Ngày
28 tháng 07 năm 2002
Chúa Nhật 17 Thường Niên Năm A
Ðọc
Tin Mừng Mt 13,44-52
Khi
ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: 44 "Nước
Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người
kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán
tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
45
Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm
ngọc đẹp. 46 Tìm được một viên ngọc quý, ông ta
ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
47
Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống
biển, gom được đủ thứ cá. 48 Khi lưới đầy, người
ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá
xấu thì vứt ra ngoài. 49 Ðến ngày tận thế cũng sẽ
xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt
kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50 rồi
quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc
nghiến răng.
51 "Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?" Họ
đáp: "Thưa hiểu." 52 Người bảo họ: "Bởi vậy,
bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời thì
cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình
cả cái mới lẫn cái cũ."
Gợi
ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Máu các thánh tử đạo là
hạt giống phát sinh các Kitô hữu
Lần
đầu tiên nghi lễ phong thánh diễn ra ngoài thành Rôma do Ðức
Gioan Phaolô II cử hành ngày 6 tháng 5, 1984, tại thủ đô Ðài
Hàn. Các vị được tôn lên bậc hiển thánh gồm 103 vị, trong
đó có 10 vị thuộc quốc tịch Pháp, còn lại đều là người
Ðại Hàn.
Hàn
quốc hiện nay dân số gồm 45,314,000 người, trong đó có hơn 3,000,000
người Công Giáo, tức 7,56%, với 1 Hồng y, 3 Tổng Giám mục,
17 Giám mục, 2,358 Linh mục mà 2,115 triều; 243 dòng trong đó 93
là thừa sai ngoại quốc.
Thử
hỏi Giáo Hội đã có mặt ở Hàn quốc từ bao lâu và ai là
người có công loan báo Tin Mừng cho dân tộc Triều Tiên này?
Nét
độc đáo của lịch sử Giáo Hội Công Giáo Hàn quốc là chính
dân tộc này tự động đi tìm kiếm Tin Mừng thay vì chờ
đợi các thừa sai đến loan Tin Mừng cho họ.
Ðó
là vào đầu thế kỷ 17, một nhóm học giả Ðại Hàn lần đầu
tiên tiếp xúc với những tác phẩm khoa học và tôn giáo do
các thừa sai Âu Châu mang tới Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc.
Nhóm trí thức Ðại Hàn này lần đầu tiên nghe biết về Kitô
giáo. Họ đã thực hiện những cuộc thảo luận và so sánh
Kitô giáo với các truyền thống Phật Giáo và Khổng Giáo như
họ được biết. Vượt ngoài quá trình nghiên cứu có tính
văn hoá, nhóm tri thức Ðại Hàn này còn muốn thực thi những
điều Ðức Giêsu dạy. Vậy năm 1779 cộng đoàn Kitô giáo đầu
tiên được thiết lập dưới sự lãnh đạo của một người
trong nhóm, là ông Vũ Bành Ước (Yi Byok). Họ đã sốt sắng
chay tịnh, cầu nguyện và giữ luật ngày Chúa Nhật. Nhưng nhóm
thấy rõ họ cần chịu phép rửa tội để trở nên Kitô hữu
thực thụ. Dịp may đến vào mùa đông năm 1783. Khi ấy thân
sinh của Vũ Sanh Hùng (Yi Sung Hun), một thành viên trong nhóm, cần
đi Bắc Kinh lo công tác ngoại giao. Vậy nhóm đã yêu cầu thành
viên Vũ Sanh Hùng cùng đi Bắc Kinh với bố. Khi tới nơi, lập
tức Vũ Sanh Hùng đã tìm đến với các thừa sai người
ngoại quốc để xin chịu phép rửa tội. Vị thừa sai mà ông
tiếp tục gặp nhiều lần trong 40 ngày tại Bắc Kinh, là linh mục
Giang Minh (Louis Grammont). Vị này đã cẩn thận nêu những câu
hỏi về giáo lý để ông Vũ Sanh Hùng viết trả lời. Cuối
cùng ông Hùng đã lãnh bí tích rửa tội và nhận thánh Phêrô
làm bổn mạng, điều được hàm ý là ông Hùng phải noi gương
thánh Phêrô để trở nên đá tảng trên đó Chúa Giêsu xây
dựng Giáo Hội của Người tại Hàn Quốc.
