vào cuộc hôn nhân ngược ngạo của vua với người em dâu (Mt 14,3-12). Hơn nữa, được biết Hêrôđê đang nghi ngờ Người là Gioan sống lại, Ðức Giêsu đã rút vào hoang địa, để xa tránh thế gian thù nghịch đang khước từ Người (c.13a).

Chính trong lúc Ðức Giêsu bị người đời từ khước, thì đám đông hơn 5,000 người này lại từ các thành tuốn đến tìm Người trong hoang địa (c.13b). Họ say mê Ðức Giêsu đến độ quên cả giờ giấc, quên cả chuyện cơm nước. Dường như Nước Trời được dành riêng cho từng tâm hồn nghèo khó, đơn thành, tìm sự cậy dựa nơi một mình Thiên Chúa, như đám đông dân chúng này. Chính vì điều ấy mà Ðức Giêsu đã có lúc tạ ơn Thiên Chúa Cha, vì đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết các mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng vì đó là điều đẹp ý Cha (Lc 10,21).

Sau khi đến và lưu lại với Ðức Giêsu, đám đông dân chúng không những được no say Lời Chúa, được chữa lành các bệnh tật, mà còn được no nê của ăn phần xác. Phép lạ hoá bánh và cá này thật lớn lao, nhưng cũng thật bình dị: lớn lao vì nào có ai nuôi được 5,000 người no nê chỉ với 5 chiếc bánh và 2 con cá; bình dị vì đó chẳng phải là yến tiệc linh đình gì cả, chỉ có mỗi bánh mì và cá khô: hai thức ăn của người nghèo, nhưng lại tối cần thiết cho sự sống còn của họ. Phép lạ đó cũng cho thấy sự quan tâm của Ðức Giêsu đến những nhu cầu vật chất của người nghèo, cũng như sự cộng tác chặt chẽ và quí giá của các tông đồ, hầu cho phép lạ được thành sự. Thật vậy, chính các tông đồ đã báo cho Chúa biết nhu cầu của dân chúng (c.15); chính các ông đã trao cho Chúa số bánh và cá ít ỏi mà các ông có được (c.17); và cũng chính các ông đã phân phát bánh cho dân, cùng thu lại những mẫu bánh thừa (c.19-20). Ðiều này cho thấy Thiên Chúa muốn con người cộng tác với Ngài đáp ứng nhu cầu của muôn người.

Dân chúng có lòng tốt hơn ta tưởng

Hãy nghe lời chia sẻ sau đây của một người suốt đời thi hành việc đó. Linh mục Uông Văn Phúc (Weren fried Van Straaten) sinh năm 1913 tại Hà Lan. Năm 1947 cho khởi sự chiến dịch cứu đói dân tộc Ðức Quốc bại chiến, dù quân Ðức đã dày xéo đất nước Hà Lan của cha trong chiến tranh. Từ đó tới nay đã trên 50 năm, cha Uông Văn Phúc thu góp được tổng cộng trên 3 tỷ đô la để giúp người nghèo nhiều nơi trên thế giới.

Cha nói: "Ðiều quan trọng nhất mà tôi khám phá ra qua hơn 50 năm nay là dân chúng có lòng tốt hơn ta nghĩ; nhất là Thiên Chúa, Ngài vĩ đại hơn ta chờ mong. Công cuộc cứu trợ chúng tôi thực hiện, dựa trên niềm tin tưởng đó thay vì dựa trên lý luận. Mỗi năm tôi kêu gọi sự đóng góp chừng 75 triệu đô la cho những nhu cầu Giáo Hội khắp nơi. Khi Chúa cho tôi thấy một nhu cầu nào đó mà tôi cần cố công đáp ứng, thì tôi cũng phải xin Chúa khơi dậy lòng ước ao nơi nhiều người thiện chí để họ đóng góp. Trong công cuộc cứu trợ chúng tôi vẫn hành xử như vậy trên 50 năm nay và thấy hai cột chi thu của chúng tôi vẫn cân bằng. Mọi khổ đau không làm tôi thất vọng hoặc cay chua, vì đồng thời tôi còn thấy lòng tốt nơi nhiều người. Tôi luôn ở trong tình trạng thiếu hụt suốt 50 năm qua, do nhu cầu những khoản cứu trợ vượt quá số tiền tôi có nơi ngân hàng. Nhưng cuối cùng tôi luôn nhận được đủ để đáp ứng những khoản tôi đã hứa với người ta. Chẳng hạn, mới rồi có người mang tới văn phòng cứu trợ của chúng tôi 5 ký lô vàng thẻ cùng với một số tiền mặt, tổng trị giá lên tới 1 triệu 7 trăm đô la, vừa đúng số tiền cứu trợ tôi hứa với một cơ quan từ thiện nọ cho năm 1997.

Dự án cứu trợ của chúng tôi được thực hiện sau thế chiến II, nhằm đến 14 triệu người Ðức bị lưu đày khỏi quê hương họ. Chúng tôi đã thu gom đủ thứ mà họ cần dùng, như quần áo, giày dép, đồ ăn, v.v..., ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu mục vụ cho số đông quần chúng như vậy, chúng tôi đã phải huy động trên 3,000 linh mục và phải cung ứng cho các vị tất cả những gì các vị ấy cần đến, chẳng hạn, xe gắn máy, xe hơi, và cả 35 xe vận tải với đủ tiện nghi để tổ chức thánh lễ ngoài trời.