Tôi coi tất cả mọi sự là
thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời...
Ông
Vũ Sanh Hùng trở về Hàn Quốc tháng 2 năm 1784 và đã rửa
tội cho anh em trong nhóm. Ðó là nhóm Kitô hữu đầu tiên của
Giáo Hội Hàn Quốc. Không đầy một năm sau đó, cuộc cấm đạo
bùng nổ năm 1785. Chính quyền đã khám phá ra cộng đoàn Kitô
hữu Hàn Quốc đầu tiên này mà họ buộc phải giải tán, đồng
thời bắt giữ chủ nhà đã chứa chấp các tín hữu tới
làm việc thờ phượng. Ông Kim Bồng Hứa (Kim Bom-U) đã bị
tra tấn và bị bắt đi đày, và đã qua đời sau đó hai năm
sau. Nhà thờ Chính Tòa tại Seoul hiện nay nằm trên thửa đất
của ông Kim Bồng Hứa. Nhiều cuộc cấm đạo đẫm máu tiếp
theo mà gay gắt nhất vào những năm 1791, 1801, 1839, 1886. Lời
buộc tội chính yếu chống lại Kitô giáo, là các Kitô hữu
không chịu dâng lễ vật cho ông bà tổ tiên.
Trong
các cuộc cấm đạo, các Kitô hữu bị bắt bỏ tù, bị điều
tra xét hỏi và bị hành hạ. Nhà tù chật hẹp mà tù nhân
lại quá đông và thiếu của ăn. Trong hoàn cảnh đói ăn, họ
buộc phải ăn thịt chuột và ruồi nhặng. Nhiều người chết
trong cảnh đói khát và túng quẫn. Mối lo âu duy nhất của
phần đông các Kitô hữu bị giam, là họ sợ chết sớm và
không lãnh được phúc tử đạo bị hành hình vì Chúa.
Trong
số các thánh tử đạo Hàn Quốc, người được các tín hữu
Ðại Hàn yêu mến hơn cả là Anrê Kim Thế Giang (Kim Taegon), người
linh mục đầu tiên của Hàn Quốc.
"Vì Người tôi đành mất hết"
(Ph 3,8)
Cậu
Anrê sinh năm 1821 tại Sầm Mương (Samoe) thuộc một gia đình từng
có những người tự nguyện chết vì đạo. Thân sinh ra ông
nội của cậu chết vì đạo sau 10 năm bị giam giữ! Chính người
bố của cậu là Inhaxiô Kim Chí Dung chết vì đạo năm 1839.
Trong một cuộc cấm đạo, cậu Anrê được chọn gửi đi học
chủng viện ở nước ngoài cùng với hai chủng sinh Ðại Hàn
khác. Học thần học xong, thầy Anrê bỏ Macao năm 1842 và
được Ðức Cha Phan Văn Uông (Ferreol) phong chức phó tế tại
Trung Quốc. Kế đến ngày 15 tháng 1, 1845, thầy trở về Seoul.
Khi ấy cơn cấm đạo dữ dội đến nỗi thầy không cách nào
thăm viếng người mẹ thân yêu của thầy được. Hơn nữa
thầy còn bị đau liệt giường. Khỏi bệnh, thầy liền được
hai vị thừa sai đưa lên một chiếc thuyền nhỏ đi Thượng Hải
để được thụ phong linh mục ngày 17 tháng 8, 1845. Liền sau đó,
Cha Anrê trở về Seoul cùng với Ðức cha Phan Văn Uông và một
vị thừa sai khác nữa. Nhưng ngày 5 tháng 6, 1846 cha bị phát
hiện là linh mục nên lập tức bị bắt. Sau ba tháng ngồi tù,
Cha Anrê bị trảm quyết ngày 16 tháng 9, 1846, khi ấy cha mới 26
tuổi.