Kể từ năm 1990 tới nay chúng tôi còn giúp Giáo Hội Chính Thống tại Ðông Âu, vì tin rằng chính chúng tôi cần được hoán cải để giúp nước Nga hoán cải, theo sứ điệp của Ðức Mẹ Fatima. Từ hơn 1,000 năm nay, hai Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống đã chia rẽ nhau. Hai bên cần được hoà giải với nhau. Bản thân tối thấy mình cần dùng con đường cứu trợ như cách thức đi đến hoà giải với anh em Chính Thống.

Năm nay tôi đã 85 tuổi nhưng tôi vẫn tự nhủ mình còn có thể tiếp tục công việc cứu trợ. Ngày nào Thiên Chúa còn đánh động người ta đóng góp, chắc Ngài còn cho tôi sức khỏe để làm việc đó." (Viết theo New City, Tháng 3-1999 p.24-28).

Sống Bí Tích Thánh Thể và sự chia sẻ

Phép lạ hoá bánh thường được coi là hình bóng hay "khúc dạo đầu" của Bữa Tiệc Ly, khi Ðức Giêsu chia sẻ chính Mình và Máu của Người làm lương thực đời đời cho nhân loại. Như vậy, Bí Tích Thánh Thể (BTTT) đã trở nên cao điểm của sự chia sẻ, vì nơi đó Ðức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta qua việc trao hiến chính mạng sống mình.

y vậy, khi tham dự BTTT, rất nhiều khi chúng ta chỉ chú tâm đến tương quan chiều dọc, tức kết hiệp với Chúa trong BTTT, mà quên đi tương quan chiều ngang đối với tha nhân. Tương quan này hệ tại việc chia sẻ huynh đệ mà ta bắt gặp thấy nơi cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi: các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy; siêng năng dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng... Họ hiệp nhất với nhau, đặt mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu (Cvtđ 2,42-46). Cũng trong tinh thần này, Thánh Giám Mục Ambrôsiô (thế kỷ thứ 4) dạy rằng: cái áo, đôi dép mà tôi không dùng đến là của người nghèo; chiếc bánh tôi ăn khi không đói cũng là của người nghèo.

Hơn thế, chia sẻ còn là dám hy sinh điều tôi đang cần đến cho ai đó cần hơn tôi. Trong phép lạ hoá bánh, các tông đồ đã trao cho Ðức Giêsu 5 chiếc bánh và 2 con cá mà ai đó đã mang theo làm phần ăn cho chính họ. Thế nhưng chính nhờ chia sẻ số bánh và cá ít ỏi đó mà trên 5,000 người đã được nuôi ăn no nê. Ðó là phép lạ của sự chia sẻ. Thế giới ngày nay hãy còn nghèo đói, cực khổ, bất công phải chăng vì con người chưa biết hoặc chưa dám sống chia sẻ?

Năm 1976, trong một bài tham luận quan trọng có nhan đề "Cơn đói cơm bánh và cơn đói Tin Mừng" đọc tại Ðại Hội Thánh Thể quốc tế nhóm họp tại Philadenphia (Hoa Kỳ), cha Arrupê, Bề Trên Cả Dòng Tên, đã nhấn mạnh rằng khi thông dự vào BTTT, chúng ta dự phần vào một thân thể duy nhất là Ðức Kitô Thánh Thể. Trong một thân thể, nếu một chi thể đau yếu thì toàn thân cũng không được khỏe. Vì thế theo cha Arrupê, "nếu nạn đói còn hoành hành ở một nơi nào đó trên thế giới, thì việc cử hành BTTT ở khắp mọi nơi đều không trọn vẹn. Trong BTTT, chúng ta lãnh nhận một Ðức Kitô đang đói giữa những người đói ăn (-) Chính qua Ðức Kitô (là thân thể) mà những con người đó (là chi thể như ta) nài xin chúng ta một sự giúp đỡ, một sự công bằng, một tình yêu được diễn tả qua hành động. Vì thế chúng ta sẽ không xứng đáng lãnh nhận Bánh Hằng Sống, nếu chính chúng ta không biết chia sẻ cơm bánh cho những người đói khát, bất kể họ ở đâu, bất kể họ là hạng người nào."

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết mở mắt trước những nhu cầu của tha nhân đang cần đến chúng con. Xin giúp chúng con dám chia sẻ với họ "tấm bánh" và "con cá" mà chính chúng con cũng cần đến, hầu cho BTTT chúng con tham dự được trọn vẹn hơn. Amen.

 

Một số câu hỏi gợi ý

1. Khi tham dự BTTT, đã bao giờ bạn biết để ý xem người bên cạnh tôi là ai; họ có nhu cầu gì về vật chất hay tinh thần mà tôi có thể hỗ trợ họ; như gương Ðức Giêsu và các tông đồ không?

2. Theo bạn, ngoài cơn đói lương thực, con người còn những "cơn đói" nào khác ? (tình bạn, sự thông cảm, thiêng liêng, v.v...)

3. Bạn xác tín như thế nào về "phép lạ" mà sự chia sẻ có thể đem lại? Bạn kinh nghiệm gì về sự biến đổi nơi chính bạn và nơi môi trường khi bạn sống tinh thần chia sẻ?

 


Back to Home Page