Giáo
Hội Hàn Quốc, mặc dầu được thiết lập và phát triển ban
đầu hoàn toàn do các Kitô hữu giáo dân, nhưng Giáo Hội ấy
rất hãnh diện về vị linh mục tiên khởi của mình. Cha Anrê tử
đạo được thế giới công giáo mừng kính ngày 20 tháng 9
hàng năm. Ngài cùng với các bạn tử đạo được Ðức
Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh năm 1984.
Mấy
dòng lịch sử của Giáo Hội Hàn Quốc giúp ta hiểu hai dụ ngôn
trong bài Tin Mừng hôm nay, tức là dụ ngôn kho báu (c.44) và
dụ ngôn ngọc quí (cc.45-46). Cả hai đều cho thấy Nước Thiên
Chúa là một thực tại cao quí không có gì có thể sánh bằng.
Tông đồ Phaolô xem ra cũng có ý nói về điều đó khi viết
cho dân thành Philipphê rằng: "Những gì xưa kia tôi cho là có
lợi, thì nay, vì Ðức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa,
tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt
vời, là được biết Ðức Kitô Giêsu, Chúa của tôi, vì Người
tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để
được Ðức Kitô và được kết hợp với Người." (Ph
3,7-9). Tác giả của thư gởi cho dân thành Philipphê cũng như
tác giả của Tin Mừng Mátthêu, đều muốn nói với người
Do thái rằng ho không nên ngần ngại từ bỏ lời chú giải
riêng của họ về Lề Luật cũng như phong tục Do Thái, để nhận
được trong niềm vui (Mt 2,10) cuộc đổi mới do Ðức Kitô mang
lại.
Hai
dụ ngôn khởi đi từ hai hoàn cảnh khác nhau. Một đàng, người
ta thấy ai đó bất ngờ phát hiện ra một kho báu. Ðàng khác,
người ta lại thấy một nhà buôn có ý đi lùng kiếm ngọc
đẹp. Cả hai hoàn cảnh vừa nói đều nhấn mạnh điểm chung
là làm thế nào tậu lấy cho kỳ được điều được phát
hiện là vô cùng giá trị. Người ta sẽ phải bán tất cả những
tài sản mình có để sở hữu được điều vô cùng giá trị
đó.
Áp
dụng với lịch sử của Giáo Hội Hàn Quốc, ban đầu nhóm trí
thức chỉ mới nghiên cứu Kitô giáo giữa các tôn giáo khác
của Á Châu. Thế rồi dưới sự lãnh đạo của ông Vũ Bành
Ước, nhóm trí thức bắt đầu trả giá cho điều họ thấy là
cao quí nơi đạo Chúa Kitô đến nỗi họ cùng nhau thực thi những
điều Chúa dạy. Quyết liệt hơn cả là việc cả nhóm xin chịu
phép rửa tội để trở thành Kitô hữu thực thụ. Và rồi
những cuộc cấm đạo gay gắt đã sớm là cơ hội để họ làm
chứng cho niềm tin của mình. Số 103 vị hiển thánh tử đạo Hàn
Quốc chỉ mới là con số tượng trưng. Ðúng hơn, trên 10,000
Kitô hữu Hàn Quốc đã hy sinh mạng sống mình vì lòng yêu mến
Chúa Kitô. Chính vì Người mà họ đành mất hết để được
Ðức Kitô và được kết hợp với Người (x. Ph 3,7-9)
Một
số câu hỏi gợi ý
1.
Bạn thán phục điều gì về Giáo Hội Hàn Quốc: sự thành tâm
thiện chí của nhóm trí thức dưới sự lãnh đạo của ông
Vũ Bành Ước? Lòng nhiệt thành của ông Vũ Sanh Hùng? Sự
hy sinh lớn lao của hơn 10,000 Kitô hữu tử đạo?
2. Hai dụ ngôn kho báu (c.44) và ngọc quí (cc.45-46) khác nhau ở điểm nào và giống nhau ở điểm nào?